Hãng nghiên cứu thị trường hàng hoá S&P Global Commodity Insights (Hoa Kỳ) nhận định Chính phủ Ấn Độ sẽ phải hạ dự báo sản lượng lúa mì của nước này trong niên vụ 2022/2023 (tháng 3/2022 – tháng 4/2023) từ 1 – 2 triệu tấn, xuống còn 112,2 triệu tấn trong bối cảnh thời tiết bất lợi tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác.

Một số chuyên gia phân tích cảnh báo sản lượng lúa mì của Ấn Độ thậm chí sẽ chỉ dao động từ mức 92 – 108 triệu tấn khi thời tiết tại nhiều khu vực canh tác lúa mì chủ chốt của Ấn Độ được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến xấu.

Sản lượng lúa mì Ấn Độ
 Sản lượng lúa mì của Ấn Độ qua các niên vụ (Đồ hoạ: S&P Global Commodity Insights)

Giới phân tích dự báo Chính phủ Ấn Độ có thể tiếp tục kéo dài chính sách cấm xuất khẩu lúa mì hiện nay cho đến giữa năm 2024 nhằm đảm bảo nguồn cung và hạ giá mặt hàng này trên thị trường nội địa.

Truyền thông địa phương Ấn Độ cũng dẫn lời ông Ashok Meena, Chủ tịch Tổng Công ty Thực phẩm Ấn Độ (IFC), cho biết lệnh cấm xuất khẩu lúa mì có thể được kéo dài cho đến khi Chính phủ Ấn Độ không còn cảm thấy lo ngại về vấn đề nguồn cung trên thị trường nội địa. IFC thuộc Chính phủ Ấn Độ và là đơn vị thực hiện việc thu mua dự trữ lúa mì trên thị trường Ấn Độ.

Xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ đã tăng mạnh sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022. Đồng thời, sản lượng lúa mì niên vụ 2021/2022 của Ấn Độ suy giảm. Những yếu tố này đã khiến giá lúa mì tại nước này tăng vọt và buộc Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì kể từ tháng 5/2022 nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Tuy nhiên, chính sách này vẫn chưa giúp hạ nhiệt giá lúa mì tại Ấn Độ do căng thẳng nguồn cung kéo dài.  

Dữ liệu gần nhất cho thấy dự trữ lúa mì tại các kho thuộc Chính phủ Ấn Độ vào ngày 1/1/2023 chỉ đạt 17,2 triệu tấn, giảm 48% so với đầu năm 2022 và chạm mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho rằng lệnh cấm xuất khẩu lúa mì sẽ không ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá quyết định của Ấn Độ vẫn khiến giá lúa mì trên thị trường quốc tế leo thang, gây nguy cơ mất  an ninh lương thực tại nhiều quốc gia, trong bối cảnh thị trường lúa mì toàn cầu vẫn đang chịu sức ép lớn cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, tập đoàn kinh doanh nông sản lớn nhất Hoa Kỳ Cargill vừa cho biết sẽ ngưng xuất khẩu các loại ngũ cốc từ Nga kể từ tháng 7/2023. Trong niên vụ 2022/2023, Cargill dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 2,2 triệu tấn ngũ cốc từ Nga, tương đương 4% tổng lượng ngũ cốc xuất khẩu của Nga. Trước đó, một số hãng kinh doanh nông sản lớn trên thế giới như Viterra, Louis Dreyfus….cũng đã ngưng hoặc cho biết sẽ ngưng việc xuất khẩu ngũ cốc từ Nga.