Từ năm 1990, Đồng Nai đã thành lập Công ty Phát triển KCN Biên Hòa (Sonadezi) và KCN Biên Hoà 2 trở thành KCN đầu tiên của cả nước được ra đời trước khi Chính phủ ban hành quy chế KCN. Thành công của KCN Biên Hòa 2 đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy qúa trình xây dựng và phát triển các KCN Đồng Nai.

Đến nay, Đồng Nai đã có 16 KCN được Chính phủ phê duyệt (chiếm 15% số lượng các KCN được phê duyệt trong cả nước là 109), với tổng diện tích 4.805 ha (chiếm 24% so với 20.385 ha). Trong đó  có 6 KCN đã lấp đầy trên 80% diện tích (chiếm 24% so với 25 KCN đã đầy trên 80% của cả nước); tỷ lệ lấp đầy bình quân tại các KCN đạt 57,72% (bình quân cả nước là 42%). Tính đến tháng 6/2004, các KCN Đồng Nai đã thu hút được 596 dự án đầu tư (chiếm 24% so với 2.864 dự án đầu tư vào các KCN cả nước), với tổng vốn 6.327 triệu USD (chiếm 39% so với 16.070 triệu USD); tạo việc làm cho khoảng 200.000 lao động (chiếm 34% trong số 581.000 lao động trong các KCN cả nước).

Dự kiến đến năm 2010, Đồng Nai sẽ phát triển 32 KCN tập trung, với tổng diện tích khoảng 11.000 ha. Trong đó: 16 KCN đã được Chính phủ phê duyệt (4.805 ha); 7 KCN đang xin thành lập (2.050 ha); và 9 KCN mới đăng ký bổ sung (3.070 ha).

Tại Hội nghị “Tổng kết Qúa trình xây dựng, phát triển các KCN và thu hút đầu tư tại Đồng Nai (1991-2004)”, tổ chức ngày 6/4/2005, bà Đặng Thị Kim Nguyên (Phó chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Ban quản lý các KCN Đồng Nai) đã nêu 8 thành quả quan trọng mà Đồng Nai đã đạt được.

1. Góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, cải tiến thủ tục hành chính.

Từ thực tiễn của KCN Biên Hòa 2, cùng với sự hình thành và phát triển các KCN trong cả nước, năm 1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định 192/CP về quy chế hoạt động của KCN. Sau Quy chế KCN, là cơ chế ủy quyền tạo thuận lợi về cải cách thủ tục hành chính với các doanh nghiệp trong KCN, và tiếp theo nữa là cơ chế quản lý một cửa tại chỗ..

2. Sự phát triển các KCN đã góp phần quan trọng phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện đang triển khai 128 dự án xây dựng nhà ở và đầu tư hạ tầng phát triển nhà ở, với tổng diện tích hơn 1.370 ha do 40 chủ đầu tư. Các kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng phát triển rất nhanh về Điện năng: Đến 2004 các tổng công suất điện trên tính đạt1.175 MVA, sản lượng tiêu thụ 1.802 triệu kWh, 73.5%; -Nước: Công suất nguồn nước máy tăng gấp 7 lần lên 197.800 m3/ngày (năm 2004). Nhiều nhà máy nước được đầu tư mới như Thiện Tân, Long Bình, Nhơn Trạch; về Bưu chính-viễn thông: Năm 2004 đã có 308.655 điện thoại (179.175 máy cố định), và 78 tổng đài điện tử các loại; về Giao thông vận tải hiện toàn tỉnh có 3.302 tuyến giao thông với tổng chiều dài 6.156 km, nhiều khu cảng lớn như Gò Dầu-Phước An trên sông Thị Vải, Phú Hữu trên sông Nhà Bè-Lòng Tàu, khu cảng trên sông Đồng Nai đang định hình..

3. Phát triển KCN và thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư đã thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 122 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trung ương và 50 DNNN địa phương hoạt động, đóng góp 26% GDP và 25% tổng thu ngân sách.  Các KCN Đồng Nai đã thu hút 645 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký 6,8 tỷ USD. Trong đó các doanh nghiệp trong nước có 150 dự án, với số vốn khoảng 400 triệu USD.

4. Các KCN đã góp phần đổi mới công nghệ, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn

Nhơn Trạch được coi là một điển hình về công nghiệp hóa nông thôn thông qua hình thức phát triển các KCN. Với 5 KCN đang hoạt động và 4 KCN được quy hoạch chờ Chính phủ phê duyệt, Nhơn Trạch đang chuyển mình từ một huyện thuần nông thành khu vực công nghiệp phát triển với các khu đô thị, khu thương mại lớn, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh và ổn định.

5. Các KCN đã góp phần hình thành và tăng nhanh các hoạt động dịch vụ:

Thực tiễn cho thấy, một số loại hình dịch vụ đã hình thành và phát triển cùng với qúa trình phát triển các KCN, như; dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp, dịch vụ nhà trọ, mạng lưới chợ, siêu thị, vui chơi, giải trí, dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, khai thuế hải quan, dịch vụ tư vấn, dịch vụ xử lý rác công nghiệp, dịch vụ cung ứng lao động, vận tải hàng hóa.

 6. Góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, khuyến khích học tập, nâng cao dân trí và thực hiện các chính sách xã hội:

7. Sự phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, nhất là khu vực dân doanh và ĐTNN đã góp thêm kinh nghiệm thành lập các tổ chức chính trị, xã hội trong doanh nghiệp

Hiện đã có 54 chi bộ đảng trong doanh nghiệp dân doanh và ĐTNN với 1.112 đảng viên; 267 tổ chức công đoàn trong các KCN, trong đó có 217 công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp dân doanh và ĐTNN; 116 cơ sở đoàn với 7.452 đoàn viên trong các doanh nghiệp.

8. Góp phần phát triển quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế.

Đồng Nai đã hợp tác với TP.HCM trong việc chuẩn bị đầu tư KCN tại huyện Thống Nhất và tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp TP.HCM đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN Đồng Nai như  KCN dệt may Nhơn Trạch, KCN Nhơn Phú, KCN Nhơn Trạch 6. Ngoài ra tỉnh còn tham dự các chương trình hợp tác bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai, phát triền tổng thể quy hoạch vùng, dự kiến hình thành các khu đô thị, các công trình dịch vụ phục vụ chung toàn vùng..

Tỉnh cũng thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với một số địa phương tại các nước, như: với vùng Rhône-Alpes (Pháp), tỉnh Kyongsangnam (Hàn Quốc), tỉnh Ternopol (Ucraina), Giang Tô (Trung Quốc), tỉnh Choburi (Thái Lan)… trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục-đào tạo, môi trường.