Xây dựng chuỗi sản phẩm, tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu

Xây dựng và phát huy các chuỗi sản phẩm chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa bền vững.

Đó là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm - Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu” do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay 8/8/2018 tại Hà Nội.

Xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá 


Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh về quy mô. Năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nước ta không ngừng được mở rộng, tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu.

Năm 2017, là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Việt Nam cũng đã thực hiện đúng lộ trình của chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2020, định hướng 2030.

Tính đến hết tháng 7/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 264,32 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 133,69 tỷ USD.

Đặc biệt, xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cho cả năm 2018, bằng 56,5% kế hoạch năm.

“Đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế với kim ngạch duy trì ở mức cao. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại khiến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Xây dựng chuỗi sản phẩm, tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu

Để hướng tới xuất khẩu bền vững, các chuyên gia khẳng định, cần xây dựng các chuỗi sản phẩm nhằm góp phần gia tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu. Để làm được điều này, mấu chốt quan trọng là phải nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu.

Cụ thể, với nhóm hàng nông sản, cần sản xuất nông nghiệp theo chuỗi thông qua các hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Đồng thời, phát triển các loại giống có năng suất cao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Theo các chuyên gia, muốn nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Việt Nam phải cải cách toàn diện theo chiều ngang và dọc ở các ngành cụ thể

Riêng nhóm công nghiệp chế biến, theo các chuyên gia không thể xuất khẩu bền vững nếu công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Do đó, cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, dệt may, da giày… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. Bên cạnh khung khổ pháp lý do nhà nước ban hành, các giải pháp này chỉ có hiệu quả nếu doanh nghiệp vào cuộc.

Về phía doanh nghiệp, theo các chuyên gia, muốn nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Việt Nam phải có gói cải cách toàn diện theo chiều ngang và dọc ở các ngành cụ thể, triển khai theo một lộ trình toàn diện xuyên suốt nhiều khía cạnh.

Đặc biệt, cần tăng liên kết trong nước với nước ngoài, giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào trong nước bởi khả năng kết nối của quốc gia với thị trường toàn cầu về hàng hoá, dịch vụ, vốn và lao động là yếu tố chính để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 

Hoàng Hòa