Vui, buồn nghề cạo mủ

Ở Kon Tum, những người thợ cạo mủ cao su thường truyền tai nhau câu nói “Con phu thì lại làm phu, con thợ cạo mủ lại như cha mình”. Thế nhưng với họ - cạo mủ sao không chỉ là nghề kiếm cơm mà nghề cạo

Không yêu khó giữ được nghề

“Mình yêu cây cao su như yêu con, bởi có yêu cây thì cây mới cho sữa ngọt nuôi sống mình” câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng câu nói ấy...

Kon Tum những ngày chớm hè. Về đêm trời vẫn se lạnh. Mới 3 giờ sáng, anh Lê tuấn Anh, 45 tuổi quê ở Hà Nam vào Kon Tum sinh sống từ năm 2000 đã phải lục đục thức dậy để chuẩn bị cho ngày làm việc mới.

Hành trang của anh ngoài con dao cạo, đèn pin, xô đựng mủ, ít nhang muỗi thì còn có thêm lọ dầu để phòng gió lạnh về đêm. Kéo cánh cửa, anh ngoái đầu lại thì thào: “Đêm nào đàn muỗi cũng vo ve xung quanh, chực chờ chích vào mặt, vào tay của thợ cạo mủ, nhất là vào những ngày mưa. Do đó, ngoài dao cạo, chiếc đèn pin gắn trên trán, đôi ủng (mang để không bị rắn rết cắn) thì những cây nhang trừ muỗi luôn là vật bất ly thân của người làm nghề này”.

Tỉ mỉ trên từng đường cạo

Màn đêm đen kịt, bám theo anh Tuấn Anh lòng vòng qua những con đường đất đỏ, chúng tôi đến được vườn cao su nhà anh. Mới hơn 3 giờ sáng những rẫy cao su đã bừng sáng ánh đèn pin. Giữa ánh sáng lúc tỏ lúc mờ, các anh, chị em lao động dùng dao rạch 1 đường dài quanh thân cao su để cho mủ chảy vào chén gỗ gắn trên cây; cứ thế lần lượt hết cây này sang cây kia, hàng này qua hàng nọ. Sau khi rạch mủ xong mọi người nghỉ ăn khuya khoảng 2 giờ rồi quay lại đổ mủ vào xô, đem về.

Bàn tay anh em công nhân thu mủ hoạt động liên hồi như một cỗ máy, không ngơi nghỉ. Vừa rạch mủ, anh Tuấn Anh vừa liên tưởng “Nghề này là nghề thức đêm đấy. Để chuẩn bị thu mủ anh em lao động đã bắt đầu công tác chuẩn bị từ 3 giờ sáng. Đó là thời gian mà cây cao su cho mủ nhiều nhất, tinh khiết nhất. Nhưng cũng là thời điểm đối diện với nhiều hiểm nguy nhất”.

Trong câu chuyện của mình, anh nói về duyên nghiệp của anh với nghề cạo mủ. Anh tâm niệm rằng, nghề cạo mủ đến với anh như một mối lương duyên. Trước đó, anh Tuấn Anh cũng đã qua đủ thứ nghề, từ làm điện tử, điện lạnh, rồi phụ hồ… cứ ai gọi gì làm đó, miễn là có tiền lo cho cuộc mưu sinh.

Thế nhưng, công việc lúc có, lúc không mà cuộc sống thì quá nhiều thứ phải lo toan. Nên những năm 2000, anh xin phép bố mẹ vào Tây Nguyên lập nghiệp rồi gắn với nghề cạo mủ từ ấy.

Tôi hỏi anh: “Thành tích nổi bật nhất trong nghề cạo mủ của anh là gì?” Không thoáng chút do dự, anh Tuấn Anh trả lời tôi nhanh và ngọt: “Một ngày anh có thể cạo 100 kg mủ. Tính lương theo sản phẩm có tháng anh được hơn 15 triệu đồng”.

Câu trả lời thật như nêm của anh làm tôi giật mình, quan niệm “Con phu thì lại làm phu, con thợ cạo mủ lại như cha mình” có lẽ đã thuộc về dĩ vãng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Tuấn Anh cũng không ngại ngần khoe: “Anh em thợ cạo mủ bây giờ khá lắm, trung bình mỗi người thu nhập là 7-8 triệu đồng/tháng, người nào giỏi thì hơn rất nhiều. Quay sang chỉ người công nhân bên cạnh mình, anh Tuấn Anh cười lớn, “chú Thụy này là một minh chứng. Thụy vừa xây nhà gần 400 triệu đồng, tất cả nhờ tiền cạo mủ mà ra đó”.

Chị Phạm thị Mai đang thao tác công việc mở miệng cây cao su.

Trong số những công nhân nữ đang tất bật với công việc tại Nông trường, chúng tôi gặp chị Lê Thị Dung. Chị Dung đến với nghề này vào năm 2009, khi ấy gia đình chị đang ở tận Hà Nam và cũng sống bằng nghề nông. Cuộc sống khá vất vả và thu nhập lại thấp. Thế nên chị và chị gái người quen xin việc rồi dắt nhau vào mảnh đất Kon Tum lập nghiệp. Sau lớp đào tạo kỹ thuật cạo mủ cao su gần 1 tháng, chị gắn bó với nghề này từ đó. Đến nay, đã hơn 10 năm làm nghề, cuộc sống gia đình chị giờ đã ổn định hơn.

Nghề này không cần trình độ, được cầm tay chỉ việc vài lần là có thể làm được ngay nhưng nếu ai không chịu khó thì rất dễ bỏ cuộc, vì làm nghề này là sống phải sống về đêm. Đối với những người lao động như chúng tôi thì có công ăn việc làm, có thể lo cho con cái, có chút tiền tiết kiệm phòng khi ốm đau là vui sướng lắm rồi”, chị Dung chia sẻ.

Các công nhân đang học lớp tập huấn nghề cạo mủ cao su.

Gian khó chẳng quản

Hơn 10 năm làm công nhân cạo mủ cao su, chừng đó thời gian đủ để những người thợ nghiệm ra những khó khăn nhọc nhằn của công việc. “Nghề cạo mủ thì phần lớn thời gian phải sống về đêm, với những người có gia đình rồi thì nỗi vất vả nhân lên gấp bội, nhất là việc chăm sóc con cái. Do hai vợ chồng tôi đều là công nhân, nên từ khi các cháu còn nhỏ đã phải gửi nhờ hàng xóm đưa đón nhờ, khi lớn lên thì đứa lớn chăm đứa bé. Nhiều khi bước chân đi làm cũng thấy không yên tâm, nhưng vì công việc, vì tình yêu với nghề đành phải gác lại mọi sự lo lắng…” anh Tuấn Anh tâm sự.

Cùng chung nỗi niềm ấy, chị Dung lúc nào cũng tự dặn mình phải nỗ lực, cố gắng “Nhiều lúc muốn bỏ nghề để tiện chăm sóc con cái, nhưng không đành lòng vì nghề này như đã ăn sâu vào máu thịt của gia đình và cũng nhờ nó mà cuộc sống gia đình mới được như ngày hôm nay…”, nói đến đây, đôi mắt của chị Dung như ngấn lệ.

Không chỉ là chuyện gia đình, chồng con, những người thợ cạo mủ cao su còn phải giấu đi nỗi sợ hãi khi phải làm việc trong đêm. Chúng tôi băng tắt ngang qua nhiều hàng cây, đến phần lô của chị Đỗ Thu Hà. Chưa kịp chào hỏi, chị Hà đã chỉ tay xuống đất, ra dấu cho chúng tôi cẩn thận vì chị vừa nhìn thấy con rắn nhỏ bò ngang qua: “Vào đây là phải nhìn xuống đất quan sát, cỏ cây rậm rạp, hiểm nguy chực chờ, rắn, rết, bò cạp... luôn nấp sẵn đâu đó dưới lùm. Không ít người bị rắn rết cắn, phải nhập viện đó!”, thoáng chút rùng mình khi nghe chị nói.

4 giờ sáng, chị Hà đã hoàn thành được một nửa công việc, đôi mắt thâm quầng. Quần quật với công việc, ít có thời gian chăm chút, chị trải lòng: “Thiếu ngủ triền miên, ban đầu tôi có đắp lá chè xanh để giảm quầng thâm, sau rồi cũng bỏ luôn”.

Câu chuyện về nghề cạo mủ không chỉ dừng lại ở những vui, buồn, ngọt, bùi, cay đắng mà những người thợ mủ ở đây luôn hướng về một tương lai xa hơn với những ước mơ đổi thay cuộc sống.

HUY TƯỞNG