Ảnh hưởng đặc điểm tính cách đến chất lượng đời sống trong học tập sinh viên: Trường hợp sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh

ThS. PHẠM MINH LUÂN (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm khám phá các đặc điểm tính cách ảnh hưởng đến chất lượng đời sống trong học tập của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 4 nhân tố ảnh hưởng thuận chiều đến chất lượng đời sống (CLĐS), gồm: (1) hướng ngoại, (2) dễ chịu, (3) sẵn sàng trải nghiệm và (4) kiên định.

Từ khóa: Đặc điểm tính cách, chất lượng đời sống trong học tập, kiên định trong học tập, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Sinh viên (SV) ngày nay đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, để đảm nhiệm được trọng trách của mình, trước hết SV phải học tập thật tốt và có chất lượng sống tốt. Học tập là hoạt động cơ bản nhất trong lối sống SV. Chất lượng đời sống trong học tập chịu sự ảnh hưởng các yếu tố khách quan và chủ quan. Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến vấn đề CLĐS trên các khía cạnh như kết quả học tập, động lực học tập; nhiều tác giả khác đã đưa ra các nhân tố có tác động đến kết quả học tập, tuy nhiên hiện tại vẫn còn ít nghiên cứu tìm hiểu đặc điểm tính cách của SV ảnh hưởng đến CLĐS và nghiên cứu của Hoàng Thị Mỹ Nga & Nguyễn Tuấn Kiệt (2016) cũng thừa nhận yếu tố chủ quan chính là tính cách vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể và đây là yếu tố chắc chắn sẽ có tác động đến CLĐS.

Theo Bradberry (2007), tính cách phân biệt cá nhân này với cá nhân khác và có tầm ảnh hưởng lớn đến hành vi và suy nghĩ của con người, từ đó tác động đến cuộc sống công việc và các mối quan hệ xã hội. Costa & McCrae (1992) cũng cho rằng đặc điểm tính cách cũng có liên quan đến khả năng làm việc nhóm. Thành viên nhóm càng có điểm cao trong thang đo Tận tâm (Conscientiousness), Dễ chịu (Agreeableness), Hướng ngoại (Extraversion) thì càng làm việc hiệu quả. Trong việc lựa chọn lãnh đạo, những người có điểm cao trong thước đo Hướng ngoại, Sẵn sàng trải nghiệm (Openness) và Dễ chịu cũng có khả năng được lựa chọn cao hơn. Bên cạnh đó, đặc điểm tính cách cũng sẽ góp phần ảnh hưởng đến kết quả học tập [10] hay ảnh hưởng đến chủ đề hạnh phúc của SV [12]. Với môi trường học tập hiện nay, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đang không ngừng phấn đấu để xây dựng một môi trường học tập chất lượng thông qua việc nâng cao cơ sở vật chất kĩ thuật, đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Đó là những yếu tố bên ngoài từ phía nhà trường tác động. Còn yếu tố bên trong cốt lõi nhất chính là bản thân mỗi SV cảm nhận, cụ thể hơn chính là các đặc điểm tính cách của từng cá nhân sẽ góp phần tác động đến chất lượng cuộc sống của chính bản thân SV đó.

Mục tiêu chính của nghiên cứu này nhằm xác định các nhân tố đặc điểm tính cách ảnh hưởng đến CLĐS và từ đó đề xuất một số giải pháp giúp nâng cao CLĐS.

2. Lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu

2.1. Mô hình lý thuyết

Mô hình lý thuyết thể hiện mối quan hệ ảnh hưởng của đặc điểm tính cách lên CLĐS. Mô hình cho rằng các đặc điểm tính cách ảnh hưởng thuận chiều lên CLĐS sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

mô hình nghiên cứu

Nguồn: Tác giả xây dựng

2.2. Đặc điểm tính cách và chất lượng đời sống trong học tập sinh viên

Hiện tại có nhiều định nghĩa khác nhau về tính cách. Tuy nhiên, đa số các công trình nghiên cứu thường dùng mô hình BigFive, vì nó phổ biến và phản ánh được bản chất của tính cách của sinh viên [5]. Theo đó, Costa & McCrae (1990) đã phân loại lý thuyết về đặc điểm tính cách con người bao gồm 5 tính cách cơ bản trong mô hình Big Five. Với SV có những đặc điểm tính cách khác nhau sẽ ảnh hưởng đến Chất lượng đời sống trong học tập, trong quá trình học đại học [4, 7 - 9, 13].

Hiện tại có nhiều định nghĩa về chất lượng đời sống công việc (QWL: Quality of work life), nổi bật nhất là Sirgy và cộng sự (2001) cho rằng QWL là sự hài lòng của nhân viên với nhiều nhu cầu khác nhau thông qua các nguồn lực, hoạt động và kết quả xuất phát từ việc tham gia tại nơi làm việc. Sirgy và cộng sự (2001) cho rằng, QWL có thể được đo lường theo nhu cầu của nhân viên. Thang đo QWL gồm 16 mục được khái niệm hóa như một tổng thể của sự thỏa mãn đối với 7 loại nhu cầu: (1) Sức khỏe và an toàn, (2) Kinh tế và gia đình, (3) Xã hội, (4) Lòng tự trọng, (5) Hiện thực hóa, (6) Kiến thức và (7) Thẩm mỹ. 7 loại này có thể được chia thành 2 loại chính là nhu cầu cấp thấp và nhu cầu cấp cao. Nghiên cứu này, tác giả dựa trên khái niệm và thang đo với 7 loại nhu cầu về QWL của Sirgy và cộng sự (2001), tác giả định nghĩa về CLĐS là sự hài lòng của SV với nhiều nhu cầu khác nhau đối với cuộc sống và học tập của SV tại trường. Các nhu cầu của SV bao gồm: Sức khỏe và an toàn, kinh tế và gia đình, xã hội, lòng tự trọng, hiện thực hóa, kiến thức và thẩm mỹ [2].

H1: Sẵn sàng trải nghiệm tác động thuận chiều đến CLĐS. SV sẵn sàng thích trải nghiệm, sẽ luôn có xu hướng sáng tạo, giàu trí tưởng tượng, tò mò và trải nghiệm những điều mới trong cuộc sống. Với SV có tính cách thích trải nghiệm sẽ có xu hướng thích khám phá và học hỏi cùng với kinh nghiệm trải nghiệm của mình sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống trong học tập.

H2: Sự tận tâm tác động thuận chiều đến CLĐS. SV có tính cách tận tâm sẽ có xu hướng kiểm soát các xung đột và hành động theo cách được xã hội chấp nhận, các hành vi tạo điều kiện cho hành vi hướng đến mục tiêu. Với tính cách tận tâm, SV sẽ biết cách lên kế hoạch học tập và trải nghiệm cuộc sống sẽ tốt, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống trong học tập SV.

H3: Tính cách hướng ngoại tác động thuận chiều đến CLĐS. Tính hướng ngoại bao gồm các đặc điểm như: Tính xã hội, sự quyết đoán, năng động. Sinh viên có tính hướng ngoại rất tự tin, thoải mái, hăng hái, nhiệt tình, làm trước nghĩ sau, thích nói chuyện, thích khẳng định mình và trong người luôn tràn đầy năng lượng tích cực. SV có tính hướng ngoại cao thể hiện một người có tính xã hội, vui tươi, thích đám đông, thích trò chuyện, có nghị lực và năng động sẽ có cách nhìn lạc quan hơn về cuộc sống và học tập.

H4: Tính cách dễ chịu tác động thuận chiều đến CLĐS. Costa và McCrae (1992) cho rằng người dễ chịu là người tin tưởng, vị tha, khoan dung, thông cảm với người khác, mềm lòng, từ bi và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. SV có tính cách dễ chịu thường sống hòa đồng, dễ thông cảm và luôn thích hợp tác, luôn thể hiện sự ấm áp, sự quan tâm đến người khác nên họ dễ có cảm tình với mọi người và sẽ biết cách vượt qua các khó khăn, trở ngại trong học tập và cuộc sống.

H5: Tính cách ổn định cảm xúc tác động thuận chiều đến CLĐS. Ổn định cảm xúc, yếu tố ổn định cảm xúc chỉ ra khả năng kiểm soát cảm xúc, chịu áp lực, ứng phó với căng thẳng của một người. Những cá nhân ổn định cảm xúc cao có tinh thần ổn định hơn, bình tĩnh, điềm đạm, không nóng nảy, thoải mái và có thể đối mặt với tình huống căng thẳng mà không thể cảm thấy khó chịu. SV có tính cách ổn định cảm xúc cao sẽ chịu áp lực tốt trong quá trình học tập và trong cuộc sống, ít lo lắng, phiền muộn, họ thể hiện sự tin tưởng và lạc quan trong đời sống học tập.

3. Phương pháp nghiên cứu và thang đo

Công trình nghiên cứu dựa trên 2 phương pháp nghiên cứu gồm nghiên cứu định tính và định lượng. Nghiên cứu định tính được thực hiện nhằm xác định cơ sở lý thuyết và khung khái niệm ban đầu. Bên cạnh đó, việc thực hiện nghiên cứu định tính cũng nhằm giúp tác giả điều chỉnh, bổ sung các biến đo lường khái niệm nghiên cứu phù hợp thực tế của sinh viên tại trường. Nghiên cứu định lượng được sử dụng trong nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính thức thông qua phần mềm SPSS 20.0.

Thang đo Likert 5 điểm được sử dụng trong nghiên cứu, từ số 1 “Hoàn toàn không đồng ý” đến 5 “Hoàn toàn đồng ý”. Thang đo đặc điểm tính cách dựa vào thang đo của Costa & McCrae (1992) với 20 biến quan sát. Thang đo Chất lượng đời sống trong học tập gồm nhu cầu tồn tại, nhu cầu phụ thuộc, nhu cầu kiến thức dựa vào thang đo của Sirgy và cộng sự (2001), Nguyen và Nguyen (2012) gồm có 9 biến quan sát, tuy nghiên thông qua quá trình thảo luận hai nhóm SV nam và nữ (mỗi nhóm 8 SV), thì thang đo còn lại 6 biến quan sát SV đồng tình với phát biểu. Kết quả nghiên cứu sơ bộ 100 SV trong tháng 3/2019 cho kết quả các thang đo đều đạt độ tin cậy từ 0,739 đến 0,86.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu

Bảng câu hỏi được chuyển đến SV học tại các lớp học và được hướng dẫn chi tiết trước khi điền vào bảng câu hỏi khảo sát. Số mẫu khảo sát chính thức 400 mẫu, thời gian khảo sát từ tháng 4 đến tháng 6/2019. Dữ liệu được mã hóa, làm sạch trước khi phân tích kết quả. Số SV trả lời là nam chiếm 23,25%, sinh viên nữ 76,75%. Các SV học chuyên ngành Quản trị kinh doanh chiếm 42,8%, Tài chính - Kế toán 25,5%, các ngành khác 31,7%. Số lượng SV khảo sát năm nhất là 20,8%, năm hai 26,8%, năm ba 23,8%, năm tư 28,6%.

4.2. Kết quả nghiên cứu

Bảng 1. Ma trận xoay nhân tố đặc điểm tính cách và các giá trị liên quan

Ma trận xoay nhân tố đặc điểm tính cách và các giá trị liên quan

Nguồn: Tác giả xử lý số liệu

Bảng 2. Ma trận xoay nhân tố biến CLĐS

Ma trận xoay nhân tố biến CLĐS

Nguồn: Tác giả xử lý số liệu

Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA các biến độc lập và biến phụ thuộc cho kết quả thỏa điều kiện về mặt thống kê (Bảng 1 và 2). Tuy nhiên, trong phân tích ma trận xoay nhân tố 5 đặc điểm tính cách (Bảng 1) có 2 tính cách gồm Ổn định cảm xúc (EmoSta) và Tận tâm (Conc) gộp lại thành một nhân tố, dựa vào đặc điểm của các biến đo lường của 2 thang đo này giống thang đo Kiên định trong học tập của Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2011) ảnh hưởng đến chất lượng sống SV. Do đó, 2 thang đo này sẽ đặt lại thành nhân tố mới có tên là Kiên định trong học tập (Hardiness).

Bảng 3. Kết quả phân tích hồi quy

Kết quả phân tích hồi quy

Nguồn: Tác giả xử lý số liệu

Theo kết quả tại Bảng 3, hệ số VIF đều đạt yêu cầu nhỏ hơn 2. Các hệ số hồi quy của đặc điểm tính cách Kiên định trong học tập (Beta = 0,590), Hướng ngoại (Beta = 0,435), Dễ chịu (Beta = 0,430) và Sẵn sàng trải nghiệm (Beta = 0,113) ảnh hưởng thuận chiều đến CLĐS. Các biến tham gia trong mô hình đã giải thích được 73,1% sự biến thiên của biến CLĐS, còn lại là 26,9% là do sự ảnh hưởng của các biến ngoài mô hình mà chưa đưa vào mô hình hoặc cũng có thể do sai số ngẫu nhiên.

4.3. Thảo luận kết quả

Mô hình nghiên cứu xác định 4 nhân tố ảnh hưởng đến CLĐS, gồm: Hướng ngoại, Dễ chịu, Sẵn sàng trải nghiệm, Kiên định trong học tập của SV (gồm tính cách Tận tâm và Ổn định cảm xúc). Về mặt lý thuyết, đề tài góp phần bổ sung vào hệ thống lý thuyết các nhân tố ảnh hưởng đến CLĐS trường đại học. Bên cạnh đó, về mặt đo lường, nghiên cứu này góp phần bổ sung thêm nhân tố đặc điểm tính cách ảnh hưởng đến CLĐS. Ngoài ra, công trình này có thể làm cơ sở tham khảo cho các công trình nghiên cứu tại các trường đại học khác nhau trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Về thực tiễn, SV có tính kiên định trong học tập tác động mạnh nhất đến CLĐS nhưng chỉ đạt giá trị trung bình chung thấp nhất (mean = 3,319) và cao nhất chỉ có tính cách Dễ chịu cũng đạt rất thấp (mean = 3,510). Để từng bước cải thiện các hoạt động đời sống học tập cho SV, trường và giảng viên nên tạo điều kiện cho SV thể hiện những thế mạnh tính cách cũng như khuyến khích SV bộc lộ những ưu điểm của tính cách nhằm vận dụng trong đời sống học tập cho SV.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hoàng Thị Mỹ Nga và Nguyễn Tuấn Kiệt (2016). Phân tích các nhân tố tác động đến động lực học tập của sinh viên kinh tế Trường Đại học Cần Thơ. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ.

2. Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2011). Nghiên cứu khoa học Marketing: Ứng dụng mô hình cấu trúc tuyến tính SEM. TP. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Lao động.

3. Bradberry, T. (2007). The personality code: Unlock the secret to understanding your boss, your colleagues, your friends-and yourself. Penguin.

4. Cha, K. H. (2003). Subjective well-being among college students. Social Indicators Research, 62(1-3), 455 - 477.

5. Costa Jr, P. T., & McCrae, R. R. (1990). Personality disorders and the five-factor model of personality. Journal of personality disorders, 4(4), 362 - 371.

6. Costa, P. T., & McCrae, R. R. (1992). Professional manual: Revised NEO personality inventory (NEO-PI-R) and NEO five-factor inventory (NEO-FFI). Odessa, FL: Psychological Assessment Resources, 61.

7. DeNeve, K. M., & Cooper, H. (1998). The happy personality: A meta-analysis of 137 personality traits and subjective well-being. Psychological bulletin, 124(2), 197.

8. Hart, P. M. (1999). Predicting employee life satisfaction: A coherent model of personality, work, and nonwork experiences, and domain satisfactions. Journal of Applied Psychology, 84(4), 564.

9. Hart, P. M., Wearing, A. J., & Headey, B. (1994). Perceived quality of life, personality, and work experiences: Construct validation of the Police Daily Hassles and Uplifts Scales. Criminal Justice and Behavior, 21(3), 283 - 311.

10. O’Connor, M. C., & Paunonen, S. V. (2007). Big Five personality predictors of post-secondary academic performance. Personality and Individual differences, 43(5), 971 - 990.

11. Nguyen, T. D., & Nguyen, T. T. (2012). Psychological capital, quality of work life, and quality of life of marketers: Evidence from Vietnam. Journal of Macromarketing, 32(1), 87-95.

12. Sirgy, M, J., Efraty, D., Siegel, P., & Lee, D, J., (2001). A new measure of quality of work life (QWL) based on need satisfaction and spillover theory. Social Indicators Research.

13. Vitters, J. (2001). Personality traits and subjective well-being: Emotional stability, not extraversion, is probably the important predictor. Personality and Individual Differences, 31(6), 903 - 914.

14. Woods, S. A., Lievens, F., De Fruyt, F., & Wille, B. (2013). Personality across working life: The longitudinal and reciprocal influences of personality on work. Journal of Organizational Behavior, 34(S1), S7 - S25.

THE IMPACT OF PERSONALITY TRAITS

ON STUDENT’S LEARNING QUALITY AND LIFE:

CASE STUDY OF HO CHI MINH CITY UNIVERSITY

OF FOOD INDUSTRY

PHAM MINH LUAN

Ho Chi Minh City University of Food Industry

ABSTRACT:

This study is to explore personality traits of Ho Chi Minh City University of Food Industry’s students which impact the quality of their learning and life. The study’s results show that there are four factors that positively affect the learning quality and life of studetns studying at Ho Chi Minh City University of Food Industry, namely (1) Extraversion, (2) Agreeableness, (3) Openess to experience and (4) Hardiness.

Keywords: Personality traits, quality of learning and life, hardiness, Ho Chi Minh City University of Food Industry.