det may

Ngày 17/12/2021, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức Hội nghị Tổng kết 2021 theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh, quy tụ hơn 350 đại biểu là hội viên chính thức của VITAS, đại diện các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế...

Năm 2021, hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng

Theo Báo cáo tổng kết của VITAS, năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch COVID-19, đặc biệt trong quý III nhưng với đà phục hồi của nền kinh tế, các quốc gia phát triển tiêm vắc -xin rộng rãi, cuộc sống người dân tại các nước trở lại điều kiện bình thường mới khiến nhu cầu hàng may mặc cũng tăng trở lại. Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn, duy trì đà tăng trưởng với kim ngạch ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều có sự tăng trưởng, ngoại trừ xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2020 do nhu cầu dệt may của Nhật Bản chưa phục hồi trở lại.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, kết quả này khẳng định sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi của doanh nghiệp ngành dệt may với tình hình mới, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động.

Đối với kế hoạch năm 2022, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VITAS cho biết, mục tiêu xuất khẩu của ngành còn tùy tình hình diễn biến dịch bệnh và sự triển khai thực hiện quyết liệt, thống nhất Nghị quyết 128 từ Trung ương đến địa phương.

Cụ thể, VITAS xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản, gồm: Kịch bản tích cực nhất phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 41,5 – 42,5 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022; Kịch bản trung bình đạt 40 – 41 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm; Kịch bản thấp nhất đạt 38 – 39 tỷ USD trong trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo các kịch bản được ngành dệt may đưa ra, đại diện Lãnh đạo VITAS kiến nghị giải pháp căn cơ là cần tiếp tục triển khai chiến lược vắc xin để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới”; đưa quy định tiêm đủ 2 liều là điều kiện để tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh, vắc xin để tiêm liều thứ 3 cho người lao động; Mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ với điều kiện để dễ tiếp cận, thời gian áp dụng 2 - 3 năm; Ban hành quy định phù hợp thực tế, sửa đổi quy định còn bất cập giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may & Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA, ứng dụng CN 4.0 để hiện đại hóa sản xuất, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu...

xk dệt may
Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam qua các năm (đơn vị tính: Triệu USD). Nguồn: TCHQ/VITAS

Một số khó khăn, thách thức

Tại hội nghị, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo một số doanh nghiệp trong ngành cũng đã trình bày nhiều tham luận về dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2022; thị trường dệt may thế giới; xu thế tiêu thụ, chuyển dịch sản xuất, thời trang trong bối cảnh dịch Covid-19; Những cơ hội và thách thức cho ngành trong điều kiện bình thường mới cũng như mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành năm 2022.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định (Vinatex), mặc dù năm 2022 dự báo tổng cầu Dệt may thế giới sẽ tăng trở lại mức tương đương năm 2019, trong đó 4/5 thị trường lớn gồm: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc dự báo tăng trưởng (ngoại trừ Trung Quốc dự báo cầu ổn định ở mức năm 2021) nhưng xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức.

Nổi bật là chi phí vận tải vẫn ở mức cao. Theo ông Trường, chỉ số tổng hợp trung bình của Chỉ số container thế giới (World Container Index -WCI) được đánh giá bởi Tổ chức nghiên cứu và tư vấn hàng hải Drewry đến cuối tháng 11/2021 là 7.413 USD, cao gấp 3 lần so với mức trung bình trong 5 năm là 2.690 USD cho mỗi container 40ft.

Thứ hai là bất lợi về tỷ giá so với các đối thủ cạnh tranh, gián tiếp ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam so với các đối thủ. Một thách thức nữa, theo ông Trường là sự mất cân đối thị trường lao động. Do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 đã làm phát sinh làn sóng chuyển dịch lao động dẫn đến thị trường lao động mất cân đối nghiêm trọng.

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết, VITAS cũng đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19”. Các chuyên gia từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đã chia sẻ những thông tin đang được cộng đồng doanh nghiệp dệt may quan tâm như: “Khuyến nghị của nghiên cứu, khảo sát về tác động của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 đến doanh nghiệp và người lao động dệt may, mức độ phục hồi”; “Thúc đẩy an toàn sản xuất và quan hệ lao động”, “Vấn đề Biến đổi khí hậu trong ngành thời trang”; “Thương mại bền vững”; “Chuyển đổi xanh ngành dệt nhuộm: Các giải pháp nhân rộng và tăng tốc”…

Thảo luận về những khó khăn, thách thức của ngành Dệt may Việt Nam trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng, trong ngắn hạn vấn đề phục hồi lao động đang là trở ngại lớn cho sản xuất.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công chia sẻ, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về logistics và chi phí đầu vào tăng. Do vậy nên dù có đơn đặt hàng nhưng doanh nghiệp không dám nhận do lo ngại không đảm bảo được lực lượng lao động để sản xuất ổn định, đáp ứng đơn hàng. Để không bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh, doanh nghiệp phải chủ động đàm phán với khách hàng để điều chỉnh yêu cầu về phương thức, thời gian giao hàng… để có thể đáp ứng đơn hàng.

Cũng liên quan đến vấn đề lao động, bà Nguyễn Thị Thanh Hoàn – Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định trở lại, số lượng lao động dệt may quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp đạt khoảng 90% so với trước khi xảy ra dịch bệnh, là kết quả nỗ lực của doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn các cấp. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn đã triển khai nhiều hỗ trợ phòng chống dịch cho doanh nghiệp và hỗ trợ thiết thực cho người lao động, góp phần nhanh chóng phục hồi ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp.