03 chính sách mới về BHXH bắt buộc, BHYT áp dụng từ 2021

Từ ngày 01/01/2021, 03 chính sách sau đây về BHXH bắt buộc, BHYT sẽ tác động lớn đến người dân.

1. Tăng tuổi nghỉ hưu

Kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ sẽ được quy định như sau:

- Đối với điều kiện lao động bình thường, kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng và của lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng (hiện hành tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi);

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ; đến năm 2028, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và đến năm 2035, lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.

2. Thay đổi trong quy định tỷ lệ hưởng lương hưu

- Đối với nam:

+ Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu trong năm 2021: Đóng đủ 19 năm BHXH thì được 45% (hiện hành nghỉ hưu năm 2020, đóng đủ 18 năm BHXH thì được 45%);

+ Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu từ 01/01/2022, đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45%.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, NLĐ được tính thêm 2%; Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.

- Đối với nữ: Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%; sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.

3. Thay đổi về mức hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh

Từ ngày 01/01/2021, trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật BHYT (mức hưởng khi đi khám đúng tuyến) theo tỷ lệ sau đây:

- Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước (Hiện nay chỉ được thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của thẻ BHYT).

-  Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí KCB.

Căn cứ pháp lý:

- Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.

- Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

- Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014).

Hoàng Hà (t/h)