ASEAN thu hút nguồn vốn FDI kỷ lục

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đã tăng năm thứ ba liên tiếp, đạt mức kỷ lục 155 tỷ USD trong năm 2018, so với mức 147 tỷ USD năm trước đó.

Theo báo cáo đầu tư ASEAN 2019 được Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công bố ngày 3/11, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đã tăng năm thứ ba liên tiếp, đạt mức kỷ lục 155 tỷ USD trong năm 2018, so với mức 147 tỷ USD năm trước đó.

Tỷ lệ của ASEAN trong tổng lượng FDI toàn cầu cũng tăng từ 9,6% năm 2017 lên 11,5% năm ngoái.

Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục nhờ sự phát triển công nghiệp năng động, cũng như sự cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trong khu vực.

Theo báo cáo trên, dịch vụ là lĩnh vực nhận vốn FDI lớn nhất trong ASEAN. Cùng chung xu hướng toàn cầu, tỷ trọng của ngành dịch vụ trong tổng lượng FDI của ASEAN đã tăng từ 50% trong giai đoạn 1999-2003 lên 66% trong giai đoạn 2014-2018.

Con số này cao hơn cả tỷ trọng ngành dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Phần lớn vốn FDI trong ngành dịch vụ được đổ vào dịch vụ tài chính, bán sỉ và bán lẻ, và bất động sản.a

Báo cáo đầu tư ASEAN 2019 tập trung vào FDI trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là ngành chăm sóc sức khỏe.

Báo cáo phân tích tình hình FDI, các tập đoàn lớn và các công ty khởi nghiệp (start-up) trong ngành chăm sóc sức khỏe.

Theo đó, ASEAN đang tăng cường hợp tác khu vực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thông qua việc triển khai một số thỏa thuận và kế hoạch hành động chiến lược.

Các nỗ lực nhằm mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư tư nhân và cải thiện môi trường đầu tư cho lĩnh vực này cũng đang tiến triển tốt.

Báo cáo đầu tư ASEAN được thực hiện theo thỏa thuận hợp tác kỹ thuật giữa Ban Thư ký ASEAN và Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) với các thông tin từ các thành viên thông qua Ủy ban điều phối ASEAN về đầu tư (CCI) và được Chương trình hợp tác phát triển ASEAN - Australia giai đoạn II (AADCP II) hỗ trợ.