Xuất khẩu gạo Thái Lan: Chặng đường khó khăn để trở lại vị trí thứ nhất

Mặc dù xuất khẩu gạo của Thái Lan đang tăng trở lại, nhưng các chuyên gia nhận định Thái Lan khó có thể dành lại vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong thời gian tới.

Theo Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (ICG, London), xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2013 được dự báo sẽ đạt mức 9 triệu tấn; theo sau là Việt Nam với 7,4 triệu tấn và Thái Lan với 6,5 triệu tấn. Trong năm 2012, xuất khẩu gạo của Việt Nam và Ấn Độ đã vượt qua Thái Lan.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, vị trí xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam sẽ dễ bị Thái Lan vượt qua, trong khi đó vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hiện thuộc về Ấn Độ sẽ khó bị Thái Lan lấy lại được trong thời gian tới.

So với Việt Nam, xuất khẩu gạo của Thái Lan có được một số lợi thế, bao gồm: nhu cầu đối với đối với loại gạo hạt dài Thái Lan của Iraq và Bénin (tại khu vực Tây Châu Phi) và hoạt động đẩy mạnh việc bán gạo ra từ kho dự trữ của Chính phủ Thái Lan.

Cách đây 2 năm, khi muốn gia tăng thu nhập của người nông dân, những cử tri quan trọng đối với đảng cầm quyền, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện chương trình trợ giá lúa gạo. Chính phủ Thái Lan đã mua gạo từ người nông dân nước này với mức giá cao hơn 50% giá thị trường và dự trữ lượng gạo này trong kho với dự báo việc giảm nguồn cung gạo này sẽ đẩy giá trên thị trường tăng lên.

Tuy nhiên, việc thiếu hụt cung để đẩy giá gạo lên cao đã không diễn ra khi Ấn Độ và Việt Nam với mức giá gạo thấp hơn đã tận dụng cơ hội này để cạnh tranh với Thái Lan. Kế hoạch của Thái Lan không diễn ra như dự kiến đã khiến nước này phải gánh chịu một lượng gạo dư thừa khổng lồ, mức nợ lớn đối với chương trình trợ giá lúa gạo và chi phí dự trữ gạo. Kết quả, khiến Thái Lan mất vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới vào Ấn Độ.

Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan hiện đang thu hẹp quy mô chương trình trợ giá lúa gạo của mình, điều này đồng nghĩa với việc các công ty tư nhân sẽ có thể thu mua nhiều gạo hơn để bán ra thị trường trong mùa vụ mới bắt đầu từ tháng 10 tới đây.

Ông Prem Na Songkhla, nông dân tại tỉnh Pathumthani (Thái Lan) cho biết: “Giới hạn mới trong việc mua gạo từ nông dân của Chính phủ (Thái Lan) sẽ giúp lượng gạo dành cho xuất khẩu trên thị trường tăng lên”.

Lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong thời gian qua đã tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu do việc nới lỏng chính sách nhập khẩu của Iraq và thuế nhập khẩu của Nigeria; Iraq và Nigeria là hai quốc gia nhập khẩu gạo lớn trên thế giới. Việc Chính phủ Thái Lan nỗ lực bán ra lượng gạo dự trữ với mức giá thấp hơn giá thu mua cũng đẩy lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng lên.

Ông Chareon Laothamatas, Giám đốc điều hành Công ty Uthai Produce Ltd, một trong những nhà xuất khẩu gạo Jasmine lớn nhất Thái Lan, cho biết, nguồn cung gạo tăng lên do Chính phủ bán gạo từ kho dự trữ đang đẩy giá gạo xuống và thu hẹp khoảng cách giữa giá gạo Thái Lan với gạo Việt Nam và Ấn Độ”.

Giá FOB gạo trắng 5% tấm Thái Lan hiện được báo giá tại mức 425 USD/tấn, giảm 12% so với 6 tuần trước đó. Giá gạo 5% tấm Việt Nam hiện được báo giá tại mức 370 USD/tấn, giảm 5% so với 6 tuần trước đó.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TERA) cho biết nhờ giá gạo giảm thấp nên lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong tháng 7/2013 đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 675.064 tấn, xác lập mức cao nhất trong vòng 9 tháng.

Trog một báo cáo của ICG vào tháng trước, ICG dự báo lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2014 sẽ tăng 23% lên mức 8 triệu tấn. Việc Thái Lan đẩy mạnh bán gạo từ kho dự trữ có thể giúp nước này vượt qua Việt Nam để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới trong năm 2014.

Tuy nhiên, một công ty xuất khẩu gạo lớn của Thái Lan nhận định, việc bán gạo từ kho dự trữ sẽ không giúp Thái Lan lấy lại được vị trí xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự của TERA cho biết: “Thái Lan khó có thể duy trì tốc độ xuất khẩu gạo hàng tháng cao như trong tháng 7/2013”. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã chỉ ra rằng ngay cả khi lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng lên trong thời gian gần đây, lượng gạo xuất khẩu hàng tháng của Thái Lan vẫn thấp hơn 40% so với mức kỷ lục 1,1 triệu tấn được thực hiện cách đây 2 năm.

Các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan bắt đầu thu hoạch vụ lúa chính sớm và các nước này sẽ cạnh tranh xuất khẩu tại cùng các thị trường vào cùng thời điểm trong bối cảnh nhu cầu về gạo đang ở mức thấp. Dự báo mậu dịch gạo toàn cầu sẽ chỉ tăng thêm 500.000 tấn trong năm 2014 trong khi sản lượng gạo dự kiến sẽ tăng thêm 5,5 triệu tấn. Trong khi đó, theo ICG cho biết, lượng gạo dự trữ của 5 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu đang ở mức cao nhất từng được ghi nhận.

ICG dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm nay; ICG dự báo lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong năm 2013 sẽ giảm 13% do nhu cầu về gạo của các quốc gia Châu Phi giảm thấp.

Ông Chookiat cho biết, việc gạo Ấn Độ và Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu về độ dài hạt gạo tối thiểu của Iraq đã giúp Thái Lan có lợi thế xuất khẩu. Theo dữ liệu của TERA, doanh số bán gạo sang Iraq của Thái lan trong tháng 7/2013 đã tăng 16% so với năm trước.

Các chuyên gia phân tích kết luận, trong tương lai gần, Thái Lan cần vượt qua được Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới; việc lấy lại vị trí xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới từ Ấn Độ cần một chiến lược khéo léo, kiên nhẫn và thới gian nhằm mở cửa các thị trường.