Xử lý vụ việc sản xuất, kinh doanh rượu “siêu rẻ” tại Kim Động, Hưng Yên

Theo phản ánh của chương trình VTV24 liên quan đến vụ việc sản xuất, kinh doanh rượu 'siêu rẻ' tại Kim Động, Hưng Yên, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo xác minh, làm rõ nội dung phản ánh.

1. Vụ sản xuất, kinh doanh rượu tại Kim Động, Hưng Yên

Sau khi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV24) - Chương trình “Chống buôn lậu, hàng giả - bảo vệ người tiêu dùng” phát sóng ngày 07/02/2017 phản ánh về hoạt động sản xuất rượu “siêu rẻ” tại tỉnh Hưng Yên, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý thị trường đã có Công văn số 172/QLTT-CHG ngày 13 tháng 02 năm 2017 chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên tiến hành xác minh, làm rõ phản ánh của Đài Truyền hình Việt Nam và kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.

Cục Quản lý thị trường đã thành lập Tổ Công tác trực tiếp phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên chỉ đạo và đôn đốc Chi cục Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm Công ty Akasha và hộ kinh doanh Cổ Việt mà VTV24 đã nêu trong phóng sự.

Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm như sau:

Đội Quản lý thị trường số 10- Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, lấy mẫu là bán thành phẩm đang trong quá trình ngâm ủ tại 02 cơ sở nêu trên.

Đối với Công ty Cổ phần Akasha

Ngày 10 tháng 3 năm 2017, tại Đội Quản lý thị trường số 10- Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên, Cục Quản lý thị trường phối hợp với đại diện Lãnh đạo Sở Công Thương, Chánh Thanh tra Sở Công Thương, Lãnh đạo phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Kim Động, Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường, Đội Quản lý thị trường số 10 và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Toàn Thắng, huyện Kim Động tiến hành đối chất với ông Nguyễn Văn Dũng - đại diện theo pháp luật Công ty Cổ phần Akasha.

Căn cứ hồ sơ vụ việc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên cung cấp cho thấy:

Tại biên bản họp liên ngành số 01/BB-BCĐ ngày 22 tháng 02 năm 2017 của Ban Chỉ đạo 389 huyện Kim Động về việc thống nhất giải quyết vụ việc của Công ty cổ phần Akasha, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Chỉ đạo 389 huyện Kim Động Nguyễn Viết Quý kết luận: Việc ngâm ủ rượu chưa phải là thành phẩm nên xem xét có thể xử lý được không, mẫu kiểm nghiệm cũng là mẫu thử nghiệm chưa thể làm căn cứ để xử lý vi phạm.

Về hồ sơ, giấy tờ hành chính pháp lý theo quy định trong sản xuất rượu, Công ty Cổ phần Akasha chưa có giấy phép sản xuất rượu, chưa công bố hợp quy đối với sản phẩm rượu nhưng đã pha 03 can rượu, dán nhãn, bán thu tiền 500.000 đồng là không đúng quy định và có dấu hiệu sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm giả.

Xử lý vi phạm: Công ty Cổ phần Akasha có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm giả và theo biên bản họp số 02/BB-BCĐ ngày 07/3/2017 của Ban Chỉ đạo 389 huyện Kim Động về việc “tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện”, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 huyện Kim Động Nguyễn Hữu Vượng kết luận: chuyển hồ sơ vụ việc kiểm tra tại Công ty Cổ phần Akasha có liên quan đến hành vi dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP cho Công an huyện Kim Động xác minh làm rõ và xử lý theo quy định. Hiện nay vụ việc đang trong quá trình điều tra.

Đối với Hộ kinh doanh Cổ Việt

Căn cứ hồ sơ vụ việc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên cung cấp cho thấy:

Tại biên bản số 02/BB-BCĐ ngày 07/3/2017 của Ban Chỉ đạo 389 huyện Kim Động, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 huyện Nguyễn Hữu Vượng kết luận: Mẫu kiểm nghiệm được lấy từ xưởng ngâm ủ, chưa đủ căn cứ để xử lý; kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chưa làm hết các tiêu chí (trong kết quả kiểm nghiệm chưa có các chỉ tiêu táo mèo, chuối hột, ba kích, phẩm mầu) nên chưa thể kết luận xử lý và đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hưng Yên lấy mẫu kiểm nghiệm theo quy định.

Về hồ sơ, giấy tờ hành chính pháp lý trong sản xuất rượu, Hộ kinh doanh Cổ Việt có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ hành chính pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 17/2013/GCNATTP-SCT do Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cấp ngày 25 tháng 9 năm 2013 có hiệu lực đến ngày 25 tháng 9 năm 2016.

Xử lý vi phạm: Hộ kinh doanh Cổ Việt có hành vi sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hiệu lực. Đội Quản lý thị trường số 10 tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng.

2. Công tác chỉ đạo và kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu thủ công của lực lượng Quản lý thị trường

Công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra mặt hàng rượu

Thực hiện Công điện hoả tốc số 371/CĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu, ngày 14 tháng 3 năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Quản lý thị trường ban hành văn bản số 210/QLTT-KSCLHH ngày 20 tháng 02 năm 2017 về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, văn bản số 320/QLTT-KSCLHH ngày 13 tháng 3 năm 2017, văn bản số 327/QLTT-KSCLHH ngày 15 tháng 3 năm 2017 chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát đối với sản phẩm rượu do dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, việc thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nấu rượu thủ công nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, các nguyên liệu không được phép sử dụng để pha chế rượu, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu diễn ra trên địa bàn.

Tại địa phương, Chi cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan Y tế, Công an và chính quyền cơ sở tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rượu. Công tác kiểm tra được kết hợp với tuyên truyền tới các cơ sở kinh doanh, sản xuất rượu thủ công không sử dụng cồn công nghiệp, các nguyên liệu không được phép sử dụng để pha chế rượu.

Cục Quản lý thị trường đã làm việc, đôn đốc các Chi cục Quản lý thị trường địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh… thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng về kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, tổ chức kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống…) đặc biệt là rượu sản xuất thủ công để ngăn chặn tình trạng ngộ độc rượu trên địa bàn.

Ngay khi Báo Lao động đăng tải các bài về vụ việc “rượu độc chứa methanol” tại tỉnh Bắc Ninh, Cục Quản lý thị trường đã ban hành công văn số 327/QLTT-KSCLHH ngày 15 tháng 3 năm 2017 yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn. Đồng thời, ngày 15/3/2017, Cục Quản lý thị trường đã trực tiếp làm việc với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh, Đội Quản lý thị trường huyện Yên Phong yêu cầu kiểm tra về nội dung Báo Lao động nêu. Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường, ngày 16/3/2017 Chi cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất rượu của ông Nguyễn Văn Hải (thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), tạm giữ 2.000 lít rượu, lấy 4 mẫu rượu để kiểm nghiệm bằng hình thức test nhanh, kết quả cả 4 mẫu rượu thử có nồng độ methanol trong ngưỡng cho phép.

Hiện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với cơ quan liên quan trên địa bàn triển khai kiểm tra và lấy mẫu tại chỗ thử test nhanh các mẫu rượu đối với các hộ dân nấu rượu thủ công trên địa bàn, yêu cầu các hộ dân nấu rượu thủ công cam kết không pha chế cồn công nghiệp và chất cấm sử dụng vào rượu.

Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm

Theo báo cáo của các Chi cục Quản lý thị trường, từ đầu tháng 3 đến nay, các Chi cục thuộc địa bàn trọng điểm đã kiểm tra 1.514 vụ, xử lý 818 vụ, phạt tiền trên 1,740 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 1,468 tỷ đồng, tạm giữ, tịch thu 52.777 lít rượu, 2.121 chai rượu các loại, 02 can, 17 bình rượu, 02 chum rượu ngâm 67 kg, 4,9 kg men rượu, 1.559 vỏ chai rượu, 28.500 nhãn rượu, 230 nắp chai. Một số vụ việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Công việc tiếp tục triển khai

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố:

- Tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống…) đặc biệt là rượu sản xuất thủ công. Chú trọng kiểm tra, phát hiện các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm để pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn, quảng cáo, vi phạm về công bố hợp quy và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu diễn ra trên địa bàn.

- Phối hợp với cơ quan Y tế, cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rượu giả, rượu pha chế từ cồn công nghiệp, rượu sử dụng nguyên liệu bị cấm, rượu không rõ nguồn gốc.

- Tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi diễn biến thị trường, lập cơ sở dữ liệu các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân phối, bán buôn, bán lẻ thực phẩm nói chung và mặt hàng rượu nói riêng. Kiểm soát chặt chẽ các kho, bến bãi, điểm tập kết phát luồng hàng, các tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng hoá không bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung và ngăn chặn rượu giả, rượu kém chất lượng nói riêng./.