Vị chủ tịch công đoàn đầu tiên

Lâu nay Hiệp hội thép Việt Nam được báo giới rất có thiện cảm bởi sự dễ chịu, hợp tác nhiệt tình và thân thiện. Mặc dù Ban chấp hành Hiệp hội hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác toàn là các “ông già” nhưng sức làm việc và cách tiếp xúc với báo chí thì cực kỳ chuyên nghiệp. Một trong số đó là ông Nguyễn Tiến Nghi.

Gặp ông, nhiều lần làm việc với ông rồi mà đến khi được “tiết lộ” chú Nghi chính là vị Chủ tịch Công đoàn đầu tiên của Tổng công ty Thép Việt Nam, tôi không khỏi bất ngờ. Rồi ý định viết về “người đầu tiên” này cứ đeo bám tôi suốt để ôn cố tri tân, để nhớ về một chặng đường dài phát triển của Tổng công ty Thép Việt Nam-  CTCP, của tổ chức Công đoàn TCT Thép Việt Nam từ thuở sơ khai cho đến 20 năm sau này.

Mê làm tổ chức

Nguyên Chủ tịch Công đoàn đầu tiên của Tổng công ty Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi khiến tôi vô cùng khâm phục về trí nhớ. Trong toàn bộ cuộc trò chuyện, những mốc thời gian kể từ khi ông chính thức dời quê hương Phù Đổng – Hà Nội lên công trường gang thép làm cán bộ kỹ thuật, cho đến ngày ông đảm nhiệm vai trò Trưởng phòng tổ chức, rồi Phó tổng giám đốc Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên (hiện nay là Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên), sau đó ông trở về Hà Nội, làm Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam… đều được ông nhớ như in từ năm, đến tháng, đến ngày, thậm chí cả giờ. Tôi hỏi: “Sao chú nhớ giỏi thế?” thì ông chỉ cười và bảo: “Nghiệp làm “cán bộ tổ chức” nó ngấm vào chú đến thế đấy cháu ạ”.

Ngày 15/7/1963, ông chính thức đặt chân lên Khu Gang Thép Thái Nguyên, đảm nhiệm vai trò Phó quản đốc của Nhà máy Thép Gia sàng – một trong những hạt nhân quan trọng của Khu Gang thép Thái Nguyên lúc đó. Đây cũng là thời điểm mà Khu gang thép đang mở chiến dịch “bẩy thông” (thông điện, thông nước, thông hơi, thông gió, thông điện tín, thông vận chuyển) nhằm đảm bảo cho lò cao số 1 vào vận hành. Vất vả nhọc nhằn của những năm tháng ở Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên thời kỳ đầu xây dựng ai ai cũng biết.

Khó có thể quên thời gian vừa sản xuất, vừa chiến đấu đó. Lực lượng của công trường Khu gang thép chủ yếu là bộ đội chuyển ngành nên chưa được qua đào tạo chuyên môn. Vì vậy, công tác tổ chức lao động là hết sức quan trọng, phải biết phát hiện, đặt đúng vị trí những “hạt giống đỏ” vừa có chuyên môn vững và hiểu biết để giúp ích cho Nhà máy.

Lúc này, nhận thấy khả năng quán xuyến, biết “dụng nhân như dụng mộc” của ông, cấp trên đã chuyển ông sang vai trò là người làm công tác tổ chức, luôn ngược xuôi và trăn trở tìm tòi nghiên cứu sâu về công tác tổ chức nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho công tác cán bộ của khu Gang Thép lúc bây giờ.

Ngẫm lại khoảng thời gian này ông lại cười: “Bây giờ, mỗi khi họp mặt trên Gang Thép, gặp lại nhiều người, họ cứ bảo ngày xưa chính anh ký quyết định cho em làm chức nọ, chức kia… Cả đời ký biết bao nhiêu quyết định, nhớ sao hết nhưng cứ thấy mọi người nhắc lại vui vẻ là chú cũng thấy vui”…

Gây dựng xong nền móng cho công tác tổ chức, một thời gian sau ông nhận nhiệm vụ cao hơn là Phó tổng giám đốc Công ty Gang thép song vẫn kiêm vị Trưởng phòng tổ chức lao động. Trước đó, ông còn là Phó Bí thư Đảng ủy… Ở vị trí nào ông cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ, song dường như nghiệp “làm tổ chức” đã ăn vào máu của ông. Và sau này, nhờ bản lĩnh, giác quan và kinh nghiệm trong những năm tháng giải bài toán nhân sự của Gang Thép Thái Nguyên, ông đã được vời ra Hà Nội để thực hiện một nhiệm vụ vô cùng quan trọng: viết đề án xây dựng Tổng công ty Thép Việt Nam theo mô hình Tổng công ty 91. Đó là năm 1994.

Ngỡ ngàng lắm trước đề nghị này, song ông cũng hiểu vì sao mình lại được chọn. Thế là ông miệt mài nghiên cứu, đọc sách, mày mò để viết. Khi đề án sơ bộ được trình bày, nhận được những góp ý của các lãnh đạo Bộ Cơ khí Luyện kim, ông đã yêu cầu được đến thăm quan và làm việc một số nước có kinh tế thị trường để tiếp thu và làm tư liệu tiếp theo trong quá trình hoàn thành đề án.

Được chấp thuận, Bộ đưa ông sang Thái Lan học hỏi những mô hình của tập đoàn thép, tập đoàn xi măng của tư nhân. Rồi tiếp theo, ông có 10 ngày được ngồi nghe một tay “trùm tổ chức” của Tập đoàn POSCO nói về cách làm của họ… Tất cả đã được “cái đầu” của một người cán bộ đã có thâm niêm năm gắn bó với ngành Thép thu nhận, để cuối cùng, đề án được hoàn thành. Kết quả của nó là năm 1995, Tổng công ty Thép Việt Nam theo mô hình công ty 91 chính thức được thành lập.

Tôi hồi hộp hỏi: “Thế là chú ở lại Tổng công ty luôn ạ?” “Chưa cháu ạ. Kết thúc đề án, chú lại quay về Gang Thép Thái Nguyên hai năm nữa. Để rồi đến ngày 1/1/1997, chú mới chính thức về Hà Nội để đảm nhiệm một vai trò mà cháu đang quan tâm, chính là làm Chủ tịch Công đoàn của Tổng công ty Thép Việt Nam”

Say nghiệp Công đoàn

Sau khi Tổng công ty Thép Việt Nam được thành lập, nhu cầu lúc này đòi hỏi có một vị chủ tịch Công đoàn vừa có tầm, vừa có tâm, vừa có năng lực, am hiểu về chính sách của người lao động. Ông được chọn một phần rất nhiều vì uy tín, song trong sâu xa, lúc đó, ông là một trong số ít người hiểu về tổ chức – lao động – tiền lương trong hệ thống ngành Thép, đã thế, ông lại đã có thâm niên gắn bó với chuyên môn, với người lao động Gang Thép hơn cả. Mà mô hình của Tổng công ty lúc này không khác gì Gang Thép Thái Nguyên. Trải qua 2 tháng cân nhắc giữa việc đi và ở, lắng nghe tất cả những lời khuyên nhủ của đồng nghiệp, bạn bè và vợ con, nhằm đúng ngày 1/1/1997, ông bằng lòng tiến về Hà Nội.

“Với công đoàn chú cũng là người ngoại đạo. 34 năm gắn bó với Gang Thép Thái Nguyên, từ thuở là phó quản đốc, rồi quản đốc, từ cán thép sang luyện thép, rồi làm trưởng phòng tổ chức, phó tổng giám đốc, phó Bí thư Đảng ủy... chú đã có mặt khắp công trường, xưởng máy của Gang Thép Thái Nguyên nhưng quả thực, chú chưa hề nghĩ một ngày nào đó sẽ làm Chủ tịch công đoàn của một ngành và là người bảo vệ quyền và lợi ích của hàng vạn công nhân... Ở vào cái tuổi 56, cũng chỉ còn vài năm là nghỉ chế độ, chính niềm vui, niềm tự hào bởi đã một lần nữa được lựa chọn lại tiếp cho chú thêm sức mạnh để tiếp tục cống hiến cho một vai diễn hoàn toàn mới”.

Vậy là vị Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam khóa 1 (1996 -2003) đã bắt đầu như thế đó. Tất cả với ông điều là mới mẻ, nhưng vốn là người ham hiểu biết, ham đọc, cộng với bề dầy làm công tác cán bộ nên ông nhanh chóng đã nắm bắt được những điều cơ bản về hoạt động Công đoàn, từ đó ông bắt đầu xây dựng cho Ban chấp hành một chương trình hoạt động bài bản, chuyên nghiệp. Ông tự nhủ: Trước hết, «mẹ» phải đi tìm các «con» đã.

Không quản ngại đường xá xa xôi, ông miệt mài tới mọi vùng miền để nhận các công đoàn nằm ở các địa phương về sinh hoạt với Công đoàn TCT Thép Việt Nam. Thật là một việc làm hết sức ý nghĩa và xúc động. Rồi sau đó, ông bắt đầu ổn định tổ chức và tổ chức các hoạt động cho công nhân như là phong trào thi đua, sáng kiến, an toàn...

Những năm tháng đầu tiên của Công đoàn TCT Thép thật ý nghĩa với người lao động. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, phong trào thi đua phát huy sáng kiến ở các cơ sở sôi nổi hào hứng góp phần rất lớn vào sản xuất kinh doanh.

Đi lên và gắn bó với những công nhân lao động trực tiếp cũng như thấu hiểu những nỗi vất vả của người lao động, ông đã thấy được vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia cùng với chuyên môn thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Chính vì vậy, dù làm việc ở TCT hay đến các đơn vị trực thuộc, thành viên hay liên doanh ông đều gặp trao đổi trực tiếp với Tổng giám đốc – lãnh đạo chuyên môn cao nhất để nắm bắt và xử lý kịp thời các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, tâm tư nguyện vọng về việc làm, đời sống của CNLĐ sau đó ông mới gặp gỡ cán bộ công đoàn. Như vậy vừa đảm bảo công đoàn là cầu nối giữa người lao động với chính quyền, mặt khác bảo vệ quyền lợi người lao động và sau đó gặp gỡ trực tiếp với NLĐ, tìm hiểu, động viên, chia sẻ để họ yên tâm công tác. Làm công tác công đoàn phải hiểu để tham gia về chuyên môn với chính quyền, có như vậy mới hiệu quả và ý nghĩa.

Trong công tác đào tạo cũng vậy, ông luôn trăn trở phải đào tạo thế hệ trẻ phải để thể hệ trẻ tiếp cận với những văn minh của khu vực và thế giới. “Làm công đoàn thực tế không dễ dàng gì song lại luôn bị đánh giá không cao, chính vì vậy có chế độ ưu đãi để cán bộ công đoàn yêu nghề, không chán, không bỏ việc”. Với suy nghĩ đó, ông đã tổ chức được những chuyến học tập gắn với chuyên đề tại các công đoàn nước bạn như Thái Lan, Nhật Bản... cho các cán bộ công đoàn cơ sở. Nhờ vậy, hoạt động Công đoàn của TCT Thép luôn đầy nhiệt tình và sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng trong những năm tháng khởi đầu này, phong trào thể thao, văn nghệ của công nhân ngành Thép cũng đã hình thành và ngày càng phát triển cho đến hôm nay. Những sân chơi này thực sự rất cần thiết với người lao động vì được có những giờ thứ 9 vui vẻ, qua đó tinh thần lao động thêm hăng say.

Kết thúc nhiệm kỳ cũng là năm ông về nghỉ chế độ và chính thức bước vào vai trò mới – Phó chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam. Người ta lại thấy một ông già phúc hậu, kiến thức uyên thâm, nhẹ nhàng, vui vẻ đi lại tất bật trong mọi cuộc họp hành, sự kiện mỗi khi ngành Thép có việc. Một thái độ sống tích cực, một phong cách làm việc chu đáo, tận tình, luôn lấy mục tiêu chung làm trọng của một người cán bộ chuẩn mực chưa khi nào dời xa ông. Ông cùng người bạn đồng hành của mình là Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường đã làm nên hai cây đại thụ đáng kính của ngành thép Việt Nam.

Khi tôi viết những dòng này thì ông Nguyễn Tiến Nghi đã vui vẻ, an nhàn bên gia đình và con cháu từ khá lâu rồi. Nhưng tình cảm của ngành Thép dành cho ông vẫn nồng hậu như ngày nào. Còn ông, vẫn luôn dõi theo sự phát triển của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP với cả trái tim ấm nóng.