2 phương án xác định “thời kỳ ổn định ngân sách”

Cần sớm ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên để áp dụng khi xây dựng dự toán NSNN năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách mới.
cải cách tiền lương
Hiện ngân sách các địa phương còn khoảng 252.000 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư (ảnh minh họa)

Trong phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN)

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo quy định của Luật NSNN, thời kỳ ổn định ngân sách là "trùng với kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm hoặc theo quyết định của Quốc hội".

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề xuất 2 phương án đề nghị UBTVQH xem xét trình Quốc hội quyết định. Theo đó, phương án thứ nhất là xác định thời kỳ ổn định ngân sách từ 2022 - 2025 và phương án thứ hai là từ 2022 - 2026.

Về cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đến thời điểm 1/7/2022 dứt khoát phải thực hiện cải cách tiền lương theo như yêu cầu của Bộ Chính trị.

Đồng thời, cương quyết bỏ các cơ chế đặc thù cho các cơ quan, đơn vị. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính và Hội đồng cải cách tiền lương tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm hợp lý.

Về tiêu chí phân bổ, theo Chủ tịch Quốc hội, việc tiếp tục sử dụng tiêu chí dân số làm “tiêu chí chính” trong xây dựng định mức phân bổ NSNN đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp, đồng thời nên có các chỉ tiêu bổ sung như về mật độ dân số, di dân tự do, dân cư vãng lai, lao động ngoại tỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương.

Đối với tiêu chí phân loại vùng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tính thêm các yếu tố miền núi, vùng cao bên cạnh 4 vùng làm căn cứ phân bổ ngân sách theo Nghị quyết số 88/2019/QH14.

Hiện ngân sách các địa phương còn khoảng 252.000 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư. Một số địa phương kiến nghị cho sử dụng nguồn này để thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Song, Bộ Tài chính đã trả lời nguồn này dứt khoát dùng để dùng cho cải cách tiền lương.

Trường hợp cần nguồn để chi cho phòng chống dịch thì xác định dùng các nguồn khác như dự trữ tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên… Nếu không đủ thì phải tiếp tục điều hành tài khóa linh hoạt, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết.

Liên quan đến định mức cho các cơ quan, đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù, Chính phủ chỉ đạo xác định áp dụng đến 1/7/2022. Sau thời điểm này sẽ chấm dứt áp dụng cơ chế đặc thù.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết UBTVQH đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và thẩm tra chi tiết, cụ thể của Ủy ban Tài chính - Ngân sách; thống nhất cần sớm ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên để áp dụng khi xây dựng dự toán NSNN năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách mới.

Đại Dương