Xuất khẩu nông sản, thủy sản sang LB Nga: Biến cơ hội thành hiện thực

Bên cạnh sự trợ giúp của Chính phủ và các bộ ngành, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư như tham gia các hội thảo, hội chợ triển lãm và tìm kiếm đ

Tỷ trọng thấp

Từ những năm 90 đến nay, LB Nga vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, đặc biệt đối với các sản phẩm nông sản, thủy sản. Với GDP khoảng 1.500 tỷ USD, trên 143 triệu người tiêu dùng, trong đó tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, LB Nga là mọt trong những thị trường đầy tiểm năng cho hàng nông sản, thủy sản nước ta.

Mặc dù vậy, xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang LB Nga trong thời gian qua vẫn chưa đáng kể, chưa tương xứng với tiềm năng xuất khẩu của nước ta, thể hiện ở 3 điểm sau. Trước hết, từ năm 2011 đến hết tháng 7/2014, tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản của nước ta sang LB Nga dao động trong khoảng trên 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta. trong khi xuất sang Hoa Kỳ chiếm gần ¼, sang Nhật chiếm trên 10%. Ngay cả với Hàn Quốc, một thị trường mới, tương đối “đóng” và có hàng rào kỹ thuật khá nghiêm ngặt thì tỷ trọng vẫn gấp 4 lần LB Nga, khoảng trên 6%.

Thứ hai, cơ cấu xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường LB Nga cũng giảm mạnh. Nếu trước năm 2009, trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Nga, nhóm hàng nông lâm thủy sản chiếm tỷ trong khoảng 50-60% thì từ năm 2012 đến nay, mặc dù kim ngạch xuát khẩu của Việt Nam sang Nga liên tục tăng nhưng tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng này giảm chỉ còn 10% do có sự dịch chuyển về cơ cấu xuất khẩu sang nhóm hàng công nghiệp chế biến.

Cuối cùng, những mặt hàng nằm trong top dẫn đầu của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu thế giới nhưng lại có tỷ trọng hết sức khiêm tốn tại thị trường Nga. Thí dụ, trong 7 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cà phê nước ta đạt 2,35 tỷ USD, xuất khẩu vào Nga đạt 72,8 triệu USD, bằng 3,1%. Tương tự như vậy, thủy sản chiếm 0,8%; hạt tiêu 2,4%; hạt điều 2,2%; gạo 0,6%; cao su 0,5%; rau quả 2,9%; gỗ và các sản phẩm gỗ 0,2%...

Cơ hội mới

Nhằm giúp xuất khẩu nhóm hàng này đúng với tiềm năng thế mạnh tại thị trường LB Nga, Chính phủ và các bộ ngành có những bước đi hết sức cụ thể. Đầu tháng 9 vừa qua, khóa họp thứ 17 Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật đã diễn ra tại Vladivostok dưới sự chủ trì của hai đồng Chủ tịch Phân ban, Phó thủ tướng thứ nhất Chính phủ LB Nga Igor. I. Shuvalov và Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam Hoàng Trung Hải. Hai bên đạt nhiều thỏa thuận cụ thể trong việc Việt Nam xuất khẩu hàng nông thủy sản, thực phẩm chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của thị trường Nga trong thời gian tới.

Trước đó, vào tháng 6/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Đoàn công tác sang Nga để giải quyết vướng mắc kỹ thuật, khai thông việc XK cá tra vào Nga, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh các sản phẩm có nguồn gốc động vật xuất nhập khẩu giữa hai nước. Hai bên thống nhất rà soát, cập nhật các đầu mối trao đổi thông tin về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thủy sản và sản phẩm động vật trên cạn để hai bên kịp thời trao đổi, xử lý. Đoàn đã đề nghị phía Nga xem xét cho phép 50 DN Việt Nam, trong đó có 30 DN cá tra được xuất khẩu vào Nga và Liên minh Hải quan.

Kết quả là đầu tháng 8, Nga đã dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khảu thủy sản từ Việt Nam vào thị trường Nga đối với bảy doanh nghiệp, trong đó có năm doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra và hai doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm đông lạnh.

Một tín hiệu đáng mừng nữa là mới đây Liên bang Nga áp dụng lệnh hạn chế và cấm nhập khẩu trong thời hạn một năm với các mặt hàng rau, củ, quả, sản phẩm thịt, sản phẩm sữa từ EU, Mỹ và một số nước lân cận như Ucraina, Gruzia, Moldova.. .. đang mở ra cơ hội cho nhiều nhà xuất khẩu khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ông Phạm Quang Niệm - Tham tán Thương  mại Việt Nam tại Nga cho biết, sau sự kiện này, Nga đang tích cực đàm phán với các nước khu vực Mỹ La tinh để nhập khẩu thủy sản và rau, củ, quả vào thị trường của mình. Nga cũng rất quan tâm đến Việt Nam. Những ngày gần đây, Bộ Nội thương Nga đã mời Thương vụ Việt Nam tại Nga đến làm việc, trên cơ sở đó Thương vụ Việt Nam tại Nga có thể kết nối với Maxcơva và các tỉnh khác của Nga để tạo ra những sân chơi rộng, có điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường tại Liên bang Nga.

 Ông Niệm cũng cho biết, cơ hội mới mà thị trường Nga mang lại không chỉ đối với các nhà xuất khẩu nông sản của Việt Nam mà còn đối với các doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp tại Nga – lĩnh vực này trong thời gian qua chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đúng mức mặc dù Nga là quốc gia có diện tích đất nông nghiệp rất rộng lớn, lĩnh vực này cũng nhận được sự ưu đãi từ phía chính quyền và lợi nhuận luôn ở mức cao.

Để tận dụng cơ hội này, bên cạnh sự trợ giúp của Chính phủ và các bộ ngành, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư như tham gia các hội thảo, hội chợ triển lãm và tìm kiếm đối tác nhập khẩu để tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Nga.

Theo các chuyên gia kinh tế, Nga có dải đất rộng với nhiều vùng khí hậu, nên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, khi nghiên cứu nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng, cần lưu ý phân biệt sở thích ở các vùng miền của Nga để định vị sản phẩm xuất khẩu, biến cơ hội thành hiện thực.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần đặt đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định tại thị trường Nga nhằm theo dõi, nắm vững những biến đổi nhu cầu của người tiêu dùng để kịp thời có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

 

 

 

Đồng Văn