Những năm gần đây, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Đài Loan của Việt Nam có những chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu cho các nhóm mặt hàng khoáng sản thô, nguyên liệu, nhiên liệu và tăng dần với các mặt hàng nông lâm thủy sản và hàng công nghiệp chế biến trở thành nhóm sản phẩm chủ lực.

Thị trường Đài Loan còn nhiều tiềm năng nhập khẩu cho các mặt hàng nông lâm, thủy sản của Việt Nam do nhu cầu nhập khẩu về thực phẩm, hàng hoá phục vụ tiêu thụ trong thị trường nội địa cũng như lượng khách du lịch rất đông đảo. Đài Loan đã vượt Đức trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam.

Tuy nhiên, Đài Loan là một thị trường không dễ xâm nhập do chủ trương duy trì các tập quán thị trường nội địa và buôn bán với bạn hàng truyền thống. Do đó, để nhập khẩu hàng hóa vào Đài Loan, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý những vấn đề sau khi quyết định nhập khẩu hàng hóa của mình vào thị trường này:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm quy mô lớn do thị trường bạn tổ chức như: Triển lãm Thực phẩm quốc tế Đài Bắc, Triển lãm quốc tế Thiết bị máy móc chế biến thực phẩm và dược phẩm Đài Bắc..., đồng thời phối hợp với Văn phòng Kinh tế, Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc để tìm hiểu các thông tin về nhà nhập khẩu;

Thứ hai, doanh nghiệp cần lưu ý việc nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng Đài Loan. Chằng hạn như người Đài Loan thường sống cùng gia đình trong những căn hộ nhỏ và các khu chung cư thường có siêu thị mua sắm, nên hàng hóa được phân phối ở siêu thị là chính. Người Đài Loan thường ít dự trữ thực phẩm, do đó đóng gói hàng hóa nên nhỏ gọn, thiết kế đẹp mắt, kèm đầy đủ hướng dẫn sử dụng. Thu nhập ngày càng tăng, người tiêu dùng Đài Loan hướng tới thử nghiệm những sản phẩm mới, nên khi đưa hàng hóa vào Đài Loan, khâu quảng cáo, cung cấp thông tin rất quan trọng. Người tiêu dùng Đài Loan rất ít khi quan tâm đến giá sản phẩm một khi sản phẩm đó được cung cấp đầy đủ thông tin khiến họ tin tưởng.

Thứ ba, doanh nghiệp cần tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh bởi điều này không chỉ để thỏa mãn những yêu cầu của đối tác nhập khẩu mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu;

Thứ tư, khi quan hệ mua bán với thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần thẩm định kỹ đối tác, phải có các điều kiện giao dịch rõ ràng (nhất là trong đảm bảo thanh toán). Các quy định về kiểm định, kiểm dịch của Đài Loan rất chặt chẽ nên hàng hóa luôn phải đảm bảo chất lượng, đầy đủ các chứng từ, chứng chỉ liên quan như C/O, giấy chứng nhận kiểm dịch, xác định dư lượng hóa chất trong sản phẩm liên quan đến nông nghiệp.

[Quảng cáo]