6 tháng đầu năm, CPI tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Trong cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý II năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 28/6/2019 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, CPI tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước, nhưng tăng 1,41% so với tháng 12/2018 và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, nguyên nhân khiến CPI tháng 6 giảm là do kinh tế vĩ mô ổn định, nỗ lực kiểm soát lạm phát của Chính phủ, sự chủ động điều hành giá xăng dầu, giá gas, giá điện, giá sách giáo khoa và giá dịch vụ y tế vào các thời điểm phù hợp, nguồn cung gạo dồi dào...

CPI tháng 6/2019 giảm so với tháng trước còn bởi ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi khiến giá lợn hơi giảm sâu vào các ngày đầu tháng 6/2019. Mặc dù từ giữa tháng 6, người tiêu dùng đã quay trở lại ăn thịt lợn, giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung, nhưng bình quân tháng 6.2019, giá thịt lợn đã giảm 1,39%.

CPI bình quân 6 tháng tăng 2,64%
CPI bình quân 6 tháng tăng 2,64%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây

Riêng, Quý II/2019, CPI tăng 0,74% so với quý trước và tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2018.

Một số nguyên nhân tác động làm tăng CPI Quý II/2019 so với cùng kỳ năm trước là do chỉ số giá nhóm xăng, dầu tăng 1,36%, làm cho CPI chung tăng 0,06%. Giá gas cũng điều chỉnh tăng liên tục từ tháng 1/2019 đến tháng 5/2019 làm cho chỉ số giá gas tăng 1,58% so với cùng quý năm trước.

Song song với đó, giá điện sinh hoạt điều chỉnh tăng từ ngày 20/3/2019, cùng với nhu cầu tiêu dùng điện tăng vào quý 2/2019 do thời tiết nắng nóng làm cho giá điện sinh hoạt quý 2/2019 tăng 8,81% so với cùng kỳ năm trước.

Còn tính bình quân 6 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Như vậy, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,23% so với tháng trước.

Chỉ ra một số yếu tố kiềm chế CPI 6 tháng đầu năm 2019 là giá xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng giá thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 4 đợt, giảm 4 đợt và 4 đợt giữ ổn định, tính chung 6 tháng đầu năm 2019 chỉ số giá xăng dầu giảm 3,55% so với cùng kỳ năm 2018, góp phần giảm CPI chung 0,15%.

Mặc dù giá gas tăng liên tục từ tháng 1/2019 đến tháng 5/2019 nhưng do giá gas tháng 6/2019 giảm 8,79% so với tháng 5/2019 nên bình quân 6 tháng đầu năm 2019 giá gas giảm 0,3% so cùng kỳ năm trước.

Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất làm cho giá vàng thế giới tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/6/2019 tăng 5,1% so với tháng 5/2019. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6/2019 tăng 1,98% so với tháng trước; tăng 4,29% so với tháng 12/2018 và tăng 1,74% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2019 tăng 0,3% so với tháng trước; tăng 0,29% so với tháng 12/2018 và tăng 2,52% so với cùng kỳ năm 2018.

Dịch vụ y tế bình quân 6 tháng đầu năm 2019 giảm 0,03% so với tháng 12 năm trước cũng giúp CPI bình quân 6 tháng đầu năm giảm.

Về lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,96% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lạm phát tăng 1,87% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm và giá xăng dầu. Ngoài ra, mức tăng 1,87% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.

 

Hồng Hà