Ông Vũ Quốc Khánh - Chánh Văn phòng Công đoàn Tcty Hoá chất Việt Nam - Cán bộ chuyên trách về AT - BHLĐ: "Cần có những quy định cụ thể về chế độ bồi dưỡng cho mạng lưới An toàn - Vệ sinh viên ở cơ sở".
Do nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của công tác AT - BHLĐ ở một Tcty có môi trường sản xuất nặng nhọc, độc hại, lãnh đạo Tcty Hoá chất Việt Nam đã phối hợp với công đoàn kiện toàn hệ thống các phòng ban quản lý và giám sát công tác AT - BHLĐ từ Tcty đến các cơ sở sản xuất, chọn và đề bạt những người có chuyên môn giỏi, có sức khoẻ tốt vào chức vụ trưởng, phó phòng an toàn công ty, xí nghiệp. Hàng năm, sau khi thống nhất với chuyên môn, Công đoàn Hóa chất Việt Nam còn đứng ra tổ chức 2, 3 lớp huấn luyện về công tác AT- BHLĐ cho các cán bộ chuyên trách ở cơ sở từ nguồn kinh phí của công đoàn.
Các đoàn kiểm tra An toàn của Tcty được thành lập theo đúng chức năng và thành phần đoàn, tuyệt đối không để người không có chuyên môn vào thành phần đoàn kiểm tra An toàn. Công việc kiểm tra tiến hành nghiêm túc, đúng chuyên môn của từng người.
Người lao động ở Tcty Hoá chất Việt Nam được kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng năm. Trong 2 năm gần đây, do làm tốt công tác BHLĐ, nên số người mắc bệnh nghề nghiệp ở Tcty không tăng (vẫn ở mức 107 người).
Công tác vệ sinh lao động, cải tạo điều kiện lao động ở Tcty được tiến hành thường xuyên, liên tục. ở các đơn vị nhỏ đều có phòng khám bệnh và duy trì bác sỹ trực. ở những đơn vị lớn có bệnh viên riêng. Đặc biệt, phong trào xanh - sạch - đẹp góp phần vào cải tạo môi trường làm việc được Tcty Hoá chất Việt Nam làm rất tốt. Đến các đơn vị trong ngành như Công ty Hoá chất Cơ bản miền Nam, Công ty Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, Công ty Supe và Hoá chất Lâm Thao, Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty Cao Su Đà Nẵng... khách hàng sẽ cảm thấy như đang đứng trong công viên cây xanh.
Công đoàn Tcty còn có quy chế chấm thi đua về AT- BHLĐ. Công đoàn cơ sở chấm trước, sau đó, đoàn kiểm tra của Công đoàn Tcty xuống cơ sở để kiểm tra chấm điểm lại. Để đảm bảo quyền lợi cho những người làm công tác an toàn, chúng tôi đề nghị Nhà nước sớm ban hành quy định cụ thể về chế độ bồi dưỡng cho mạng lưới an toàn về sinh ở các cơ sở.
Ông Trương Đình Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật An toàn Công nghiệp I - Bộ Công nghiệp: "Bộ Công nghiệp cũng như Bộ Tài chính cần điều chỉnh lại mức thu phí trong biểu thu phí đối với công tác kiểm định".
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật An toàn Công nghiệp là kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn như: bình áp lực, nồi hơi, cầu trục, vật liệu nổ, hoá chất... Hiện nay, chúng tôi đã kết hợp với các sở Công nghiệp cùng thực hiện công tác kiểm định và ở một số sở đã thu được những kết quả tốt như Sở Công nghiệp Bắc Ninh, Sở Công nghiệp Thái Bình. Riêng ở Bắc Ninh, làng nghề Phong Khê hiện đang có hơn 120 nồi hơi và gần một nửa trong số đó đã và đang được Trung tâm quản lý và kiểm định định kỳ. Trong những lĩnh vực, ngành nghề khác như than, hoá chất, dệt - may... chúng tôi cũng đã đáp ứng tốt yêu cầu. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, cũng xuất hiện một số khó khăn, đặc biệt là vấn đề thu phí kiểm định. Theo quy định của Bộ Tài chính, thì lệ phí cho một lần kiểm định là 150.000 đồng, trong khi chúng tôi phải đi xa, chi phí cho mỗi lần vận chuyển nhiều hơn con số đó rất nhiều, vậy thì chúng tôi lấy đâu ra kinh phí để chi trả? Không những thế, gần đây, một số đơn vị trong ngành Dệt - May như Dệt Phong Phú, Dệt Hà Nội, Dệt-May Huế đã đề nghị giảm 50% mức thu lệ phí này cho mỗi lần kiểm tra định kỳ của Trung tâm, do hàng quý, hàng năm, họ đều có kỹ sư đảm nhiệm và theo dõi. Nhận thấy sự hợp lý của đề nghị này, chúng tôi đành phải đồng ý. Đó là những ví dụ đơn giản cho thấy sự bất cập của mức thu phí kiểm định, do đó, Bộ Tài chính cần phải điều chỉnh lại sao cho hợp lý.
Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng, cần phải gấp rút bổ sung thêm một số thiết bị mới vào danh mục các thiết bị tiêu chuẩn cần kiểm định do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định. Vì vậy, Cục Kỹ thuật An toàn Công nghiệp cùng Trung tâm Kỹ thuật An toàn Công nghiệp đã trình lên Bộ Công nghiệp danh sách những thiết bị bổ sung vào danh mục thiết bị cần kiểm định. Song song với việc phát triển của các ngành nghề mới, thiết bị mới, các cán bộ kỹ thuật cũng rất cần được đào tạo, nâng cấp về trình độ chuyên môn qua các khoá đào tạo trong nước và nước ngoài. Về vấn đề này, Trung tâm cũng rất mong Bộ Công nghiệp và Cục Kỹ thuật An toàn quan tâm và giúp đỡ.
Cuối cùng, về phía doanh nghiệp, tôi cũng cần nhấn mạnh rằng, công tác kiểm định kỹ thuật cho các thiết bị là vô cùng quan trọng. Do đó, các doanh nghiệp cần hiểu và chấp hành nghiêm túc hơn nữa quy định này. Đây cũng là một cách tạo điều kiện cho các chuyên viên kỹ thuật như chúng tôi hoạt động tích cực và hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Lương - Trưởng Ban Kỹ thuật TCty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam: Làm việc ở vị trí càng nguy hiểm, càng cần phải đề cao ý thức và thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn lao động.
Năm 2004, TCty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam được tham gia thi công nhiều công trình trọng điểm, như các đường dây 500 kV: Phú Mỹ - Nhà Bè - Phú Lâm, Pleicu - Phú Lâm, mạch 2 Pleicu - Thường Tín, DZ 220 kV Việt Trì - Sơn La, hệ thống điện đường hầm đèo Hải Vân, các nhà máy: Nhiệt điện Na Dương, nhiệt điện Cao Ngạn, thuỷ điện Quảng Trị, kẽm điện phân Thái Nguyên, đạm Phú Mỹ, đồng Sin Quyền... Do đặc điểm của ngành nghề là phải làm việc trên cột điện cao (trên 100m so với mặt đất), có khi phải thi công trên địa bàn rộng và trải dài toàn tuyến, có khi lại làm việc trên mặt bằng chật hẹp, lại vừa phải đảm bảo về chất lượng và tiến độ... nên công tác an toàn lao động rất khó khăn và dễ có nguy cơ xảy ra. Rút kinh nghiệm qua các năm trước, TCty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam luôn đặt vấn đề AT - BHLĐ lên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho người lao động. Đó là khẩn trương xây dựng chương trình, mục tiêu và kế hoạch công tác, phát động tuần lễ quốc gia về AT - VSLĐ - PCCN sâu rộng đến từng cơ sở, tuyên truyền vận động CBCNV tích cực thi đua thực hiện tốt ATLĐ, xây dựng chế độ thưởng phạt nghiêm túc đối với cấp quản lý có trách nhiệm, đặc biệt ở những công trình trọng điểm, xa xôi, đơn lẻ và các nhóm làm việc độc lập. Đối với các công trình điện gần trạm biến áp và đường dây mang điện, hoặc đang cải tạo lưới điện, thì nhất thiết phải kiểm tra có điện hay không trước khi cho công nhân vào làm việc. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tích cực giám sát, kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bằng các biện pháp hành chính và kinh tế... nên số vụ tai nạn lao động nặng, lao động chết người ở TCty có hạn chế hơn so với những năm trước.
Gần đây, TCty đã phối hợp với Công đoàn tổ chức Hội thi An toàn lao động từ cấp đơn vị cơ sở đến TCty, đã thu hút được đông đảo CBCNV tích cực tham gia. Chúng tôi hy vọng rằng, sau hội thi, với hình thức sân khấu hoá, bằng những tiểu phẩm, những tiết mục văn nghệ, những cách xử lý tình huống dễ xảy ra và trả lời kiến thức về pháp luật và nội qui an toàn lao động, CBCNV TCty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam sẽ hiểu sâu sắc hơn về công tác an toàn và làm tốt hơn công tác an toàn lao động.
Ông Hồ Đình Nam, Giám đốc Công ty Thiết bị đo điện EMIC). AT-VSLĐ là công tác vừa mang tính xã hội vừa mang tính kinh tế.
Công tác an toàn, vệ sinh công nghiệp (ATVSLĐ) đối với Công ty EMIC nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung là hết sức quan trọng, nó không những tạo ra môi môi trường, cảnh quan đẹp, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, sức khỏe của người lao động, đặc biệt sản phẩm của EMIC đòi hỏi độ chính xác rất cao. Chính vì vậy, một trong 5 tiêu chuẩn đánh giá thi đua quan trọng hàng tháng, hàng quý của EMIC là công tác AT-VSLĐ. Để thực hiện tốt công tác AT-VSLĐ, Công ty đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục CBCNVC. Công ty đã xây dựng được mạng lưới an toàn – vệ sinh viên từ các phòng ban đến các phân xưởng sản xuất. Hàng tháng, họ được hưởng thù lao xứng đáng. Để tạo điều kiện cho từng CBCNV và vệ sinh viên họat động tốt, Công ty đã xây dựng quy chế về AT-VSLĐ, trong đó có mục tiêu, tiêu chuẩn rõ ràng để mọi người thực hiện một cách dễ dàng. Hiện nay, tất cả CBCNV của EMIC đã thực hiện không hút thuốc lá trong Công ty. Mọi người đều nhất trí không hút thuốc trong Công ty vì có nhiều cái lợi, đảm bảo sức khỏe, tập trung cao trong sản xuất dẫn đến năng suất lao động, chất lượng được nâng cao rõ rệt và điều quan trọng hơn nữa là phòng chống cháy nổ.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức cho từng CBCNVC về vấn đề AT-VSLĐ, thì việc tạo môi trường làm việc lý tưởng là việc làm được các cấp lãnh đạo Công ty quan tâm đặc biệt. Công ty đã đầu tư, cải tạo và nâng cấp môi trường làm việc, 40% nơi làm việc được trang bị máy điều hòa không khí, trang bị thiết bị ánh sáng đầy đủ, chống ồn theo đúng tiêu chuẩn quy định. Ngoài ra, quần áo bảo hộ lao động được may đo theo từng người và được cấp phát gấp đôi quy định của Nhà nước. Để không xảy ra tai nạn lao động và đảm bảo sức khỏe cho người lao động, Công ty đã trang bị, tự thiết kế nhiều thiết bị như, các máy nâng, vận chuyển, tự động, cơ giới hóa nhiều công đọan…để giảm lao động nặng. Hiện nay, Công ty đã trang bị các máy đun nước tự động đến tận các phân xưởng.
Có thể nói, Công ty EMIC đã thực hiện tốt Luật Lao động và tất cả CBCNVC của Công ty đã được khám sức khỏe, được chữa bệnh nghề nghiệp, an dưỡng và tổ chức du lịch, nghỉ mát hàng năm với tiêu chuẩn bình quân 4 ngày/người/năm.
Công tác AT-VSLĐ là một công công tác vừa mang tính xã hội và kinh tế rất cao./.