Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đường
 Ấn Độ cho biết việc hạn chế xuất khẩu đường nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung đường cần thiết cho thị trường nội địa nước này (Ảnh: CNN)

Đồng thời, Ấn Độ cũng yêu cầu bất kỳ hoạt động xuất khẩu đường diễn ra trong giai đoạn từ ngày 1/6 đến 31/10/2022 phải được “sự cho phép cụ thể” từ các cơ quan chức năng. Đây là lần đầu tiên trong vòng 6 năm trở lại đây, Ấn Độ siết chặt việc xuất khẩu đường. Ấn Độ hiện là quốc gia có sản lượng đường lớn nhất thế giới và là quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai toàn cầu.

Chính phủ Ấn Độ cho biết quyết định hạn chế xuất khẩu đường được đưa ra nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung đường cần thiết cho thị trường nội địa nước này trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu đường “tăng mạnh ở mức chưa từng có”.

Hiệp hội các nhà sản xuất đường Ấn Độ (ISMA) cho biết tính đến thời điểm hiện tại, các nhà xuất khẩu đường của Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu được 8,5 triệu tấn đường cho niên vụ 2021/2022; trong số đó, đã có 7,1 triệu tấn đường được chuyển đi.

Động thái hạn chế xuất khẩu đường của Ấn Độ diễn ra chỉ ít ngày sau khi nước này cấm xuất khẩu lúa mì. Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đang đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao với chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2022 tăng tới 7,8% - mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Giá nhiều mặt hàng lương thực tăng vọt là một trong những nguyên nhân chính khiến lạm phát tại Ấn Độ tăng mạnh. 

Giới quan sát lo ngại đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy chủ nghĩa bảo hộ lương thực đang gia tăng trên toàn cầu khi ngày càng nhiều quốc gia áp đặt các biện pháp kiểm soát, hạn chế hoặc ngưng xuất khẩu lương thực trong bối cảnh giá lương thực trên toàn cầu tăng vọt. Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động canh tác một số loại lương thực; đồng thời, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine khiến chuỗi cung ứng nhiều loại lương thực bị tắc nghẽn và xáo trộn.

Giá đường trên thế giới đang được hỗ trợ phần nào nhờ sự sụt giảm sản lượng đường của Brazil – quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô tăng cao sẽ khuyến khích các nhà máy tăng cường sử dụng mía để sản xuất xăng sinh học ethanol thay vì sản xuất đường.