Với bờ biển có chiều dài hơn 300 km, diện tích thềm lục địa trên 100.000 km2, diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên 297.000 km2 và diện tích nuôi trồng thủy hải sản các loại hơn 6.891,9 ha. Nguồn nguyên liệu phong phú và dồi dào chính là điều kiện thuận lợi để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đa dạng hóa các mặt hàng thủy sản, tạo ra một lượng hàng hóa lớn và ổn định, phong phú về chủng loại, mẫu mã, thỏa mãn nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Hiện nay, tỉnh có hơn 129 doanh nghiệp và 290 cơ sở, hộ cá thể hoạt động sơ chế, chế biến thủy sản, hơn 42 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP với công suất hơn 250.000 tấn thành phẩm/năm. Trong đó, hơn 28 cơ sở được cấp giấy chứng nhận CODE-EU (chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu).

Hầu hết các đơn vị còn lại đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Brazil,… với các mặt hàng chủ lực như: surimi, tôm, cá, mực, bạch tuộc, cua, ghẹ,…và các mặt hàng đông lạnh nguyên con, phi lê, thành phẩm đóng gói nhỏ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản năm 2019 đạt 558 triệu USD, năm 2020 đạt 189 Triệu USD (ảnh hưởng do dịch bệnh Covid – 19).

Cũng như các địa phương khác, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Bà Rịa -Vũng Tàu (BR-VT) đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Song, nhờ sự chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá mới từ việc thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng.

Những tháng đầu năm 2021, tỉnh BR-VT ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản và thủy sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tháng 10/2021 đạt 42,19 triệu USD, lũy kế 10 tháng đầu năm đạt 405,08 triệu USD đạt 158,01 % so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2020 (10 tháng đầu năm 2020 đạt 256,08 USD).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, gỗ, cao su… với các thị trường truyền thống như: Pháp, Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapo, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Baraxin,…

Có được kết quả khả quan trên, ngoài những nỗ lực sản xuất của các doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh BR-VT thực hiện tích cực công tác phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất. Hiện nay, một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: Hồ tiêu, nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, bưởi da xanh, hàu, muối, cá thu một nắng, mực một nắng,…

Các sản phẩm tiềm năng chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) như: Hồ tiêu, cà phê, đông trùng hạ thảo, mật ong, tinh bột nghệ,... Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,… góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và được đánh giá cao về chất lượng và hương vị đặc trưng như tiêu, ca cao…

Bên cạnh đó, những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không ngừng đẩy mạnh và đổi mới công tác Xúc tiến Thương mại, đẩy mạnh phát triển Thương mại điện tử, kết nối giao thương nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp cận nguồn nguyên liệu, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn chủ động cung cấp thông tin, thực hiện cải cách hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, tăng thị phần và tiếp cận những thị trường trọng điểm, có tiềm năng lớn trong và ngoài nước. Đây là yếu tố quan trọng để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến một nền thương mại phát triển bền vững.

Nhằm cộng hưởng điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm của tỉnh phát triển, bên cạnh hỗ trợ về đổi mới sản xuất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại – Du lịch Bà Rịa Vũng Tàu đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm tiêu biểu tham gia đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng cơ hội tìm kiếm thị trường.

Cùng với đó, qua nhiệm vụ hỗ trợ doanh duy trì sự kết nối với đối tác, phát triển thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, ngành Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu đã nỗ lực tìm giải pháp và nhanh chóng chuyển đổi cách thức xúc tiến thương mại trực tuyến, làm cầu nối để doanh nghiệp tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại mà Bộ Công Thương tổ chức.

Đơn cử như hoạt động xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp tại Thành phố Sanjo mới đây qua hình thức trực tuyến do Sở Công Thương tổ chức cũng đã giúp các doanh nghiệp tỉnh hiểu về quy trình sản xuất một sản phẩm và cách phân phối sản phẩm ra thị trường.

Tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ do Bộ Công Thương chủ trì xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự của nhiểu các sở, ngành có liên quan.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến vào các ngày 06, 09 và 10 tháng 8 năm 2021 với sự tham gia của khoảng 300 khách mời trong và ngoài nước, gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND và các cơ quan chức năng một số tỉnh, thành khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, đại diện các kênh phân phối, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp thu mua xuất nhập khẩu trong nước, nhà nhập khẩu nước ngoài, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản, thực phẩm khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên.

Trước bối cảnh dịch bện Covid còn có thể kéo dài, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác Xúc tiến Thương mại, đẩy mạnh phát triển Thương mại điện tử, kết nối giao thương nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp cận nguồn nguyên liệu, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn chủ động cung cấp thông tin, thực hiện cải cách hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, tăng thị phần và tiếp cận những thị trường trọng điểm, có tiềm năng lớn trong và ngoài nước. Đây là yếu tố quan trọng để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến một nền thương mại phát triển bền vững.