5 nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng lực lượng quản lý thị trường hùng mạnh, hiệu quả

Chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường ngày 21/1/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định cần quán triệt nghiêm túc các Chỉ thị của Chính phủ và Bộ Công Thương, đặc biệt nâng cao trình độ nghiệp vụ và đạo đức công vụ cho cán bộ QLTT để xây dựng lực lượng hùng mạnh, có được niềm tin của nhân dân.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường ngày 21/1/2022
Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường ngày 21/1/2022

Nỗ lực của lực lượng chủ công 

Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, thời gian qua lực lượng QLTT toàn quốc đã kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc loại dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, đặc biệt là đối với trang thiết bị y tế dùng để bảo vệ sức khỏe phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá hàng hóa do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của đối tượng trong hoạt động kinh doanh. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh báo cáo tại Hội nghị

Năm 2021, lực lượng QLTT đã phát hiện và xử lý 41.375 vụ vi phạm; ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng, trong đó xử phạt vi phạm hành chính gần 244 tỷ đồng, ước tiền bán hàng hóa, phương tiện vi phạm bị tịch thu trên 186 tỷ đồng. Chuyển cơ quan công an điều tra 190 vụ việc.

Nhiều vụ việc lớn, phức tạp đã được lực lượng QLTT và lực lượng công an phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm như: tấn công, triệt phá kho hàng 13.726 cái túi xách, ví các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Hermes, Gucci, LV, Yves Saint Laurent, Dior tại Nam Định; kiểm tra, xử lý 8 kho hàng, cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Hà Nội, Hưng Yên, tạm giữ khoảng 40 tấn hàng gồm 123.425 sản phẩm chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, hàng gia dụng và rượu.

Thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 63 Cục QLTT đã tổ chức tuyên truyền, tập trung vào hoạt động ký cam kết gần 100.000 cơ sở kinh doanh và đã xử lý 3498 vụ vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và hàng hoá xâm phạm quyền; xử phạt hành chính trên 81 tỷ đồng; trị giá hàng hoá vi phạm trên 60 tỷ đồng. 

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh báo cáo tại Hội nghị
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh báo cáo tại Hội nghị

Tổng cục QLTT cũng là một trong những đơn vị tiên phong của Bộ Công Thương trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành công việc, khi 100% công chức QLTT được trang bị máy tính kết nối Internet đường truyền tốc độ cao; 100% cơ quan thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi, văn bản đến trên phần mềm eDMS và kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia; hệ thống hội nghị truyền hình và đào tạo trực tuyến; phần mềm sát hạch nghiệp vụ;…

Đặc biệt, ngày 10/12/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BCT quy định về quản lý, sử dụng biểu mẫu trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT. Đây là căn cứ quan trọng để lực lượng QLTT áp dụng hoàn toàn ấn chỉ điện tử thống nhất trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm kể từ 1/2/2022, chuyển đổi số một cách căn bản, toàn diện hoạt động nghiệp vụ của lực lượng.

Đồng thời, công tác thông tin tuyên truyền của Tổng cục đã tiếp tục tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật, góp phần hạn chế các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng. Hoạt động hợp tác giữa Tổng cục và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã bước đầu đạt được thành công khi tuyển đủ 50 chỉ tiêu đầu vào Chương trình đào tạo chuyên sâu lĩnh vực QLTT thuộc ngành Kinh doanh thương mại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An ghi nhận, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây nhiều cản trở cho hoạt động của lực lượng quản lý thị trường năm 2021, hoạt động thương mại điện tử phát triển tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm phức tạp, lực lượng QLTT đã có nhiều cố gắng, cùng các lực lượng khác như biên phòng, hải quan,… phát huy vai trò chủ công trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. 

Đặc biệt, lực lượng QLTT đang bước đầu chính quy, hiện đại thông qua hệ thống công nghệ thông tin, ấn chỉ điện tử để hạn chế sai sót, vi phạm; thay đổi trang phục lực lượng để đổi mới diện mạo. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, con đường tiến đến chính quy, hiện đại còn rất dài, đòi hỏi lực lượng QLTT cần nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa.

“Giải pháp nào chúng ta có thể làm được? Bằng công nghệ nào? Phối hợp với các lực lượng khác như thế nào? Tôi muốn chúng ta phải đặt ra những câu hỏi nghiêm túc như vậy”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Khẳng định vấn đề thực thi công vụ vẫn là điểm yếu và “nỗi đau” của lực lượng QLTT khi có các trường hợp bị kỷ luật, trong đó có những người bị khởi tố, tạm giam, Thứ trưởng cho rằng dứt khoát phải thực hiện nghiêm công tác chấn chỉnh, loại biên những đối tượng coi thường pháp luật như vậy. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong cán bộ, công chức tại cơ sở. 

“Chúng ta là lực lượng chấp pháp thì không thể nào vi phạm pháp luật được. Chúng ta còn rất nhiều người tốt, không thể để con sâu làm rầu nồi canh như vậy”, Thứ trưởng bày tỏ, cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra cần tiếp tục được thực hiện thường xuyên, đặc biệt khi có các đơn thư gửi đến, để đẩy mạnh đoàn kết nội bộ và kiện toàn bộ máy, hoàn thiện hệ thống tổ chức cán bộ theo hướng tăng cường phân cấp.

Đồng thời, cần tiếp tục cụ thể hóa công tác phối hợp với các lực lượng hải quan, thuế, công an,… thông qua các quy chế để tạo điều kiện cho lực lượng QLTT địa phương tác nghiệp dễ dàng. 

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các Cục QLTT trên cả nước
Hội nghị được kết nối trực tuyến với các Cục QLTT trên cả nước

5 nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng lực lượng hùng mạnh 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận nỗ lực của Tổng cục QLTT trong công tác tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2021, điển hình là đề xuất 2 Nghị định, 2 Thông tư. Căn cứ vào kết luận của lãnh đạo Bộ tại buổi làm việc với lực lượng tháng 8/2021, Tổng cục và các đơn vị trực thuộc đã cụ thể hóa thành quy định tại cơ sở và triển khai thực hiện.

Toàn lực lượng đã quan tâm tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng và tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền để  đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trên bình diện chung, QLTT đã góp phần bảo đảm các hoạt động thương mại diễn ra bình thường, ngay cả trong hoàn cảnh phải giãn cách do dịch Covid-19; đồng thời tham gia tích cực cùng hệ thống toàn ngành Công Thương thúc đẩy tiêu thụ nông sản tới vụ cho người nông dân và phối hợp cùng các lực lượng chức năng từng bước chấn chỉnh hoạt động thương mại điện tử. 

“Nhiều địa phương đã phải áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, nhưng hoạt động cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường về cơ bản được bảo đảm, ở đây phải ghi nhận nỗ lực của lực lượng QLTT”, Bộ trưởng đánh giá.

Công tác tổ chức bộ máy bước đầu đã có những chuyển biến; tinh thần, ý thức, thái độ làm việc của phần đông cán bộ cũng tích cực hơn. Công tác khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ được tiến hành thường xuyên, nề nếp hơn, bước đầu bảo đảm được tính kịp thời và tương đối khách quan. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm sửa chữa thiết bị,… đã được triển khai thực hiện. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhìn nhận còn tồn tại nhiều hạn chế trong lực lượng QLTT thời gian qua. 

Một là, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ về nghiệp vụ, và đạo đức công vụ chưa đạt yêu cầu đề ra. Vi phạm pháp luật còn phổ biến. Việc xử lý sai phạm ở một số nơi chưa nghiêm túc. Bộ máy ở một số nơi chậm kiện toàn.

Hai là, công tác đấu tranh, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả chưa cao. Số vụ việc được phát hiện so với tình trạng vi phạm còn rất nhỏ. Công tác kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ của ngành nhìn chung còn yếu. 

Ba là, còn nhiều vấn đề, vụ việc tồn đọng phức tạp nhưng chưa được giải quyết. 

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của những tồn tại này có cả chủ quan và khách quan, nhưng chủ yếu là việc quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định chưa tốt, nên cán bộ còn lúng túng, bị động hoặc thực hiện không đúng. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chế tài xử lý chưa đúng và chưa đủ mạnh, còn nể nang, né tránh. Tính nêu gương của tập thể lãnh đạo, đặc biệt người đứng đầu một số đơn vị, chưa rõ. Năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ chưa tốt. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2022 và những năm tới, ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết sẽ đi vào thực thi, do đó hoạt động giao thương sẽ diễn ra ngày càng sôi động và phức tạp. Tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, đặc biệt vi phạm về sở hữu trí tuệ và nguồn gốc xuất xứ. Thương mại điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, đòi hỏi cơ chế quản lý giảm sát tốt. Tại các địa phương, bộ máy chính quyền sẽ được kiện toàn trong năm 2022.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm đối với lực lượng QLTT trong năm 2022:

Thứ nhất, bên cạnh chủ trương của Đảng, Nhà nước và các quy định pháp luật, toàn lực lượng phải quán triệt thật sâu sắc Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. 

Đặc biệt, quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 21/05/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 29/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường.

“Trên cơ sở quán triệt và quán triệt lại các Chỉ thị đó, từ Tổng cục đến các đơn vị thuộc Cục cần cụ thể hóa thành những quy định và kế hoạch thực hiện của mình để có chuyển động trên thực tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Cần thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất các hoạt động này.

Thứ hai, tập trung nắm bắt tình hình, rà soát các quy định hiện có để tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định bảo đảm cho công tác QLTT thực sự hiệu lực, hiệu quả, phát huy được ưu điểm, khắc phục kịp thời các hạn chế yếu kém; đặc biệt phát hiện, đề xuất những quy định, chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử và trên mặt trận đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại trong tình hình mới.

Trước mắt cần tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh QLTT; đánh giá kết quả 5 năm hoạt động theo mô hình Tổng cục; đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình kết hợp 63 Cục QLTT về 45 Cục QLTT địa phương;… để có sự điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phù hợp. Xác định địa vị, tư cách pháp lý của cấp Đội QLTT để cán bộ có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm đúng.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Thứ ba, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, đạo đức công vụ cho cán bộ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với hoạt động của cán bộ, nhất là đội ngũ trực tiếp xử lý nghiệp vụ và trực tiếp tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Xốc lại kỷ cương, nguyên tắc trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của các đơn vị. 

“Phải kiểm tra, giám sát và phải xử lý thật nghiêm. Dứt khoát phải kiên quyết. Không có tình trạng nhờn kỷ cương, nhờn chỉ đạo. Không có vùng cấm nào cả, vi phạm là lập tức xử lý, lập tức thay đổi. Chỉ có làm thế chúng ta mới có được lực lượng hùng mạnh, mới có được niềm tin của nhân dân”, Bộ trưởng thẳng thắn chỉ đạo.

Bộ trưởng cũng yêu cầu QLTT tăng cường trao đổi nghiệp vụ của các đơn vị cả trong và ngoài lực lượng: giữa các Cục, giữa Cục địa phương với Cục nghiệp vụ, giữa Tổng cục với các đơn vị thuộc Bộ. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức mua sắm và sử dụng hạ tầng, thiết bị đúng quy định, đảm bảo an toàn, an ninh.

Thứ tư, đối với các Cục QLTT địa phương, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của chính quyền cấp ủy địa phương; phối hợp thật tốt với các lực lượng chức năng để tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra niêm yết giá, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là trong thời điểm cận kề lễ, tết hay ở vùng có dịch.

Thứ năm, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về hoạt động của ngành, nhất là việc cung cấp thông tin cho báo chí, qua đó tăng cường cơ chế giám sát, tiếp nhận, phản biện xã hội đối với hoạt động của ngành để tiếp tục hoàn thiện và hoàn thiện hơn chức năng nhiệm vụ của mình.

Thy Thảo