10 năm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đi vào cuộc sống

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) bắt đầu được triển khai từ năm 2011, là một trong những chính sách đột phá trong bảo vệ và phát triển rừng, khi chuyển hướng tiếp cận từ chỗ dựa hoàn toàn vào ngân sách, sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách và xã hội hóa cho việc quản lý và bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

10 năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum thành lập(10/2011 - 10/2021), tích cực tham gia triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR; cũng là 10 năm chính sách chi trả DVMTR đi vào cuộc sống, hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện đời sống của người dân sống gần rừng, việc tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng trong bảo vệ, quản lý và phát triển rừng bền vững.

Ông Hồ Thanh Hoàng(Thứ 2 từ trái sang)- GĐ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum tại Hội nghị đối thoái chính sách chi trả DVMTR

Thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo điều hành, ban hành các quy định thực hiện chính sách chi trả DVMTR, tạo được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, đơn vị liên quan và nhân dân. Đồng thời, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum thường xuyên rà soát, nghiên cứu ban hành, bổ sung quy chế, quy định phù hợp với các quy định của pháp luật và phù hợp với đặc điểm của đơn vị; rà soát, đổi mới quy trình, cải cách thủ tục nghiệp vụ theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản thuận tiện và rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được phục vụ tốt nhất.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã chủ động, tích cực rà soát, và trực tiếp ký hợp đồng với 58 cơ sở phải trả tiền DVMTR; tiền chi trả DVMTR và các nguồn kinh phí hợp pháp khác đã đảm bảo việc bảo vệ rừng khoảng 384.000 ha rừng, đạt khoảng 67% tổng diện tích rừng toàn tỉnh (không tính diện tích cây cao su, đặc sản), việc chi trả được thực hiện công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, chuyển từ chi trả bằng tiền mặt sang chi trả qua tài khoản ngân hàng. 

Tiền trồng rừng thay thế và tiền chi trả DVMTR đã trồng được 2.866,70 ha rừng; hỗ trợ trồng rừng sản xuất 984,66 ha và hỗ trợ trồng hàng trăm nghìn cây phân tán, góp phần ổn định diện tích rừng, tăng độ che phủ rừng của tỉnh Kon Tum từ 62,4% lên 63,02% vào năm 2020.

Nguồn tiền DVMTR đầu tư vào ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm 75,87% so với tổng nguồn đầu tư của ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; gấp hơn 3 lần nguồn Ngân sách nhà nước đầu tư.

Chính sách chi trả DVMTR đã từng bước cải thiện sinh kế cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng: Trung bình mỗi năm thu nhập của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng từ nguồn chi trả DVMTR đạt khoảng 5,6 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 68 triệu đồng/cộng đồng/năm; theo báo cáo của các đơn vị, địa phương mỗi hộ gia đình nhận khoán khoảng 8 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 147 triệu đồng/cộng đồng/năm; nhóm hộ khoảng 67 triệu đồng/nhóm hộ/năm, tổ chức khoảng 431 triệu đồng/ tổ chức/năm.

Nhìn chung, giai đoạn 2011-2020 đang có sự dịch chuyển từ giao, khoán cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ rừng sang giao, khoán cho cộng đồng dân cư thôn quản lý bảo vệ rừng, đã phát huy vai trò của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng. Gắn trách nhiệm song song với quyền lợi được thực hiện hợp lý, rõ ràng đã tạo động lực cho người dân ra sức bảo vệ rừng như chính ngôi nhà của mình. Từ đó, từng bước hình thành nhận thức về tầm quan trọng của rừng trong cộng đồng.

Từ những cách làm hiệu quả ấy, người dân tham gia bảo vệ rừng được cải thiện đời sống, tăng giá trị hưởng lợi trực tiếp từ rừng. Tuy số tiền DVMTR bình quân mỗi hộ gia đình nhận được chưa hoàn toàn đáp ứng giá trị sức lao động và nhu cầu sống tối thiểu của người dân, nhưng đã thật sự có ý nghĩa góp phần cải thiện thu nhập nhất là đối với những hộ nghèo, hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Các cộng đồng dân cư thôn đã có thêm nguồn tài chính để quản lý bảo vệ rừng, đóng góp vào các chương trình phát triển hạ tầng nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã  hội trên địa bàn tỉnh; đồng thời dành một phần số tiền này để hình thành quỹ phát triển sinh kế trong các cộng đồng dân cư thôn.

Ông Hồng Thanh Hoàng(đi đầu) - GĐ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum và lực lượng chức năng đi thực tế kiểm tra rừng 

Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách chi trả DVMTR, từ năm 2016 đến năm 2021, thực hiện kế hoạch truyền thông “Đồng hành cùng em đến trường”; thông qua công tác tuyên truyền này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã in nội dung tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR lên bìa vở, mũ và phát cho các em học sinh các trường học thuộc các xã trong vùng cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh.

Việc làm này nhằm tuyên truyền đến các em học sinh, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và toàn thể cộng đồng về ý thức, trách nhiệm, quyền lợi trong công tác quản lý bảo vệ rừng và thực hiện chính sách chi trả DVMTR; đồng thời giúp các em có vở viết, nhất là các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Công tác kiểm tra, nghiệm thu, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR giai đoạn 2011-2020 được liên ngành thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Tính đến hết năm 2020, liên ngành đã thực hiện nghiệm thu, xác định 3.428.249,81 lượt ha rừng  được chi trả DVMTR cho 32 đơn vị chủ rừng là tổ chức, 75 UBND xã, thị trấn, 3.386  hộ gia đình, cá nhân và 49 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng trên địa bàn 9 huyện và thành phố Kon Tum.

Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách chi trả DVMTR là nhiệm vụ thường xuyên nhằm đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân và giải pháp đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả; tăng cường theo dõi, rà soát công nợ tiền chi trả DVMTR và tiền trồng rừng thay thế.

Tổ chức các đợt làm việc để đối chiếu công nợ, đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR có lưu vực nội tỉnh thực hiện đúng các quy định. Đến nay, các cơ sở sử dụng DVMTR đã kê khai, nộp tiền DVMTR và tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và  Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tương đối đầy đủ; nợ đọng tiền DVMTR đã giảm đáng kể.

Qua 10 năm hoạt động, với những thành tích đã đạt được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum được Chính phủ, UBND tỉnh Kon Tum ghi nhận, tặng thưởng Cờ thi đua, bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý. 

Ngoài ra, tập thể, cá nhân Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh không ngừng phấn đấu, phát huy tinh thần sáng tạo, có nhiều sáng kiến hay và hiệu quả nhằm phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan. Đạt được những thành tích trên đó là do công sức, trí tuệ của toàn thể ban lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum; đồng thời cũng là kết quả của sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp, tạo điều kiện của các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị cung ứng DVMTR, các đơn vị sử dụng DVMTR và sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo quân chúng nhân dân.

Chi trả dịch DVMTR là chính sách đột phá của Nhà nước, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân tham gia giữ rừng, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển và quản lý rừng bền vững.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum trao tặng Cờ thi đua năm 2020 của Chính phủ cho tập thể Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum tiếp tục phấn đấu để đạt được những thành tích tốt hơn. Trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyền lợi của các chủ thể tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tích cực huy động các nguồn thu để đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho công tác bảo vệ và phát triển rừng của địa phương;

Đơn vị sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR đảm bảo hoàn thành tốt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, dự kiến thu tiền DVMTR: 1.500 tỷ đồng, chi: 1.500 tỷ đồng. Thu đúng, thu đủ tiền trồng rừng thay thế trên cơ sở các Quyết định thu tiền trồng rừng thay thế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nâng cao năng lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tiền DVMTR, góp phần thực hiện trồng thêm 15.000 ha rừng, tăng độ che phủ rừng của tỉnh  Kon Tum lên 64% vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI đề ra. Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng cung ứng DVMTR hiện có, phấn đấu đến năm 2025 diện tích rừng cung ứng DVMTR chiếm khoảng 70% tổng diện tích rừng toàn tỉnh(không tính cây cao su, đặc sản) bằng nguồn tiền DVMTR, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Một số phần thưởng cao quý của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum:

- Cờ Thi đua của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2016;

- Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực thi chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015;

- Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2017;

- Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức “Ngày hội bánh chưng xanh” Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018;

- Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015-2020;

- Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong thực thi chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2021 và được Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2020.

Cảnh Hưng