TÓM TẮT:

FDI có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, nhất là các nước nghèo, kỳ vọng lớn nhất của việc thu hút FDI chủ yếu là nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế. FDI tạo cơ hội cho các nước nghèo tiếp cận công nghệ tiên tiến hơn, dễ dàng chuyển giao công nghệ hơn, thúc đẩy quá trình phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng quản lý và trình độ lao động,... Tác động này được xem là các tác động tràn về năng suất của FDI, góp phần làm tăng năng suất của các doanh nghiệp trong nước và cuối cùng là đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói chung.

Từ khóa: Vốn FDI, năng suất lao động, công nghiệp cao, nông nghiệp.

1. Ảnh hưởng khối doanh nghiệp FDI đến tăng năng suất lao động

Doanh nghiệp FDI giữ vai trò quan trọng trong việc trực tiếp đóng góp vào tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam. Tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia 2019, Tổng cục Thống kê cho biết: NSLĐ doanh nghiệp nhà nước đạt 678,1 triệu VND/lao động, Tuy nhiên NSLĐ của doanh nghiệp nhà nước đạt mức cao chủ yếu vẫn dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 228,4 triệu VND/lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu VND/lao động, gấp 3,5 lần mức NSLĐ chung cả nước. (Biểu đồ 1)

Nguồn: Số liệu tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia 2019

Nguyên nhân là do sự khác biệt về lĩnh vực đầu tư, khu vực FDI tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, khai khoáng và những ngành có năng suất lao động cao; trong khi khu vực nội địa lao động vẫn chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành có có năng suất lao động tuyệt đối rất thấp. Điều này dẫn tới năng suất lao động bình quân của khu vực FDI cao.

Có thể nói, FDI giữ vai trò quan trọng trong việc trực tiếp đóng góp vào tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực FDI vào tăng trưởng năng suất lao động phần lớn do dịch chuyển lao động từ khu vực năng suất lao động thấp sang khu vực FDI với năng suất lao động cao hơn (chiếm 64%). Trong khi đó, đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động thực sự từ khu vực FDI (đã trừ phần đóng góp do dịch chuyển lao động) chiếm tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều (36%). Điều này có nghĩa, Việt Nam đã nhận được tác động tích cực từ FDI. Song nhìn chung mức độ tác động tích cực còn thấp, chủ yếu do khả năng cạnh tranh, học hỏi, nhất là liên kết sản xuất, tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong nước còn yếu. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản hạn chế nhận được tác động lan tỏa từ FDI.

2. Giải pháp gia tăng tác động lan tỏa của khu vực FDI đến năng suất lao động nền kinh tế

Thứ nhất, chính sách thu hút FDI hiện chưa làm tốt vai trò tạo liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Do đó, tới đây cần tập trung tăng năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, để tạo điều kiện và cơ hội cho khu vực trong nước nhận được tác động lan tỏa từ FDI. Một số chuyên gia kiến nghị, để lĩnh vực FDI thực sự hiệu quả cần có những chính sách bắt buộc đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam, chẳng hạn như yêu cầu họ phải đạt tỷ lệ nội địa hóa 60%, thay vì cam kết tỷ lệ nội địa hóa 10% như đa số các nhà đầu tư hiện nay. Có như vậy, FDI mới tạo được sức lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước thông qua các dự án phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển nhà cung cấp cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, cần khuyến khích tăng cường cơ chế hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Việc thu hút FDI hiện nay thông qua nhiều công cụ ưu đãi nhưng cần phải gắn chặt với việc tạo dựng mạng lưới cung cấp trong nước...

Thứ hai, cần tạo cơ hội cho xuất hiện tác động tràn và tăng khả năng hấp thụ các tác động tràn tích cực của FDI cho các doanh nghiệp trong nước.

- Thay vì khuyến khích thu hút FDI vào một số ngành như hiện nay, có lẽ nên quy định một số lĩnh vực cấm đầu tư và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực còn lại. Nhanh chóng thực hiện chương trình cổ phần hóa DNNN, tạo cơ hội và mở cửa hơn nữa cho sự gia nhập thị trường của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nước ở một số ngành mà hiện nay vẫn do DNNN chủ yếu nắm giữ. Đồng thời thực hiện tốt cam kết về giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan theo lộ trình hội nhập và tiến trình tự do hóa thương mại, qua đó tạo áp lực về cạnh tranh cho tất cả các doanh nghiệp và giảm thiểu mức độ bảo hộ đối với một số ngành đang được ưu đãi. Các biện pháp trên đây sẽ làm giảm mức độ tập trung của FDI vào một số ngành sản xuất thay thế nhập khẩu, thu hút nguồn vốn này vào tất cả các ngành, qua đó tạo cơ hội để có được tác động lan tỏa cho các doanh nghiệp trong nước và nền kinh tế.

- Tiếp tục phân cấp việc ra quyết định cấp phép đầu tư và tăng qui mô dự án mà các cấp tương ứng được quyết định. Thay đổi này có thể tác động ngay tới qui mô dự án và tăng tốc độ giải ngân, đồng thời tạo kích thích đẩy nhanh cải cách hành chính nói chung và ở các tỉnh/thành phố nói riêng. Như đã nêu ở trên, phân cấp cần gắn với trách nhiệm cá nhân và đánh giá thông qua hiệu quả kinh tế-xã hội đích thực của các dự án.

- Khuyến khích thu hút FDI vào các vùng ngoài các trung tâm công nghiệp và đô thị lớn. Trước hết nhằm giãn bớt mức độ tập trung cao ở các vùng này; một mặt tiếp tục đẩy mạnh phân cấp như đã nêu ở trên; mặt khác cần có chính sách hỗ trợ các tỉnh trong xúc tiến đầu tư, nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng cầu về lao động quản lý và công nhân có tay nghề. Trong giai đoạn tới, ưu thế sẽ thuộc về các tỉnh lân cận, tiếp giáp các trung tâm tập trung FDI. Vì vậy có thể ưu tiên hơn chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng cho các tỉnh này, tạo một vành đai xung quang các thành phố lớn để mở rộng dần phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp FDI về mặt địa lý.

- Kết quả phân tích định lượng về tác động tràn cho thấy bằng chứng về tác động tràn tích cực của FDI đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả DNNN. Do vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh chính sách phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp này tạo mối liên kết sản xuất với các doanh nghiệp FDI trong từng nhóm ngành. Nhà nước cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng năng lực để có thể tự học hỏi, tiếp thu công nghệ mới và chuyển giao công nghệ từ đối tác liên kết sản xuất. Các biện pháp hay được thực hiện trên thế giới là cung cấp thông tin miễn phí hoặc phí rất thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức các cuộc gặp gỡ để các doanh nghiệp có thể trao đổi trực tiếp với nhau, tổ chức các lớp bồi dường, đào tạo cán bộ làm việc trong các doanh nghiệp này.

- Tăng năng lực về R&D của doanh nghiệp trong nước để tăng khả năng hấp thụ công nghệ mới và thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua nhiều biện pháp. Ví dụ, Nhà nước hỗ trợ đào tạo cán bộ R&D của doanh nghiệp bằng cách tài trợ các chương trình trao đổi chuyên gia giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; thực hiện các chương trình nghiên cứu (ngành, sản phẩm mới) có sự tham gia và đồng tài trợ của các bên cùng hưởng lợi.

- Nâng nhanh tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của cả nền kinh tế nói chung và của lao động trong các doanh nghiệp trong nước nói riêng để tăng khả năng đón nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.

Thứ ba, cần chú trọng chất lượng của dòng vốn FDI thu hút thay vì số lượng. Cùng với đó, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và có những hành động cụ thể hơn. Trong đó, ưu tiên tiếp cận tín dụng đối với những ngành/lĩnh vực hỗ trợ ưu tiên phát triển. Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại, trao đổi giữa các tập đoàn FDI lớn và nhằm tìm kiếm đối tác cung cấp đầu.

Thứ tư, trình độ lao động thấp của Việt Nam là nhân tố cản trở tác động tích cực của nguồn vốn FDI với năng suất lao động. Ở cấp độ doanh nghiệp, trình độ lao động thấp sẽ hạn chế khả năng tiếp thu và chuyển giao công nghệ. Như vậy, nếu thiếu lao động có trình độ đáp ứng ở một mức nào đó, việc phổ biến công nghệ sẽ khó hoặc không xảy ra. Do đó, cần đào tạo nâng cao trình độ, ý thức nguồn lao động.

Ngoài trình độ lao động, chênh lệch lớn về công nghệ và năng suất lao động cũng đang gây khó khăn cho việc di chuyển lao động có chuyên môn giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Bởi vậy, cần thiết phải thu hẹp khoảng cách này.

Hơn nữa để tăng hiệu ứng tích cực từ khu vực FDI theo chiều dọc, khu vực nội địa phải tham gia liên kết được với khu vực các doanh nghiệp nước ngoài thông qua cung ứng đầu vào và ngược lại.

3. Kết luận

Việt Nam được đánh giá đã khá thành công trong thu hút FDI và khẳng định FDI có tác động lan tỏa đến năng suất lao động. Tuy nhiên, mức độ tác động lan tỏa vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của định hướng thu hút FDI có chọn lọc và hiệu quả. “Mức độ liên kết ngược và liên kết xuôi giữa khu vực FDI với khu vực nội địa còn thấp ở tất cả các ngành, đặc biệt nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật cao. Điều đó ngụ ý rằng, khả năng tác động gián tiếp vào năng suất lao động của khu vực FDI thông qua hiệu ứng tràn về công nghệ và kỹ năng lao động là thấp”, đại diện Viện Kinh tế Việt Nam cho hay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Hiệu quả của FDI và đòi hỏi việc thay đổi chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
  2. Nguyễn Thị Tuệ Anh (2006), Tác động lan tỏa năng suất của đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam; https://vietnamfinance.vn/tac-dong-lan-toa-nang-suat-cua-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-o-viet-nam-20180216105337062.htm
  3. Lê Văn Hùng (2017), FDI và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam - Ngụ ý đối với dòng vốn FDI từ EU; Hội thảo quốc tế "Nâng cao chất lượng lực lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU).
  4. Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (2012), Giữ nhịp tăng trưởng bền vững tại Việt Nam: Thách thức về năng suất.

Impacts of the FDI sector on the productivity of Vietnam’s economy

Master. Do Thi Phuong

Faculty of Economic Fundamentals

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Foreign direct investment (FDI) can affect all economic, cultural and social aspects of a country. However, for developing countries, especially poor ones, the greatest expectation of attracting FDI is primarily for economic growth. FDI creates opportunities for poor countries to access more advanced technologies, facilitate technology transfer, accelerate the dissemination of knowledge, and improve management skills and labor skills. These impacts  It is considered as spillover effects on productivity of FDI, contributing to increase productivity of domestic enterprises and finally contributing to economic growth in general.

Keywoeds: FDI, labor productivity, high technology industry, agriculture.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2020]