Vũ Thị Thuân: Hành trình đưa sự thật ra ánh sáng

Từ trên mái nhà của xưởng đến từng lò điện, xưởng cán, đồ vật vứt chổng chơ như ai cày xới. Nhà xưởng bỏ hoang với máy móc bị hoen gỉ do đã bỏ không từ lâu, cỏ mọc um tùm trên những lối đi, thậm chí m

Nghe tin này từ lâu nhưng mãi tôi mới có dịp trở lại Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng. Tính từ ngày tôi còn hay qua lại nơi này đến giờ đã gần 4 năm, hôm nay gặp lại thật ngỡ ngàng và xót xa đến quặn lòng khi nhìn nhà máy tan hoang cứ như có cơn siêu bão vừa đi qua. Có lẽ ngay cả trong thời chiến tranh, khu gang thép vừa sản xuất, vừa chiến đấu cũng không đến nỗi tàn tệ thế này.

Không để Nhà máy chết

Tiếp chúng tôi tại cổng Công ty là chị Vũ Thị Thuân, người phụ nữ có dáng người gầy mảnh, có vẻ khắc khổ nhưng bù lại, chị rất tươi tắn và nhanh nhẹn. Vồn vã với chén nước chè nguội cuối buổi chiều, ít tai ngờ rằng chị, người nữ nhân viên bảo vệ hiền lành của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng này lại chính là một trong những người phát hiện ra chuyện làm ăn bê bối, gian dối của lãnh đạo Công ty. Và cũng chính chị là người dám đứng lên đấu tranh cho lẽ phải, người đi tìm sự thật, hay đúng hơn đó là đòi lại sự công bằng cho hàng trăm người lao động nơi đây và cho chính chị.

Chị Vũ Thi Thuân và  gần 300 lao động của Cty vật lộn với cuộc sống hàng ngày với đồng lương trợ cấp ít ỏi

Đã từng có thời gian gắn bó làm việc tại khu công nghiệp Gang Thép, tôi có thể hiểu vì sao người phụ nữ này dám đứng lên mang đơn đi tố cáo lãnh đạo của mình. Bởi chị là một người lao động với những đặc tính tiêu biểu của công nhân gang thép: cương trực, thẳng thắn, không ngại đấu tranh, không sợ va chạm, không im lặng trước những điều sai trái. Nhất là mỗi ngày đi làm chị đều phải chứng kiến những việc ngang tai, chướng mắt khiến cho nhà máy bị tàn phá, tài sản bị rút ruột tẩu tán ra ngoài. Đau xót hơn, người làm những việc đó lại chính là các vị lãnh đạo Công ty. Cũng như nhiều người ở đây, gia đình chị đã có 2 thế hệ gắn bó với Công ty từ khi còn là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, cánh chim đầu đàn của ngành Thép đến nay. Vì vậy, Công ty không chỉ là nơi tạo nguồn sống cho gia đình chị, mà còn là người bạn lớn, là nơi gắn bó cả tuổi thơ của chị. Tình cảm đó đã thôi thúc chị đứng lên bảo vệ Công ty với quyết tâm mạnh mẽ: không để Công ty chết!

“Đấu tranh thì tránh đâu”, chị biết điều đó nên khi “được” lãnh đạo Công ty thuyên chuyển sang làm bảo vệ - một công việc mà suốt 38 năm lịch sử của Công ty không có tiền lệ dành cho phụ nữ, chị cũng bình tĩnh đón nhận. Người ta cố tình đẩy chị vào chỗ chết, để bắt chị phải im lặng đây mà. Nhưng chị không sợ mà vẫn tiếp tục con đường tranh đấu mình đã chọn, để đưa sự việc ra ánh sáng càng sớm càng tốt.

Đội đá vá trời

Với trực giác của mình, chị cảm nhận thấy âm mưu thâm hiểm của quyết định chuyển chị sang công việc này. Làm bảo vệ có nghĩa là khó khăn và cạm bẫy giăng trước mắt, rất dễ trở thành tòng phạm và chắc chắn sẽ là kẻ thù của ai đó. Nhận ra cái “hại” của việc này, chị đã hứa với bản thân phải hoàn thành nhiệm vụ dù trong hoàn cảnh nào. Và cũng biết tận dụng cái “lợi” của công việc mới này, chị đã cùng đồng nghiệp phát hiện ra việc làm gian dối hay đúng hơn là âm mưu phá hoại của một số người mang danh là lãnh đạo Công ty.

Chị chia sẻ: “8 năm trước, khi bắt đầu về Phòng Bảo vệ, tại trạm cân này mình phát hiện rất nhiều bất thường như nhập phôi của lãnh đạo Công ty, rồi việc cho xe tải ra vào tự do như chợ mà không có một loại giấy tờ gì thể hiện minh bạch… Nhiều giờ giao ca, nhiều ngày giao ca cho thấy hàng loạt hiện tượng đó, tôi và tổ bảo vệ đã ghi lại thông tin chiếc xe vi phạm để gửi lên cấp trên. Chúng tôi biết, xe vào chở đất đá thực ra bên trên là đất đá còn bên dưới là tài sản của Công ty. Nào là trục cán, nào là phôi thép, phế liệu, thiết bị điện hồ quang... mà không hề có bất kỳ chứng từ nào. Việc rút ruột này họ làm rất tinh vi, Công ty lắp camerra cũng không theo dõi hết được. Rồi tiếp đến là việc đổ đất, xỉ vào nấu thép... Vì vậy, tôi và một số nhân viên tổ bảo vệ biết, âm thầm thu thập chứng cứ đầy đủ rồi đợi thời cơ mới đưa sự việc này lên các cấp chính quyền”.

Bất kỳ ai cũng đau lòng, xót xa khi gặp cảnh hoang tàn, đổ nát này của Công ty CP Luyện Cán thép Gia Sàng

Một mình không thể “đội đá vá trời” được, chị vận động kêu gọi mọi người cùng chung lòng với chị trong cuộc chiến này. Ban đầu ai cũng nhìn chị e ngại. Trong hoàn cảnh đó, người phụ nữ bé nhỏ cùng một lúc phải làm 2 nhiệm vụ: vừa thuyết phục được mọi người cùng ủng hộ mình và bản thân chị phải nuôi ý chí quyết tâm bằng mọi giá phải đi đến cùng. Thế là chị ngày đêm đến từng nhà của công nhân lao động nói và chia sẻ với họ để họ cùng với chị đứng lên bảo vệ Nhà máy. Ban đầu họ nhìn thấy chị đến nhà là họ tránh, vì họ sợ bị liên lụy, sợ bị mất việc làm nên trong hành trình đưa sự việc ra ánh sáng, ban đầu chỉ một mình chị lầm lũi. Nhưng rồi chị cũng tìm thấy người đồng cảm, một người, hai người, rồi ba người… Tích gió thành bão, những đơn từ tố cáo hành vi sai trái của lãnh đạo Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng bắt đầu được gửi đi, tới lãnh đạo Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên, Tổng công ty Thép Việt Nam, Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên, Công đoàn ngành, tới Bộ Công Thương… Thế rồi tiếng kêu cứu của chị Thuân, của những người lao động Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng cũng đã được chú ý, cùng với đó là sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể. Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã nhận được sự chia sẻ và trợ giúp của nhiều đơn vị, đặc biệt là của những người lao động trong cùng ngành Thép mà Công đoàn Tổng công ty Thép Việt Nam đã phát động và mang tới trao tận tay.

Cầm trên tay món quà trợ giúp, nhìn thấy những ánh mắt cảm thông, chia sẻ, nước mắt chị Thuân tuôn trào. Nỗi xúc động, đau xót cứ bóp nghẹt lấy trái tim người phụ nữ bé nhỏ. Chị mừng vui khôn xiết khi thấy những nỗ lực của chị và mọi người đã có ngày được dư luận ủng hộ, việc làm sai của lãnh đạo Công ty đã bị đưa ra ánh sáng. Chị không muốn làm anh hùng nhưng khi tình thế bắt buộc, chị phải làm và đã làm rất tốt vai trò của một con người ngay thẳng, dám bóc trần mọi hành vi sai trái, gian dối.

Cái thiện luôn thắng

Khi được hỏi, trong những ngày tháng đó, chị có nghĩ đến việc người bị tố cáo sẽ trả thù chị không? Chị cười hiền hậu và nói rằng: “Cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái ác, dù tôi có bị trả thù hay không tôi không quan tâm. Tôi dám làm, dám chịu chứ không hề sợ. Tôi đã từng bị người ta chỉ mặt dọa nạt rồi, nhưng tôi vẫn không hề sợ, mà điều đó càng cho thấy họ đang lo lắng vì bị “điểm đúng huyệt” nên tôi càng tin rằng mình đúng và sẽ theo đuổi đến cùng”. Những suy nghĩ giản dị mà kiên định, đầy logic của người phụ nữ bé nhỏ thực sự khiến tôi thấy cảm phục vô cùng. Trong cuộc sống hiện nay, khi mà con người càng ngày thực dụng, làm gì cũng hay đặt quyền lợi của bản thân lên trên hết, những đấu tranh tích cực ngày càng ít dần đi thì suy nghĩ, hành động của chị như là những viên ngọc quý không phải mài dũa nhiều vẫn sáng lấp lánh đầy kiêu hãnh.

Sau khi những sai phạm đã bị phơi bày ra ánh sáng mà cao trào của nó chính là sự kiện tháng 8/2013, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Lê Xuân Hộ bị bắt tạm giam, thì "chiến trường" đã dường như tạm im tiếng súng. Nhưng hậu quả của nó để lại thì người ta vẫn đang khắc phục đến tận giờ phút này và không biết đến bao giờ mới xong.

Cá nhân chị Vũ Thị Thuân, vật lộn với cuộc sống hàng ngày sau gần 2 năm với đồng lương trợ cấp ít ỏi, không ổn định, chồng chị cũng làm cùng Công ty phải về hưu non để lấy tiền trang trải nợ nần trong gia đình. Vì vậy, một ngày với chị luôn tất bật, sáng đến với nồi xôi để phụ thêm chồng nuôi con ăn học xong lại tất tưởi với những buổi ca sáng, ca chiều, ca đêm… Nhưng trong câu chuyện với tôi, phần “kể khổ” này chị lướt qua rất nhanh, mà chủ yếu vẫn đau đáu một nỗi niềm rằng: “Để Công ty đến thảm cảnh này, người lao động chúng tôi có phần trách nhiệm. Giá như chúng tôi biết đấu tranh ngay từ đầu, kiên quyết chống lại mọi hành vi sai trái ngay từ ngày đầu thì Nhà máy đâu đến nỗi này. Đi qua cuộc đấu tranh đến giờ phút này tôi đã nghiệm ra rằng, im lặng trước sai phạm cũng chính là tiếp tay cho tội ác. Trước mọi điều sai trái trong cuộc sống, đừng toan tính nhiều, hãy thẳng thắn, trung thực và đừng quá sợ hãi, cái thiện luôn chiến thắng”.

Tôi tin rằng người phụ nữ chân quê Vũ Thị Thuân chưa bao giờ biết đến câu ngạn ngữ “Hãy can đảm mà sống bởi vì ai cũng phải chết một lần” nhưng có hề gì. Bởi những việc chị làm, những gì chị nghĩ còn hiện thực và đẹp đẽ hơn cả ngàn câu nói hoa mỹ.