Theo kế hoạch, đúng
21h30 ngày 18/12/2014, đoàn công tác gồm các đơn vị: Tổng công ty Truyền tải điện
Quốc gia, Công ty Truyền tải điện 1, Truyền tải điện Hà Nội có mặt tại TBA
220KV Hà Đông để cùng phối hợp, thực hiện công việc thay thế thanh cái trong
TBA. Đây là một công việc rất quan trọng, nhằm nâng cao khả năng truyền tải và
công suất cấp điện cho thành phố Hà Nội. Trong lúc chờ đợi lệnh cắt điện của
các cấp, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Truyền tải điện Hà Nội cho biết: TBA
này có tổng công suất 939 MVA, công suất bù là 30 MVAR đóng vai trò rất quan trọng
trong hệ thống điện quốc gia với nhiệm vụ truyền tải công suất điện từ Nhà máy
Thủy điện Hòa Bình, Nhiệt điện Phả Lại, cũng như từ lưới điện 500 KV, qua TBA
Thường Tín để cấp điện cho thành phố Hà Nội, đặc biệt ở khu vực phía Tây và
trong nội thành. Do phụ tải điện trong Thành phố tăng nhanh, nên từ năm 2010,
TBA này đã được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Công ty Truyền tải điện
1 đầu tư, nâng cấp các thiết bị cũng như tăng cường các MBT để đáp ứng nhu cầu
sử dụng điện cho Thành phố. Việc thay những thanh cái trong trạm điện là một dự
án được triển khai từ đầu năm 2014. Để thi công công việc này, đòi hỏi nhiều
yêu cầu cũng như qui trình thực hiện phức tạp liên quan đến việc cắt điện, thời
gian và khu vực bị cắt điện, các loại vật tư, hệ thống các cột, xà, lưới điện…

Càng về đêm trời càng lạnh, những hạt mưa lâm thâm mỗi lúc một nặng hạt hơn làm cái rét dường như thấu xương, phải sau gần 4h đồng hồ thì mới nhận được lệnh cắt điện. Lúc này vào khoảng 1h sáng hôm sau, anh em mới bắt đầu thi công công trình. Vì phải thi công trong điều kiện không được cắt điện hoàn toàn, nên các biển báo, đèn, băng đỏ cảnh báo nguy hiểm được chăng chi chít và ánh sáng cũng không được đầy đủ.
Đội trưởng Đội quản lý đường dây 1, Truyền tải điện Hà Nội, anh Nguyễn Thành Long cho biết: Công việc đêm đó gồm hạ toàn bộ phần dây dẫn từ trên cao xuống, hạ 2 cột điện, hạ 2 xà, hạ 1 cột bê tông cao 18 m, lắp 1 cột điện cao 15 m lên, sau đó lại lắp 2 xà và lắp lại các đường dây dẫn như ban đầu, trong quá trình thi công, anh em thường phải làm việc ở độ cao khoảng 15 m. Với khối lượng công việc lớn như vậy lại thi công vào ban đêm nên rất vất vả, việc giám sát phải thật chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho anh em cũng như an toàn cho các trang thiết bị, vật tư. Việc thi công phải thật nhanh, gọn để đến sáng còn kịp đóng điện.
Còn đối với anh Đặng Tân An - Đội đường dây thì công việc như thế này đối với anh là thường xuyên. Nhưng đêm hôm đó thì thời tiết khá khắc nghiệt, mưa và lạnh. Thiếu ánh sáng, làm việc ban đêm dễ buồn ngủ, lại phải leo trèo trên độ cao 15m với tư thế không được thoải mái lắm nên sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cùng tham gia công việc còn có Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1,
ông Phạm Lê Phú cho biết: Việc thi công công trình khó khăn nhất là xin được lệnh
cắt điện, nhiều khi đã chuẩn bị kỹ mọi việc rồi, nhưng không cắt được điện nên
đành thôi. Mà mỗi lần chuẩn bị cũng phức tạp và vất vả lắm. Trong những lần thi
công, các phương án, kế hoạch đều được Ban lãnh đạo tính toán rất chi tiết và
giám sát chặt chẽ, phải đảm bảo an toàn về mọi mặt cũng như xử lý các sự cố xảy
ra. Ông cho biết thêm, tính chất công việc là vừa làm, nhưng vẫn vừa phải đảm bảo
cung cấp điện nên rất khó. Cái khó khăn trong thi công những TBA như thế này là
thi công trong khi có điện, chỉ cần bất cẩn một chút trong khâu chuẩn bị hoặc
trong khi công nhân đang thao tác là có thể gặp phải nguy hiểm, thậm chí là cả
tính mạng con người.

Để đảm bảo thi công
đúng tiến độ, chất lượng và an toàn, Công ty Truyền tải điện 1 phải triển khai
nhiều biện pháp, ngoài việc đầu tư trang thiết bị hiện đại thì sự hỗ trợ về tinh thần cho anh em tham gia
thi công cũng được Công ty rất chú trọng. Thay mặt Tổng công ty Truyền tải điện
Quốc gia, ông Trịnh Tuấn Sơn - Chủ tịch Công đoàn đã trao quà động viên các
CBCNV tham gia thi công công trình này. Ông cho biết: Công đoàn Tổng công ty
luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống CBCNV. Hiện ông còn băn khoăn vì đến nay
chưa có chế độ cụ thể với những trường hợp công nhân phải thi công trong môi
trường có cường độ điện trường cao, thời gian tiếp cận kéo dài nên ảnh hưởng
nhiều đến sức khỏe.