vinachem

3 dự án phân bón đảo chiều, dứt lỗ lũy kế

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ làm Trưởng Ban Chỉ đạo và sự chủ động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (QLVNN) trong thực hiện nhiệm vụ được giao và sự phối hợp của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan, đến nay công tác xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương đã có nhiều tiến triển quan trọng, mở ra cơ hội hồi sinh cho một số dự án đang vướng mắc.

“Bước đầu, các doanh nghiệp đã duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế”, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp thông tin.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái kiểm tra và làm việc tại DAP số 2 - Vinachem
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái kiểm tra và làm việc tại DAP số 2 - Vinachem

Trong số các dự án, thì 3 dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) gồm: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đã sản xuất, kinh doanh có lãi, có dự án dứt lỗ lũy kế.

Không chỉ vậy, đối với 3 dự án này, Bộ Chính trị cũng đã có văn bản đồng ý về chủ trương các biện pháp cơ cấu lại nợ vay theo đề nghị của Ủy ban QLVNN.

Cụ thể, với dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, công ty duy trì chạy máy an toàn, ổn định, liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và đạt hiệu quả cao. Năm 2022, hiệu quả sản xuất, kinh doanh đạt cao nhất từ trước tới nay với lợi nhuận thực hiện là 1.779 tỷ đồng (tăng lãi 1.770 tỷ đồng so với kế hoạch ĐHĐCĐ thông qua và tăng lãi 1.773 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.

dam ninh binh
Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình đã chú trọng công tác bảo vệ môi trường

Đối với dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình đã duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả trong vận hành hệ thống máy móc thiết bị với phụ tải cao, cơ bản chủ động được vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh, trả được bớt nợ cho Tập đoàn và các ngân hàng, không phải phụ thuộc vào khách hàng để ứng vốn trước mua vật tư sản xuất.

Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp Đạm Ninh Bình đạt 6.009 tỷ đồng, bằng 134% so với kế hoạch năm và bằng 150% so với thực hiện năm 2021; Tổng doanh thu ước đạt 6.039 tỷ đồng, bằng 135% với kế hoạch năm và đạt bằng 148% so với thực hiện năm 2021; ước lãi 928 tỷ đồng, tăng lãi 856 tỷ đồng so với kế hoạch năm và tăng lãi 985 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.

Với dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đã cơ bản thực hiện tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và kiểm soát hiệu quả các định mức so với kế hoạch, qua đó duy trì ổn định hoạt động.

Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 đạt lợi nhuận 1,5 tỷ đồng, giảm lỗ 317 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022 và giảm lỗ 128 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.

Tập đoàn giám sát, khắc phục các tồn tại bằng hình thức trực tiếp, gián tiếp

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinachem Nguyễn Phú Cường cho biết, để có được sự chuyển biển này, bên cạnh chỉ đạo trực tiếp, sát sao của lãnh đạo Chính phủ, Tập đoàn đã thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát việc khắc phục các tồn tại theo phương thức trực tiếp và gián tiếp. Đồng thời, cử cán bộ giám sát thường xuyên nội dung công việc liên quan của các đơn vị.

Báo cáo số 144 về kết quả khắc phục các tồn tại trong công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng chống cháy nổ (PCCN) và bảo vệ môi trường (BVMT) tại các Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình do Tập đoàn quản lý của Vinachem cho biết, ngay sau khi có kết luận của Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn, Tổng Giám đốc đã chỉ đạo các Ban Kỹ thuật, Đầu tư Xây dựng chủ động kiểm tra, giám sát, đôn đốc và yêu cầu các đơn vị khắc phục các tồn tại về công tác ATVSLĐ, PCCN, BVMT.

Sau 6 tháng thực hiện khắc phục các tồn tại nói trên (từ tháng 11/2022 đến tháng 4/2023), các đơn vị đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai công tác khắc phục những tồn tại về ATVSLĐ, PCCN, BVMT.

dây chuyền sản xuất phân bón
Dây chuyền sản xuất đạm tại Công ty Đạm Hà Bắc

Tại Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, công ty có 16 nội dung công việc phải thực hiện. Hiện tại, có 7 công việc đã hoàn thành, 8 công việc đang thực hiện đảm bảo tiến độ, 1 công việc chậm tiến độ, dự kiến trong quý II/2023 sẽ hoàn thành.

Tại Công ty Cổ phần DAP số 2-Vinachem có có 14 nội dung công việc phải thực hiện. Hiện tại, có 13 công việc đã hoàn thành, còn 1 nội dung công việc đang triển khai đảm bảo tiến độ. Đối với công tác an toàn khu vực bãi thải gyps, sau 6 tháng khắc phục đã có rất nhiều chuyển biến tích cực.

Hiện, Công ty có nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn như đã lắp đặt hệ thống gồm 7 camera giám sát dọc trên thân đệ bãi gyps và hồ điều hòa.

Đầu tư nâng công suất hệ thống bơm nước róc điều tiết cân bằng nước từ bãi thải sang hồ điều hòa và từ hồ điều hòa về nhà máy (xử lý hoặc tái sử dụng) nhằm đảm bảo không để nước chảy ra ngoài môi trường khi mưa lớn kéo dài.

Tăng cường kiểm tra, giám sát bãi gyps hàng ngày và ghi chép vào sổ theo dõi đầy đủ tuân thủ theo phương án để có cơ sở đánh giá, phát hiện, xử lý kịp thời những nguy cơ mất an toàn.

Tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình có 11 nội dung công việc phải thực hiện. Hiện tại, có 5 nội dung công việc đã hoàn thành, có 2 nội dung công việc chưa có tiến độ kế hoạch (quan trắc online tháp tạo hạt urê và hệ thống thu hồi lưu huỳnh), có 4 nội dung công việc đang triển khai thực hiện theo đúng tiến độ.

Khó khăn về Luật thế 71 vẫn hiện hữu

Song cũng theo Chủ tịch Nguyễn Phú Cường, dù đã có những chuyển biến tích cực, sản xuất kinh doanh có lãi, nhưng các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong Tập đoàn nói chung và 3 doanh nghiệp Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai lại đang phải đối mặt với khó khăn về Luật Thuế 71.

Luật Thuế số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; trong đó quy định về việc phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thế giá trị gia tăng (GTGT).

Tuy nhiên, trong những năm qua, quy định này dần bộc lộ nhiều bất cập, đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng. Tháng 8/2022, tại Tọa đàm “Tìm giải pháp ổn định nguồn cung và bình ổn giá phân bón” ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, do tỷ trọng giá trị các mặt hàng phân bón chủ yếu tập trung trong nước, do đó, thuế GTGT có ý nghĩa lớn đối với các đơn vị trong ngành. Ước tính, với quy mô ngành phân bón và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5% thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Khi không được khấu trừ thuế, các đơn vị sẽ suy giảm khả năng cạnh tranh.

Bằng việc tháo gỡ khó khăn với ngành sản xuất kinh doanh phân bón thông qua áp dụng mức thuế GTGT sẽ giúp đơn vị trong ngành nâng cao nội lực, chia sẻ với người tiêu dùng và giảm giá bán thông qua hạ giá thành sản phẩm. Điều này cũng sẽ giúp cho đông đảo nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác. Và đặc biệt, quan trọng là tạo điều kiện cho việc đầu tư vào các dự án sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.

Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành phân bón trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong Tập đoàn nói chung và 3 Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai nói riêng đã và đang nỗ lực từng ngày thì việc sớm sửa đổi những điều luật không còn phù hợp, như Luật thuế 71 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm có chất lượng tốt, tính năng đặc thù dựa trên việc sử dụng công nghệ cao; đồng thời, tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng phát triển của ngành phân bón và tháo gỡ khó khăn ngành Nông nghiệp, nông dân, các doanh nghiệp phân bón.