Xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho ngành thực phẩm

Sáng 19/9, Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Diễn đàn Xúc tiến thương mại và Hợp tác đầu tư phát triển ngành thực phẩm Việt Nam”.

Thu hút đầu tư

Hoạt động Xúc tiến thương mại và Hợp tác đầu tư phát triển ngành thực phẩm Việt Nam lần 2 là một trong chuỗi hoạt động của Cục Xúc tiến thương mại triển khai, nhằm thu hút đầu tư phát triển ngành theo định hướng ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến, từ đó xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương chia sẻ tại Diễn đàn.Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương chia sẻ tại Diễn đàn.

Diễn đàn nhằm mục đích hỗ trợ, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương và doanh nghiệp thu hút đầu tư. Diễn đàn thu hút hơn 300 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, hiệp hội ngành hàng, các địa phương, các nhà nhập khẩu, đầu tư, phân phối, các chuyên gia ngành thực phẩm; đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài, quỹ đầu tư, và đặc biệt gần 30 doanh nghiệp đầu tư từ Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc...

Các chuyên gia về kinh tế tham gia tọa đàmCác chuyên gia về kinh tế tham gia tọa đàm

Trong khuôn khổ diễn đàn, nổi bật là hoạt động trưng bày sản phẩm tại 50 gian hàng của 50 doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu thực phẩm, nông sản… đến từ nhiều địa phương trong cả nước như: TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Sóc Trăng, Nghệ An, Bắc Giang, Cần Thơ…

Những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP và trong 5 năm gần đây, số liệu thống kê cho thấy lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến đã tăng trung bình 9,68%/năm, tiêu thụ đồ uống tăng trung bình 6,66%/năm.

Theo dự báo của Hãng nghiên cứu BMI Research thuộc Tập đoàn thông tin dịch vụ tài chính toàn cầu Fitch Group (Mỹ), ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đạt tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 là 10,9%.

Nhiều doanh nghiệp liên quan đến đồ uống tham gia trưng bày tại diễn đànNhiều doanh nghiệp liên quan đến đồ uống tham gia trưng bày tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết: “Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thêm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trong ngành Thực phẩm; tập trung vào việc xây dựng, đẩy mạnh các hoạt động của Chương trình Thương hiệu Thực phẩm quốc gia là một trong những hướng đi chiến lược, phù hợp với tình hình hiện tại và xu hướng phát triển tương lai của ngành Công nghiệp thực phẩm Việt Nam”.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Bên cạnh việc đầu tư để khai thác thị trường nội địa, tiềm năng khai thác và chế biến thực phẩm của Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài cũng rất đáng kể. Hiện nay, Việt Nam luôn là một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng tốt như rau quả ước tăng 20,9%, đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD; thủy sản ước tăng 11%, đạt kim ngạch 3,96 tỷ USD. Các mặt hàng nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 100 nước trên thế giới với chất lượng nguyên liệu thực phẩm đáp ứng được các yêu cầu của nhiều quốc gia.

Ngành thực phẩm cũng có mặt.

Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035.

Do đó, Việt Nam đã và đang tham gia một cách tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp định đối tác kinh tế với các nước. Việt Nam đã là thành viên của WTO từ năm 2007 và tính đến nay Việt Nam đã tham gia ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do, kết thúc đàm phán 2 hiệp định thương mại tự do và đang tiếp tục đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do khác. Các hiệp định này đã và đang mở ra thị trường rộng lớn cho cả các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam nói chung và cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam nói riêng.

Chia sẻ tại diễn đàn Ông Vũ Bá Phú cho biết thêm: “Bộ Công Thương Việt Nam luôn phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương trong phạm vi chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm và muốn đầu tư vào ngành Công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam trong thời gian tới. Tôi tin tưởng rằng Diễn đàn ngày hôm nay sẽ là nơi để các chuyên gia, các doanh nghiệp và nhà đầu tư tìm hiểu, trao đổi thông tin và tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong ngành”.

Nông sản tham giaNhiều mặt hàng Nông sản tham gia trưng bày tại Diễn đàn.

Tại phiên thảo luận của diễn đàn, các diễn giả và khách mời đã cùng trao đổi về một số vấn đề trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm đang được nhiều nhà đầu tư hết sức quan tâm như vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ tiềm năng, xu hướng gia tăng các sản phẩm chế biến tiện lợi và xu hướng đầu tư áp dụng công nghệ mới, nâng cao giá trị gia tăng..., từ đó góp phần tháo gỡ những khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước; đồng thời đưa ra những giải pháp để có thể phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nước nhà trong tương lai.

Vũ Lê