Những chuyến tàu xuyên Ấn

Bên cạnh những tuyệt tác đền đài, lăng tẩm như Taj Mahal, Ấn Độ còn là mảnh đất của những pháo đài thuộc hàng lớn nhất thế giới như Amber Fort (Jaipur) hoặc Mehrangarh Fort (Jodhur). Tôi quyết định bắt các chuyến tàu liên bang xuyên đêm, kéo dài hành trình sang Tây Bắc Ấn thay vì chỉ đi vẻn vẹn 3 thành phố  Delhi, Agra và Jjaipur (hay còn gọi cung đường Tam gia vàng – Golden Triangle) nhằm thoả mãn đam mê được dạo bước trong những pháo đài đồ sộ miền biên viễn.

Với diện tích lớn thứ 7 thế giới, Ấn Độ sở hữu một trong những hệ thống đường sắt phức tạp và bận rộn nhất thế giới. Các con tàu không chỉ là biểu tượng kết nối kinh tế giữa các vùng đất xa xôi mà còn là biểu tượng của một thế giới văn hoá đa sắc màu.

Nếu có ai hỏi làm thế nào để khám phá Ấn Độ thì tôi sẽ bảo hãy đi tàu! Những ngày rong ruổi trên các chuyến tàu, trải nghiệm nhiều loại ghế ngồi khác nhau từ toa bình dân đến toa VIP đã giúp tôi lượm lặt nhiều câu chuyện, cảm nhận sâu hơn về xứ xở kỳ lạ này.

Trên các chuyến tàu, tôi tò mò trước việc xem thanh niên Ấn Độ tại các khoang bình dân chia sẻ gói thuốc lá Gutka (loại thuốc lá nhai được với giá chỉ 1 rupee – 300 VNĐ), bối rối trước việc người soát vé cứ lắc lư đầu khi tôi hỏi về ga xuống (lắc lư đầu nghĩa là Đúng rồi!), bất ngờ khi một gia đình người Sikh thân thiện mời ăn bánh Masala Dosa trong bữa trưa và ngạc nhiên khi những người bán hàng rong chào mời mua đủ loại hàng hoá trên tàu từ các loại snack đường phố đến móc khoá vali. Một xã hội Ấn Độ thu nhỏ, gần gũi và thân thiện được tái hiện trên các chuyến tàu.

ấn độ

Mặc dù là phương tiện giao thông chủ lực nhưng tàu Ấn Độ thì hay trễ “bất tử” và thường xuyên đổi tuyến đỗ (một ga có thể đến 15 tuyến đỗ). Tình trạng trễ tàu quen thuộc đến mức một người địa phương bình thản nói “Chúng ta có thể sắp xếp được mọi việc (tại Ấn Độ) trừ giờ tàu chạy” khi tôi sốt ruột nhìn chuyến tàu của mình bị trễ thêm 3 tiếng. Có chuyến tàu, tôi phải ngồi không trên tàu đến thêm 6 tiếng do tàu cứ chạy một lúc lại phải đợi sương tan mới chạy tiếp được.

Thời gian tàu trễ là khoảng thời gian “tuyệt vời” giúp kết nối một đứa ngoại quốc như tôi với người dân bản địa. Nhờ tàu trễ mà tôi vỡ lẽ được rất nhiều chuyện, bao gồm cả nỗi ấm ức suốt từ ngày đầu đặt chân đến Ấn Độ là tại sao tài xế xe tuk tuk “chém đẹp” người nước ngoài, hoá ra người địa phương cũng thường bị cánh lái xe tuk tuk nói thách dựa trên bộ dạng ăn mặc.

Trên một chuyến tàu, ông Ekbal – một quân nhân với 30 năm phục vụ không lực Ấn Độ tự hào giải thích cho tôi ý nghĩa 3 màu và bánh xe luân hồi bất diệt (Ashoka Chakra) của quốc kỳ Ấn Độ cũng như việc các bạn nam Ấn Độ nắm tay nhau đi trên đường là rất bình thường để thể hiện tình huynh đệ, còn nam nữ nắm tay nhau lại là việc bất thường và nên tránh. Bên cạnh đó, tôi hiểu thêm rằng không phải người Ấn Độ nào cũng hiểu tốt tiếng Anh như mọi người lầm tưởng, chỉ những bạn có điều kiện được học tử tế thì mới nói được tiếng Anh do học phí ở Ấn Độ tương đối đắt đỏ.

Mọi người cũng rất hào hứng khi biết tôi là một phóng viên và thường hỏi xem vé tàu đặc biệt của tôi. Hoá ra, mỗi chuyến tàu Ấn Độ đều dành riêng các suất cho đội ngũ phóng viên, nhà báo – những người thường xuyên đi lại khắp mọi miền để thu thập tin tức và tất nhiên, những suất này sẽ được “chăm sóc” đặc biệt hơn, dù sao báo chí cũng được vinh danh là “quyền lực thứ 4”.

Cũng trên các chuyến tàu mà tôi được trải nghiệm sự đa dạng của ẩm thực Ấn Độ, các chuyến tàu đi từ miền Bắc Ấn Độ thì món ăn nổi bật được phục vụ sẽ là cà-ri Gà mềm sốt bơ (Makhan murg) trứ danh với vị cay nhẹ, ăn kèm với những chiếc bánh mì Naan tròn nóng dẻo, ăn đến đâu toát mồ hôi đến đó, xua tan cảm giác lạnh thấu xương của mùa đông Ấn.

Trong khi đó, món phổ biến trên các chuyến tàu từ Nam Ấn Độ là bánh Dosa (bánh tráng làm từ bột gạo, gấp hình tam giá) với một tá lựa chọn các loại nhân và nước sốt đi kèm, cung cấp đầy đủ năng lượng cho một ngày dài trên tàu. Ai nói món ăn Ấn Độ khó ăn thì nói, chứ một đứa ưa các món ăn đậm đà gia vị như tôi thì thấy các món Ấn rất ngon và luôn tìm xem thực đơn tàu có phục vụ món Thali (Đĩa) – tổng hợp đủ 6 hương vị mặn, ngọt, cay, đắng, chua và béo trên các chén nhỏ trong một khay ăn tổng hợp.

ấn độ

Ấn Độ diệu kỳ

Trước khi đi Ấn Độ, tôi tình cờ đọc được một blog về du lịch bụi với kết luận “Trước khi đến xứ này (Ấn Độ), bạn có thể mông lung với quyết định của mình nhưng khi đến xong thì bạn sẽ rơi vào hai thái cực cảm xúc rõ ràng, một là yêu cuồng nhiệt, hai là ghét đến tận xương tuỷ”. Tôi nghĩ rằng mình rơi vào trường hợp thứ nhất.

Tạm gác những vấn đề xã hội như khoảng cách giàu nghèo, đối lập giai cấp… Ấn Độ trong tôi hiện lên là một bức tranh diệu kỳ với cuộc sống đa sắc màu, nhịp sống nhộn nhịp khắp mọi nơi, các di sản hàng đầu thế giới và lời chào Namaste hiếu khách luôn được cất lên. Cuộc sống Ấn Độ có rất nhiều điều khiến những suy nghĩ ban đầu của tôi bị thay đổi hoàn toàn, nhiều việc tưởng rất kỳ nhưng chỉ cần vừa rời bước đi lại khiến mình muốn được trải nghiệm lần nữa.

Tôi nhớ cảm giác “chiến thắng” cứ mỗi lần mặc cả thành công giá xe tuk tuk, nhớ tiếng rao “Masala Chai-eee” kéo dài của người bán trà trên các chuyến tàu vun vút, nhớ bộ trang phục sari sặc sỡ cầu kỹ và những ánh mắt bí ẩn sau tấm mạng che mặt purdah của phụ nữ ấn Độ. Tôi cảm thấy nhớ cái không gian kỳ lạ đậm sắc màu Ấn Độ đó và thèm được quay lại lần nữa.

Trên chuyến tàu quay lại Delhi để bay về Việt Nam, tình cờ được nằm cùng cabin với ông Vihaan – hướng dẫn viên du lịch với 17 năm kinh nghiệm khuyên “Hãy đến Nam Ấn Độ, đó sẽ là hành trình kỳ thú thứ 2 của bạn”. Nhất định tôi sẽ quay lại Ấn Độ lần nữa.