Ba thách thức mới, nổi bật

Ngày 26/2/2017, trong Hội nghị khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp công nghiệp 4.0” được tổ chức tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở thành vấn đề cấp bách mà các ngành, toàn xã hội và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm”.

Theo Bộ trưởng, thế giới, Việt Nam và ngành Công Thương đang đứng trước những cơ hội cũng như nhiều thách thức mới trong vấn đề đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Thách thức đầu tiên phải kể đến quá trình chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện mô hình tăng trưởng từ chiều rộng (chủ yếu dựa vào việc gia tăng đầu tư, khai thác lợi thế về tài nguyên, nhân công giá rẻ) sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu với động lực chính là việc tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, tính cạnh tranh của các ngành kinh tế. Đặc biệt là nhu cầu về lao động có trình độ và kỹ năng cao là một yêu cầu tất yêu để đáp ứng những điều chỉnh có tính chiến lược của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp đến là sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tâm điểm của cuộc Cách mạng này chính là việc hình thành các Nhà máy thông minh, Nhà máy số - nơi mà các máy móc, thiết bị sẽ được kết nối, tự động ra quyết định toàn bộ hoạt động của nhà máy từ khâu thu thập, phân tích yêu cầu, xây dựng kế hoạch sản xuất...

Bột trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0"

Đặc biệt, thách thức lớn nhất của vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đó là tác động từ việc Việt Nam đã và đang ký kết, gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thế hệ mới.

Bên cạnh những thay đổi về thương mại và đầu tư, quá trình hội nhập cũng sẽ hình thành và phát triển mạnh mẽ những thị trường lao động có tính chất khu vực và toàn cầu. Nhân lực chất lượng cao sẽ không chỉ đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn trong nước mà sẽ cần phải tính tới những tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nước ngoài. Mục tiêu trở thành nhà cung cấp nguồn lực chất lượng cao cho thị trường lao động quốc tế là vấn đề chúng ta cần đặt ra và cần có những hành động, giải pháp cụ thể ngay tại thời điểm này.

Bốn nhiệm vụ trọng tâm trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đón đầu xu hướng, đáp ứng đủ nguồn nhân lực cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, chúng ta phải thay đổi, phải có bước chuyển mình, thay đổi ngay ở trong Bộ Công Thương và cả trường Đại học, Cao đẳng trực thuộc Bộ.

Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và các trường quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt và đón đầu nhu cầu và yêu cầu của thị trường lao động. Trong đó tập trung gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thông qua các mô hình liên kết đào tạo giữa trường và doanh nghiệp hay đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung.

Các đại biểu tham dự Hội nghị khoa học "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp công nghiệp 4.0"

Bên cạnh đó, các trường cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dự báo nhu cầu thị trường. “Đây là nội dung cần được đặc biệt quan tâm bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có tác động rất lớn tới cơ cấu của nền kinh tế, khả năng suy giảm, thậm chí mất đi của nhiều ngành nghề cũng như sự xuất hiện mới của những ngành nghề trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra, điều này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các trường cần sớm đổi mới nội dung và chương trình đào tạo nhằm đáp ứng với những thay đổi từ thực tiễn. Ví dụ như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một số chuyên ngành và kỹ năng, kiến thức mới cần được các trường nghiên cứu, bổ sung như: Cơ điện tử; công nghệ thông tin, trong đó đặc biệt chú trọng lĩnh vực khoa học dữ liệu, an ninh, an toàn thông tin...

Đặc biệt, phải đổi mới phương thức đào tạo và quản trị đại học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào trong hoạt động giảng dạy và nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

“Để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong môi trường mới, đội ngũ thầy, cô giáo phải có những năng lực mới, năng lực sáng tạo và do đó đòi hỏi phải có những phẩm chất mới trên cơ sở chuẩn hóa, thông qua các hoạt động đào tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn. Bên cạnh hoạt động đào tạo, cần tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao tại cơ sở, đặc biệt chú trọng các nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu tương tác người - máy”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và các đại biểu về dự đã gặp mặt đầu xuân và trồng cây lưu niệm tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Bộ trưởng chúc Tết các thầy cô giáo và sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trồng cây lưu niệm tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội