Ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đại chúng trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam

ThS. CAO THỊ NGỌC YẾN (Khoa Luật - Trường Đại học Vinh)

TÓM TẮT:

Kiểm soát quyền lực nhà nước (KSQLNN) là yêu cầu tất yếu của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, điều này đã được khẳng định trong Hiến pháp 2013 và các văn bản Luật. Vấn đề đặt ra là phải tìm được những phương thức kiểm soát phù hợp ở những giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội để việc kiểm soát mang lại hiệu quả cao nhất. Bài viết nhằm trình bày cơ sở lý luận về truyền thông đại chúng (TTĐC), phân tích thực trạng ảnh hưởng của TTĐC trong KSQLNN ở Việt Nam và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy các ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của TTĐC trong KSQLNN tại Việt Nam.

Từ khóa: Truyền thông đại chúng, kiểm soát quyền lực, nhà nước Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư kéo theo sự phát triển của hệ thống truyền thông mới đã làm thay đổi mạnh mẽ quyền giám sát của công dân từ khả năng giám sát, tốc độ giám sát, phạm vi giám sát và khả năng kiểm tra việc xử lý kết quả giám sát, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động KSQLNN. Điều đó cho thấy  TTĐC đang khẳng định vai trò và vị thế của mình với tư cách là công cụ hỗ trợ người dân thực hiện quyền giám sát và KSQLNN.

Tuy nhiên, các phương tiện TTĐC có vai trò đến đâu trong hoạt động KSQLNN tùy thuộc vào vị trí của thiết chế đó trong cơ chế pháp lý nhân dân KSQLNN. Với cơ chế tự do, dân chủ như ở Việt Nam hiện nay, việc sử dụng TTĐC vào quá trình giám sát, KSQLNN của công dân có thể được xem là một hướng đi đúng đắn và tất yếu đối với cả công dân và Nhà nước để hoạt động kiểm soát phổ biến hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

2. Phương tiện TTĐC –công cụ KSQLNN hiệu quả

TTĐC được hiểu là hệ thống các phương tiện truyền thông hướng tác động vào đông đảo công chúng xã hội (nhân dân các vùng miền, cả nước, khu vực hay cộng đồng quốc tế) nhằm thông tin, chia sẻ, tập hợp, giáo dục, thuyết phục và tổ chức đông đảo quần chúng nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội đã và đang đặt ra.[1]

Các loại hình phương tiện TTĐC rất đa dạng, như: Sách, báo in, báo mạng, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, quảng cáo, các dạng thức truyền thông trên internet, băng, đĩa hình và âm thanh…

Với tư cách là một công cụ KSQLNN hiệu quả, TTĐC có những tác động đến hoạt động kiểm soát quyền lực từ những phương diện sau:

Thứ nhất, TTĐC cung cấp thông tin hoạt động của các cơ quan nhà nước, là một biện pháp để công khai, minh bạch hoạt động quyền lực nhà nước trước nhân dân. Để kiểm soát quyền lực, người dân cần nắm được thông tin hoạt động của Nhà nước, chỉ khi biết Nhà nước đã làm gì, làm như thế nào người dân mới có thể đánh giá được hành vi của các chủ thể thực thi quyền lực nhà nước. TTĐC là cầu nối giữa chính quyền, Đảng lãnh đạo, tổ chức chính trị - xã hội với nhau và với công dân, qua đó hình thành các “tam giác thông tin”, trong đó, TTĐC vừa cung cấp và tiếp nhận thông tin, vừa thiết lập mối liên hệ giữa các chủ thể. Nội dung thông tin mà truyền thông cung cấp rất đa dạng và phong phú, phần lớn đáp ứng được nhu cầu về thông tin của công chúng, các thông tin bao gồm: Những hoạt động diễn ra hằng ngày của Chính phủ; các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước, các sự kiện chính trị của đất nước…; Bên cạnh đó, TTĐC còn công khai cả những hoạt động bị “che giấu”. Thực tế cho thấy, với đặc tính có khả năng xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, những hoạt động điều tra nghiêm túc của TTĐC làm cho những thông tin cần thiết, có ý nghĩa quốc gia hoặc có tầm quan trọng đặc biệt đối với người dân bị che giấu trở nên công khai, minh bạch, nhiều vụ tiêu cực lớn, dù thủ đoạn, hành vi tham nhũng có tinh vi, phức tạp, nhưng cũng đã được nhân dân và báo chí lật tẩy.

Thứ hai, hình thành dư luận xã hội. Các lý thuyết truyền thông đều chỉ ra vai trò của truyền thông đối với sự hình thành dư luận xã hội. K.Marx cũng đã nhận định rằng “Sản phẩm của truyền thông là dư luận xã hội[2].

Vai trò kiểm soát của TTĐC chủ yếu dựa trên sức mạnh dư luận xã hội mà chính nó đại diện. Từ dư luận xã hội sẽ dẫn đến hành vi xã hội rộng lớn, tạo ra những khuôn khổ bắt buộc đối với việc nhận thức và giải quyết các vấn đề chính trị, từ đó tạo ra một sức mạnh vô hình đặt giới hạn với những gì chính phủ có thể làm. Đối với người dân, dư luận xã hội là cách thức để người dân tham gia lãnh đạo, quản lý xã hội, giám sát và kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước. Nhờ thông qua việc định hướng được tư tưởng, dư luận xã hội mà công chúng có cái nhìn khách quan hơn, toàn diện hơn về hoạt động của Nhà nước, hành vi của chủ thể có thẩm quyền, để từ đó có những phản hồi ngược lại với Nhà nước. Nhìn chung, các luồng dư luận thường theo ba xu hướng là “ủng hộ”, “phản đối” và “không rõ” hoặc “thích”, “không thích” và “không trả lời” về một chính sách, quyết định nào đó của cơ quan Nhà nước hoặc hành vi của chủ thể có thẩm quyền trong việc thực thi quyền lực nhà nước.

Thứ ba, TTĐC đóng vai trò quan trọng trong giám sát và phản biện xã hội. Giám sát và phản biện xã hội được xem là một trong những chức năng quan trọng hàng đầu của truyền thông đại chúng, nhất là báo chí. Giám sát xã hội của báo chí - TTĐC là giám sát chủ yếu bằng tai mắt của nhân dân, giám sát bằng dư luận xã hội, đó là quá trình giám sát mọi nơi, mọi lúc.

Được ví như người hoa tiêu trên con tàu, thay mặt nhân dân, TTĐC tiến hành theo dõi, phát hiện, phản ánh trung thực và cảnh báo những sai lầm trong các quyết sách, hành vi vượt quá giới hạn của các cơ quan công quyền, các công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước, từ đó góp phần điều chỉnh và hoàn thiện dần hoạt động của hệ thống chính trị, thực hiện chức năng của “tòa án công luận”, nhằm hạn chế, kiểm soát việc lạm dụng quyền lực. Chính vì thế, chức năng giám sát và phản biện xã hội của TTĐC ở các nước phương Tây được đề cao với đầy đủ hành lang pháp lý. Ở Việt Nam, chức năng này cũng được ghi nhận đầy đủ trong các văn kiện của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tại Đại hội lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức ghi nhận, yêu cầu báo chí cách mạng Việt Nam đảm nhận vai trò, nhiệm vụ phản biện xã hội. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”. [3]

Tuy nhiên, quyền lực của báo chí, TTĐC tuy vô hình, bất thành văn, nhưng lại có sức mạnh rất lớn nên không khỏi có những nhà báo lạm dụng quyền lực này, nhất là trong lĩnh vực chính trị. Nhiều vụ việc phản biện của báo chí, TTĐC chưa đúng sự thật, một số tờ báo đã đi quá xa trong việc “đào bới” thông tin, đăng tải tin tức khi chưa được kiểm chứng. Các thông tin sai lệch hoặc bóp méo sự thật về đời sống chính trị, hay các chính trị gia đã gây ra những tổn thất đối với lợi ích cá nhân, tổn hại khôn lường đối với xã hội, và hiệu quả của hoạt động KSQLNN. Nghiêm trọng hơn, sự phát triển nở rộ và thịnh hành của truyền thông mới nói chung và mạng xã hội nói riêng như Facebook, Twitter, Instagram, Youtube… vô hình chung trở thành công cụ đắc lực giúp cá nhân, các thế lực thù địch, chống phá được tự do đưa lên mạng các thông tin không được kiểm soát, rồi tin xấu, tin độc hại, bôi nhọ, bịa đặt... núp bóng phản biện xã hội. Điều này gây không ít phiền toái cho nhà quản lý, cũng như gây hoang mang dư luận, làm nảy sinh các nguy cơ đối với an ninh, chính trị, xã hội trong đó có việc giám sát, KSQLNN.

3. Thực trạng phương tiện TTĐC ở Việt Nam trong KSQLNN

Từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước năm 1986, Đảng ta đã xác định TTĐC có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần làm mạnh hóa đời sống xã hội nói chung và KSQLNN nói riêng. KSQLNN ở Việt Nam hiện nay được trợ lực bởi một hệ thống TTĐC đồ sộ, bao gồm: 859 tờ báo, tạp chí in, trong đó có 199 báo, 660 tạp chí; 135 báo, tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 2 đài quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam, 1 đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương… Toàn bộ hệ thống TTĐC trên là cơ quan của các tổ chức đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, chịu sự quản lý chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin - Truyền thông.

Trong thời gian qua, hệ thống TTĐC đã thông tin tuyên truyền kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước. Báo chí đã đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước tới gần hơn với nhân dân, tham gia giám sát, phản biện, theo dõi quá trình xử lý các vụ việc; phát hiện những hạn chế, bất cập của thể chế pháp luật, cơ chế chính sách; phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặc biệt ,TTĐC đã nêu bật, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai" trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hơn 70% số các vụ tham nhũng chủ yếu là do nhân dân và các cơ quan báo đài phát hiện, trong cuộc thi “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” năm 2019 có tới 1.046 tác phẩm dự thi, trong đó có 1.002 tác phẩm của 4 thể loại: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Nhiều phóng sự truyền hình, phát thanh, bài chuyên luận, phóng sự trên báo in, báo điện tử công phu từ 3-5 kỳ, tập trung vào phản ánh các vụ án tham nhũng; công tác cải cách bộ máy hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí. Điển hình như: Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Lao động, Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an nhân dân, Tiền phong, Pháp luật TP . Hồ Chí Minh. [4]

Rất nhiều thông tin về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, hành vi tham ô được báo chí, truyền thông đề cập và sau đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương phải vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý nghiêm như: vụ “Sai phạm lớn tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Đốt tiền vào công ty sân sau” của Báo Thanh niên, số 307 ra ngày 03/11/2017; bài viết trên Báo Công lý, số 25 ra ngày 29/03/2017 “Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ: Có hay không việc bao che cho sai phạm và trù dập người đấu tranh; loạt 4 bài: “Kết quả thanh tra về đất đai tại huyện Sóc Sơn” (Báo Kinh tế - Đô thị);… cho tới các đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Ngân hàng Đại dương (OceanBank), Ngân hàng Công Thương (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). TTĐC cũng đóng vai trò rất  lớn đối với chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ khi đưa tin những vụ bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” Lê Phước Hoài Bảo, Trần Vũ Quỳnh Anh, Vũ Minh Hoàng, Huỳnh Thanh Phong… Việc đưa tin kịp thời các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm đã giúp người dân có thông tin kịp thời, tránh sự hiểu lầm, bưng bít sự việc, tạo niềm tin cho người dân vào công lý, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc sử dụng TTĐC trong KSQLNN vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế như nhiều cơ quan báo chí còn tình trạng cung cấp các thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng, tràn làn các thông tin bôi nhọ, vu khống, tin giả trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động như Việt Tân, Phong trào anh em Dân chủ, Hội cờ vàng… lợi dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube kết hợp với các đài, báo phản động ở bên ngoài, sử dụng các đối tượng trong nước thu thập thông tin, trả lời phỏng vấn về các vấn đề nhạy cảm, phức tạp để phát tán tài liệu, video tạo ra các “chiến dịch truyền thông” nhằm tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tấn công trực diện vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước và hệ hống pháp luật Việt Nam nhằm tác động tiêu cực tới nhận thức, quan điểm, tư tưởng, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với xã hội. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, nhưng tựu chung lại có 5 nguyên nhân cơ bản sau:

Một là, chúng ta chưa dự liệu hết các thách thức, nguy cơ tiềm ẩn của truyền thông trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó chưa có các chính sách và chiến lược phù hợp để giải quyết các vấn đề đặt ra. Đặc biệt là việc kiểm soát thông tin và công tác quản lý thông tin và truyền thông của nước ta vẫn đi theo quan điểm, tư duy, cách thức quản lý báo chí truyền thống, phản ứng chậm chạp và chưa đạt hiệu quả.

Hai là, mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin, quy định rõ các thông tin bắt buộc yêu cầu các cơ quan nhà nước phải công khai, tuy nhiên việc cung cấp thông tin của nhiều cơ quan Nhà nước còn thiếu chủ động, chưa kịp thời, gây khó khăn cho công chúng, cơ quan báo chí tiếp cận thông tin, từ đó tạo điều kiện cho việc hình thành và phát tán các nguồn thông tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng.

Ba là, một số cơ quan, nhà báo, người làm công tác truyền thông thiếu trách nhiệm chính trị, sự suy thoái, phai nhạt về bản lĩnh chính trị, đạo đức, thiếu cẩn trọng khi khai thác thông tin, xử lý thông tin trước khi quyết định loan tin.

Bốn là, hiện nay pháp luật cũng đã có những quy định, biện pháp, chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực truyền thông, đặc biệt là truyền thông trên mạng xã hội như Luật An ninh mạng và một số văn bản khác. Tuy nhiên, chế tài xử lý chưa thực sự theo kịp thực tiễn, mức phạt còn nhẹ không đủ sức răn đe; các quy định cũng chưa rõ ràng, cụ thể nên khó xử lý các hành vi vi phạm.

Năm là, người dân chưa có những kỹ năng cần thiết để nhận diện, kiểm chứng, chọn lọc thông tin, đặc biệt là một bộ phận thanh niên không đủ tỉnh táo, kiên định với lập trường cách mạng, bản lĩnh chính trị, dễ bị cuốn theo những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.

4. Giải pháp phát huy tác dụng của phương tiện TTĐC trong KSQLNN ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, phải luôn luôn giữ vững sự lãnh đạo của Ðảng trong việc tăng cường vai trò của TTĐC với tư cách là công cụ để người dân thực hiện việc KSQLNN; không ngừng mở rộng tính công khai và dân chủ hoá đời sống xã hội, bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin với tư cách là quyền cơ bản của công dân. Tính công khai và dân chủ hoá đời sống xã hội được mở rộng đến đâu thì vai trò và năng lực giám sát xã hội của TTĐC càng tăng lên đến đấy.

Thứ hai, nâng cao trình độ dân trí, năng lực và trình độ thực hành dân chủ cũng như khả năng giám sát của các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động của các tổ chức nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thực hiện quyền lực nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả các quyền làm chủ của mình, trong đó có quyền giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước.

Thứ ba, công tác quản lý truyền thông của Việt Nam cần đổi mới quan điểm, tư duy và cách thức quản lý truyền thông nói chung và quản lý không gian mạng nói riêng từ truyền thống sang hiện đại, để vừa đảm bảo sự phát triển truyền thông mạnh mẽ và đúng hướng, phù hợp với sự phát triển xã hội trong xu thế hội nhập, vừa phải đảm bảo an ninh xã hội, đảm bảo chủ quyền quốc gia; cần học hỏi kinh nghiệm các nước về quản lý truyền thông để việc đẩy mạnh quản lý theo hướng bài bản, chặt chẽ và hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan. Các cơ quan nhà nước phải gương mẫu trong cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thực hiện có trách nhiệm việc công khai các thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp chuyên môn, nghiệp vụ trong tiếp cận thông tin về hoạt động của Nhà nước, đặc biệt là thông tin về những quyết định liên quan đến quyền và lợi ích của người dân nhất, qua đó ngăn ngừa tha hóa quyền lực, lạm quyền, lộng quyền.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, sớm ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật An ninh mạng, nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí, đồng thời quản lý mạng xã hội, các phương tiện truyền thông phi chính thống, phương tiện truyền thông nước ngoài trên Internet hoạt động tại Việt Nam. Kiên quyết xử lý các trang mạng xã hội truyền bá thông tin xấu độc, phản động, xâm hại đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, thông tin điện tử cho phù hợp thực tế và phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước.

Thứ sáu, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, năng lực tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh nghề nghiệp, cũng như cải thiện điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ báo chí - truyền thông để những người làm báo chí, truyền thông có thể phát triển tối đa khả năng của mình trong việc truyền tải thông tin đến với công chúng.

Cần xây dựng một cơ chế pháp lý cụ thể để bảo vệ an toàn tính mạng cho nhà báo trong các trường hợp nhà báo khi tác nghiệp bị cản trở, thậm chí bị đe dọa, hành hung hoặc bị trả thù sau khi công bố kết quả phát hiện, xác minh, thu thập thông tin trong quá trình tác nghiệp, điều tra chống tham nhũng.         

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1 Nguyễn Văn Dững (2012), cơ sở lý luận báo chí, NxXB Lao động, Hà Nội.

2 Mai Quỳnh Nam, Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội, Tạp chí Xã hội học số 1, 1996.

3 Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. NXB Chính trị quốc gia - Sự thật. H. 2011, tr 225.

4 35 tác phẩm đoạt giải báo chí về chống tham nhũng, lãng phí http://thanhtra.com.vn/

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. ThS. Nguyễn Quang Anh, Cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước ở một số nước và những giá trị tham khảo cho Việt Nam, Tạp chí Tổ chức nhà nước, 2015.
  2. Lưu Văn An, Vai trò của truyền thông đại chúng trong đời sống chính trị ở các nước phương Tây, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 9, 2008.
  3. GS.TS. Nguyễn Minh Đoan, Cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước ở Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, 2016.
  4. GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Vận dụng lý thuyết truyền thông và cơ chế hình thành dư luận xã hội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 2019.
  5. Mai Quỳnh Nam, Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội, Tạp chí Xã hội học số 1, 1996.
  6. Đỗ Đức Minh, Quan hệ truyền thông đại chúng với ngành tư pháp ở các nước tư bản phát triển, Tạp chí khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.
  7. ThS. Hoàng Trọng Lê, Sức mạnh của báo chí nhìn từ những đại án tham nhũng kinh tế, Báo dân sinh, 2017.
  8. Các trang thông tin điện tử:

https://dantri.com.vn/

https://vietnamnet.vn/

http://www.tapchicongsan.org.vn/

https://www.mic.gov.vn/Pages/trangchu.aspx

http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/trangchu

http://laodongthudo.vn/

IMPACTS OF MASS MEDIA IN THE STATE POWER CONTROL IN VIETNAM

Master. CAO THI NGOC YEN

Faculty of Law, Vinh University

ABSTRACT:

Controlling the state power is an indispensable requirement of the process of building a socialist law-governed state of Vietnam, and it is confirmed in the 2013 Constitution and legal documents. The question is to find appropriate control methods at different stages of society so that the control can be most effective. This study presents the theoretical basis of mass media, analyzes the current situation of the influence of mass media in the state power control and proposes some solutions to promote positive effects and limit adverse impacts of mass media in the state power control in Vietnam.

Keywords: Mass media, control of power, socialist law-governed state of Vietnam.