WEF ASEAN - nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng chiến lược sáng tạo

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), ASEAN được biết đến như một khu vực khởi nguồn sáng tạo. Những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại với các nước ASEAN là vô cùng lớn, Thủ tướng Chính

Đúng 10h15 sáng nay 12/9/2018, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, phiên toàn thể Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) chính thức khai mạc với chủ đề “Những ưu tiên của ASEAN trong CMCN 4.0”.

WEF ASEAN là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất trong năm 2018 do Việt Nam tổ chức. Với chủ đề “Tinh thần doanh nghiệp và CMCN 4.0”, Hội nghị WEF ASEAN 2018 đóng vai trò là một diễn đàn lớn và có uy tín trong khu vực có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo nhiều nước trong và ngoài khu vực, nhiều tổ chức quốc tế lớn và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Trong vai trò nước chủ nhà và đồng tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018, Việt Nam đã tạo được dấu ấn khi đưa vấn đề CMCN 4.0 vào nội hàm chủ đề của Hội nghị, cũng như lồng ghép nhiều vấn đề Việt Nam và các nước ASEAN quan tâm vào nội dung nghị sự của Hội nghị như khởi nghiệp sáng tạo, hạ tầng và đô thị thông minh, lao động- việc làm trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Cuộc chạy đua CMCN 4.0 của thế giới

Là người phát biểu đầu tiên trong lễ khai mạc, Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab cho rằng, CMCN 4.0 sẽ xoá bỏ một số công việc nhưng lại tạo cơ hội để các Chính phủ làm việc với nhau, tạo mối tương tác nhiều hơn giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

Ông Klaus Schwab nhấn mạnh: “CMCN 4.0 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, mang tính đột phá, cạnh tranh toàn cầu. 20 năm tới chúng ta sẽ hoàn toàn khác biệt, các quốc gia sẽ thành công trong việc làm chủ cuộc CMCN 4.0. Thế giới đang tham gia cuộc chạy đua để làm chủ CMCN 4.0. Tôi tin tưởng rằng các quốc gia ASEAN với dân số trẻ tuổi, tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu, chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này”.

Chủ tịch điều hành WEF tin tưởng rằng, dù nhiều quan điểm khác biệt song với mối quan tâm chung, ASEAN sẽ đạt được sự đồng thuận cao trong nội khối sẽ giúp khu vực vượt qua được thách thức này. Về vấn đề này, đại diện của Liên Hợp Quốc đã đọc thông điệp của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về WEF ASEAN trong đó khẳng định, đói nghèo đang được đẩy lùi và CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ và ASEAN là khu vực thịnh vượng. Đồng thời, thông điệp của Tổng thư ký cũng cho biết Liên Hợp Quốc đang đưa ra những giải pháp để tận dụng công nghệ mới nhằm đẩy lùi các rủi ro.

Thế mạnh của ASEAN

Trong bài phát biểu quan trọng của mình tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, trong CMCN 4.0, ASEAN được biết đến như một khu vực khởi nguồn sáng tạo. Những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại với các nước ASEAN là vô cùng lớn. Một là tạo sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn. Hai là thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Ba là phát huy các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn là xương sống của ASEAN.

Với dân số hơn 640 triệu người, chiếm 8,5% dân số thế giới, ASEAN giờ đây đã là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và thứ năm của thế giới. Trên nền tảng ấy, Thủ tướng đề nghị phát huy thị trường nội khối ASEAN là một thị trường đủ lớn cho các chiến lược phát triển, hướng đến thị trường ASEAN 2025 - một ASEAN mở, hợp tác đa dạng; trong đó có vai trò quan trọng và sự hợp tác tích cực của WEF - nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng chiến lược sáng tạo toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khuyến cáo: “Nhiều chuyên gia nói rằng, rất nhiều sinh kế cho người dân được xuất từ CMCN 4.0, tuy nhiên thách thức về gia tăng khoảng cách thu nhập và nguy cơ gây bất ổn xã hội cũng là vấn đề đáng quan tâm”.

Nhắc đến niềm tự hào của ASEAN về một Singapore tiên phong về kinh tế số, đạt được nhiều thành tựu thời gian qua, Thủ tướng đề xuất một số ưu tiên cho khối như: hợp tác chia sẻ dữ liệu; hài hoà môi trường kinh doanh với thể chế và luật pháp; tìm kiếm, ươm mầm và phát huy tài năng trẻ.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh CMCN 4.0, thế giới nói chung và ASEAN nói riêng phải chung tay hợp tác để phát triển, lấy người dân làm trung tâm.

“Trong bối cảnh lan tỏa cách mạng công nghiệp 4.0, môi trường khu vực và toàn cầu cạnh tranh gay gắt, chúng ta phải chung tay hợp tác, tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh nội khối để xây dựng một ASEAN hòa bình, ổn định và tự cường dựa trên luật lệ hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. ASEAN đã và sẽ tiếp tục nỗ lực khẳng định, vai trò trung tâm ở khu vực cùng với các đối tác duy trì hòa bình, ổn định đảm bảo tự do, lưu giữ hàng hóa trên không, trên bộ và trên biển," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Ngay sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhắc đến những cơ hội cho ASEAN trong CMCN 4.0. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, thế giới đang có nhiều chuyển biến về công nghệ và có các công nghệ kết nối với nhau. Con người cũng sử dụng công nghệ để tăng năng suất lao động.

Vì thế, “năm 2030, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, ở châu Á chỉ đứng sau Trung Quốc", ông nói.

ASEAN cần làm việc với nhiều đối tác quốc tế để xây dựng các hệ thống thương mại đa phương. Việc xây dựng được các mối quan hệ, các đối tác lớn trên thế giới mà CPTPP được thông qua vào cuối năm nay là một điển hình.

"CMCN 4.0 là một cuộc cách mạng quan trọng đối với tất cả các nước ASEAN. Chúng ta có các thế mạnh cần tận dụng để tạo lợi ích cho tất cả các quốc gia", Thủ tướng Singapore nhấn mạnh.

Và hiến kế của mỗi quốc gia

Khi lên bục phát biểu, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng đã đặt ra các câu hỏi như: Chuyện gì đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới hiện nay? Ông Joko Widodo ví những điều đang xảy ra trong bối cảnh toàn cầu hiệu này như một "Cuộc chiến vô cực" và thừa nhận thực tế là chiến tranh thương mại chỉ làm khoảng cách và bất đồng giữa các bên ngày một sâu sắc. Ông kêu gọi các nước cần nhớ lại các bài học lịch sử bởi chỉ có hợp tác mới tạo ra được sự thịnh vượng bao trùm.

Tổng thống Widodo nhấn mạnh, tài nguyên trên thế giới là hữu hạn, chỉ có tài năng là vô hạnvà thực tế đã chứng minh rằng công nghệ phát triển đã giúp con người sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, tạo ra những công cụ hữu ích, nhẹ nhàng hơn, đồng thời giảm tác động đến môi trường và thậm chí giảm bất bình đẳng giàu nghèo. Vì thế ông hy vọng các thành viên ASEAN sẽ cùng chung tay để xóa bỏ cái gọi là "cuộc chiến vô cực" và tạo ra "tài nguyên vô cực".

Còn với Campuchia, Thủ tướng Hun Sen cho hay, dù CMCN 4.0 có đưa lại những lo lắng, thách thức và khó khăn cho người lao động, trong đó có sự phân phối về lợi ích cho những nhóm người khác nhau, đặc biệt là nhóm người chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin nhưng việc sử dụng các công nghệ như sinh học, người máy lại mang đến những thay đổi nhanh chưa từng thấy trong lịch sử con người.

Nó thể hiện trong nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp, sản xuất, giáo dục, hành chính. Ông Hun Sen cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có sự kết nối tốt hơn với khu vực và thế giới, có các dịch vụ mới tốt hơn. Các nền kinh tế mới nổi có thể sử dụng các công nghệ mới để tạo bước nhảy vọt trong bước phát triển và công nghiệp hóa của mình. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là cần có khung pháp lý rõ ràng và các biện pháp đảm bảo số liệu và dữ liệu để giữ gìn an ninh mạng.

Cùng chung mối quan tâm với Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đề nghị ASEAN cần duy trì tính trung tâm, thống nhất của mình, để đảm bảo toàn bộ khu vực có khả năng phát triển và tăng trưởng; trao quyền nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.

"Trong cuộc cách mạng này, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều ngồi chung trên một con thuyền, cả ASEAN đang ngồi chung trên một con tuyền. Chúng ta cần có những cơ chế phù hợp để cho các doanh nghiệp có khả năng tự thích ứng trong điều kiện cạnh tranh mới, để khu vực ASEAN cùng phát triển", Thủ tướng Lào nhận định.

Còn theo quan điểm của cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, CMCN 4.0 không chỉ là kết nối thông suốt giữa các vùng miền mà còn là sự kết nối giữa các thế hệ, kết nối giữa con người.

"Các nước ASEAN cần phải sẵn sàng với kiến thức mới và kĩ năng phù hợp. CMCN 4.0 không phải là điều gì đó chúng ta đang mơ nữa. Cuộc cách mạng này đã tạo ra khác biệt gì? Đóng góp gì cho IQ của con người? Hãy so sánh với các cuộc cách mạng trước đó. Mục tiêu của CMCN lần 4 là gì. Chúng ta cần thảo luận với nhau tại Diễn đàn này, để CMCN 4.0 sẽ là chất xúc tác đem lại sự tốt đẹp cho tất cả mọi người", bà Aung San Suu Kyi chia sẻ.

Riêng Thái Lan thì đưa ra kế hoạch là khi giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và APEC trong thời gian tới, nước này sẽ nỗ lực để kết nối những điểm chưa được kết nối với nhau về mặt thực thể và công nghệ số. Phó Thủ tướng Thái Lan Prajin Jantong nói: “Công nghệ số không thể thiếu được trong cuôc sống hiện nay và nền kinh tế Thái Lan sẽ phát triển trên nền tảng công nghệ số”.

Là đối tác kinh tế lớn nhất của ASEAN vào thời điểm hiện nay, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đưa ra 4 mục tiêu về phát triển kinh tế ASEAN trong CMCN 4.0, đồng thời đề cập tới sáng kiến Một vành đai một con đường của Trung Quốc với chặng đường 5 năm. Ông Hồ Xuân Hoa cũng bày tỏ tin tưởng về sự đổi mới và hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và ASEAN, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực.

Sau phiên Khai mạc, Hội nghị WEF ASEAN 2018 sẽ tiếp tục diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng 9 với hơn 60 phiên họp, hoạt động thảo luận nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, công nghệ, môi trường, xã hội thiết thực với các nước ASEAN.

Hoàng Hòa