TÓM TẮT:

Các chính sách ưu đãi và thu hút vốn FDI nhằm khuyến khích đầu tư vào địa bàn hoặc lĩnh vực mà Chính phủ định hướng hoạt động đầu tư. Do Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường nên môi trường đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế như: Kết cấu hạ tầng kém phát triển, thiếu đồng bộ về khung khổ pháp lý, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn ở mức cao. Bởi vậy, việc ban hành và áp dụng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh thu hút FDI.

Từ khóa: Vốn, FDI, Thuế, Chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư…

1. Kinh nghiệm các nước về chính sách thu hút FDI bằng thuế và các ưu đãi

1.1. Ưu đãi về thuế

Thuế được sử dụng như một phương tiện chủ chốt để thu hút FDI và hướng dòng FDI vào các ngành, khu vực trọng điểm.

Singapore được coi là một “thiên đường” về ưu đãi các loại thuế. Chính phủ Singapore đã đưa ra bảng phân loại các xí nghiệp, các ngành sản xuất ưu tiên và đi cùng là các chế độ ưu đãi cụ thể nhằm hướng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực theo mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước. Tùy theo lĩnh vực, địa bàn và quy mô hoạt động mà nhà đầu tư nước ngoài có thể được miễn toàn bộ thuế thu nhập, mức tối đa là trong thời gian 15 năm đối với các doanh nghiệp đầu tư trong ngành mũi nhọn hướng về xuất khẩu và có vốn đầu tư vào tài sản cố định từ 100 triệu đôla Singapore trở lên.

Các doanh nghiệp FDI đầu tư trong ngành mũi nhọn như ngành chế tạo và dịch vụ thiết yếu cho kinh doanh quốc tế được miễn toàn bộ mức thuế thu nhập doanh nghiệp (22%) trong 5 - 10 năm. Chính phủ miễn thuế thu nhập tương đương với một tỷ lệ nhất định (tới 50%) của vốn đầu tư cố định mới đối với các công ty hoạt động trong các ngành như chế tạo, dịch vụ, kỹ thuật, nghiên cứu và triển khai, xây dựng, với điều kiện công ty phải đầu tư một lượng nhất định vốn trong 5 năm. Nếu trong quá trình kinh doanh bị lỗ thì được xem xét để kéo dài thời gian miễn giảm thuế. Các doanh nghiệp FDI nói chung đều được miễn thuế nhập khẩu các thiết bị có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư.

Tại Indonesia, các doanh nghiệp FDI được miễn thuế thu nhập từ 3-10 năm nếu đầu tư vào các ngành mới (22 ngành) tại các vùng đảo Java và Bali, và từ 5-12 năm nếu đầu tư vào các vùng khác. Miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với tư liệu sản xuất như máy móc, thiết bị, các bộ phận dự phòng và thiết bị hỗ trợ, nguyên liệu thô phục vụ sản xuất trong 2 năm đầu hoạt động đối với những công ty đang hoạt động muốn mở rộng công suất của mình trên 30% công suất đã lắp đặt.

Máy móc, thiết bị, phụ tùng được ủy ban đầu tư phê duyệt trong danh mục quy định cũng sẽ được miễn giảm thuế nhập khẩu. Indonesia có ưu đãi đặc biệt đối với FDI hướng vào xuất khẩu như miễn thuế VAT và thuế doanh thu đánh vào hàng xa xỉ hoặc nguyên liệu mua ở địa phương; hoàn thuế nhập khẩu hàng hóa và vật liệu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu; nhập khẩu không hạn chế nguyên liệu thô cần thiết không tính đến việc có hay không sản phẩm nội địa tương tự.

Campuchia miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (20%) với thời hạn từ 3-9 năm cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực được khuyến khích, miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu cho hầu hết các dự án trong giai đoạn xây dựng và năm hoạt động đầu tiên, không thu thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Các nước khác như Malaysia, Thái Lan, Philippin đều đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế thu nhập, thuế xuất nhập khẩu,… cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mới, sản xuất hướng về xuất khẩu. Malaysia miễn thuế nhập khẩu tư liệu sản xuất cho các công ty trong các khu xuất khẩu và cho các dự án định hướng xuất khẩu, miễn/giảm thuế tối đa là 5 năm tính từ ngày sản xuất đối với các dự án vào lĩnh vực mới và miễn thuế trong thời hạn từ 5-10 năm đối với các dự án công nghệ cao. Thái Lan miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án hướng ra xuất khẩu từ 3-8 năm tùy địa bàn hoạt động; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu thiết yếu trong 5 năm cho các dự án đầu tư vào các địa bàn đặc biệt khuyến khích đầu tư và xuất khẩu ít nhất 30% sản lượng. Philippin miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (trong thời hạn 4-8 năm) khi đầu tư vào các lĩnh vực mới, hướng ra xuất khẩu.

1.2. Các hình thức hỗ trợ đầu tư

Các biện pháp hỗ trợ cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án có vai trò quan trọng khi thu hút vốn nên các nước đã áp dụng cơ chế một cửa nhằm giúp nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần thông qua một đầu mối để có thể được hỗ trợ về mọi mặt. Nhiều nước đưa ra các hình thức hỗ trợ về đào tạo, về góp vốn tài sản, về khuyến khích các dịch vụ đầu tư…

Tại Singapore, các công ty đầu tư 100% vốn nước ngoài hoặc công ty liên doanh trong lĩnh vực mũi nhọn tại Singapore được EDB hỗ trợ vốn để thành lập doanh nghiệp. EDB thường mua không quá 30% vốn tự có của công ty, sau khi công ty làm ăn có lãi, EDB sẽ bán lại cổ phần cho công ty. EDB còn có chính sách hỗ trợ 80% kinh phí hoạt động cho các quỹ phát triển nguồn nhân lực nội bộ doanh nghiệp bằng việc lập Quỹ phát triển kỹ năng với nhiều chương trình đào tạo đa dạng (chương trình đào tạo công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, đào tạo cán bộ...) để giúp các doanh nghiệp FDI phát triển nguồn nhân lực.

Malaysia áp dụng chính sách đào tạo lao động theo yêu cầu của chủ đầu tư. Ủy ban đầu tư Thái Lan (BOI) cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài như mở các trang web cung cấp thông tin về đầu tư, lập cơ quan giúp phát triển mối liên hệ giữa các TNCs và các nhà cung cấp địa phương, lập chế độ một cửa cấp visa và giấy phép hoạt động trong vòng 3 giờ, lập trung tâm dịch vụ đầu tư cung cấp các dịch vụ tư vấn...

Nhìn chung, các nước đặc biệt là các nước đang phát triển đều đang cố gắng xây dựng một chính sách đầu tư thông thoáng với nhiều ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nhằm thu hút FDI thông qua chính sách thuế và các ưu đãi

2.1. Bài học về ưu đãi thuế:

Cần xóa bỏ hầu hết các ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư theo lộ trình để tránh tình trạng chồng chéo. Chỉ áp dụng các ưu đãi thuế một cách chọn lọc. Điều này sẽ làm cho Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trở nên đơn giản, dễ hiểu, tiết kiệm chi phí quản lý, thúc đẩy tích lũy của doanh nghiệp. Đặc biệt, do chỉ áp dụng các ưu đãi thuế một cách chọn lọc sẽ có tác dụng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo hướng hiệu quả, tránh được tính tràn lan trong chính sách ưu đãi thuế, nên hiện tượng lợi dụng chính sách miễn, giảm thuế để chuyển giá trốn thuế sẽ được hạn chế đáng kể. Theo lộ trình đến năm 2020, chỉ áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với: (i) Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao đồng thời là công nghệ mới; (ii) Các dự án đầu tư tại các vùng đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa theo Danh mục do Chính phủ quy định.

2.2. Bài học về chính sách hỗ trợ:

Trong cạnh tranh thu hút FDI trong ngành công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực dệt may, da giày, Campuchia có nhiều ưu đãi hơn Việt Nam: Doanh nghiệp nước ngoài có quyền thuê đất từ 70-90 năm, được miễn thuế thu nhập (20%) với thời hạn 8 năm. Trong khi đó, luật của Việt Nam quy định thời hạn hoạt động của dự án không quá 50 năm, tối đa là 70 năm đối với một số dự án đặc biệt. Điều này đã hạn chế việc làm ăn lâu dài của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, những người chấp nhận thua lỗ trong thời gian đầu và chỉ thu lợi nhuận sau khi có vị trí vững chắc trên thị trường. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ta là 20% và nhà đầu tư nước ngoài được ưu đãi miễn trong thời hạn từ 2-4 năm, kém ưu đãi hơn so với tại Campuchia. Với những ưu đãi cạnh tranh như vậy, Campuchia có thể thu hút được các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may, da giày.

Một vấn đề khác cần quan tâm là các chính sách ưu đãi có đem lại ưu thế cho các nước hay không còn tùy thuộc vào sự đồng bộ, minh bạch của các nguồn luật cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Chỉ khi các nước xây dựng được một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ và rõ ràng, minh bạch thì nhà đầu tư nói mới có thể dễ dàng nắm bắt và tin tưởng bỏ vốn đầu tư.

Mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực trong việc gia tăng mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước bằng cách ban hành một loạt các luật mới liên quan đến đầu tư cùng nhiều nghị định hướng dẫn thi hành luật nhưng đến nay vẫn còn nhiều tồn tại. Theo Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2017, các luật liên quan đến đầu tư đều còn vướng mắc nhiều vấn đề như các quy định chồng chéo giữa các luật, nhiều quy định không rõ ràng, thậm chí còn có các quy định trái ngược, mâu thuẫn nhau... Những bất cập này khiến các địa phương nhận thức và hiểu khác nhau về quy định của luật, lúng túng trong việc lựa chọn luật áp dụng, từ đó dẫn tới việc áp dụng luật không thống nhất giữa các địa phương. Điều này đã làm giảm tính hiệu quả trong công tác thi hành luật và gây tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư.

Như vậy, để có thể thu hút hơn nữa nguồn vốn FDI, thời gian tới nước ta cần tích cực học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực; xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nhưng đơn giản, tăng cường hơn nữa các ưu đãi hợp lý dành cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời hạn chế tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, làm cho hệ thống luật và chính sách liên quan đến hoạt động FDI của Việt Nam thực sự cạnh tranh với các hệ thống luật và chính sách của các nước trong khu vực nói riêng và toàn thế giới nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trịnh Thị Hậu (2007), Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam: Thực trạng và giải pháp.
  2. PGS.TS. Tăng Văn Khiên (2004), Phân tích biến động chỉ tiêu GDP, Tổng cục Thống kê.
  3. Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở các nước ASEAN.
  4. Luật Đầu tư 2017.

Lessons for Vietnam on attracting FDI by using tax and preferential policies

Master. Nguyen Thi Kim Thoa

Faculty of Banking and Finance

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Preferential policies for attracting foreign direct investment into areas or fields which the government seeks inflow capital. Because Vietnam is in the transition process to become a market economy, the country’s investment environment has some limitations including the underdeveloped infrastructure, unified legal framework and high proportion of unskilled labor Therefore, the promulgation and application of preferential policies to attract FDI are necessary.

Keywords: Capital, FDI, tax, supportive policy, investment promotion.