Tính trung bình, mỗi năm có khoảng 15 - 20 vụ tai nạn chết người do điện cao áp, 200 - 250 vụ tai nạn chết người do điện hạ áp,  xấp xỉ 80 - 85% trong tổng số vụ tai nạn xảy ra là trên lưới điện sinh hoạt ở nông thôn. Con số này thấp hơn so với thực tế vì các báo cáo chưa thống kê hết được.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tai nạn điện trong nhân dân xảy ra nhiều như vậy? Qua phân tích số liệu thống kê, chúng tôi thấy có 4 nguyên nhân chính thường gây ra tai nạn điện trong nhân dân là:

1. Trình độ hiểu biết về an toàn điện trong nhân dân còn rất thấp; thói quen tuỳ tiện trong sử dụng điện còn rất phổ biến.

Xin nêu một số dẫn chứng và phân tích nguyên nhân: 

a) Tại tỉnh Thái Bình, trong 9 tháng đầu năm 1999 đã có 47 vụ tai nạn chết người do điện, trong đó:

-11 trường hợp do bẫy chuột, người vô tình vướng phải bị điện giật chết.

- 2 trường hợp dùng điện lưới để đánh bắt cá, bản thân người đánh bắt cá bị điện giật chết.

- 1 trường hợp kéo dây giăng điện để bảo vệ ao cá, người ngoài không biết chạm phải bị điện giật chết.

- 8 trường hợp tự sửa chữa điện trong gia đình, do thiếu kiến thức và không thực hiện đúng các biện pháp an toàn bị điện giật chết.

    - 25 vụ còn lại do hệ thống dây dẫn điện từ sau công tơ về gia đình không đảm bảo an toàn, dụng cụ điện trong gia đình bị hư hỏng, kéo dây mắc điện trong gia đình không đúng kỹ thuật, dẫn đến tai nạn.

b) Tại các tỉnh khác, tình trạng thiếu hiểu biết hoặc chủ quan, vi phạm quy định về an toàn sử dụng điện trong nhân dân cũng thường xảy ra khá phổ biến. Vụ tai nạn làm chết 3 người ngày 09/4/2001 tại Cà Mau là một điển hình. Trong quá trình khoan giếng, do để dụng cụ chạm dây điện hạ áp bị tróc vỏ, điện giật chết cả 3 người tại chỗ. Vụ tai nạn tại Đồng Tháp ngày 20/8/2001 làm chết một người và bị thương nặng một người do vướng vào dây điện mắc quá thấp của gia đình. Vụ tai nạn ngày 31/7/2002 tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu làm chết một người dân dùng điện để bẫy chuột. Vụ tai nạn xảy ra ngày 11/10/2002 tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang làm chết chị Hồ Bích Lệ và bị thương nặng 2 người khác do gia đình người hàng xóm kéo đường điện hạ áp không an toàn, chỗ nối dây điện được bọc bằng mảnh túi ni-lon, điện truyền ra mái tôn, truyền vào hàng rào kẽm gai và dây phơi của gia đình chị Lệ. Khi chị Lệ bị nạn, anh Phạm Thanh Sơn đến cứu cũng bị điện giật bất tỉnh, con trai chị Lệ là cháu Nguyễn Hữu Lộc vào nắm tay mẹ cũng bị điện giật bất tỉnh, hậu quả là chị Lệ chết tại chỗ,  2 người còn lại phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Vụ tai nạn xảy ra ngày 20/6/ 2002 làm chết 2 anh em là Đỗ Hồng Quân (18 tuổi) và Đỗ Hồng Thọ (16 tuổi) tại thị xã Bạc Liêu do hai anh em nắm phải dây néo trụ điện chiếu sáng trong thị xã bị dò điện. Vụ tai nạn làm chết anh Mai Ngọc Mềm ngày 1/8/2002 là do người anh trai của anh Mềm thả 1 đoạn dây sắt xuống ao làm dây nguội cho hệ thống điện sinh hoạt của gia đình. Anh Mềm không biết nên đã kéo đoạn dây sắt từ đáy ao lên làm mất nguội và bị điện giật chết.  Vụ tai nạn xảy ra ngày 17/7/2002 tại Châu Phú tỉnh An Giang làm chết 3 người và bị thương 2 người khác do 5 người này dựng cột ăng-ten gần đường dây điện hạ áp, khi cột ăng-ten va chạm vào dây điện làm cả 5 người bị điện giật. Vụ tai nạn điện khác xảy ra tại tỉnh An Giang, anh Dẹ đi câu ếch tại ao rau muống nhà ông Thành bị điện giật chết do nhà ông Thành dùng một đoạn sắt phi 8 đóng xuống ao làm dây nguội cho hệ thống điện gia đình, vv...

c) Tình trạng xây dựng nhà ở, công trình vi phạm khoảng cách an toàn quy định tại Nghị định 54/CP  về Bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, gây phóng điện chết người cũng xảy ra khá phổ biến ở các vùng ven đô. Trung bình mỗi năm có khoảng 8 - 15 thợ xây dựng đi làm thuê cho các gia đình xây nhà dưới đường dây điện cao áp đã bị điện phóng chết. Điển hình như vụ tai nạn xảy ra ngày 01/02/2001 tại số nhà 96 thị trấn Văn Điển-Chủ hộ Nguyễn Mạnh Sâm xây nhà gần đường dây 35 kV, khi xây dựng đã bị đơn vị quản lý điện lực lập biên bản yêu cầu đình chỉ nhưng chủ hộ không chấp hành. Khi thi công sàn tầng 3, một thợ xây làm đổ thanh sắt  vào 1 dây pha, bị điện phóng chết. Hai người khác vào cứu cũng bị điện giật chết tại chỗ. Vụ tai nạn điện cao áp làm chết anh thợ nước Trần Thanh Minh ngày 23/5/2002 tại thị xã Bắc Cạn do chủ nhà xây dựng vi phạm khoảng cách an toàn của đường dây cao áp 10 kV, khi anh Minh lắp ống nước trên nóc nhà đã chui qua đường dây cao áp, bị điện phóng chết tại chỗ.

d) Việc sử dụng thuỷ điện cực nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng sâu, vùng xa cũng thường xảy ra tai nạn điện. Các hộ gia đình thường mua những máy thuỷ điện cực nhỏ của Trung Quốc chế tạo, công suất khoảng 200 - 300w,  lắp đặt trên các dòng suối, kênh mương để phát điện, tự cung tự cấp điện cho gia đình. Do ít hiểu biết về điện, bà con đã sử dụng cả dây thép trần, dây thép buộc xây dựng, dây điện thoại,  mắc dây luồn lách ven suối, ven đường,  mắc trực tiếp lên cành cây, vv... nên đã có rất nhiều tai nạn điện giật chết gia súc hoặc chết người.

Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp tai nạn thương tâm lặp đi lặp lại tại lưới điện hạ áp nông thôn.

 2.  Phần lớn lưới điện hạ áp nông thôn không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn:

Qua khảo sát về nội dung quản lý kỹ thuật tại một số lưới điện hạ áp nông thôn ở Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá và  một số tỉnh khác cho thấy hiện nay tỷ lệ lưới điện hạ áp được xây dựng mới hoặc được cải tạo lại đảm bảo tiêu chuẩn an toàn còn rất khiêm tốn, chiếm khoảng 35-40%. Đa số lưới điện hạ áp nông thôn đã vận hành lâu năm có chất lượng xấu, chắp vá, không đồng bộ do xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng không chặt chẽ, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Một số đường dây hạ áp ở các xã được xây dựng từ thời kỳ bao cấp (những năm 1980), đến nay đã có khoảng trên 20 năm vận hành, nhưng không được đầu tư để duy tu bảo dưỡng đúng kỹ thuật, dây dẫn có tiết diện nhỏ và chắp nối trong khi phụ tải sinh hoạt đã tăng gấp 4-5 lần so với thời kỳ mới xây dựng, do đó dây dẫn đường trục và một số mối nối dây thường bị nóng đỏ vào giờ cao điểm, sứ cách điện bị rò rỉ, dây dẫn từ sau công tơ về gia đình được lắp đặt tuỳ tiện, tiếp địa lặp lại không có hoặc không được kiểm định, vv...do đó gây tổn thất điện năng khá lớn. Tính riêng về phần tổn thất kỹ thuật, có nơi lên đến 30%. Đây là một trong những nguyên nhân gây sự cố đứt dây, gây tai nạn điện trong nhân dân và làm tăng tổn thất điện năng, dẫn đến tăng giá bán điện đến người dân.

3. Nghiệp vụ chuyên môn của thợ điện nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu.

Chất lượng và nghiệp vụ chuyên môn của thợ điện nông thôn cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Qua số liệu thống kê và khảo sát, có đến 94% thợ điện nông thôn chưa được qua đào tạo cơ bản và chưa có bằng cấp về kỹ thuật điện. Tại xã Nghĩa Hồng (Nam Định) có 13 thợ điện xã được giao khoán thẳng 13 công tơ tổng dưới sự chỉ đạo của chủ nhiệm HTX. Vấn đề quản lý kỹ thuật và vấn đề an toàn ở đây ít được quan tâm, người quản lý chỉ lo thu tiền điện. Hiện tượng đấu thầu quản lý điện nông thôn đã xảy ra ở nơi này nơi khác, ví dụ trong biên bản giao nhận quản lý dịch vụ điện của thôn Đồng Kỵ (Từ Sơn-Bắc Ninh), việc quản lý điện được giao cho những người có nhu cầu làm dịch vụ theo hình thức đăng ký và đấu thầu, nộp tỷ lệ 4-8% số tiền thu được cho chính quyền địa phương, nhưng về tiêu chuẩn trình độ nghiệp vụ chuyên môn và trách nhiệm về an toàn trong quản lý vận hành lưới điện của xã đối với những người này thì không được đề cập đến.

Tuy một số sở Công nghiệp và Điện lực tỉnh đã mở lớp đào tạo ngắn ngày cho thợ điện nông thôn nhưng giáo trình đào tạo còn chưa thống nhất. Có nơi giáo trình có nội dung quá sơ sài hoặc rườm rà, chưa sát thực với yêu cầu thực tế, thời gian đào tạo quá ngắn, từ 2-3 ngày đến 1 tuần thì chưa đủ để nắm bắt, giải quyết công việc chuyên môn .

4. Công tác quản lý nhà nước về điện ở nông thôn còn nhiều bất cập.

Công tác quản lý điện nông thôn hiện nay đang còn nhiều bất cập. ở nhiều tỉnh chưa ban hành “Quy chế quản lý điện nông thôn”, chưa quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của sở Công nghiệp (là cơ quan quản lý nhà nước về điện ở địa phương). Việc tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm an toàn điện nông thôn của các sở Công nghiệp đối với các đơn vị quản lý điện xã chưa cương quyết, nghiêm minh, một phần do thiếu hành lang pháp lý, một phần do thiếu người, thiếu phương tiện, kinh phí... dẫn đến việc quản lý an toàn điện nông thôn còn bị buông lỏng, những sai phạm, thiếu sót về an toàn điện nông thôn chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

II. Giải pháp để đảm bảo an toàn điện nông thôn.

1. Về hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến an toàn điện nông thôn.

Ngoài các Nghị định của Chính phủ đã ban hành có liên quan đến an toàn điện như Nghị định 54/CP, Nghị định 45/CP, Bộ Công nghiệp cũng đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật sau:

+ Quyết định số 41/2001/QĐ-BCN  ngày 30/8/2001về việc ban hành Quy định an toàn điện nông thôn.

+ Quyết định số 57/2000/QĐ-BCN ngày 25/9/2000 về việc ban hành Quy định kỹ thuật lưới điện nông thôn áp dụng cho dự án năng lượng nông thôn Việt Nam.

+ Quyết định 54/2001-BCN ngày 14/11/2001 về việc ban hành  Quy định sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp.

+ Thông tư số 07/2001/TT-BCN ngày 11/9/2001 về việc Hướng dẫn thực hiện một số nội dung kỹ thuật quy định tại Nghị định 54/CP.

+ Quyết định số 42/2002/QĐ-BCN ngày 09/10/2002 về việc ban hành Quy định kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua, bán điện.

Đây là 5 văn bản quan trọng, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện công tác an toàn điện nông thôn. Ngoài ra,  Bộ Công nghiệp đã dự thảo xong và đã trình Chính phủ để xem xét, ban hành 2 Nghị định có liên quan rất nhiều đến công tác an toàn điện nông thôn là Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Điện lực; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực. Bộ Công nghiệp đang hoàn thiện tiếp một Nghị định chuyên về an toàn điện. Tuy nhiên, để triển khai đồng bộ công tác an toàn điện, rất cần các cơ quan quản lý nhà nước về điện tại địa phương, cụ thể là các sở Công nghiệp phải có sự phối hợp, hỗ trợ tốt hơn với ngành Điện trong công tác phổ biến, tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân, tăng cường kiểm tra, phát hiện và có hình thức xử lý kịp thời để ngăn chặn các hành vi vi phạm an toàn điện.

2.  Về chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn.

Qua khảo sát, thống kê, hiện nay có 7 mô hình tổ chức quản lý điện ở nông thôn là: Ban quản lý điện xã; HTX nông nghiệp hoặc HTX dịch vụ tổng hợp; Điện lực bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn; Công ty điện nước tỉnh; Doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty cổ phần; thôn xóm tự quản.

Trong 7 mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn nêu trên thì hình thức UBND xã ký hợp đồng mua điện với ngành Điện và sau đó khoán gọn cho một nhóm người, xã thu tỷ lệ phần trăm số tiền điện thu được của nhóm người này chiếm tỷ lệ rất lớn, nhưng chưa được thống kê chính xác.

Để khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức và cá nhân tham gia quản lý bán điện đến hộ nông thôn, nhưng vẫn tuân theo đúng qui định của Nhà nước: kinh doanh mua bán điện là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (Nghị định 45/CP của Chính phủ), xoá bỏ hình thức cai đầu dài, Bộ Công nghiệp và UBND tỉnh, thành phố sẽ tăng cường chỉ đạo việc xây dựng, củng cố, chuyển đổi và hoàn thiện các mô hình quản lý điện nông thôn. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu và ban hành Hướng dẫn quản lý tài chính, kế toán cho các đơn vị quản lý điện nông thôn, bắt buộc các đơn vị quản lý điện nông thôn phải trích khấu hao để tái đầu tư bảo dưỡng và nâng cấp kỹ thuật đối với lưới điện của mình. Nếu thực hiện xong chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn, kết hợp với việc quản lý tốt về đất điện tại địa phương thì sẽ giải quyết được phần lớn những vấn đề bức xúc như đã nêu ở trên.

3. Hỗ trợ kiến thức kỹ thuật và kinh doanh cho tổ chức quản lý điện nông thôn.

Kinh nghiệm tại Thái Bình cho thấy, trên cùng một tỉnh, nhưng xã Tân Hoà được Điện lực Thái Bình cử cán bộ đến tư vấn, hỗ trợ một thời gian về kiến thức kỹ thuật và kinh doanh, nên từ một xã rất yếu kém về quản lý điện nông thôn, nhiều tai nạn và sự cố điện, nhiều bất mãn, khiếu kiện của dân, nhưng chỉ sau một thời gian củng cố, nhiều năm nay, xã bán điện đến từng hộ dân với giá có 500 đ/kWh mà vẫn có lãi, có trích khấu hao để duy tu, bảo dưỡng định kỳ lưới điện trong xã, mỗi hộ dân hàng tháng trả tiền điện đều có hoá đơn được in bằng máy vi tính rõ ràng. Cán bộ phụ trách điện trong xã đã được mời dự hội thảo về an toàn điện nông thôn do Bộ Công nghiệp và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức hồi đầu năm 2002 để tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm. Cách xã Tân Hoà khoảng 10 km là xã Vũ Đông thì tình hình ngược lại, công tác quản lý kỹ thuật ít được quan tâm, đường điện trong xã hỏng đâu sửa đấy, dây dẫn đường trục thường quá tải gây sự cố, tai nạn, mỗi một thợ điện quản lý một nhánh công tơ tổng của từng thôn, vai trò của chính quyền xã trong việc quản lý điện rất mờ nhạt.

Để chủ động phòng tránh tai nạn điện trong dân và chống tổn thất điện năng, giảm giá bán điện đến người dân, đề nghị các đơn vị điện lực đóng trên địa bàn nên chủ động nghiên cứu, hỗ trợ kiến thức quản lý kỹ thuật, an toàn và kinh doanh mua bán điện cho các xã yếu kém trong tỉnh, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình như ở xã Tân Hoà-Thái Bình đã làm được.

4.  Về chế độ kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn điện trong nhân dân.

Số vụ tai nạn điện chết người trong dân là rất lớn, nhiều vụ việc xảy ra mà người bị tai nạn chết oan do sự vô trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác, nhưng chưa quy được trách nhiệm và xử lý thoả đáng.

Theo chúng tôi, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức an toàn điện trong nhân dân là cần, nhưng chưa đủ mà cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm an toàn điện.

Theo báo cáo thống kê của các Điện lực tỉnh, hiện nay trong cả nước đang tồn đọng trên 60 nghìn biên bản vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp đã được lập và đã được gửi tới UBND  xã, huyện, hoặc gửi tới các sở Công nghiệp nhưng không được xử lý. Tình trạng này tiếp diễn sẽ làm mất tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời gây rất nhiều vụ sự cố lưới điện, làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh nhà máy, xí nghiệp và gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Để ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định an toàn điện, ngoài trách nhiệm hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, phát hiện của ngành Điện, đề nghị chủ tịch UBND các cấp và các các cơ quan chức năng trong tỉnh (công an, địa chính, tư pháp,…) cần thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc xem xét, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp các hành vi vi phạm đã được các đơn vị quản lý vận hành lưới điện hoặc các sở Công nghiệp kiểm tra, phát hiện, lập biên bản và đã chuyển đến cơ quan chức năng để xem xét, xử lý mà cơ quan đó né tránh, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời theo quy định của pháp luật, để xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng thì thủ trưởng cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.