Bắc Giang: Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Sáng ngày 10/11, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo "Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2022". hướng đến liên kết, kết nối các tổ chức kinh tế tham gia OCOP với các đối tác là nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý… để đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hoá có thương hiệu, từng bước tham gia vào chuỗi sản phẩm quốc gia.

 

sản phẩm OCOP
Toàn cảnh Hội thảo ngày 10/11/2022

Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; đồng chí Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương; Văn phòng điều phối NTM các tỉnh: Quảng Ninh; Bắc Kạn; Thái Nguyên và TP. Hà Nội…

Báo cáo tại Hội thảo, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, đến nay ngành nông nghiệp của tỉnh đã phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

sản phẩm OCOP
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang báo cáo tại Hội thảo

Với trên 51 nghìn ha vùng cây ăn quả, trong đó vùng vải thiều tập trung 28 nghìn ha; vùng cây có múi gần 11 nghìn ha, vùng rau an toàn gần 12 nghìn ha; đàn lợn gần 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con; vùng sản xuất gỗ nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến 80 nghìn ha, sản lượng khai thác bình quân gần 1 triệu m3 gỗ/năm.

Bên cạnh đó, Bắc Giang có 27 làng nghề đã được công nhận, có 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và 45 thành phần dân tộc chung sống với nhiều nét văn hóa đặc trưng và nhiều tiềm năng về phát triển du lịch...Đây là tiền đề và lợi thế lớn của tỉnh trong việc lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Theo ông Lê Bá Thành, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, tỉnh Bắc Giang có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao (vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân), 42 sản phẩm 4 sao (chiếm 23,3%), 138 sản phẩm 3 sao (chiếm 76,7%), nhiều sản phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng như Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam, chè Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn,... tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, nhiều nông sản nổi tiếng ở tầm quốc gia vươn tới xuất khẩu.

Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 350 sản phẩm OCOP 4 sao trở lên.

Ngoài ra, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được tỉnh quan tâm chú trọng. Trong giai đoạn 2018-2022, tỉnh đã hỗ trợ cho trên 100 lượt Hợp tác xã, doanh nghiệp với khoảng 350 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối cung cầu do Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức. Hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (đã có hơn 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử)...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì chương trình OCOP của Bắc Giang vẫn còn một số khó khăn, hạn chế do nguồn lực triển khai chương trình chủ yếu là lồng ghép các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn. Công tác tuyên truyền chưa đa dạng, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP tiềm năng chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia OCOP.

Hay công tác rà soát phát triển sản phẩm mới tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa hoặc ít quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Số lượng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình hàng năm nhiều nhưng thực tế sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng thấp...

sản phẩm OCOP
Ông Nguyễn Văn Vọng- Phó Chánh Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh

Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Vọng- Phó Chánh Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ một số bài học kinh nghiệm trong xây dựng chương trình OCOP.  Ông chia sẻ, để thực hiện Quyết định số 490 của Chính phủ về triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 -2020, trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn xác định rõ quan điểm đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng theo hướng nội sinh, có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa người sản xuất, chế biến và tiêu thụ, do đó cần có nhận thức đúng đắn, cách làm, bước đi phù hợp.

Chương trình OCOP là một giải pháp hết sức quan trọng và phù hợp trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, do đó trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và điều kiện thực tế tại địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ quyết liệt, linh hoạt, bài bản, luôn thể hiện vai trò trách nhiệm là địa phương đi tiên phong để thực hiện Chương trình, triển khai rộng rãi Chương trình OCOP trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và trên tất cả các xã, phường, thị trấn; quan tâm chỉ đạo tập trung phát triển tổ chức, phát triển sản phẩm, triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm. 

 Tính đến nay Quảng Ninh đã phát triển 499 sản phẩm thuộc 5 nhóm tham gia chương trình OCOP; trong đó có 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao, tiêu biểu có 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh; 3 sản phẩm hạng 5 sao Trung ương…

sản phẩm ocop
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên tham luận tại Hội thảo: Phát triển sản phẩm OCOP phải theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo, việc phát triển các sản phẩm OCOP được xem là giải pháp quan trọng để các sản phẩm nông sản, sản phẩm lợi thế của tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất… 

Triển khai lồng ghép, tập trung các nguồn vốn hỗ trợ 122 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và phát triển sản phẩm OCOP với tổng nguồn vốn thực hiện đạt trên 350 tỷ đồng. Đây được xem là yếu tố nền tảng để phát triển các sản phẩm OCOP và là giải pháp quan trọng để các sản phẩm OCOP nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, xây dựng Website OCOP Thái Nguyên nhằm số hoá việc quản lý, đánh giá, xếp hạng và quảng bá các sản phẩm. Đây là kênh để các cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đăng ký, nộp hồ sơ đánh giá, chấm điểm, nhận kết quả đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, với mục tiêu: Số hóa toàn bộ hồ sơ đánh giá, cập nhật, lưu dữ liệu phục vụ cho truy xuất sản phẩm nhằm công khai, minh bạch thông tin, kết nối với thị trường

sản phẩm ocop
Ông Lê Ánh Dương- Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã đánh giá cao những chia sẻ và đóng góp tâm huyết của các đại biểu, các nhà khoa học, doanh nghiệp, Hợp tác xã tại Hội thảo

Bế mạc tại Hội thảo, ông Lê Ánh Dương- Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã đánh giá cao những chia sẻ và đóng góp tâm huyết của các đại biểu, các nhà khoa học, doanh nghiệp, Hợp tác xã tại Hội thảo.

Định hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới đó là lấy Công nghiệp là động lực chủ yếu, Dịch vụ là điều kiện thúc đẩy và Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, xây dựng nông thôn mới và thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và khu vực nông thôn.

Chính vì vậy, thời gian tới tỉnh Bắc Giang mong muốn các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tỉnh bạn tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ tỉnh Bắc Giang trong triển khai thực hiện, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ông Lê Ánh Dương cũng đưa ra 5 đề xuất trong thời gian tới:

Một là, Đề nghị Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề tài khoa học về Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ưu tiên lựa chọn Bắc Giang là một trong những địa điểm để tổ chức thực hiện.

Hai là, đề nghị các tỉnh bạn (Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn và TP Hà Nội) tiếp tục phối hợp cùng với tỉnh Bắc Giang trong trao đổi, chia sẻ kinh nghiệp trong thực hiện Chương trình; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP giữa các tỉnh.

Ba là, Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn hình thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm OCOP; hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP về nguồn lực, về cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển; vận dụng hiệu quả linh hoạt các chính sách để hỗ trợ các chủ thể để hoàn thiện sản phẩm như hỗ trợ hạ tầng, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, in tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm,... Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Bốn là, Đề nghị các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tiếp tục quan tâm hoàn thiện bao bì, nhãn mác cho sản phẩm của đơn vị mình, tuân thủ nghiêm các quy định sản xuất an toàn, chất lượng, thường xuyên quan tâm đến việc nâng hạng sao; xác định khi tham gia vào Chương trình OCOP, sản phẩm sẽ được nâng lên tầm cao mới với quy chuẩn, tiêu chí chất lượng tốt nhất, sản phẩm sẽ được gọi tên và mang thương hiệu cụ thể để từ đó có định hướng đúng đắn trong sản xuất cũng như tham gia thực hiện Chương trình.

Năm là, Đề nghị các cơ quan truyền thông tiếp tục phối hợp cùng các sở ngành của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP để tập trung phát triển các sản phẩm của địa phương.

[Quảng cáo]

Minh Huế