Xuất khẩu năm 2008, cơ hội và thử thách

Năm 2007 được đánh giá là năm thành công lớn của xuất khẩu Việt Nam, với kim ngạch đạt 48 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2006. Đó cũng là tiền đề thuận lợi để nước ta bước sang năm 2008 với mục tiêu ki

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, nước ta sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn.

TRÁNH NGUY CƠ “GIẪM CHÂN TẠI CHỖ”

Đó là cảnh báo của Bộ Công Thương đưa ra mới đây về kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực trong năm năm 2008. Theo đó, do hạn chế về diện tích, thời tiết, nguồn nước, năng suất và cả về thị trường, nên kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, lâm thủy sản không có khả năng tăng trưởng cao trong năm 2008, thậm chí một số mặt hàng đã đến ngưỡng, nếu không có những biện pháp tích cực. Một số mặt hàng có khả năng tăng trưởng thấp hoặc giảm như chè, cà phê, nhân điều và cao su. Còn về thị trường, mặc dù thừa nhận kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam tăng mạnh tại thị trường Nhật Bản trong những năm qua, song ông Vũ Văn Trung - Tham tán thương mại tại Nhật Bản vẫn không quên cảnh báo: Doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu và mở rộng ngành hàng xuất khẩu sang Nhật. Vì rằng, “nếu chỉ bó hẹp ở các sản phẩm nông sản, thủy hải sản, đồ gỗ, may mặc và dày dép như lâu nay, thì sẽ khó mà tăng được kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới”- ông Trung nói. Trong khi đó, các doanh nghiệp làm ăn với thị trường EU và Hoa Kỳ vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ bị kiện bán phá giá. Cơ chế giám sát hàng dệt may tại Hoa Kỳ vẫn chưa được dỡ bỏ. Đây là hai rào cản lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Không chỉ như thế, theo các chuyên gia, đó còn là “thảm họa” của doanh nghiệp khi vướng phải tranh chấp. Với hai vụ kiện cá tra và tôm trước đây của Hoa Kỳ, do bị xử thua và phải chịu mức thuế chống bán phá cao, nên hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đang phải nộp hàng triệu USD tiền thuế mỗi năm. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đã thẳng thắn nhìn nhận về mục tiêu xuất khẩu năm 2008: “Trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế hiện nay, thì đó là một nhiệm vụ khó khăn. Kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại, đồng USD suy yếu, giá cả hàng hóa đầu vào tăng cao. Trong nước lại vừa trải qua một đợt giá lạnh kéo dài và sắp tới có thể sẽ đối mặt với hạn hán, ảnh hưởng xấu đến sản xuất lúa gạo. Nguy cơ suy thoái của kinh tế Hoa Kỳ tiềm ẩn nhiều khó khăn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Nếu kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái sẽ kéo theo sức mua thị trường giảm, dẫn đến nhập khẩu giảm. Nhập khẩu giảm thì hàng Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát tình hình để cơ cấu thị trường hợp lý, tránh bị ảnh hưởng nếu như kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái”.

TÌM LỐI ĐI MỚI

Ông Phạm Thế Dũng - Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: “Để hoàn thành được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 58,6 tỷ USD năm 2008 không phải là điều dễ dàng, bởi nhiều mặt hang xuất khẩu, nhất là nhóm nông, lâm, thủy, hải sản, đã đạt ngưỡng về lượng xuất khẩu. Muốn tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này, cần phải dựa vào việc nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm. Để làm được điều này, cần hình thành ngay các “chợ” nguyên, phụ liệu có quy mô lớn, từ đó chủ động nguồn nguyên liệu cho các ngành sản xuất, hình thành các doanh nghiệp chuyên cung cấp nguyên, phụ liệu cho sản xuất. Ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam thì nhìn nhận theo một góc độ khác: “Để thực hiện mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 9,5 tỉ USD - tăng 2 tỉ USD so với năm 2007, ngành Dệt May cần sự đồng thuận và hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành. Trong đó, đề nghị Chính phủ sớm thực hiện mở rộng thị trường để hàng dệt may Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khi thâm nhập vào một số quốc gia. Ngoài ra, Bộ Công Thương cần tập trung đầu tư vào một số dự án lớn để xây dựng hình ảnh ngành Dệt - May Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, kể cả đào tạo thiết kế mẫu tại những trung tâm thời trang của thế giới, để nâng cao chất lượng và giá trị hàng dệt - may Việt Nam". Khi gặp trở ngại tại thị trường Hoa Kỳ, nhiều DN đã chuyển hướng sang các thị trường khác để giành quyền chủ động. May Việt Tiến là một trong số đó. Công ty này đã chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản và đã nâng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này từ 11% lên 28% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu của Công ty trong năm 2007. Xu hướng chung của các doanh nghiệp hiện nay là tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hoặc làm “hàng độc” để phục vụ người tiêu dùng khó tính, có tiền, thay vì làm “hàng chợ” đại trà như trước. Tại hội nghị bàn kế hoạch xuất khẩu năm 2008, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, hiện Bộ Công Thương đề ra 4 phương hướng chính bao gồm: Thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng tăng giá trị hàng xuất khẩu đối với các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng sản xuất do bị hạn chế về cơ cấu..., tăng cường đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, những mặt hàng đóng góp quan trọng vào việc thực hiện kế hoạch và giải quyết nhiều việc làm...

NHỮNG TÍN HIỆU VUI ĐẦU NĂM

Ngay trong tháng đầu năm mới, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đã thành công khi trúng thầu hợp đồng 300.000 tấn (khoảng 1,2 triệu USD) trong tổng số 500.000 tấn gạo 25% tấm mà phía khách hàng Philippin mở thầu mới đây. Sáng 14/2/2008 , ngành Cao su thực hiện xuất khẩu 200.000 tấn mủ cao su chủng loại 3L, trị giá khoảng  500.000USD đầu tiên sang Nga. Theo dự báo, thị trường mủ cao su thiên nhiên thế giới năm 2008 sẽ tiếp tục “sốt” do nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc và một số nước có ngành công nghiệp ô tô, máy bay, y tế phát triển. Do đó, giá mủ cao su thiên nhiên xuất khẩu sẽ không dưới 2.200USD/tấn. Mục tiêu của ngành Cao su năm 2008 là sẽ xuất khẩu 70% tổng sản lượng mủ cao su, mang về khoảng 500 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Ngay tháng đầu năm, giá cá tra đã tăng từng ngày, cá tra nguyên liệu đã tới 15.200 đồng – 15.500 đồng/kg, dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong những ngày tới. Nguyên nhân do xuất khẩu gặp thuận lợi, đặc biệt thị trường Đông Âu được khai thông.