Xuất khẩu gạo: Tư duy chuyển từ lượng sang chất

Ngày 3/7/2017 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030, phát đi một tín hiệu rõ nét về định hướng chuyển từ “lượng” sang “ch

Xuất khẩu gạo: Gồng mình vượt khó…

Là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, đến nay, mặt hàng gạo đã có mặt tại trên 135 quốc gia và vùng lãnh thổ với đa dạng loại sản phẩm (như: gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đặc sản,...). Một số sản phẩm gạo đã bước đầu thâm nhập, đảm bảo chất lượng, các yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường khó tính (như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu,...).

Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách xuất khẩu của các nước xuất khẩu gạo cạnh tranh khác, đặc biệt là Thái Lan và Ấn Độ, cũng đã tác động lớn tới xu hướng giá trên thị trường thế giới. Kể từ cuối năm 2010, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu, duy trì kho lương thực (trong đó có gạo) ở mức cao và đặt giá sàn xuất khẩu gạo ở mức thấp của Ấn Độ khiến giá gạo toàn cầu sụt giảm.

Đối với Thái Lan, từ năm 2010, chính sách lương thực của nước này liên tục thay đổi đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường gạo thế giới. Trong giai đoạn cuối năm 2010-2012, do Thái Lan thực hiện chương trình thế chấp gạo nên giá gạo Thái Lan đã tăng cao cùng với lượng tồn kho duy trì lớn, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nước này. Đây là yếu tố quan trọng đã giúp xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong giai đoạn này, mà đỉnh cao là kỷ lục xuất khẩu trên 8 triệu tấn vào năm 2012. Kể từ năm 2013 trở đi, Chính phủ mới của Thái Lan đã không tiếp tục áp dụng chương trình thế chấp gạo và tích cực thực hiện nhiều biện pháp để giải phóng lượng gạo tồn kho. Để nhanh chóng bán lượng gạo tồn kho đã xuống cấp, Thái Lan nhắm vào thị trường gạo cấp thấp - phân khúc thị trường mà Việt Nam đã từng có nhiều lợi thế về giá cạnh tranh, gây áp lực cạnh tranh gay gắt với phân cấp này, đặc biệt là tại các thị trường tập trung truyền thống, trọng điểm của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Malaysia.

Myanmar đã bắt đầu triển khai chiến lược phát triển sản xuất gạo với mục tiêu xuất khẩu 100.000 tấn gạo sang EU.HiệnMyanmar có hai loại gạo thơm là Lone Thwal Hmwe và Paw San. Trong số này Paw San được đánh giá là loại gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị Lúa gạo Thế giới diễn ra năm 2011. Campuchia cũng đang có tham vọng trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Chính phủ và Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) đang nỗ lực xây dựng thương hiệu nhằm phân biệt gạo thơm Campuchia và gạo cùng loại Thái Lan.

Ở phía các nước nhập khẩu, sau khi trải qua cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, nhiều thị trường truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines và Malaysia đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất trong nước nhằm hướng đến tự chủ về lương thực hoặc không bị phụ thuộc vào nguồn cung từ một quốc gia nhất định; giãn thời gian nhập khẩu hoặc nhập khẩu cầm chừng để tìm kiếm thời điểm, giá nhập khẩu thích hợp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam do các thị trường tập trung truyền thống này vẫn đóng vai trò định hướng nhất định đến xu hướng xuất khẩu gạo hàng năm của Việt Nam.

Như vậy có thể thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn các đối thủ cạnh tranh lớn truyền thống trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Mỹ và cả từ các đối thủ tiềm năng mới nổi như Campuchia, Myanmar. Áp lực cạnh tranhkhông chỉ là giá mà còn là chất lượng, thương hiệu sản phẩm và cách tổ chức chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra xuất khẩu gạo.

Bối cảnh khó khăn buộc cả Nhà nước và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo phải nỗ lực đổi mới, phát huy tính năng động sáng tạo để tăng cường cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưngdo tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long và áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung cấp nên sản xuất lúa cả năm 2016 giảm cả về diện tích và năng suất so với năm 2015, đặc biệt là khu vực phía Nam. Diện tích gieo trồng lúa đạt 7,8 triệu ha, giảm 0,5%; năng suất ước đạt 56 tạ/ha, giảm 2,8%, là mức giảm năng suất mạnh so với bình quân hàng năm; nên sản lượng chỉ đạt 43,6 triệu tấn, giảm 3,3% so năm 2015. Xuất khẩu gạo giảm mạnh cả về lượng và trị giá, chỉ đạt 4,8 triệu tấn với 2,2 tỷ USD, thấp nhất trong 5 năm.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Bước sang đầu năm 2017, xuất khẩu có một số tiến triển khi các đơn hàng quay trở lại, nhưng xuất khẩu gạo vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu gạo ước đạt 2,8 triệu tấn, giá trị 1,2 tỷ USD, tăng 6,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Tư duy chuyển từ lượng sang chất

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Trong thực tế, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam so với các đối tác nước ngoài và đối thủ cạnh tranh và tránh tình trạng “cạnh tranh giảm giá” làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo và mặt bằng giá xuất khẩu gạo của Việt Nam, năm 2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2010/NĐ- CP về kinh doanh xuất khẩu gạo (sau đây gọi tắt là Nghị định 109). Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cũng trong năm này, để kiện toàn các điều kiện về xây dựng vùng nguyên liệu và quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, với mong muốn hoạt động xuất khẩu đi vào quy củ, đảm bảo tính chuyên nghiệp, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 606/QĐ-BCT ngày 21/01/2015 về Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020 và Quyết định số 6139/QĐ-BCT ngày 28/8/2013 về Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo (đã bãi bỏ ngày 4/1/2017). Năm 2014 và 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nghiên cứu xây dựng Đề án“Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Tại văn bản số 43/TB-VPCP ngày 10 tháng 02 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng Chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lúa, gạo. Đến tháng 5/2016, đề án này được phê duyệt trong Quyết định số1898/QĐ-BNN-TT ngày 23tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương kết hợp với việc nghiên cứu sâu rộng thị trường gạo quốc tế để xây dựng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Sau 7 năm (2010-2017) xây dựng các chính sách với mục tiêu là định hướng sản xuất và kinh doanh một cách chuyên nghiệp, bền vững hơn, nhưng những thay đổi trong thực tế thị trường nội địa và quốc tế dẫn đến yêu cầu điều chỉnh Chính sách. Bộ Công Thương đã bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo và đang dự thảo sửa đổi nghị định 109, nhằm tạo bước đột phá trong quản lý nhà nước trong ngành lúa gạo nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng theo hướng xoá bỏ những khó khăn và rào cản không cần thiết trong kinh doanh xuất khẩu gạo. Thay vào đó, Nhà nước sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm và thị trườngcó lợi thế. Hoạt động xuất khẩu gạo sẽ gắn liền với việc sản xuất, mua bán, chế biến và nhu cầu của thị trường. Các quy định về điều kiện kinh doanh của Nghị định sẽ theo hướng khuyến khích các thương nhân đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng xuất khẩu gạo, góp phần xây dựng và củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Minh bạch hóa thông tin với việc cập nhật tình hình sản xuất, xuất khẩu và áp dụng phương thức thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo trực tuyến trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra luồng sinh khí mới trên thị trường gạo.

Trong khi Nghị định 109 đang được dự thảo sửa đổi và thu hút sự quan tâm của dư luận, ngày 3/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 3 tháng 7 năm 2017 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030, phát đi một tín hiệu rõ nét về định hướng chuyển từ “lượng” sang “chất” trong chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam. phấn đấu điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo; chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam. Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới. Theo đó, phấn đấu vào năm 2030 lượng gạo xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn; tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%; tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%).Cơ cấu thị trường cũng có sự thay đổi đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 25%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 6%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 10%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

Năm 2017 có thể coi là một năm của những đột phá chính sách nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp và thị trường phát triển trong nhiều lĩnh vực. Ngành gạo nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng cũng đang có những tín hiệu khởi sắc, và hy vọng sẽ phát triển bền vững hơn nữa với những bước tiến trong chính sách…

Đinh Linh