Tóm tắt:

Nghiên cứu nhằm kiểm định mối quan hệ giữa tính kiên định với kết quả học tập thông qua vai trò trung gian của động cơ học tậpchất lượng sống trong học tập của sinh viên. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 315 sinh viên đang theo học tại một số trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Kết quả phân tích cấu trúc tuyến tính bình phương nhỏ nhất từng phần (PLS-SEM) cho thấy, các giả thuyết đều được chấp nhận.

Từ kết quả nghiên cứu, một số hàm ý được đề xuất giúp cho các trường đại học trong việc hoạch định các chính sách nhằm nâng cao động cơ và cải thiện kết quả học tập của sinh viên.

Từ khóa: Tính kiên định, động cơ học tập, chất lượng sống trong học tập, kết quả học tập, sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Thế giới đang bước vào giai đoạn kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sâu rộng, do đó nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra chất lượng nhân lực, bởi đây là nơi đào tạo và cung cấp lao động chính cho nền kinh tế. Điều này đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực để nâng cao kết quả học tập.

Trong quá trình học tập, sinh viên không những gặp nhiều áp lực trọng việc học mà còn phải tham gia các hoạt động đoàn, hội hay đi làm thêm nhằm trang trải học phí và phụ giúp gia đình (Nguyen & cộng sự, 2011). Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, sinh viên phải học trực tuyến nhiều hơn để phòng tránh dịch. Điều này cũng làm tăng sự khó khăn và căng thẳng trong quá trình học.

Để khắc phục những vấn đề tâm lý nêu trên, sinh viên cần có tính kiên định trong học tập, vì một khi người học có tính kiên định cao sẽ ảnh hưởng tích cực đến động cơ học tập và chất lượng sống trong học tập (Nguyen và cộng sự, 2011), xem những áp lực là vấn đề không quá khó và có khả năng giải quyết được (Bartone và cộng sự, 2009; Sezgin, 2009), từ đó nâng cao kết quả học tập của sinh viên (Nguyen & Nguyen, 2010; Tho, 2019).

Nghiên cứu về tính kiên định, động cơ học tập, chất lượng sống trong học tập và kết quả học tập của sinh viên đã được nhiều tác giả quan tâm, như Sezgin (2009); Nguyen và Nguyen (2010); Bartone và cộng sự (2009); Tho (2019); Phan Quốc Tấn và Phạm Thanh Hiếu (2020). Nguyen và cộng sự (2011) đã nghiên cứu về ảnh hưởng của tính kiên định đến động cơ học tập và chất lượng sống trong học tập của sinh viên ngành kinh tế. Bartone và cộng sự (2009), Tho (2019) cũng đã nghiên cứu tính kiên định trong mối quan hệ tác động đến kết quả học tập của sinh viên. Ngoài ra, Rubel và Kee (2014) đã chứng minh chất lượng cuộc sống trong công việc ảnh hưởng đến kết quả công việc; còn Nguyen và Nguyen (2010) đã nghiên cứu về ảnh hưởng của động cơ học tập đến kết quả học tập của sinh viên khối ngành kinh tế.

Mục tiêu của bài viết nhằm kiểm định mối quan hệ đồng thời về 4 khái niệm này trong phạm vi các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, đặt cơ sở khoa học cho các trường trong việc hoạch định chính sách để nâng cao tính kiên định, động cơ học và chất lượng sống trong học tập nhằm cải thiện kết quả học tập của sinh viên.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Bài viết dựa vào lý thuyết Bảo tồn nguồn lực (COR) của Hobfoll và Shirom (2001) làm cơ sở xây dựng mô hình nghiên cứu. Lý thuyết COR tập trung vào các nguồn lực tâm lý (ở đây là tính kiên định, động cơ học tập và chất lượng sống trong học tập) mà các cá nhân thu thập để giảm thiểu tác hại của căng thẳng, đối phó với những áp lực trong học tập nhằm cố gắng để có được cũng như bảo vệ nguồn lực mà có giá trị đối với họ (cụ thể là kết quả học tập). Khi sinh viên có nhiều nguồn lực (tính kiên định cao, động cơ học tập và chất lượng sống trong học tập) sẽ ít bị áp lực, căng thẳng hơn và có khả năng đạt được kết quả học tập tốt hơn.

Tính kiên định trong học tập được hiểu là một trạng thái tâm lý liên quan tới sự bền bỉ, khả năng phục hồi, sức khoẻ tốt và hiệu suất làm việc dưới áp lực của căng thẳng. Nó được sử dụng để mô tả tính cam kết, kiểm soát và thử thách của từng cá nhân trong cuộc sống của họ (Phan Quốc Tấn & Phạm Thanh Hiếu, 2020).

Kết quả học tập của sinh viên được Nguyen và Nguyen (2010) định nghĩa là khả năng tự đánh giá của họ về những kiến thức, kỹ năng được tiếp thu, rèn luyện, phát triển và nỗ lực để mở rộng trong lớp học. Maddi (1999) cho rằng, tính kiên định giúp mọi người tăng cường sức khỏe và đạt được kết quả công việc tốt khi phải đối phó với các điều kiện căng thẳng trong quá trình làm việc. Để vượt qua và khắc phục những khó khăn, con người phải trang bị cho mình sự kiên định cao trong cuộc sống của họ (Nguyen & cộng sự, 2012). Vì vậy, giả thuyết được đề nghị như sau:

H1: Tính kiên định trong học tập ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập của sinh viên.

Động cơ học tập là sự sẵn lòng tham dự và tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu, giáo trình trong khóa học (Noe, 1986). Sinh viên có tính kiên định cao có thể kiểm soát căng thẳng trong quá trình học tập của họ. Họ sẽ luôn dành hết tâm sức, thời gian vào việc học; tự tin và luôn chào đón những thay đổi trong trường; có khả năng biến sự căng thẳng này thành động lực của phát triển, đồng thời họ cảm thấy có động lực và sự vui vẻ trong học tập (Maddi, 1999; Sezgin, 2009). Một khi sinh viên có động cơ học tập tốt sẽ giúp họ có chiến lược học tập hiệu quả hơn và mức độ cam kết cao hơn đối với việc tích lũy kiến ​​thức và kỹ năng, nghĩa là họ sẽ đạt được kết quả học tập cao (Blumenfeld và cộng sự, 2006). Hai giả thuyết được đề nghị như sau:

H2: Tính kiên định trong học tập ảnh hưởng tích cực đến động cơ học tập của sinh viên.

H3: Động cơ học tập ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập của sinh viên.

Theo Diener & Lucas (1999), chất lượng sống trong học tập của sinh viên là một định nghĩa chứa đựng yếu tố cảm xúc cũng như nhận thức; phản ánh sự hài lòng của sinh viên đối với cuộc sống học tập. Nguyen và cộng sự (2011); Phan Quốc Tấn và Phạm Thanh Hiếu (2020) đã chứng minh được rằng, tính kiên định có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng sống trong học tập của sinh viên. Đồng thời, Nguyen và cộng sự (2011) cũng đã chứng minh được động cơ học tập ảnh hưởng tích cực đến chất lượng sống trong học tập của sinh viên. Bên cạnh đó, Rubel và Kee (2014) kết luận chất lượng sống trong công việc có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả làm việc của nhân viên. 3 giả thuyết được đề nghị như sau:

H4: Tính kiên định trong học tập ảnh hưởng tích cực đến chất lượng sống trong học tập của sinh viên.

H5: Chất lượng sống trong học tập ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập của sinh viên.

H6: Động cơ học tập ảnh hưởng tích cực đến chất lượng sống trong học tập của sinh viên.

Nghiên cứu này dựa trên lý thuyết COR, nó giải thích cho yếu tố động cơ học tập và chất lượng sống trong học tập đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa tính kiên định và kết quả học tập. Hơn nữa, Bartone và cộng sự (2009) cũng chứng minh được rằng, tính kiên định tồn tại trong mỗi cá nhân sẽ tạo động lực cho họ để đạt được kết quả tốt như mong đợi. Và gần đây Tho (2019); Phan Quốc Tấn và Phạm Thanh Hiếu (2020) cũng đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa tính kiên định, chất lượng sống trong học tập và kết quả học tập của sinh viên. Từ đó, 2 giả thuyết được đề nghị như sau:

H7: Động cơ học tập làm trung gian cho mối quan hệ giữa tính kiên định và kết quả học tập của sinh viên.

H8: Chất lượng sống trong học tập làm trung gian cho mối quan hệ giữa tính kiên định và kết quả học tập của sinh viên.

Từ tổng quan nghiên cứu nêu trên, mô hình nghiên cứu dự kiến như sau: (Hình 1)

Hình 1: Mô hình nghiên cứu dự kiến

Hình 1: Mô hình nghiên cứu dự kiến

3. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng chủ yếu phương pháp nghiên cứu định lượng có kết hợp với nghiên cứu định tính, cụ thể:

  • Nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua kỹ thuật phỏng vấn 11 sinh viên đại học từ 4 trường tại Hồ Chí Minh nhằm điều chỉnh các thang đo cho phù hợp (thang đo Likert 5 bậc từ 1 = hoàn toàn không đồng ý đến 5 = hoàn toàn đồng ý) với 21 biến quan sát, trong đó: Các thang đo tính kiên định trong học tập (6 biến quan sát), động cơ học tập (5 biến quan sát), chất lượng sống trong học tập (6 biến quan sát) được xây dựng trên cơ sở thang đo gốc của Nguyen và cộng sự (2011); Thang đo kết quả học tập của sinh viên (4 biến quan sát) tham khảo của Tho (2019).
  • Nghiên cứu định lượng nhằm kiểm định mô hình và các giả thuyết thông qua phần mềm SPSS 20.0 và Smart-PLS 3.0 được dùng để đánh giá mô hình đo lường và đánh giá mô hình cấu trúc với PLS_SEM.

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập bằng bảng câu hỏi phỏng vấn theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Cụ thể, gửi phiếu khảo sát trực tiếp đến 370 sinh viên đang theo học tại một số trường Đại học ở TP. Hồ Chí Minh, số phiếu thu về là 323, số phiếu hợp lệ để xử lý thông tin là 315.

4. Kết quả nghiên cứu

  • Đánh giá mô hình đo lường

Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo cho thấy, các biến đều có hệ số tương quan biến tổng > 0,3 nên không có biến nào bị loại. (Bảng 1)

Bảng 1. Kết quả phân tích độ tin cậy và giá trị hội tụ của thang đo

Khái niệm

Cronbach’s alpha

rho_A

Độ tin cậy tổng hợp (CR)

Phương sai trích trung bình (AVE)

Tính kiên định (TKD)

0,811

0,816

0,863

0,513

Động cơ học tập (DCHT)

0,830

0,831

0,880

0,596

Chất lượng sống trong học tập (CLS) 

0,878

0,882

0,907

0,620

Kết quả học tập (KQHT)

0,834

0,835

0,889

0,667

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của nhóm tác giả

Kết quả phân tích hệ số nhân tố tải chéo, các hệ số tải ngoài các biến quan sát đều > 0,7. Như vậy, các biến đều được giữ lại. Bảng 1 cho thấy, thang đo đo lường các khái niệm đều đạt độ tin cậy, giá trị hội tụ, giá trị phân biệt, tính đơn hướng và giá trị nội dung. Vì vậy, mô hình phù hợp với dữ liệu thị trường. Cụ thể: Cronbach’s alpha > 0,7; rho_A > 0,7; CR > 0,7 và AVE > 0,5. Ngoài ra, các hệ số ma trận Fornell - Larcker đều lớn hơn các hệ số trong cùng 1 cột. Đồng thời, giá trị VIF của các biến quan sát đều < 5,0.

Như vậy, kết quả các chỉ tiêu đo lường trong mô hình đều thỏa mãn yêu cầu và đủ điều kiện đưa vào phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM với mục đích kiểm định các giả thuyết trong mô hình đề xuất.

  • Đánh giá mô hình cấu trúc và kiểm định giả thuyết

Bảng 2 cho thấy, trọng số trung bình đều nằm trong khoảng tin cậy 95%, các ước lượng trong mô hình có thể kết luận là đáng tin cậy. Như vậy, 6 giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5 và H6 đều được chấp nhận vì có giá trị P-value < 5%, trong đó tính kiên định trong học tập có tác động dương mạnh nhất đến động cơ học tập (H2: β=0,601; p=0,000), kế đến động cơ học tập tác động dương đến kết quả học tập mạnh thứ hai (H3: β=0,502; p=0,000); Chất lượng sống trong học tập tác động dương đến kết quả học tập thấp nhất (H3:β=0,150; p=0,003).

Như vậy, các thang đo đạt giá trị liên hệ lý thuyết. Nghĩa là, các giả thuyết đều được chấp nhận. (Bảng 2)

Bảng 2. Kết quả Bootstrapping mô hình cấu trúc và kiểm định các giả thuyết

Mối quan hệ

Mức độ tác động (β)

Trọng số trung bình Bootstrapping

Độ lệch chuẩn

Giá trị t

P Values

Kiểm định giả thuyết

TKD -> KQHT

0,281

0,280

0,046

6,074

0,000

Chấp nhận

TKD -> DCHT

0,601

0,605

0,037

16,34

0,000

Chấp nhận

TKD -> CLS

0,249

0,248

0,072

3,471

0,001

Chấp nhận

DCHT -> KQHT

0,502

0,505

0,052

9,702

0,000

Chấp nhận

DCHT -> CLS

0,296

0,300

0,073

4,054

0,000

Chấp nhận

CLS -> KQHT

0,150

0,149

0,051

2,949

0,003

Chấp nhận

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của nhóm tác giả

Kiểm định giả thuyết H7 và H8: (Bảng 3)

Bảng 3: Mức độ tác động (β) của các mối quan hệ

Mối quan hệ

Tác động trực tiếp

Tác động gián tiếp

Tổng tác động

TKD -> KQHT

0.281

0.366 (*)

0.647

TKD -> DCHT

0.601

 

0.601

TKD -> CLS

0.249

0.179

0.428

DCHT -> KQHT

0.502

0.045

0.547

DCHT -> CLS

0.296

 

0.296

CLS -> KQHT

0.15

 

0.15

Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của nhóm tác giả

Bảng 3 nhận thấy, Tính kiên định có tác động gián tiếp đến kết quả học tập (β=0,366); trong đó Tính kiên định tác động gián tiếp đến kết quả học tập thông qua: Động cơ học tập với mức tác động β=0,205; Chất lượng sống trong học tập với mức tác động β=0,161. Có thể kết luận, động cơ học tập và chất lượng sống trong học tập đều đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa Tính kiên định với kết quả học tập, nghĩa là giả thuyết H6 và H8 được chấp nhận.

  • Kiểm định sự khác biệt về giới tính

Theo Henseler và cộng sự (2015), nếu P-value < 5%; 10% hoặc P-Value > 95%; 90% thì sự khác biệt giữa các nhóm có ý nghĩa thống kê ở mức 5%; 10%. Kết quả kiểm định cho thấy, có sự khác biệt giữa sinh viên nam và nữ trong mối quan hệ về Tính kiên định ảnh hưởng đến động cơ học tập (p=0,937; có ý nghĩa ở mức 90%) và chất lượng sống trong học tập ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên (p=0,039; có ý nghĩa ở mức 95%).

  • Thảo luận kết quả

Thảo luận với các sinh viên đã tham gia nghiên cứu định tính, họ đều thống nhất cho rằng kết quả nghiên cứu này là phù hợp với thực tiễn tại các trường Đại học TP. Hồ Chí Minh. Kết quả từ Bảng 2 cho thấy phù hợp với nghiên cứu của Nguyen và Nguyen (2010), Nguyen và cộng sự (2011), Bartone và cộng sự (2009), Maddi (2002), Sezgin (2009). Các sinh viên lý giải do tính cạnh tranh ngoài thị trường lao động rất lớn, các nhà tuyển dụng ngày càng yêu cầu ứng viên phải đạt trình độ cao và kết quả học tập vượt trội, nên sinh viên phải kiên định, quyết tâm trong việc học và nỗ lực nhiều hơn để đạt thành tích cao. Ngoài ra, nhiều sinh viên cũng cho biết tính kiên định đã giúp họ cảm thấy thoải mái hơn trong học tập, từ đó có điều kiện thuận lợi để tiếp thu kiến thức và đạt kết quả học tập tốt.

5. Kết luận và một số hàm ý

Kết quả nghiên cứu với mẫu 315 sinh viên đang theo học tại một số trường Đại học ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy, Tính kiên định trong học tập có tác động dương mạnh nhất đến Động cơ học tập, kế đến Động cơ học tập tác động dương đến Kết quả học tập mạnh thứ hai; và Chất lượng sống trong học tập tác động dương đến Kết quả học tập thấp nhất. Nghiên cứu cũng chỉ ra có sự khác biệt giữa sinh viên nam và nữ trong mối quan hệ về tính kiên định ảnh hưởng đến động cơ học tập; Chất lượng sống trong học tập ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên. Kết quả này làm cơ sở rút ra một số hàm ý đối với cán bộ quản lý, đào tạo tại các trường đại học về việc nâng cao tính kiên định và chất lượng sống trong học tập nhằm gia tăng động cơ học tập và cải thiện kết quả học tập của sinh viên, cụ thể:

  • Để nâng cao tính kiên định trong học tập của sinh viên, Nhà trường cần đẩy mạnh các môn học về kỹ năng mềm, các hoạt động ngoại khóa nhằm hướng dẫn sinh viên cách vượt qua những khó khăn, thử thách. Cần có sự quan tâm sát sao từ Phòng Quản lý đào tạo - công tác sinh viên, từ người cố vấn học tập để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của sinh viên trong suốt quá trình học.
  • Chương trỉnh học cần gắn với thực tiễn, cần đẩy mạnh học kỳ doanh nghiệp để sinh viên nhận thấy không có sự khác biệt nhiều giữa việc học tại trường và thực tế làm việc trong các tổ chức, từ đó giúp sinh viên có động cơ học tập hơn.
  • Nhà trường nên có hoạt động giúp sinh viên biết cách định hướng, xác định mục tiêu cuộc đời, giúp sinh viên chọn đúng ngành học phù hợp với quan điểm, năng lực, tính cách của mình.
  • Bên cạnh đó, Nhà trường nên cải thiện phương pháp giảng dạy tiên tiến; cơ sở vật chất hiện đại về trang thiết bị, phòng học, thư viện, thiết kế bàn ghế mang tính tương tác, hệ thống máy tính, mạng kết nối đủ mạnh để phục vụ môn học. Một khi sinh viên hài lòng về chất lượng sống trong học tập thì sẽ làm tăng ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập.

Cuối cùng, nghiên cứu chỉ kiểm định với mẫu gồm 315 sinh viên đang theo học tại một số trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Vì thế, tính tổng quát hóa của mô hình nghiên cứu chưa cao. Nhằm khắc phục hạn chế này, những nghiên cứu tiếp theo cần chọn mẫu có kích thước lớn hơn từ nhiều trường đại học hơn và mở rộng nghiên cứu sang các tỉnh thành khác.

Tài liệu tham khảo

  1. Bartone, P. T., Eid, J., Johnsen, B. H., Laberg, J. C., & Snook, S. A. (2009). Big five personality factors, hardiness, and social judgment as predictors of leader performance. Leadership & Organization Development Journal, 30(6), 498-521.
  2. Blumenfeld, P. C., Kempler, T. M. & Krajcik, J. S. (2006). Chapter 28: Motivation and Cognitive. engagement in learning environment, in Sawyer, R. K. (Ed.), The Cambridge Handbook of the Learning Sciences, Cambridge University Press, Cambridge, 475-88.
  3. Henseler, J., Ringle, C. M., & Sarstedt, M. (2015). A new criterion for assessing discriminant validity in variance-based structural equation modeling. Journal of the Academy of Marketing Science, 43(1), 115-
  4. Hobfoll, S. E. & Shirom, A. (2001). Conservation of resources theory: Applications to stress
    and management in the workplace, In Golembiewski, R. T. (Ed.), Handbook of
    Organizational Behavior
    , Marcel Dekker, New York, NY, 57-80.
  5. Maddi, S. R. (1999). Comments on trends in hardiness research and theorizing. Consulting Psychology Journal: Practice & Research, 51, 67-71.
  6. Nguyen, T. D., Shultz, C. J., & Westbrook, M. D. (2011). Psychological Hardiness in Learning and Quality of College Life of Business Students: Evidence from Vietnam. Journal of Happiness Studies, 13(6), 1091-1103.
  7. Nguyen, T. T. M., & Nguyen, T. D. (2010). Determinants of learning performance of business students in a transitional market. Quality Assurance in Education, 18(4), 304-316.
  8. Noe, R. A. (1986). Trainees’ attributes and attitudes: neglected influences on training
    Academy of Management Review, 11, 736-49.
  9. Phan Quốc Tấn & Phạm Thanh Hiếu. (2020). Ảnh hưởng của tính kiên định đến chất lượng sống trong học tập và kết quả học tập của sinh viên đại học khối ngành Kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Công Thương, 2(02/2020), 160-166.
  10. Rubel, R. B. & D. MH. Kee. (2014). Quality of work life and employee performance: Antecedent and outcome of job satisfaction in Partial Least Square (PLS). World Applied Sciences Journal, 31, 456-467.
  11. Sezgin, F. (2009). Relationships between teacher organizational commitment, psychological hardiness and some demographic variables in Turkish primary schools. Journal of Educational Administration, 47(5), 630-651.
  12. Tho, N. D. (2019). Business students’ hardiness and its role in quality of university life, quality of life, and learning performance. Education + Training, 61(3), 374-386.
  13. Wiebe, D. J., & McCallum, D. M. (1986). Health practices and hardiness as mediators in the stress-illness relationship. Health Psychology, 5, 425-438.

IMPACTS OF PSYCHOLOGICAL HARDINESS IN LEARNING ON ACADEMIC PERFORMANCE OF STUDENTS: THE MEDIATING ROLE OF MOTIVATION TO LEARN AND THE QUALITY OF COLLEGE LIFE

Ph.D Phan Quoc Tan

University of Economics Ho Chi Minh City

Abstract:

This research examines the relationship between psychological hardiness in learning and academic performance of students through the mediating role of learning motivation and the quality of college life. Survey data were collected from 315 students in Ho Chi Minh City. The results from using the partial least squares structural equation modeling (PLS-SEM) show that this research’s hypotheses are accepted. Based on this research’s findings, some implications are drawn to help universities make approriate policies which promoting the psychological hardiness in learning and quality of college life in order to improve the motivation to learn and the academic performance of students.

Keywords: Consistency, psychological hardiness in learning, quality of college life, academic performance, students.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]