Xuất khẩu: Tìm thị trường ngách để bứt phá

Trong khi đợi các FTA thực sự mang lại cơ hội xuất khẩu rộng mở cho các doanh nghiệp (DN) trong nước, cần tranh thủ mọi cơ hội và ngách thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tính đến hết tháng 8/2016, xuất khẩu chỉ đạt khoảng 113 tỷ USD, tăng 6,4% so cùng kỳ 2015, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 10% đã đề ra cho cả năm 2016. Một số thị trường trong khu vực thậm chí ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2015 như Malaysia, Indonesia, Campuchia...

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Trong khi xuất khẩu của cả nước còn cách xa mục tiêu thì xuất khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt hơn 78,97 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 70% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước, với các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường gồm máy tính, điện thoại, phương tiện vận tải và máy móc thiết bị phụ tùng. Đây là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, có kim ngạch lớn và là lợi thế tuyệt đối của các DN FDI so với các DN trong nước.

Trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu chính sang các thị trường xuất khẩu tốp đầu, máy tính linh kiện, điện thoại, máy móc phụ tùng luôn áp đảo so với những mặt hàng lợi thế của các DN trong nước như gạo, thủy sản, gỗ, dệt may...

CÁC THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHÍNH 8 THÁNG NĂM 2016

Thị trường

8 tháng 2016

So 8 tháng 2015

Mặt hàng xuất khẩu chính

Trung Quốc

12,90

16,85

Máy tính linh kiện, xơ sợi, sắn, gạo, gỗ, giày dép

Nhật Bản

9,40

2,17

Dệt may, máy móc thiết bị, thủy sản

Hàn Quốc

7,20

35,85

Điện thoại, dệt may, máy tính, gỗ và sp

Đài Loan

1,40

-41,67

Điện thoại, dệt may, máy tính,thủy sản

Malaysia

1,99

10,56

Máy tính, điện thoại, thủy tinh, dầu thô

Campuchia

1,40

7,69

Dệt may, xăng dầu, thép

Philipinnes

1,40

-12,50

Máy tính, điện thoại, xi măng, gạo

Indonesia

1,60

33,33

Điện thoại, máy móc thiết bị, thép, gạo

Hoa Kỳ

24,80

14,81

Dệt may, giày dép, điện thoại, thủy sản

Nga

1,04

15,56

Điện thoại, cà phê, dệt may, máy tính

Australia

2,00

11,11

Điện thoại, dầu thô, thủy sản, giày dép

Canada

1,70

3,03

Dệt may, giày dép, thủy sản , máy tính linh kiện

UAE

4,00

11,11

Dệt may, giày dép, thủy sản , linh kiện

Đức

3,80

2,70

Điện thoại, dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản


Sự chênh lệch cho thấy những hạn chế trong năng lực cạnh tranh và khả năng bứt phá của các DN Việt Nam trong cuộc đua xuất khẩu và chiếm lĩnh thị phần.

Nhiều ý kiến cho rằng các DN FDI, với lợi thế thị trường của công ty mẹ và hệ thống phân phối quốc tế mạnh đã vận hành từ lâu đương nhiên có ưu thế hơn so với các DN Việt Nam vốn phải xuất khẩu qua trung gian và “vật lộn” mãi vẫn chưa có được chỗ đứng ở các chuỗi cung ứng khu vực hay toàn cầu.

Trong khi đợi các FTA thực sự mang lại cơ hội xuất khẩu rộng mở cho các DN trong nước, việc tranh thủ mọi cơ hội và ngách thị trường để xuất khẩu là hết sức cần thiết.

Nhật Bản: Những ngách thị trường tiềm năng

Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,7% trong quí II/2016, thấp hơn mức tăng trưởng 2,1% trong quí I/2016. Để cải thiện tình hình, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã quyết định nới lỏng tiền tệ, đồng thời Chính phủ Nhật Bản tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 275,4 nghìn tỷ USD. Những nỗ lực chính sách này được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng của Nhật Bản trong năm 2016 và thúc đẩy người dân chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội này, cần xác định được những ngách thị trường phù hợp.

Nguồn: Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC)

Thịt: Trong khi Việt Nam đang đau đầu với bài toán xuất khẩu thịt lợn vào Trung Quốc, thị trường này cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nước xuất khẩu thịt lợn nhất trên thế giới. Nếu nhìn sang một thị trường khác có thể thấy nhập khẩu thịt lợn vào Nhật Bản cũng đang có xu hướng gia tăng, 7 tháng đầu năm 2016, đạt khoảng 2,3 tỷ USD. Hiện nay Nhật Bản đang nhập khẩu thịt lợn tươi và đông lạnh chủ yếu từ EU, Hoa Kỳ, Mexico và Canada. Nếu liên kết với các DN Nhật Bản trong sản xuất và xuất khẩu thịt lợn, đây sẽ là một thị trường ổn định và giá trị gia tăng cao hơn cho các DN Việt Nam.

Trái cây: Chuối, loại trái cây phổ biến và giá rẻ tại Việt Nam nhưng chưa có chỗ đứng tại Nhật Bản, thị phần 7 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt khoảng 0,04%, trong khi Philipinnes chiếm tới 80% thị phần chuối nhập khẩu vào thị trường này. Ngoài tiêu chí chất lượng vốn được Nhật Bản đặt lên cao nhất, giá chuối cũng đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện thị phần. Trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu riêng mặt hàng chuối vào Nhật Bản đạt gần 600 triệu USD. Nhập khẩu từ Ecuador vào Nhật Bản tăng 2,3 lần cùng kỳ năm 2015 (đạt thị phần trên 14%), trong khi từ Philippines giảm 10% do mất mùa đẩy giá lên cao. Tại sao sự thay thế lại là Ecuador, một đất nước ở xa Nhật Bản mà không phải là nguồn cung từ Việt Nam?

Gạo: Mặc dù khá chặt chẽ trong nhập khẩu gạo, khoảng 302 triệu USD gạo vẫn được nhập khẩu vào Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm 2016, nhưng cho đến nay, gần như không có túi gạo nào “made in Vietnam” trên thị trường bán lẻ của Nhật. Nhật Bản nhập khẩu gạo chủ yếu từ Hoa Kỳ và Thái Lan, lần lượt chiếm 62% và 24% thị phần nhập khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm 2016.

Gạo Việt được nhập khẩu vào Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm 2016 chỉ chiếm 0,01% thị phần gạo nhập khẩu của Nhật Bản, quá thấp so với tiềm năng của Việt Nam. Cho đến nay, gạo Việt chỉ được dùng vào một số việc như làm hồ dán công nghiệp, viện trợ của Chính phủ Nhật cho các nước châu Phi. Rất khó để cạnh tranh với Thái Lan ở phân khúc gạo thơm cao cấp. Do đó, theo khuyến cáo của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, muốn xuất khẩu vào thị trường này, chỉ có cách là liên kết với các DN Nhật để chế biến gạo thành các sản phẩm như bún bánh, rượu, phở... Cách làm đó vừa tăng hàm lượng chế biến của sản phẩm, vừa giúp hàng của Việt Nam thâm nhập vào các kênh phân phối bán lẻ của thị trường khó tính này.

Thủy sản: Đối với tôm, nhập khẩu từ Ấn Độ đang có xu hướng thay thế vị trí đứng đầu của Thái Lan, chiếm 17% giá trị nhập trong 6 tháng đầu năm. Bệnh dịch ở Thái Lan đang khiến tôm của nước này mất đi lợi thế cạnh tranh, nhưng tại sao sự thay thế lại là Ấn Độ? Dường như nguồn hàng được sản xuất tôm là điều quan tâm nhất đối với nhà nhập khẩu tôm Nhật Bản hiện nay, dư lượng hóa chất trong tôm là rào cản lớn nhất đối với tôm Việt Nam và cũng là vấn đề của tôm Thái Lan thời gian gần đây.

Trung Quốc: Cơ hội từ những ý tưởng đơn giản và những quyết tâm lớn

Số liệu từ cơ quan Thống kê Trung Quốc cho thấy tháng 8/2016, nhập khẩu của nước này đã giảm tháng thứ 21 liên tiếp. Đồng Nhân dân tệ mất giá 6% so với năm 2015 là một trong những nguyên nhân hạn chế nhập khẩu trong năm 2016. Trong bối cảnh khó khăn đó, mặc dù 8 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu sang Trung Quốc (theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam) vẫn tăng trên 16% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng nếu không sớm tìm ra những ngách thị trường hay phương thức xuất khẩu mới, đường đi của hàng Việt sang thị trường này sẽ ngày càng gian nan hơn.

Trong khi đó, kết quả khảo sát thị trường Trung Quốc cho thấy có khoảng 225 triệu người ở tầng lớp trung lưu và 60-70 triệu người giàu có ở nước này sẵn sàng chi trả cho những bữa ăn cân đối dinh dưỡng hơn. Điều đáng lưu ý là những người này thường có xu hướng mua hàng từ Hồng Kông chuyển về, bởi họ tin rằng hàng hóa ở đó được kiểm duyệt chất lượng và an toàn thực phẩm tốt hơn tại Trung Quốc đại lục.

Một ví dụ có thể quan tâm, đó là câu chuyện của ngũ cốc ăn sáng với trái cây sấy khô và các loại hạt. Loại sản phẩm này đang được vào danh sách buộc phải mua của người tiêu dùng Trung Quốc khi sang mua sắm tại Hồng Kông. Theo Công ty Nghiên cứu toàn cầu Kantar Worldpanel, giá ngũ cốc ăn sáng có bổ sung trái cây cao gấp ba lần bột yến mạch mà người Trung Quốc quen dùng nhưng chỉ trong một năm, doanh số các sản phẩm này cao gấp hai lần loại ngũ cốc ăn sáng truyền thống ở Trung Quốc. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến việc bổ sung rau quả vào tất cả các bữa ăn trong ngày của họ.

Những thông tin này truyền đến cho chúng ta thông điệp gì? “Thêm trái cây vào ngũ cốc, bột sữa và hãy chọn Hồng Kông là điểm trung chuyển để bán cho người tiêu dùng Trung Quốc”. Việt Nam có những loại trái cây nhiều dinh dưỡng và dễ kết hợp vào ngũ cốc, như sự kết hợp của chuối, dứa, bột gạo và sữa không chỉ là sựa lựa chọn cho trẻ ăn dặm và người già mà phù hợp với mọi lứa tuổi khác, đặc biệt là những phụ nữ quan tâm đến sắc đẹp và giữ gìn tuổi trẻ.

Còn rất nhiều ví dụ khác như thế nữa, có thể đến từ những ý tưởng và phát hiện đơn giản, nhưng đòi hỏi quyết tâm lớn của các cơ quan xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp để xác lập những kênh xuất khẩu mới và định vị sản phẩm của Việt Nam ở những phân khúc thị trường có giá trị gia tăng cao hơn ở khối các thị trường nói tiếng Trung.

Hàn Quốc: Tăng cường hợp tác với các nhà phân phối bán lẻ lớn

Do xuất khẩu yếu, Chính phủ Hàn Quốc sẽ triển khai gói kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá 17 tỷ USD trong nửa cuối năm 2016. Chính sách này nếu phát huy tác dụng, sẽ kích cầu và tăng nhập khẩu vào Hàn Quốc.

Một xu hướng đáng lưu ý tại thị trường Hàn Quốc là nhóm người ở độ tuổi 40 đang trở thành đối tượng tiêu dùng tích cực nhất. Điều đó có nghĩa là những sản phẩm phù hợp với độ tuổi này sẽ có lợi thế tăng doanh thu hơn. Ở độ tuổi này, người ta quan tâm đặc biệt đến chất lượng sản phẩm thay vì chạy theo trào lưu thị hiếu như giới trẻ. Những người ở độ tuổi 40 cũng có khả năng tài chính tốt nhất, sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm “đắt xắt ra miếng”. Theo Cơ quan Thông tin thống kê Hàn Quốc, số lượng người ở độ tuổi này hiện vào khoảng 8,5 triệu người. Đa phần trong số họ là những người đã lập gia đình và quyết định mua sắm của họ thường ảnh hưởng tới lượng chi tiêu cho cả một gia đình 4 người.

Tuy nhiên, việc tiếp cận người tiêu dùng nước này chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Gần đây, nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam chọn hướng đưa hàng vào Hàn Quốc thông qua những kênh phân phối bán lẻ uy tín để dần dần đáp ứng được thói quen và thị hiếu tiêu dùng của người Hàn Quốc.

7 tháng đầu năm 2016, Hàn Quốc nhập khoảng 174 triệu tấn gạo, trong đó 48% từ Trung Quốc, 44% từ Hoa Kỳ, 4,4% từ Thái Lan và hơn 2% từ Ấn Độ. Việt Nam hầu như không khai thác được thị trường gạo nhập khẩu của nước này. Tuy nhiên, cũng tương tự như bài toán tại thị trường Nhật Bản và ý tưởng từ câu chuyện tại thị trường Trung Quốc, những loại bột ngũ cốc từ gạo bổ sung trái cây khô, các sản phẩm từ gạo khác như bún, bánh phở, đóng gói thành những sản phẩm tiện dụng và dễ bán tại siêu thị... sẽ là cách tiếp cận khả thi hơn đối với thị trường này. Đây cũng là giải pháp cần áp dụng cho các thực phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam.

Đối với đồ nhựa, việc được hưởng ưu đãi thuế quan từ FTA với Hàn Quốc là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, nhựa gia dụng phục vụ các gia đình Hàn Quốc cần được phân phối qua những kênh bán lẻ được các gia đình tin cậy. Xu hướng nhựa sinh học an toàn đang được quan tâm hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam đổi mới công nghệ để tranh thủ phân khúc thị trường này.

Một vài ví dụ kể trên cho thấy, ở đâu đó, trong mỗi thị trường truyền thống, đều vẫn còn nhiều phân khúc thị trường mà chúng ta chưa tận dụng được; hoặc vì ngại đổi mới mà đánh mất đi cơ hội về tay cả nước đến sau...

Linh Lâm