8 nhóm giải pháp phát triển thị trường trong nước

Thương mại trong nước có sự phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, tăng trưởng còn theo chiều rộng, chủ yếu là tăng về quy mô doanh thu.

Biểu hiện cụ thể là:

Cung cầu hàng hóa tuy được bảo đảm nhưng còn thiếu tính bền vững, liên kết theo chuỗi còn lỏng lẻo và chậm phát triển.

Hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh...) ở một số địa phương phát triển chưa đồng đều và thiếu tính bền vững, tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị.

Công tác bảo đảm trật tự thị trường tuy đã được tăng cường, nhưng một số nơi vẫn còn xuất hiện tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phương thức kinh doanh thương mại mang tính hiện đại và hội nhập cao như thương mại điện tử, các giao dịch số hóa, mua bán trên mạng ... tuy đã  được tổ chức quản lý nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn, thất thoát thông tin, dữ liệu, trình độ công nghệ chưa bắt kịp với yêu cầu phát triển.

Hạn chế trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan:

Quan điểm, nhận thức chung về vị trí, vai trò của hoạt động thương mại trong nước đối với nền kinh tế chưa đầy đủ và sâu sắc.

Khung chính sách điều tiết các hoạt động thương mại trong cơ chế thị trường còn thiếu và chưa thực sự đồng bộ.

Chưa thiết lập được hệ thống hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước trước sự thâm nhập của các doanh nghiệp phân phối nước ngoài và nguồn cung hàng hóa nhập khẩu.

Cơ sở hạ tầng và khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử nhìn chung thiếu sự đồng bộ và tính kết nối, thiếu dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như hóa đơn và chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics.

Chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với các giao dịch thương mại điện tử.

Cơ sở hạ tầng thương mại mặc dù đã có bước phát triển nhưng khó đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ chiến lược. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại nhìn chung còn dàn trải, chưa trọng tâm trọng điểm và đồng bộ.

Chậm chễ trong triển khai các chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Công tác thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường còn hạn chế.

Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nhìn chung còn thiếu vốn, kinh nghiệm và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiệu quả; dịch vụ logistic hỗ trợ cho khu vực phân phối chưa phát triển dẫn đến chi phí tăng thêm qua hệ thống phân phối.

Các loại hình tổ chức kinh doanh nhỏ lẻ còn tương đối phổ biến. Nhận thức, am hiểu về pháp luật kinh doanh, quy định về bảo đảm an toàn thực phân,  vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng còn hạn chế, đặc biệt là các vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khách quan góp phần vào, gồm:

Năng lực sản xuất của nước ta có xuất phát điểm thấp, về cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chi phí thương mại, chi phí tuân thủ pháp luật trong thương mại cao.

Tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, phân phối và tiêu dùng trong nước cũng như  hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Áp lực cạnh tranh do hội nhập, mở cửa thị trường trong nước và nguy cơ suy giảm thị phần từ sự tham gia của các nhà phân phối nước ngoài đối với doanh nghiệp phân phối và các chủ thể kinh doanh bán lẻ trong nước ngày càng lớn.

Thiên tai, tình hình dịch bệnh, những thay đổi cực đoan của khí hậu trong nhiều năm qua với xu hướng ngày càng tăng có sự ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế và kinh doanh thương mại trong nước.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương đưa ra 8 nhóm giải pháp, bao gồm:

Một là, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước;

Hai là, cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại trong nước;

Ba là, tăng tổng cầu trong nước, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa;

Bốn là, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại;

Năm lafg, thúc đẩy phát triển các phương thức kinh doanh thương mại mới: đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thương mại thông qua thương mại điện tử, Sở giao dịch hàng hóa, phát triển cung ứng dịch vụ hậu cần đi kèm như hệ thống kho, trung tâm logistics…;

Sáu là, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;

Bảy là, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thương mại;

Tám là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự thị trường.

 

[Quảng cáo]

Vân Đồn