Xử lý khủng hoảng truyền thông: Bài 1. Ảo tưởng vào sức mạnh

Sự giận dữ, tẩy chay của người tiêu dùng xuất phát từ nhiều phía, nhưng trước hết là sự ảo tưởng về sức mạnh của một đế chế được xây dựng trên sự trung thành, niềm tin của người tiêu dùng dành cho thư

Không đúng thời điểm = không có giá trị

Ngày 17/10/2017 Công ty Cổ phần Tiếp thị và Truyền thông Vinacom đặt mua của cửa hàng Khaisilk 13 Hàng Gai lô hàng 60 chiếc khăn tay lụa. Khi nhận lô hàng và kiểm tra hàng trước khi mang gửi tặng đối tác, chị Hồng Phương cùng một số nhân viên Công ty Vinacom bỗng phát hiện 1 chiếc khăn vẫn còn nguyên 2 chiếc mác, một là "Made in China" và một là Khaisilk Made in Vietnam.

Ngày 25/10 doanh nhân Hoàng Khải lên tiếng thừa nhận hơn 30 năm qua nhập khoảng 50% lượng hàng lụa từ Trung Quốc, bán kèm với 50% hàng lụa ở trong nước; đồng thời nhận trách nhiệm: “Tôi cúi đầu xin lỗi khách hàng với tư cách là Chủ tịch tập đoàn; những khách hàng nào đã mua sản phẩm của tôi gặp phải trường hợp tương tự, nếu không vừa ý hãy mang đến cửa hàng, chúng tôi sẽ thu hồi lại, bồi thường cho khách".

Ngày 26/10, nhiều cửa hàng tơ lụa Khaisilk trên toàn quốc đồng loạt đóng cửa.

Ngày 31/10/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại đối với các cửa hàng lụa tơ tằm của Khaisilk.

Ngày 11/12/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Kết luận kiểm tra, trong đó nêu rõ: “Công ty đã bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam trong cùng cửa hàng nhưng đã không giới thiệu hoặc thông tin không đầy đủ cho người tiêu dùng về xuất xứ và thành phần của các sản phẩm này”.

4 hôm sau, ông Hoàng Khải rút khỏi Công ty Khải Đức, không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty, mặc dù ông vẫn nắm 99% cổ phần.

Lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm, sẵn sàng bồi thường vật chất và nhanh chóng rút khỏi vị trí cao nhất ở Công ty, nhưng đến nay sau gần 1 năm vẫn không xoa dịu được cơn giận dữ của khách hàng. Lý giải việc này, nhiều người cho rằng, do ông Khải lên tiếng không đúng thời điểm, nên lời xin lỗi của ông gần như không có giá trị trong mắt người tiêu dùng.

Leo thang chóng mặt

Từ chiếc khăn lụa tơ tằm bị phát giác, người tiêu dùng từ chối, hàng loạt cửa hàng Khaisilk đồng loạt đóng cửa bỗng chốc leo thang sang tất cả các lĩnh vực mà doanh nhân Hoàng Khải xây dựng ngót 30 năm: 3 chi nhánh của Công ty Khải Đức phụ trách các nhà hàng cao cấp là Nhà hàng Chăm, Nhà hàng Trung Hoa Minh và Nhà hàng Nam Phan, Nhà hàng Khai’s Brothers ... Với Công ty Hoàng Khải là hàng loạt dự án bất động sản cho thuê, trong đó có Khách sạn Sài Gòn Taima quy mô 15 triệu USD; Khách sạn Penisula Đà Nẵng; JW Marriott Phú Quốc; Reort Hội An Riverside…

Tất cả đều đang âm vốn điều lệ do kinh doanh thua lỗ. Hoàng Khải âm gần 60 tỷ đồng; Khải Đức âm gần 48 tỷ đồng. Sự giận dữ, tẩy chay của người tiêu dùng xuất phát từ nhiều phía, nhưng trước hết là sự ảo tưởng về sức mạnh của một đế chế được xây dựng 30 năm.

Đế chế đó đã chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng; đã biến sản phẩm khăn lụa tơ tằm của một công ty thành niềm tự hào cộng đồng. Bất cứ ai có khách hàng, đối tác nước ngoài đều muốn mang chiếc khăn “Khaisilk made in Vietnam” đem tặng như một món quà lưu niệm được kết tinh lên thành văn hóa Việt Nam, mà mình là một thành phần trong đó.

Đế chế đó được trang hoàng thêm một ánh hào quang với những triết lý kinh doanh của ông chủ Hoàng Khải. Có ai trong chúng ta không nhớ, không từng nghe qua những châm ngôn “để đời”:

“Sống là bắt đầu với những công việc nhỏ nhất như rửa bát đĩa với một niềm mơ ước lớn lao”;

“Đừng dạy đời, hãy để đời dạy”;

“Khải chẳng bao giờ dừng lại cho đến khi Khải hãnh diện vì điều đó”;

“Khải tự hào về chính con người của mình hơn là những gì Khải có”;

“Công khai sự giàu có của mình là một việc làm văn minh và đó là cách truyền cảm hứng đẹp nhất”, v.v và v.v…

Gọi là ảo tưởng vì chúng dựa vào sự trung thành, niềm tin của người tiêu dùng dành cho thương hiệu Khaisilk; nhưng niềm tin, sự trung thành cần “vốn” đối ứng, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được, chỉ trong phút chốc sẽ tan tành. Chính vì ảo tưởng vào sức mạnh, nên khi khách hàng phát hiện chiếc khăn 2 nhãn mác, Khaisilk ngay lập tức có văn bản trả lời (bút sa gà chết) chiếc khăn có 2 nhãn mác là do nhân viên bộ phận kho khi soạn lô hàng thấy thiếu 1 chiếc khăn, nên đã lấy ngay trên máy may hiện đang sản xuất cho một khách hàng khác là Design GO tại Hong Kong, mà không kiểm tra kỹ.

Chỉ đến khi không thể chối cãi, Khaisilk mới “cúi đầu xin lỗi”, thì lời xin lỗi này không còn giá trị, vì nó cho thấy, khi sự việc mới đang ở mức nghi vấn, chưa lộ rõ trắng đen thì Khaisilk sẽ sẵn sàng vượt qua những giới hạn đạo đức để bảo vệ cho thương hiệu của mình.

Hơn thế nữa, kèm với lời xin lỗi là sự giải thích: “Dù là hàng nhập từ Trung Quốc, lụa bán tại cửa hàng không phải là sản phẩm kém chất lượng. Bởi trước đến nay tất cả hàng bán ở Khaisilk phải duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập”; “Khi mở rộng ra nhiều lĩnh vực và vùng miền, khả năng quản lý doanh nghiệp của tôi còn hạn chế. Tôi đã không bao quát được tất cả các lĩnh vực và gần như không để ý nhiều đến mảng kinh doanh lụa nữa, dù đây là sản phẩm làm nên thương hiệu Khaisilk”… Thật không còn lời giải thích nào tệ hại hơn nữa. Chỉ có thể nói rằng, trong khi ảo tưởng vào niềm tin, sự trung thành của người tiêu dùng dành cho Khaisilk thì Khaisilk chú trọng đến xây dựng đế chế của mình hơn là để mắt tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Một sai lầm khác khiến sự việc leo thang, người tiêu dùng tẩy chay cả các lĩnh vực hoạt động khác như nhà hàng, khách sạn, du lịch, resort của Khaisilk là do doanh nhân này đã lấy tên mình làm tên công ty. Nên khi niềm tin với thương hiệu Khaisilk khăn lụa bị sụp đổ, thì những cái tên dính dáng đến ông Hoàng này là Công ty Khải Đức hay Công ty Hoàng Khải cũng bị vạ lây, tạo ra cuộc khủng hoàng lòng tin dây chuyền.

Doanh nhân Hoàng Khải “tự họa” chân dung của mình trên trang Facebook trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng

- 22 tuổi, tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội và mở cửa hàng KHAISILK đầu tiên.

- 28 tuổi, mở 19 cửa hàng KHAISILK tại các khách sạn 5 sao ở Hà Nội và một nhà hàng Khai Brother.

- 32 tuổi, khai trương một resort 4 sao đầu tiên ở Hội An và biết 4 ngoại ngữ.

- 38 tuổi mở KHAISILK trên toàn Việt Nam tại những con đường nổi tiếng như Đồng Khởi, Hàng Gai và trong những khách sạn sang trọng bậc nhất như Intercontinental Peninsula Da Nang hay JW Marriott Phu Quốc và khai trương 10 nhà hàng cao cấp nhất tại thành phố Hồ Chí Minh.

- 45 tuổi bắt đầu xây dựng trung tâm thương mại SaiGon Paragon với diện tích hơn 25.0000m2.

- 50 tuổi xây dựng khách sạn lâu đài Tajmasago nổi tiếng.

- 54 tuổi, Hoàng Khải đã mở thành công chuỗi phở "Ông Khải" với 100 cửa hàng trong 2 năm. Mục tiêu tiếp theo của Hoàng Khải là xây dựng tòa cao ốc The Khai với diện tích 20.000 m2, 1 khách sạn 179 phòng tại Cam Ranh.


















(Mời bạn đọc đón xem bài 2: Làm cạn kiệt thông tin)
Vũ Trung