Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến một số ngành nghề kinh tế chủ yếu và ngành Ngân hàng của Việt Nam hiện nay

ThS. PHẠM THỊ THÁI HÀ (Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Dịch viêm đường hô hấp cấp tại Vũ Hán đang gây thiệt hại nghiêm trọng tới nền kinh tế Trung Quốc, tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu và làm giảm tăng trưởng kinh tế thế giới. Trung Quốc là quốc gia có hoạt động xuất nhập khẩu lớn nhất với Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019, kim ngạch giữa hai nước đạt trên 100 tỷ đô la Mỹ. Nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ nạn dịch này, ngành Ngân hàng cũng chịu tác động liên đới.

Từ khóa: Virus nCov-2019, vius corona, dịch covid-19, Trung Quốc, Vũ Hán, ngành ngân hàng, ảnh hưởng của dịch covid-19.

1. Đặt vấn đề

Virus Corona gây bệnh viêm phổi cấp bắt nguồn từ Vũ Hán - Trung Quốc, sau đó lây lan đến nhiều nước trên thế giới, số ca nhiễm bệnh và tử vong liên tục tăng hiện nay. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng mà kéo theo các ngành kinh tế cũng chịu tác động vô cùng lớn. Tại Việt Nam, đối tác Trung Quốc chiếm ưu thế lớn trong hoạt động ngoại thương của Việt Nam, trong đó các ngành nghề liên quan đến du lịch, vận chuyển, nông nghiệp, xuất nhập khẩu… chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Ngành Ngân hàng được đánh giá không chịu tác động nhiều, nhưng với sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các ngành nghề khác.

2. Ảnh hưởng của dịch covid-19 đến một số ngành nghề kinh tế và ngành Ngân hàng hiện nay

2.1. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến một số ngành/nghề kinh tế chủ yếu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 2,75 tỷ đôla, giảm đến hơn 35% so với tháng 12/2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu năm 2020 (từ ngày 1/1 đến ngày 15/1/2020) đạt 22,17 tỷ USD, giảm 9,3% tương đương giảm 2,28 tỷ USD so với 15 ngày cuối tháng 12/2019. Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong nửa đầu tháng 1/2020 đạt kim ngạch 13,06 tỷ USD, giảm 5,7% tương ứng giảm 784 triệu USD so với nửa cuối tháng 12/2019.

Biểu đồ 1: Kim ngạch xuất, nhập khẩu 15 ngày đầu năm 2020 so với 15 ngày cuối năm 2019

Kim ngạch xuất, nhập khẩu 15 ngày đầu năm 2020 so với 15 ngày cuối năm 2019

                                                          Nguồn: Thống kê của Tổng cục Hải quan

Biểu đồ 1 cho thấy tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 1/2020 đạt 10,88 tỷ USD, giảm 13% so với nửa cuối tháng 12/2019. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 6,92 tỷ USD, giảm 10,8%, tương ứng giảm 836 triệu USD so với kỳ 2 tháng 12/2019. Trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 1/2020 đạt 11,29 tỷ USD, giảm 5,4% (tương ứng giảm 650 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 12/2019. Trong đó, nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 6,14 tỷ USD, tăng nhẹ 0,8%, tương ứng tăng 51 triệu USD.

Các doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc thường sử dụng lượng lớn lao động và chuyên gia là người Trung Quốc. Việc hạn chế xuất nhập cảnh giữa 2 nước ở ngay thời điểm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán đã, đang và sẽ dẫn tới tình trạng thiếu nhân công để vận hành hoạt động của các nhà máy. Như vậy, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng lớn tới guồng sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, gián tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020. Cùng với việc ngưng trệ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng do phụ thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp FDI. Không những vậy, mặc dù các doanh nghiệp đã chủ động nhập nguyên vật liệu trước Tết Nguyên đán, nhưng với tình trạng hạn chế xuất nhập khẩu với Trung Quốc như hiện nay, sẽ có tình trạng các doanh nghiệp trong nước và FDI ở một số ngành như May mặc, Điện tử… thiếu nguyên vật liệu đầu vào vì phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên nhiên vật liệu nhập từ thị trường Trung Quốc.

Biểu đồ 2: Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng 15 ngày đầu năm 2020 so với 15 ngày cuối năm 2019

 Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng 15 ngày đầu năm 2020 so với 15 ngày cuối năm 2019

                                                          Nguồn: Thống kê của Tổng cục Hải quan

Biểu đồ 2 cho thấy kim ngạch xuất khẩu 15 ngày đầu tháng 1/2020 giảm so với 15 ngày cuối tháng 12 chủ yếu do giảm ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 373 triệu USD, giảm 19,5%; hàng dệt may giảm 269 triệu USD, tương ứng giảm 15,5%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 130 triệu USD, tương ứng giảm 13,4%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 83 triệu USD, tương ứng giảm 13,1%; hàng thủy sản giảm 69 triệu USD, tương ứng giảm 17,5%.

Ảnh hưởng của dịch bệnh tới sản xuất nông nghiệp, chủ yếu tập trung ở các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam, năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%. Những sản phẩm nông sản đóng góp một phần quan trọng, đáng kể trong tăng trưởng giá trị gia tăng ở khu vực nông lâm thủy sản. Do đó, nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài trong nhiều tháng thì tốc độ gia tăng giá trị tăng thêm của khu vực này hẳn sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất nhập khẩu tại biên giới đều dừng lại, đồng nghĩa với việc mặt hàng rau củ quả, đồ tươi sống sẽ chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề nhất do không bảo quản được lâu.

Biểu đồ 3: Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng 15 ngày đầu năm 2020 so với 15 ngày cuối năm 2019

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng 15 ngày đầu năm 2020 so với 15 ngày cuối năm 2019

                                                          Nguồn: Thống kê của Tổng cục Hải quan

Biểu đồ 3 cho thấy kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong 15 ngày đầu tháng 01/2020 giảm so với nửa cuối tháng 12/2019 chủ yếu do giảm ở một số nhóm hàng: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 119 triệu USD, tương ứng giảm 6%; vải các loại giảm 48 triệu USD, tương ứng giảm 7,9%; chất dẻo nguyên liệu giảm 32 triệu USD, tương ứng giảm 7,9%… Bên cạnh đó, có linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 22 triệu USD, tương ứng tăng 13,4%.

Bên cạnh nông nghiệp, công nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-2019, ngành Du lịch chịu tác động mạnh nhất. Lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam thường tăng cao trong mùa lễ hội đầu năm nhưng trước tình hình dịch cúm đang diễn biến như hiện nay, lượng khách Trung Quốc sẽ giảm mạnh vào những tháng đầu năm 2020. Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2019 Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế thì du khách Trung Quốc hơn 5,8 triệu, chiếm 32%. Trong đó, Nha Trang - Khánh Hòa chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do tỷ trọng khách Trung Quốc lớn nhất, chiếm 70% tổng số khách quốc tế năm 2019. Và không chỉ lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam giảm mà với tâm lý e ngại khi tới du lịch tại các vùng có dịch cúm, lượng khách ở các quốc gia khác tới Việt Nam cũng giảm.

Ngành Hàng không cũng được xem là ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất với việc số lượng khách du lịch sụt giảm và việc bị cắt giảm chuyến bay tới vùng có dịch. Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trước khi có dịch Covid-19, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng của cả hai nước tham gia khai thác. Trước khi dịch xảy ra, 14 hãng hàng không Trung Quốc và 3 hãng hàng không của Việt Nam hàng ngày thực hiện gần 100 chuyến bay giữa hai nước. Để phòng chống dịch Covid-19, theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta đã thực hiện dừng các chuyến bay chở khách giữa hai quốc gia, với số lượng khách rất lớn.

Bên cạnh các ngành nghề chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ dịch bệnh phải kể đến một số ngành nghề đang hưởng lợi từ dịch bệnh như:

Ngành Dược, Vật tư y tế và bán lẻ dược. Tình trạng dịch bệnh kéo dài, các công ty cung cấp thiết bị y tế như khẩu trang, bao tay, xà phòng, nước muối vô trùng... nhận nhiều đơn hàng. Nhu cầu phòng tránh dịch bệnh của cộng đồng, dân cư và xã hội tăng cao.

Đồng thời, dịch vụ trò chơi trực tuyến được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ dịch Covid-19 trong bối cảnh nhóm người chơi chiếm đa số là học sinh, sinh viên đang được cho nghỉ học dài ngày. Bên cạnh đó là cơ hội kinh doanh thương mại điện tử đợt dịch Covid-19 lần này, với tâm lý lo sợ ngại tiếp xúc đám đông để tránh dịch nên người tiêu dùng thường chọn cách an toàn là ở nhà mua hàng online thay vì trực tiếp đến cửa hàng khiến dễ bị lây bệnh. Chính vì thế, các công ty giao hàng được hưởng lợi từ các đơn hàng mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử.

2.2. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến ngành Ngân hàng

Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19, ngành Ngân hàng khó tránh khỏi những ảnh hưởng khi các doanh nghiệp đình trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu do những tác động bởi dịch bệnh nói trên. Lợi nhuận và chất lượng tài sản của các ngân hàng tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng thông qua các ngành du lịch, tiêu dùng cá nhân, chuỗi cung ứng, hàng hóa, bất động sản và thị trường tài chính khi tín dụng chậm lại. Dịch Covid-19 tác động đến ngành Ngân hàng như sau:

Thứ nhất, cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn. Tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới đang diễn biến khá phức tạp, Trung Quốc và Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nên tổng cầu giảm, nhu cầu tín dụng giảm so với năm ngoái, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.

Thứ hai, tiềm ẩn nợ xấu tăng, khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn. Những khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú; du lịch, nhà hàng - ăn uống. Cùng với đó, các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc điển hình là doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản, thủy sản; các khách hàng có nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính từ Trung Quốc… Những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này chiếm lượng khá lớn trong số các khách hàng của các ngân hàng, do đó nguy cơ gia tăng nợ xấu là khó tránh khỏi.

Thứ ba, nhu cầu giao dịch qua ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt tăng do một số khách hàng ngại tiếp xúc, hạn chế đến giao dịch tại các ngân hàng. 

3. Ngành Ngân hàng hỗ trợ khắc phục thiệt hại của dịch Covid-19

3.1. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo khắc phục thiệt hại

Các tổ chức tín dụng cần cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành văn bản số 541/NHNN-TD ngày 04/2/2020 về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cụ thể là:

Các tổ chức tín dụng cũng chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay... theo quy định pháp luật hiện hành.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.

Tại chi nhánh các tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu cần nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh và theo dõi diễn biến dịch Covid-19, ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Các cơ quan này phải phối hợp với các sở, ban, ngành, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định. Trong trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố báo cáo UBND tỉnh, thành phố và Ngân hàng Nhà nước để được xem xét, xử lý.

3.2. Các giải pháp cụ thể của một số ngân hàng thương mại

(1) Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank): Nam A Bank đã triển khai chương trình “Chung sức khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch Covid-19”, áp dụng từ ngày 10/2 cho tới khi Chính phủ có thông báo chính thức về việc dịch bệnh kết thúc. Theo đó, khách hàng được giảm đến 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với loại tiền VND và USD. Ngân hàng mong muốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như du lịch, lưu trú, hàng không, nông nghiệp, nhà hàng, quán ăn, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thuộc vùng dịch. Ðồng thời, Ngân hàng sẽ chủ động tư vấn khách hàng để nắm bắt nhu cầu, tìm hiểu tình hình sản xuất và hỗ trợ kịp thời. Số tiền hỗ trợ sẽ được giảm trực tiếp trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng trong thời gian hỗ trợ trên nguyên tắc mức khai thác càng nhiều, tỷ lệ giảm càng lớn.

(2) Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank): Từ ngày 12/2 - 30/6/2020, TPBank triển khai các gói cho vay ưu đãi bằng VND và ngoại tệ với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng và lãi suất giảm từ 1 - 1,5% so với biểu lãi suất hiện hành của TPBank nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ðối tượng được hưởng ưu đãi là các khách hàng có hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu... bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, TPBank sẽ rà soát để đưa ra các biện pháp hỗ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi dịch Covid-19 như du lịch, khách sạn, các công ty vận tải lữ hành, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, vật tư, hàng hóa từ Ðại lục. Ngân hàng sẽ xem xét gia hạn nợ, cơ cấu nợ mà không áp dụng lãi phạt, xem xét giảm lãi hoặc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép không chuyển nhóm nợ với các khách hàng này.

(3) Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank): Từ nay đến hết ngày 30/4, Vietcombank giảm lãi suất VND 1 - 1,5%/năm và ngoại tệ 0,5 - 0,75%/năm, tùy theo kỳ hạn. Với các khoản vay mới, Ngân hàng cũng giảm 1%/năm lãi suất với VND và 0,5%/năm với USD. Vietcombank ước tính, quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp ước 300 - 450 tỷ đồng.

(4) Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank): Eximbank dành 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay ưu đãi với lãi suất từ 6,99%/năm; đồng thời, sẽ triển khai gói lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 3.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm các doanh nghiệp lớn.

(5) Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank): Nhằm hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản, Sacombank phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam mua 30 tấn dưa hấu tại các nhà vườn Gia Lai để tặng cho các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật, làng thiếu nhi, bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Toàn bộ kinh phí gần 200 triệu đồng để thu mua và vận chuyển được Sacombank trích từ quỹ công đoàn của Ngân hàng.

(6) Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank): HDBank miễn 100% mức phí thanh toán quốc tế cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế, góp phần đảm bảo việc cung ứng và bình ổn giá các mặt hàng phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona. Theo đó, từ ngày 4/2/2020, đối với các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu dược, thiết bị - vật tư y tế, HDBank miễn 100% mức phí thanh toán quốc tế ngoại trừ mức phí do phía ngân hàng đối tác thu theo biểu phí chuyển tiền quốc tế và tài trợ thương mại để nhập khẩu các mặt hàng dược và vật tư y tế. Song song đó, HDBank cũng giảm 50% phí giao dịch tài khoản thanh toán nội địa so với quy định hiện hành và giảm 50% phí phát hành các loại bảo lãnh so với quy định hiện hành cho các các doanh nghiệp cung cấp dược, thiết bị - vật tư y tế cho Bệnh viện/Sở y tế/Trung tâm y tế. 

(7) Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC): Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam đã giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Mức giảm theo bậc thang từ 5% đến 20% tổng mức thu dịch vụ thông tin tín dụng theo từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Giải pháp của CIC lần này ngoài việc giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, còn gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Các ngân hàng TMCP khác cũng có nhiều gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.

4. Triển vọng ngành Ngân hàng trong năm 2020

Mặc dù cổ phiếu ngân hàng rớt mạnh theo đà giảm của toàn thị trường, nhưng triển vọng của ngành Ngân hàng trong năm nay vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá tốt, tiềm năng tăng trưởng của ngành vẫn còn rất lớn nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động của các ngân hàng, ngày càng bớt phụ thuộc vào tín dụng, nhất là tín dụng bán buôn, các ngân hàng đã chuyển dịch mạnh mẽ từ bán buôn sang bán lẻ, giảm phụ thuộc vào tín dụng, tăng thu ngoài lãi. Việc chuyển hướng này đã giúp ngành Ngân hàng đối phó tốt hơn với các biến động của nền kinh tế.

Năm 2020, nhiều yếu tố tích cực đang hỗ trợ tăng trưởng cho các ngân hàng, như: nhiều ngân hàng đã thực hiện tốt tiêu chuẩn Basel II hoặc hệ số an toàn theo Thông tư 22 và có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt hơn, nhiều ngân hàng hoàn tất xử lý nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, bán lẻ và thu ngoài lãi tăng trưởng mạnh. Nhiều ngân hàng đã và đang duy trì chính sách trích lập dự phòng ở mức cao, đảm bảo phòng ngừa rủi ro trong trường hợp thị trường biến động. Vì vậy, chất lượng tài sản của các ngân hàng đã và đang được cải thiện.

Việc tăng trưởng thu nhập từ thu nhập ngoài lãi của ngân hàng đến từ kênh bancassurance - hợp tác bán bảo hiểm, thu phí dịch vụ ngân hàng và chiến lược đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ, ngân hàng số. Các ngân hàng tăng cường áp dụng các dịch vụ gia tăng trong hệ thống ngân hàng, cũng như sự phát triển của các kênh thanh toán không dùng tiền mặt – fintech, như: ví điện tử, ngân hàng số, người gửi tiền sẽ sử dụng nhiều hơn các dịch vụ. Chính vì thế mà triển vọng phát triển của ngành Ngân hàng trong năm 2020 vẫn rất lạc quan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. https://tinnhanhchungkhoan.vn/
  2. http://www.trungtamwto.vn/
  3. http://cafef/vn
  4. http://tapchitaichinh.vn/
  5. https://www.customs.gov.vn/
  6. https://www.gso.gov.vn/

THE IMPACT OF CORONAVIRUS OUTBREAK ON SOME MAJOR ECONOMIC SECTORS AND THE BANKING SECTOR OF VIETNAM

● PHAM THI THAI HA

Faculty of Finance and Accounting, Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

The coronavirus outbreak in Wuhan is causing serious damage to the Chinese economy, affecting global supply chains and slowing the world economic growth. Vietnam. According to the export turnover of Vietnam in 2019, China is the largest trade partner of the country. The total import-export turnover between Vietnam and China reached US $100 billion. The coronavirus outbreak in China has significantly affected Vietnam’s economy and also the country’s banking industry.

Keywords:  2019-nCoV, coronavirus, coronavirus disease, China, Wuhan, banking sector, adverse effects from the coronavirus.