Việc xây dựng AEC tiến triển theo đúng lộ trình đặt ra

Đó là nhận định của Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại Hội nghị lần thứ 13 Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC 13) và Hội nghị Tham vấn lần thứ 13 giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Cao ủy Thương mại
Hội nghị lần thứ 13 Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC 13) và Hội nghị Tham vấn lần thứ 13 giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Cao ủy Thương mại EU (AEM-EU 13), trong khuôn khổ Hội nghị cấp cáo ASEAN lần thứ 26 đã diễn ra ngày 26 tháng 4 năm 2015 để chuẩn bị các nội dung kinh tế cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 tại Kuala Lumpur, Ma-lay-xia. Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị này do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu gồm đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao.

ASEAN đã thực hiện được 90,5% các biện pháp ưu tiên

Tại Hội nghị AECC 13, các Bộ trưởng của 10 nước ASEAN phụ trách xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã trao đổi, thống nhất định hướng lớn và các ưu tiên hợp tác kinh tế ASEAN để xây dựng thành công Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015 với Tầm nhìn đến năm 2025.

Các Bộ trưởng ghi nhận việc xây dựng AEC vẫn tiến triển theo đúng lộ trình đặt ra, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều thách thức của nền kinh tế toàn cầu. Tới thời điểm hiện tại, ASEAN đã thực hiện được 90,5% các biện pháp ưu tiên có tác động lớn đến thương mại và đầu tư của khu vực. AEC mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng ASEAN thông qua các lộ trình tự do hóa thuế quan, tự do hóa dịch vụ và đầu tư, các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại (như cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cơ chế một cửa ASEAN), các cơ chế về minh bạch hóa, các nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho sự di chuyển của người lao động, thúc đẩy việc thực thi luật và chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và sở hữu trí tuệ, kết nối ASEAN v.v.

Việc thực hiện các biện pháp AEC cho mục tiêu hội nhập kinh tế và các nỗ lực cải cách, phát triển kinh tế trong nước đã góp phần giúp khu vực ASEAN tiếp tục đạt kết quả tích cực về kinh tế trong năm 2014. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế ASEAN đạt 4,4%, đầu tư vào ASEAN lên tới 136,2 tỷ đô la Mỹ (tăng 11,3% so với năm 2013), tổng giá trị thương mại của ASEAN đạt 2,5 ngàn tỷ đô la Mỹ (tăng 0,6% so với năm 2013).

Các Bộ trưởng khẳng định quá trình thực hiện AEC sau năm 2015 sẽ tiếp tục được củng cố ở mức sâu sắc hơn. ASEAN sẽ nỗ lực hợp tác để trở thành một khu vực ổn định, thịnh vượng, cạnh tranh đi đôi với phát triển kinh tế đồng đều, xóa nghèo và bất công kinh tế xã hội. Để thực hiện mục tiêu này, các Bộ trưởng đã thảo luận và cho ý kiến chỉ đạo về xây dựng Tầm nhìn AEC đến năm 2025 với các nội dung cụ thể như xây dựng một nền kinh tế ASEAN hội nhập, cạnh tranh, năng động, lấy con người làm trung tâm, phát triển các ngành có lợi thế và hướng ra toàn cầu.

Bên cạnh việc thảo luận hợp tác nội khối, các Bộ trưởng cũng ghi nhận kết quả tích cực của việc thực hiện các Hiệp định FTA ASEAN+1, tiến triển trong việc đàm phán FTA mới và nâng cấp các khuôn khổ hợp tác với các đối tác, đặc biệt là việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với các đối tác Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ôt-xtrây-lia và Trung Quốc. Việc tăng cường hội nhập và hợp tác kinh tế với các đối tác sẽ giúp củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong mối quan hệ với các đối tác, thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi cung ứng, tăng cường tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp, qua đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong khu vực.

Việt Nam khẳng định quyết tâm xây dựng thành công AEC năm 2015

Tại Hội nghị, Việt Nam khẳng định quyết tâm cùng các nước ASEAN xây dựng thành công AEC năm 2015 và tiếp tục hội nhập sâu hơn sau năm 2015. Việt Nam tiếp tục là một trong hai nước dẫn đầu ASEAN về tỷ lệ thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN với tỷ lệ thực hiện các biện pháp ưu tiên là 93.5%. Việt Nam khẳng định một trong những ưu tiên của Việt Nam trong năm 2015 là thúc đẩy công tác truyền thông nhằm phổ biến tình hình xây dựng AEC để cộng đồng doanh nghiệp và người dân chuẩn bị và đón nhận các cơ hội cũng như đối phó hiệu quả với các thách thức mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại.

TạiHội nghị tham vấn lần thứ 13 giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Cao ủy Thương mại EU, với vai trò nước điều phối quan hệ kinh tế ASEAN-EU, Việt Nam đã thay mặt ASEAN thông báo tình hình triển khai các chương trình, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai khu vực trong thời gian qua. Cụ thể, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và EU vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. EU duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN.

Hai bên đã nhất trí thông qua Chương trình làm việc cho hai năm 2015-2016 nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên lên tầm cao mới, tập trung vào các nội dung hai bên cùng quan tâm như phát triển kinh tế bền vững, thuận lợi hóa thương mại, tăng cường hợp tác, đối thoại theo các ngành cụ thể. Các Bộ trưởng ASEAN và Cao ủy Thương mại EU cũng nhất trí chỉ đạo hai bên coi trọng việc tham vấn với khu vực tư nhân để các hoạt động hợp tác mang lại kết quả trực tiếp cho doanh nghiệp trong khu vực. ASEAN ghi nhận và hoan nghênh đóng góp của EU dành cho ASEAN thông qua các chương trình hỗ trợ năng lực hội nhập cho ASEAN, đặc biệt là cam kết sẽ tăng hỗ trợ cho ASEAN từ 70 triệu lên 170 triệu Ơ-rô trong vòng 7 năm tới.

Các Bộ trưởng ASEAN và Cao ủy Thương mại EU cũng nhất trí chỉ đạo hai bên tiếp tục rà soát tình hình thực hiện Chương trình làm việc về thương mại và đầu tư ASEAN – EU tới cuối năm 2015 nhằm đánh giá, xem xét khả năng về một hiệp định thương mại tự do trong tương lai giữa hai khu vực.

Trong khuôn khổ các Hội nghị này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng có các cuộc tiếp xúc, trao đổi song phương với một số Bộ trưởng Kinh tế ASEAN như Ma-lay-xia, Lào, Thái Lan và Cao ủy Thương mại EU để trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực như xuất khẩu nông sản, thủy sản, hợp tác năng lượng, đàm phán các Hiệp định kinh tế, FTA v.v.

Hiện nay, ASEAN là một đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, chiếm hơn 14% tổng giá trị thương mại của Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với thị trường ASEAN đạt 42,12 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang khu vực thị trường ASEAN đạt trị giá hơn 19 tỷ USD và chiếm 12,7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước ra thế giới. Dẫn đầu về đóng góp vào tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN bao gồm các nhóm hàng sau: dầu thô, sắt thép, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng, gạo, hàng dệt may và hàng thủy sản. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu xấp xỉ 23 tỷ USD hàng hóa có xuất xứ từ các nước ASEAN, chiếm 15,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước từ tất cả các thị trường.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến tháng 12 năm 2014, đã có 8 nước ASEAN có đầu tư FDI tại Việt Nam là Sing-ga-po, Ma-lay-xia, Thái Lan, Bru-nây, In-đô-nê-xia, Phi-lip-pin, Lào và Cam-pu-chia. Tổng số dự án FDI là 2.507 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 53 tỷ USD, chiếm 14% tổng số dự án và 20% tổng vốn đầu tư của cả nước.


TCCT