Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngành Điện lực tại Việt Nam

TS. PHAN THỊ HẰNG NGA (Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech))

TÓM TẮT:

Mục tiêu của bài viết là tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành Điện lực Việt Nam, ước lượng mô hình hồi quy Random effects model với biến phụ thuộc là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (return of equity ratio: ROE) và các biến độc lập là các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành Điện Việt Nam trên cơ sở hệ thống dữ liệu thứ cấp (báo cáo tài chính) thu thập từ 20 doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015. Kết quả ước lượng cho thấy tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành Điện chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: Tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn; Quy mô doanh nghiệp; GDP. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất các hàm ý chính sách giúp làm tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp ngành Điện ở Việt Nam.

Từ khóa: Hiệu quả kinh doanh, ngành độc quyền, ngành Điện, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Tối đa hóa tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu hay tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp luôn là mục tiêu của tất cả các doanh nghiệp nói chung và ngành Điện nói riêng hiện nay. Ngành Điện là một trong 06 tập đoàn mạnh của đất nước, giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có nhiệm vụ quyết định chiến lược, định hướng chiến lược phát triển ngành Điện, phát triển các dự án điện, cân đối nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do đó, các công ty sản xuất và cung cấp điện cần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, đặc biệt nếu xóa bỏ sự độc quyền hiện nay có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của ngành Điện. Chính vì vậy, nghiên cứu các yếu tố tác động đến lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty sản xuất và cung cấp điện là thật sự cần thiết.

2. Cơ sở lý luận

Lợi nhuận là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí của doanh nghiệp. Các chỉ tiêu phổ biến thường bao hàm lợi nhuận gộp, lợi nhuận trước thuế và lãi vay, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tài chính, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư, lợi nhuận trước thuế hay lợi nhuận sau thuế.

Để xác định hiệu quả kinh doanh thông thường được đo lường bởi các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE); tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA).

Trên thế giới, có khá nhiều nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng về các yếu tố quyết định lợi nhuận của doanh nghiệp gồm: Yana Safarova (2010) xem xét các yếu tố quyết định đến tỷ suất sinh lợi của 76 công ty niêm yết tại thị trường chứng khoán New Zealand giai đoạn 1996-2007; Rehana Kouser (2012) khi nghiên cứu 70 công ty phi tài chính niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Karachi của Pakistan trong giai đoạn 2001-2010; Mou Xu và Wanrapee Banchuenvijit (2015) khi nghiên cứu 28 công ty (không bao gồm các công ty tài chính) niêm yết trên SSE 50 trong giai đoạn 2008-2012.

Các nghiên cứu trên chỉ ra rằng, các yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm quy mô tài sản; tuổi đời của doanh nghiệp, hệ số nợ của công ty; lạm phát; GDP. Kế thừa các kết quả đã nghiên cứu, trong nghiên cứu này tác giả sẽ sử dụng các chỉ tiêu ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp gồm: (1) Quy mô tài sản lớn sẽ làm cho hiệu quả kinh doanh cao; (2) Công ty sử dụng đòn bẩy tài chính tăng sẽ làm tăng hiệu quả kinh doanh; (3) Công ty sử dụng tốt các tài sản, nguồn vốn sẽ làm tăng hiệu quả kinh doanh; (4) Tốc độ tăng trưởng góp phần làm tăng hiệu quả kinh doanh; (5) Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Mô hình nghiên cứu

Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu này là dữ liệu bảng được thu thập từ báo cáo tài chính của 20 công ty sản xuất và cung cấp điện được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2011- 2015.

Mô hình nghiên cứu: ROEit = β0 + β1GROWTHit + β2LEVit + β3SIZEit + β4TATit + β5GDPt + εit

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mô tả

Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp trung bình trong toàn bộ mẫu khảo sát là 14,14%, con số này tương đối thấp, tỷ suất lợi nhuận cao nhất là 47,3% của Công ty Cổ phần Thủy điện Gia Lai, thấp nhất là -13,58% thuộc về Công ty Cổ phần Thủy điện Quế Phong. Tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp trung bình là 4.01%, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2016.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu bình quân 1.09 lần. Quy mô của doanh nghiệp trung bình là 12,54, nghìn tỷ. Hệ số hiệu quả quản lý tài sản bình quân là 0,643879.

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế GDP trong giai đoạn 2011 - 2015 trung bình ở mức 5,9%.

4.2. Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến

Theo kết quả kiểm định hệ số tương quan giữa các biến độc lập ở mức độ khá thấp, ngoại trừ cặp biến ROE và LEV có mức độ tương quan khoảng 0.4264. Tuy nhiên, hệ số này không quá cao để kết luận có hiện tượng đa cộng tuyến hoàn hảo.

Kiểm định đa cộng tuyến là hiện tượng chỉ số VIF = 1,12< 10 nên hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình được đánh giá là không nghiêm trọng.

Kiểm định phương sai thay đổi bằng kiểm định White, X2 = 7,98 và Prob = 0.9920, không có hiện tượng phương sai thay đổi.

Nhận xét: Với mức ý nghĩa 10%, ta có: Prob = 0.1198 > 10% nên chấp nhận giả thuyết H0 => chọn Random effects model

4.3. Kết quả hồi quy

Theo kết quả hồi quy có 3 biến có ý nghĩa thống kê và các biến giải thích được 40.18% các biến tác động đến hiệu quả kinh doanh của ngành điện. Các biến có tác động đến ROE gồm: Tỷ lệ nợ (LEV), khi tỷ lệ nợ của doanh nghiệp giảm xuống 1 đơn vị thì ROE tăng lên 0, 0807096 đơn vị; Quy mô doanh nghiệp (SIZE) với mức tác động là quy mô doanh nghiệp tăng 1 đơn vị thì ROE tăng lên 0, 233096 đơn vị; Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (GDP) với mức tác động tỷ lệ tăng trưởng tăng 1 đơn vị thì ROE giảm đi 1.912607 đơn vị. Các biến không ảnh hưởng đến ROE gồm: Tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp; Hiệu quả quản lý tài sản. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Yana Safarova (2010); Rehana Kouser (2012).

5. Kiến nghị chính sách

Căn cứ kết quả nghiên cứu này, tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách như sau:

Thứ nhất, tăng doanh thu: đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp điện mới, phát triển khách hàng để tăng doanh thu và khai thác hiệu quả năng lực sẵn có hạ tầng điện. Quản lý chặt chẽ việc áp giá điện, chống thất thoát và nợ tiền điện.

Thứ hai, giảm chi phí: Điều hành hệ thống điện, thị trường phát điện cạnh tranh: kiểm soát chi phí khâu phát điện, điện mua để giảm chi phí. Thực hiện giảm chỉ tiêu tổn thất điện năng; Tiết kiệm vật tư vật liệu; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi phí dịch vụ mua ngoài, các loại chi phí bằng tiền.

Thứ ba, tăng quy mô doanh nghiệp:

Theo dự kiến của ngành Điện, tổng số vốn đầu tư thuần trong giai đoạn 2016 - 2020 là 305.331 tỷ đồng, trong đó, riêng EVN có số vốn đầu tư là 255.822 tỷ đồng; đầu tư ngoài EVN là 49.809 tỷ đồng, cần có các giải pháp sau:

Một là, tăng cường huy động vốn đầu tư cho phát triển ngành Điện: Từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các DN ngành Điện thông qua việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động, đảm bảo có tích lũy, đảm bảo tỷ lệ vốn tự có cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong ngành Điện có tín nhiệm tài chính cao phải giảm chi phí huy động vốn cho các dự án điện, tự huy động vốn không cần hỗ trợ bảo lãnh Chính phủ. Đồng thời, tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong và ngoài nước để đầu tư vào các công trình điện.

Ngoài ra, các DN nhà nước cần tăng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngành Điện; Thúc đẩy hoạt động liên doanh trong nước và nước ngoài nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư; Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức, vốn vay thương mại nước ngoài, tín dụng người cấp hàng... để phát triển ngành Điện.

Hai là, đầu tư đồng bộ nguồn và lưới điện: Ngành Điện cần tập trung đầu tư phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện theo hướng hiện đại. Phát triển thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện hạt nhân kết hợp trao đổi, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực. EVN chỉ đầu tư những công trình phát điện có công suất từ 100MW trở lên, tạo điều kiện cho các DN ngoài EVN đầu tư vào các công trình có công suất nhỏ hơn. Phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại hệ thống truyền tải, phân phối nhằm nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng.

Ba là, tích cực đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới để sản xuất điện: Với điều kiện thiên nhiên và thổ nhưỡng, Việt Nam được đánh giá là quốc gia không chỉ phong phú về nguồn năng lượng hóa thạch mà còn có tiềm năng lớn đối với nguồn năng lượng tái tạo: năng lượng gió và năng lượng mặt trời là hai nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn nhất. Tuy nhiên, đây lại là 2 nguồn năng lượng tái tạo được khai thác ít nhất cả về công suất và hiệu quả. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân về mặt kinh tế (chi phí đầu tư ban đầu quá cao, quy mô đầu tư lớn, giá thành sản phẩm không cạnh tranh) và các chính sách hỗ trợ Nhà nước đang là rào cản lớn đối với việc phát triển nguồn năng lượng này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Arellano, M. & Bover, O. (1995), Another look at the instrumental – variable estimation of error-components models. Journal of Econometrics, 68(1), 29-52.

2. Mou Xu và Wanrapee Banchuenvijit (2015), FactorsAffecting Financial Performance of Firms Listedon Shanghai Stock Exchange 50(SSE 50), School of Business.

3. Rehana Kouser (2012), “Gauging the financial performance of banking sector using CAMEL model: Comparison of conventional, mixed and pure Islamic banks in Pakistan”, International Research Journal of Finance and Economics 82, 67-88.

4. Yana Safarova (2010), “Factors that Determine Firm Performance of NZ Listed Companies, School of Business”.

FACTORS AFFECTING THE BUSINESS EFFICIENCY

OF THE ELECTRICITY SECTOR IN VIETNAM

● PhD. PHAN THI HANG NGA

Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT:

Using the Random effects model estimator technique described by Arellano and Bover (1995), this paper analyses how electricity sector enterprises characteristics and macroeconomic variables factors affect the profitability of 20 Electricity business enterprise in Viet Nam from 2011-2015. We show that return of equity ratio (ROE) considered as dependent variables in our model can be explained by debt to equity ratio; business size, growth rate of the business and GDP growth.Estimated results show that the margins of electricity business enterprise are influenced by: debt to equity ratio; business size; GDP. On this basis, the paper proposes policy implications to increase the profitability of Vietnam's electricity sector.

Keywords: Business efficiency, monopoly sector, electricity sector, Vietnam.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 09 tháng 08/2017 tại đây