Tóm tắt:

Trước tình hình lao dốc của thị trường chứng khoán (TTCK), Trung Quốc đã phá giá kỷ lục đồng nhân dân tệ (NDT). Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố tỷ giá tham chiếu vào sáng 11/8/2015 ở mức 6,2298 NDT đổi một USD, phá giá theo ngày 1,9% so với mức 6,1162 NDT được áp dụng trước đó. Việc phá giá tiền đồng NDT của Trung Quốc có một tác động quan trọng tới kinh tế toàn cầu, và đặc biệt là đến những quốc gia láng giềng như Việt Nam. Đây là vấn đề được đưa ra phân tích trong bài viết, cùng với những đề xuất nhằm góp phần làm ổn định nền kinh tế Việt Nam.

Từ khóa: Thị trường chứng khoán, phá giá đồng Nhân dân tệ, nền kinh tế, xuất nhập khẩu...

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

TTCK và các phiên giao dịch cổ phiếu ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Giao dịch cổ phiếu mang lại lợi ích cho cả công ty và nhà đầu tư. Đối với các công ty, cổ phiếu là nguồn huy động và cung cấp tài chính. Còn với các nhà đầu tư, giao dịch cổ phiếu là cơ hội để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, TTCK còn là thước đo tình trạng nền kinh tế. Vì vậy, sự biến động của TTCK trên thế giới nói chung và trong khu vực châu Á nói riêng có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế của nước ta trong thời gian gần đây.

Hiện nay, trên thị trường châu Á vấn đề chứng khoán đang hết sức nóng hơn bao giờ hết. Những tháng gần đây, TTCK Trung Quốc lao dốc tự do. Ngày 24/8/2015, cả hai chỉ số chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đều đã đồng loạt giảm mạnh, báo hiệu một đợt khủng hoảng của chứng khoán Trung Quốc, kéo theo chứng khoán của châu Á nói chung và của Việt Nam nói riêng có sự biến đổi mạnh.

II. NHỮNG ẢNH HƯỞNG TỪ BIẾN ĐỘNG TTCK TRUNG QUỐC ĐẾN NỀN KINH TẾ CỦA VIỆT NAM

1. Những biến động của TTCK Trung Quốc năm 2015

Ngày 8/7/2015, TTCK Trung Quốc giảm mạnh. Cụ thể, chỉ số ở Thượng Hải giảm 5,9% và Hong Kong giảm 7,35% trong phiên giao dịch. Mặc dù trước đó giới chức Trung Quốc đã vạch ra nhiều biện pháp nhằm cứu thị trường chứng khoán nước này khỏi thiệt hại hàng nghìn tỷ USD. Ít nhất 1.249 công ty chứng khoán đã buộc phải ngừng kinh doanh ở Trung Quốc, chiếm 43% thị trường quốc gia này, bất chấp các biện pháp mới của chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Hầu hết các thị trường trong khu vực đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là các công ty chứng khoán liên kết với Trung Quốc.

Trước tình hình lao dốc của TTCK, Trung Quốc đã phá giá kỷ lục đồng NDT. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố tỷ giá tham chiếu vào sáng 11/8 ở mức 6,2298 NDT đổi một USD, phá giá theo ngày 1,9% so với mức 6,1162 NDT được áp dụng trước đó. Việc phá giá tiền đồng NDT của Trung Quốc có một tác động quan trọng tới kinh tế toàn cầu, và đặc biệt là đến những quốc gia láng giềng như Việt Nam. Đây là mức phá giá lớn nhất trong hai thập kỷ trở lại đây, trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế của nước này chậm dần, biến động TTCK đầy bất ổn. Sau khi đã mất một phần ba giá trị, chứng khoán Trung Quốc đã tăng giá trở lại trong hai ngày liên tiếp nhờ những nỗ lực cứu vớt “quyết liệt” chưa từng có tiền lệ của chính phủ Trung Quốc.

Ngày 27/8/2015, chứng khoán Trung Quốc đã bắt đầu tăng điểm trở lại, sau đợt lao dốc làm chấn động thị trường toàn cầu. Sàn chứng khoán ở một số nước châu Á khác cũng tăng điểm trong phiên đầu ngày nhờ các diễn biến tích cực tại Phố Wall hôm 26/8. Tuy nhiên sự đảo chiều này vẫn chưa đủ để bù đắp lại tổn thất đã qua. Tuy vậy, sự phục hồi này mới chỉ là bước đầu và còn quá sớm để nói rằng chứng khoán Trung Quốc đã qua cơn nguy kịch và sẽ tiếp tục phục hồi và lấy lại những gì đã mất trong gần một tháng qua. Bởi TTCK Trung Quốc thực tế đã tăng trưởng bùng nổ theo kiểu bong bóng trong một năm qua bất chấp nền tảng kinh tế - tăng trưởng kinh tế của nước này - đã suy yếu đi đáng kể trong mấy năm gần đây, quanh quẩn mức 7%/năm so với thời hoàng kim 9-10%/năm trong cả ba thập kỷ trước.

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phá giá VND 3% trong năm nay để tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Trong khi đó dường như chưa có đối sách hiệu quả cho tình trạng chênh lệch thương mại quá lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Báo cáo của Cục Hải quan cho biết, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong bảy tháng đầu năm tăng 4,5 tỷ đôla so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, những bất ổn từ nền kinh tế Trung Quốc đã và đang gây ra ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung mà đặc biệt là TTCK Việt Nam.

2. Ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam

Với tình hình kinh tế của Trung Quốc ngày một xấu hơn, tỷ giá đồng NDT với USD tiếp tục biến động, giá dầu và vàng tiếp tục giảm, nhiều nền kinh tế lâm vào tình trạng tài chính khó khăn thì nền kinh tế thế giới từ nay đến cuối năm chắc chưa có lối thoái. Trong bối cảnh này, các thị trường đầu tư tại Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động. Riêng về hai thị trường bất động sản và thị trường ngoại hối sẽ chịu những tác động gồm cả thuận lợi và bất lợi. Về thị trường bất động sản đang có sự phục hồi tốt và nếu không có những biến động lớn trên thị trường Việt Nam trong thời gian tới thì thị trường bất động sản có thể hưởng lợi từ những biến động tài chính, trong đó có một dòng tiền sẽ đổ vào bất động sản từ những thị trường có nhiều biến động khó lường như thị trường vàng và thị trường ngoại hối.

Đặc biệt đối với TTCK, thị trường này sẽ chịu nhiều tác động trong thời gian tới, trong đó có việc các nhà đầu tư ngoại rút vốn. Giá cổ phiếu của những ngành liên quan đến khoáng sản, nhập khẩu sẽ có thể thuyên giảm. Tuy nhiên, TTCK vẫn được xem là thị trường mang tính minh bạch cao và là thị trường được đầu tư bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp nên có tính bền vững. Tại châu Á, chứng khoán Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc (tăng 16,73%) và Nhật Bản (tăng 15,25%) trong khi tăng vọt mạnh hơn TTCK Nga (tăng 14,19%). Trong khi đó, Reuters cho biết, chỉ số VN-Index của Việt Nam tăng mạnh nhất Đông Nam Á trong năm nay, theo sau là chỉ số chứng khoán chính của Philippines. Theo Reuters, trong quý II vừa qua, lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam là 135 triệu USD, mức cao nhất hằng quý kể từ năm 2007. Bên cạnh đó, hiện cổ phiếu Việt Nam đang được định giá rẻ thứ 2 tại Đông Nam Á, sau cổ phiếu của Singapore. Theo dự báo trung bình của 11 nhà phân tích được hãng tin Bloomberg khảo sát, VN-Index có khả năng sẽ tăng lên mức 622 điểm vào cuối năm 2015, tương đương mức tăng 10% so với mức đóng cửa của phiên giao dịch ngày 28/9. Đồng thời, hãng tin Bloomberg cũng dẫn lời các chiến lược gia cho biết, VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh nhất tại châu Á kể từ đầu năm 2015 nhờ được sự vững vàng của kinh tế Việt Nam che chắn trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Nhìn một cách tổng thể, TTCK chịu sức ép lớn từ hàng loạt các thông tin tiêu cực về kinh tế toàn cầu vốn đang ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài và kích thích mạnh mẽ hoạt động rút vốn ở hai quỹ ETF. Trước những biến động, TTCK có thể có những dao động lên xuống mạnh trong ngắn hạn. Song về dài hạn, thị trường luôn luôn diễn biến theo triển vọng của nền kinh tế vĩ mô nói chung và triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tương đối khả quan với mức tăng trưởng dự kiến từ 13 đến 15% trong năm 2015. Bên cạnh đó, định giá cổ phiếu niêm yết của Việt Nam tương đối rẻ so với các quốc gia trong khu vực, phản ánh qua chỉ số PE ở mức thấp là 10,8 lần (PE của Philippines là 19 lần, Indonesia là 23 lần, Thái Lan là 17 lần). Với những phân tích ở trên, có thể cho rằng, TTCK Việt Nam tăng trưởng tốt trong quý IV/2015.

3. Ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam

Năm 2015, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn cho thấy, những tín hiệu tăng trưởng khả quan. Tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 6,4 đến 6,5% trong năm nay. Lạm phát được duy trì ở mức thấp. VND mặc dù đã giảm 5% so với USD kể từ đầu năm đến nay, song, mức giảm thấp hơn rất nhiều so với các đồng tiền khác trong khu vực. Mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, hỗ trợ mạnh mẽ cho triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.

Tuy nhiên, những biến động tại Trung Quốc cũng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam. Việc đồng Việt Nam giảm giá đã ảnh hưởng đến chi phí vay nợ của các doanh nghiệp có nợ bằng ngoại tệ. Đồng thời nó gây ra những tổn thất cho những nhà đầu tư Việt Nam vào TTCK Trung Quốc. Tuy nhiên, hậu quả này có lẽ chỉ ở phạm vi rất hẹp. Điều này có thể suy ra từ danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư trên thế giới. Chẳng hạn, thống kê cho thấy Quỹ Vanguard Total International Stock, một quỹ được ưa thích bởi các nhà đầu tư muốn vươn ra TTCK nước ngoài, chỉ có chưa đến 4% tài sản đầu tư vào các cổ phiếu Trung Quốc. Với sự đa dạng trong danh mục đầu tư của nhiều nhà đầu tư, ít nhất vài loại cổ phiếu trên vài thị trường, thì rủi ro mất mát đến từ TTCK Trung Quốc sẽ chỉ là một phần của con số 4% này. Với các nhà đầu tư Việt Nam, chắc rằng thiệt hại từ sự lao dốc của chứng khoán Trung Quốc cũng không khác biệt nhiều.

Một ảnh hưởng trực tiếp khác là sự chuyển đổi danh mục đầu tư của không chỉ các nhà đầu tư Trung Quốc mà còn của các nhà đầu tư quốc tế khác hướng vào TTCK Việt Nam. Sau khi đã thấm bài học đau đớn từ việc đầu tư vào TTCK Trung Quốc, sẽ có một bộ phận nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư Việt Nam, tìm kiếm một thị trường thay thế khác an toàn hơn và cũng có tiềm năng tăng trưởng tương đối tốt. TTCK Việt Nam có thể lọt vào tầm ngắm của họ, nhưng có bao nhiêu người trong số này và họ sẽ phân bổ bao nhiêu vốn lại là một chuyện khác, phụ thuộc trực tiếp vào tính hấp dẫn tương đối của TTCK Việt Nam so với các thị trường khác trên thế giới.

III. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO TTCK VÀ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

1. Về quy định Nhà nước

Hiện nay các văn bản pháp luật về công bố thông tin (CBTT) của các doanh nghiệp đang tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tiếp cận với các chuẩn mực CBTT khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, nhằm nâng cao chất lượng CBTT chúng tôi đã tiếp cận theo hướng khuyến nghị các công ty niêm yết là việc thực hiện các quy định của pháp luật mới chỉ đáp ứng các yêu cầu tối thiểu. Để đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư, cạnh tranh thu hút được nguồn vốn, thì doanh nghiệp cần phải làm nhiều hơn các quy định. Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã có nhiều chương trình tập huấn cho doanh nghiệp về quản trị công ty, quản trị rủi ro, báo cáo thẻ điểm quản trị ASEAN, bình chọn báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững cho các doanh nghiệp niêm yết... Để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, chính phủ Việt Nam đã dỡ bỏ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, trừ một số ngành nhạy cảm. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách cũng đang xây dựng kế hoạch sáp nhập hai sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Việt Nam, đồng thời thúc đẩy việc thành lập thị trường phái sinh nhằm đưa thị trường Việt Nam từ mức đánh giá tiềm năng (Frontier Market) lên mới nổi (Emerging Market).

Ngay từ đầu tháng 9, Nghị định 60/2015/NĐ-CP chính thức có hiệu lực mở ra cho nhà đầu tư nước ngoài; cho phép phát triển sản phẩm chứng quyền có đảm bảo tài sản, tạo không gian cho các công ty chứng khoán (CTCK) cung cấp công cụ kinh doanh, công cụ bảo vệ mới cho nhà đầu tư. Cơ hội mở ra cho các CTCK, nhà đầu tư để thị trường bứt phá đi lên. Các đối tác ngoại là cầu nối quan trọng giúp các CTCK kết nối với nguồn nhân lực quốc tế chất lượng cao.

TTCK năm 2015 với nhiều điểm mới sẽ mang đến những tín hiệu tích cực và là cơ hội mới thích hợp để đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng việc nới room cho CTCK vào thời điểm TTCK không mấy thuận lợi, do nền kinh tế chịu ảnh hưởng không nhỏ từ diễn biến giá dầu giảm kỷ lục và Trung Quốc đột ngột phá giá đồng nhân dân tệ sẽ khiến thị trường khó thể bứt phá.

Việc nới room đã mở ra cơ hội mới cho quá trình tái cấu trúc hệ thống các CTCK được nhanh và hiệu quả hơn. Công ty chứng khoán SSI đã chấp nhận "bán mình" khi quyết định xin nới room lên tới 100%. Với quyết định trên, cổ phiếu SSI bắt đầu giao dịch rất sôi động và nhộn nhịp đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các cổ đông nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận nguồn lực mới để xây dựng và quản trị chiến lược, phát triển nhân lực quốc tế chất lượng cao. Từ đó, nguồn lực mới sẽ tạo ra sức mạnh hệ thống giúp các doanh nghiệp hội nhập theo tiêu chuẩn quốc tế. Công cuộc hội nhập, mở cửa ngành tài chính là tất yếu đối với Việt Nam và đi cùng với nó là quá trình thanh lọc các công ty trong ngành chứng khoán.

Nhận định về cơ hội cho công tác tái cấu trúc hệ thống CTCK đang triển khai hiện nay, các chuyên gia cho rằng khi khối ngoại được nới room 100%, cơ hội rõ ràng là mở ra rất nhiều cho các CTCK Việt Nam. Theo đó, các đối tác ngoại sẽ là cầu nối quan trọng giúp các CTCK trong nước được kết nối nhanh chóng hơn với nguồn nhân lực quốc tế chất lượng cao và các bạn hàng toàn cầu theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trước những áp lực cạnh tranh, các CTCK cần phải thay đổi và lớn mạnh để hoàn thiện chiến lược phát triển và quy trình quản trị.

2. Về việc quản lý

Chiến lược kinh doanh bền vững và quản trị là chìa khóa để giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài. Việc các CTCK có thêm yếu tố nước ngoài sẽ giúp các công ty hội nhập với thị trường quốc tế nhanh hơn và sẽ đưa ra được nhiều hơn những sản phẩm có thể tạo nên giá trị khác biệt, tạo gia tăng giá trị cho các cổ đông. TTCK chuẩn bị có nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu đa dạng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, sẽ có rất nhiều sản phẩm vừa là công cụ đầu tư, vừa bảo vệ rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời được niêm yết trên TTCK.

Sự khởi sắc của TTCK phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là sức khỏe của các doanh nghiệp và nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, với điểm nhấn thực thi chính sách nới room và triển khai sản phẩm mới cho thấy TTCK đang có sự thay đổi về chất, để bước lên mặt bằng mới, hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường. Các chuyên gia cho rằng thị trường vẫn đang trong giai đoạn giằng co, tích lũy chứ chưa có cơ hội bùng nổ trở lại. Trong một điều kiện thích hợp nhất, có thể sẽ có một số cổ phiếu tăng giá trở lại giúp chỉ số này cân bằng hơn. Hiện khối ngoại đang trở lại với xu hướng bán ròng, trong khi quỹ VNM ETF vẫn chứng kiến sự sụt giảm số chứng chỉ quỹ trước ngày cơ cấu danh mục.

3. Tái cơ cấu và nâng cao chất lượng

Thứ nhất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cho TTCK thông qua xây dựng cơ chế phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá; giám sát xử lý các doanh nghiệp chào bán cổ phiếu ra công chúng, không đưa cổ phiếu vào giao dịch trong vòng một năm; khuyến khích doanh nghiệp cung cấp thông tin bằng tiếng Anh và xây dựng báo cáo phát triển bền vững; xây dựng cơ chế và lộ trình thực hiện quản trị rủi ro cho các công ty niêm yết; hoàn chỉnh pháp lý để sớm đưa vào vận hành các sản phẩm cơ cấu; xây dựng pháp lý, hệ thống công nghệ thông tin và các hệ thống phụ trợ để sớm đưa các sản phẩm phái sinh vào hoạt động.

Thứ hai, kích cầu và khơi thông dòng vốn trên cơ sở triển khai nâng hạng TTCK Việt Nam trên bảng MSCI; nâng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các DN niêm yết có sở hữu nhà nước; rà soát, điều chỉnh và có cơ chế kiểm soát vốn từ ngân hàng sang TTCK, để đảm bảo an toàn hệ thống, hạn chế sở hữu chéo giữa các định chế ngân hàng và chứng khoán, bảo hiểm, đặc biệt trong mô hình mẹ - con; nâng cao ý thức công bố thông tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư thông qua đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về chứng khoán...; phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp và xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm, thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam; nghiên cứu xây dựng Quỹ bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp các tổ chức trung gian tài chính giải thể, phá sản để đảm bảo tài sản cho nhà đầu tư; xây dựng các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng cho các loại hình sản phẩm mới, chẳng hạn như cho phép các sản phẩm phái sinh được hạch toán theo giá thị trường; tham gia đầy đủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) mà Việt Nam là thành viên, cũng như các tổ chức quốc tế khác về TTCK; phối hợp với các tổ chức quốc tế để tổ chức các diễn đàn đầu tư tại Việt Nam và nước ngoài, qua đó xúc tiến và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hiện đại hóa cấu trúc thị trường theo hướng tiếp tục hợp nhất, giải thể, phá sản các CTCK yếu kém, thua lỗ dựa trên nền tảng các chỉ tiêu an toàn tài chính; cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài mua để sở hữu đến 100% CTCK trong nước; hợp nhất các Sở Giao dịch chứng khoán và phát triển, phân định các khu vực thị trường: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và hình thành thị trường sản phẩm phái sinh...; nghiên cứu hệ thống vay/cho vay chứng khoán, để phục vụ thanh toán bù trừ; xây dựng hệ thống phục vụ các sản phẩm phái sinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Giáo trình Thị trường chứng khoán - Đại học Kinh tế Quốc dân.

2. http://www.vietnamplus.vn/

3. http://www.vinacorp.vn/news/bloomberg.

4. http://fpts.com.vn/

5. http://vietstock.vn/

6.http://www.vinacorp.vn/

Ngày nhận bài: 02/01/2016

Ngày chấp nhận đăng bài: 22/01/2016

Thông tin tác giả:

Trần Thanh Phúc

Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp

Vietnams economy and stock market in the volatility of Chinas stock market 2015

Tran Thanh Phuc

Faculty of Finance and Banking, University of Economics and Technology Industry

Abstract:

China devalued the Yuan at record level to help its economy. This action has caused significant impacts on global economy in general and Chinas neighboring economies, especially Vietnam. This article focus on analyzing the impact of the Yuan devaluation on Vietnamese economy to propose suitable solutions.

Keywords: Stock market, devaluation of the Yuan, the economy, import - export.