60 xây dựng và phát triển của lực lượng quản lý thị trường

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1954), miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn, lực lượng sản xuất nhỏ bé v

Ngày 03 tháng 7 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 290/TTg thành lập Ban Quản lý thị trường Trung ương và các Ban Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố và khu tự trị trong cả nước. Đây là mốc son đánh dấu sự ra đời của lực lượng Quản lý thị trường.

Ban Quản lý thị trường Trung ương có nhiệm vụ giúp Chính phủ nghiên cứu chủ trương, chính sách quản lý thị trường, chống đầu cơ tích trữ; chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách quản lý thị trường trong phạm vi toàn quốc. Ban Quản lý thị trường các thành phố, tỉnh và khu tự trị có nhiệm vụ giúp Uỷ ban hành chính địa phương thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ về quản lý thị trường. Ban Quản lý thị trường Trung ương và các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ, thu được những kết quả quan trọng, góp phần giữ ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân trong giai đoạn khắc phục, cải tạo và xây dựng kinh tế ở miền Bắc, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Như vậy, ngay từ thời kỳ đầu mới được thành lập, Ban Quản lý thị trường ở Trung ương và địa phương giữ vai trò quan trọng trong công tác quản lý thị trường.

Ngày 16 tháng 7 năm 1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 190/CT thành lập Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương thuộc Hội đồng Bộ trưởng để hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quản lý thị trường. Sau ngày miền Nam giải phóng, số người tham gia buôn bán tăng nhanh, xuất hiện tình trạng trốn thuế, đầu cơ, buôn lậu, kinh doanh trái phép. Ngày 23 tháng 11 năm 1982 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết 188/HĐBT về tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và quản lý thị trường, trong đó, khẳng định thiết lập trật tự mới xã hội chủ nghĩa trên thị trường là một nhiệm vụ cấp bách.

Ngày 02 tháng 10 năm 1985 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết 249/ HĐBT về tổ chức lực lượng chuyên trách kiểm tra kiểm soát thị trường, theo đó, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc Ban chỉ đạo Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố, đặc khu và cấp huyện, quận, thị xã được thành lập. Từ đây, lực lượng thường trực chuyên trách kiểm tra, kiểm soát thị trường hình thành trên khắp các địa bàn cấp huyện trong cả nước.

Thực hiện đường lối đổi mới được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), nền kinh tế tuy được cải thiện, song vẫn còn nhiều khó khan, vẫn còn tình trạng buôn lậu, kinh doanh trái pháp luật. Trước tình hình đó, tháng 8 năm 1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành các Quyết định thành lập Ban công tác đặc nhiệm chống buôn lậu và quản lý thị trường ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Ban công tác đặc nhiệm chống buôn lậu ở các tỉnh phía Bắc do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Các Ban công tác đặc nhiệm này được tổ chức các Đội công tác đặc nhiệm liên ngành hoạt động theo từng thời gian và trên một số địa bàn trọng điểm nhằm kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu. Ngày 6 tháng 12 năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 398/HĐBT hợp nhất Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương, Ban công tác đặc nhiệm phía Bắc và phía Nam thành Ban chỉ đạo Quản lý thị trường trung ương với nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thống nhất chỉ đạo công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác.

Ngày 25 tháng 4 năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định 35/CP giao Bộ Thương mại có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo công tác quản lý thị trường cả nước, đồng thời chuyển giao bộ máy làm việc thuộc Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương sang Bộ Thương mại. Ngày 23 tháng 01 năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định 10/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức Quản lý thị trường, trong đó xác định: Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách được tổ chức từ trung ương đến huyện; có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước. Đây là mốc quan trọng đánh dấu lực lượng Quản lý thị trường tổ chức có hệ thống từ trung ương tới địa phương. Ngày 03 tháng 01 năm 1996, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 12/NQ-TW về thương nghiệp, trong đó định hướng xây dựng lực lượng Quản lý thị trường theo yêu cầu chính quy, tổ chức chặt chẽ.

Để tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành của Trung ương và địa phương, ngày 27 tháng 8 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 127/2001/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Thương mại làm Trưởng Ban, ủy viên là Thứ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Cục Quản lý thị trường được giao thêm nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, các Chi cục Quản lý thị trường được giao thêm nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại địa phương. Lực lượng Quản lý thị trường đã làm tốt công tác thường trực giúp việc, tham mưu cho Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở trung ương và địa phương, tổ chức tốt sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, các lực lượng chức năng giữa trung ương và chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.

Trong suốt 60 năm hình thành và phát triển, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và chống gian lận thương mại. Chỉ tính riêng từ năm 1995 đến 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 1.795.208 vụ vi phạm, trong đó 423.085 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; 179.649 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 119.778 vụ vi phạm về giá, 1.072.696 vụ kinh doanh trái phép và vi phạm khác; thu nộp ngân sách nhà nước trên 5.204 tỷ đồng, trong đó 2.982 tỷ đồng phạt hành chính, 2.078 tỷ đồng bán hàng tịch thu và gần 144 tỷ đồng truy thu thuế. Nhiều vụ vi phạm có quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương đã được Quản lý thị trường phát hiện và xử lý. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường đã góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất và lợi ích của người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường.

Trong quá trình phát triển, cơ cấu tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường đã có nhiều thay đổi qua từng giai đoạn nhưng ngay từ khi mới được thành lập, vai trò, nhiệm vụ và kết quả công tác của lực lượng Quản lý thị trường trong cả nước đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền của Quản lý thị trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện theo Luật xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ và các văn bản quy phạm phát luật liên quan.

Sự kiện pháp lý quan trọng đối với lực lượng Quản lý thị trường là ngày 08 tháng 3 năm 2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh quản lý thị trường. Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường được tổ chức từ trung ương đến địa phương theo nguyên tắc tập trung, thống nhất do Chính phủ thống nhất quản lý. Lực lượng Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Pháp lệnh Quản lý thị trường công khai, minh bạch hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành công thương của quản lý thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân, quy định các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của quản lý thị trường và chế độ chính sách cho công chức Quản lý thị trường, công chức Quản lý thị trường được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luậtvềưu đãi người có công với cách mạng.

Hiện nay, hệ thống tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường gồm: Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương và 63 Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với đội ngũ hơn 6700 công chức và người lao động công tác tại 680 Đội Quản lý thị trường thuộc các Chi cục Quản lý thị trường công tác tại các quận, huyện, thị xã hoặc liên huyện trên địa bàn cả nước. Lực lượng Quản lý thị trường có trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, có trang phục ngành, có phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và cờ hiệu khi thực thi công vụ, chất lượng đội ngũ công chức Quản lý thị trường ngày càng được nâng cao. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với các tổ chức nước ngoài trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Trong suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thể hiện rõ vai trò chủ công trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, ổn định thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do có những đóng góp tích cực đó, toàn lực lượng Quản lý thị trường đã được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương Lao động, cờ thi đua của Chính phủ, nhiều đơn vị và cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập kinh tế thế giới, lực lượng Quản lý thị trường càng phải nhận thức rõ và đầy đủ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ để làm tốt công tác kiểm tra thị trường, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất trong nước, thu hút đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng. Lực lương Quản lý thị trường cần phải đổi mới tư duy, xây dựng phương pháp và tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức công vụ. Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường cố gắng khắc phục những khó khăn, hạn chế đê thực hiện tốt chỉ đạo của chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 và Bộ Công Thương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá, về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp. Phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống như nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, dược phẩm… Đồng thời thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Tiếp tục chú trọng công tác xây dựng lực lượng, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức công vụ, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đề cao vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của lực lượng Quản lý thị trường, thay mặt lực lượng Quản lý thị trường xin được bày tỏ lòng biết ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương, cấp uỷ và chính quyền địa phương. Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của các Bộ, ngành, các lực lượng chức năng, cảm ơn các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động trong lực lượng Quản lý thị trường đã cống hiến công sức, trí tuệ và hy sinh cả tính mạng trong quá trình xây dựng và phát triển của lực lượng Quản lý thị trường.