Bản chất quan hệ bảo lãnh thanh toán tại các tổ chức tín dụng

ThS. LÊ VĂN DŨNG (Chương trình đào tạo Luật, Khoa Khoa học quản lý, Trường Đại học Thủ Dầu Một)

TÓM TẮT:

Bảo lãnh thanh toán (payment guarantee) là một vấn đề pháp lý đang còn nhiều tranh luận. Trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật, bài viết đưa ra một số luận giải, bình luận liên quan đến khái niệm và bản chất của bảo lãnh thanh toán tại các tổ chức tín dụng.

Từ khóa: bảo lãnh, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, tổ chức tín dụng.

1. Đặt vấn đề

Kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu về vốn của nền kinh tế ngày càng cao. Các cá nhân, tổ chức kinh tế luôn tận dụng mọi cơ hội để huy động vốn nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình. Ngoài việc thế chấp, cầm cố tài sản để vay một khoản tiền, bảo lãnh thanh toán là một hình thức huy động vốn hữu hiệu đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường vốn. Tuy nhiên, hiểu như thế nào là bảo lãnh thanh toán; Quan hệ bảo lãnh thanh toán là đối vật hay đối nhân; Bảo lãnh thanh toán là biện pháp bảo đảm hay công cụ thanh toán trong các giao dịch thương mại,… là những vấn đề còn nhiều tranh cãi. Trong phạm vi bài viết, tác giả đi sâu phân tích từng khía cạnh của các vấn đề trên.

2. Cơ sở lý thuyết

Để đạt được kết quả nghiên cứu, tác giả sử dụng một số lý thuyết sau:

Thuyết nguyên nhân: Học thuyết này bắt nguồn từ giáo hội Pháp, được Donat phát triển trong cuốn Lois civils - Dân luật. Theo tác giả, muốn giải quyết vấn đề nghĩa vụ cần trả lời hai câu hỏi lớn: (i) Người kết ước đã cam kết điều gì? (ii) Tại sao người ấy kết ước như vậy?. Áp dụng lý thuyết này, tác giả tìm được đối tượng và nguyên nhân phát sinh quan hệ bảo lãnh thanh toán.

Lý thuyết tự do ý chí và lý thuyết khế ước: Để xem xét bảo lãnh thanh toán có phải là hợp đồng không? Tác giả vận dụng lý thuyết khế ước và lý thuyết tự do. Hai lý thuyết này cho rằng: ý chí của cá nhân được coi là yếu tố cơ bản của nghĩa vụ phải được tôn trọng triệt để. Sự tự do thể hiện ý chí được pháp luật thừa nhận, bảo hộ nếu phù hợp quy định của pháp luật; Khế ước là những thỏa thuận được pháp luật ghi nhận.

Lý thuyết vật quyền và lý thuyết trái quyền: Hai lý thuyết này được xây dựng trong luật La Mã. Lý thuyết vật quyền thừa nhận quyền tuyệt đối và độc nhất của chủ sở hữu đối với tài sản của mình. Lý thuyết trái quyền thừa nhận quyền cho phép một người gọi là trái chủ đòi hỏi một người khác (người thụ trái) thực hiện hoặc không được thực hiện một việc. Tác giả sử dụng 2 lý thuyết này nhằm xác định quan hệ của các chủ thể trong quan hệ 3 bên.

3. Phương pháp nghiên cứu

Bên cạnh phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tác giả sử dụng phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp và tiếp cận đa ngành để luận giải và đánh giá khách quan, phù hợp với yêu cầu của bài viết.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Khái niệm về bảo lãnh thanh toán tại các tổ chức tín dụng

Hiện nay, pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới không có sự phân định rõ ràng giữa khái niệm bảo lãnh và bảo lãnh thanh toán. Chúng ta, chỉ bắt gặp thuật ngữ “Guarantee”, với hàm ý bảo lãnh là “Các thỏa thuận mà theo đó, một người có nghĩa vụ bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của một người khác đối với người thứ ba”1. Điều này thể hiện rõ trong pháp luật của các nước: (i) Bộ luật Dân sự của Pháp quy định “Bên bảo lãnh cho một nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước chủ nợ về việc thực hiện nghĩa vụ nếu bên mắc nợ không tự mình thực hiện nghĩa vụ”2; (ii) Pháp luật của Đức: “Biện pháp bảo đảm cũng có thể được cung cấp bằng một bảo lãnh hoặc cam kết kết thanh toán của ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm được phép hoạt động kinh doanh trong phạm vi áp dụng của Bộ luật này. Các ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm chỉ có thể thực hiện thanh toán cho nhà thầu trong phạm vi mà khàch hàng nhận yêu cầu bồi thường của nhà thầu hoặc hưởng thù lao hoặc đã được một phê duyệt tạm thời được thi hành để trả thù lao và các yêu cầu được đáp ứng theo đó thi hành án có thể được bắt đầu”3 và Pháp luật dân sự Việt Nam cũng thừa nhận bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tồn tại dưới hình thức quan hệ 3 bên, theo đó “… người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”4.

Trên cơ sở quy định chung của BLDS 2015, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi bổ sung 2017 (Luật Các TCTD 2010) quy định “Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận”5. Cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính ở đây được hiểu tương đồng với pháp luật dân sự của Đức, đó là “cam kết thanh toán của ngân hàng…” đối với các khoản nợ của “con nợ” khi vi phạm nghĩa vụ của mình. Điều này khẳng định rằng, bảo lãnh ngân hàng (BLNH) là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, còn bảo lãnh thanh toán (BLTT) là một phương thức thể hiện việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi có sự kiện vi phạm xảy ra. Qua phân tích, tác giả có thể xây dựng khái niệm về bảo lãnh thanh toán của các tổ chức tín dụng như sau:

Bảo lãnh thanh toán của các tổ chức tín dụng là một phương thức bảo lãnh ngân hàng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng theo thỏa thuận.

4.2. Bản chất quan hệ bảo lãnh thanh toán

Bảo lãnh thanh toán có 3 đặc trưng cơ bản sau: (i) Là một giao dịch dân sự tồn tại dưới hình thức hợp đồng; (ii) Tồn tại song song hai mối quan hệ vật quyền và trái quyền của đa chủ thể; (iii) Là công cụ cung ứng vốn cho nền kinh tế.

4.2.1. Bảo lãnh thanh toán là một giao dịch dân sự tồn tại dưới hình thức hợp đồng

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự6. Như phân tích phần ở trên, BLTT của các tổ chức tín dụng (TCTD) là những “cam kết” do TCTD (bên bảo lãnh) đưa ra đối với bên có quyền. Đồng thời, bên có nghĩa vụ phải nhận nợ và hoàn trả cho TCTD theo thỏa thuận. Những “cam kết”, những “thừa nhận” hay “thỏa thuận” này được xem là những căn cứ để làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên khi bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ thanh toán của mình. Theo BLDS 2015 “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”7. Điều này có nghĩa rằng, trong quan hệ BLTT, có ít nhất 2 loại hợp đồng tồn tại song song với hợp đồng cơ sở (hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ thanh toán của bên được bảo lãnh): (i) Hợp đồng bảo lãnh giữa TCTD với bên có quyền; (ii) Hợp đồng “vay tài sản” giữa bên có nghĩa vụ (được bảo lãnh) với TCTD (bên bảo lãnh) tồn tại dưới hình thức “ghi nhận nợ và thanh toán khoản nợ” sau khi TCTD đã thực hiện thay. Về hình thức của thỏa thuận ghi nhận nợ có thể tồn tại trong cùng một hợp đồng 3 bên hoặc tồn tại độc lập. Tác giả hoàn toàn đồng quan điểm với Ohn Phillips, James O Donovan và Wayne Courtney khi cho rằng, bảo lãnh được hình thành từ “sự cam kết của bên bảo lãnh; hình thức bảo lãnh được thể hiện dưới hình thức hợp đồng bảo lãnh”8.

4.2.2. Quan hệ bảo lãnh thanh toán tồn tại song song hai mối quan hệ vật quyền và trái quyền của đa chủ thể

Chủ thể trong quan hệ BLTT bao gồm 3 bên: bên được bảo lãnh (bên có nghĩa vụ hay còn gọi là con nợ), bên nhận bảo lãnh (bên có quyền hay còn gọi là chủ nợ) và bên thứ ba - bên bảo lãnh (TCTD). Để thuận tiện trong cách gọi tên, từ đây tác giả thống nhất cách gọi tên của các chủ thể trong quan hệ BLTT như sau: Bên được bảo lãnh gọi là con nợ; bên nhận bảo lãnh gọi là chủ nợ và bên thứ ba - các TCTD đứng ra BLTT gọi là TCTD). Ba chủ thể này tồn tại 2 mối quan hệ khác nhau nhưng là phụ thuộc lẫn nhau.

Mối quan hệ giữa con nợ - TCTD là mối quan hệ vật quyền, phát sinh trên cơ sở “nhận nợ và thanh toán khoản nợ theo thỏa thuận” của con nợ và chủ nợ. Vật quyền hay còn gọi là quyền đối vật là quyền của chủ thể tác động lên một vật. Thực chất, đây là quan hệ hợp đồng vay tài sản con nợ với TCTD9, điều này thể hiện rất rõ khi quy định nội dung của thỏa thuận cấp bảo lãnh phải có “Thỏa thuận về bắt buộc nhận nợ trả thay, lãi suất áp dụng đối với số tiền trả thay và nghĩa vụ, thời hạn hoàn trả nợ khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”10. Thỏa thuận của con nợ và TCTD mang bản chất là hợp đồng vay tài sản, TCTD hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn khách hàng để cấp bảo lãnh và hoàn toàn có quyền từ chối bảo lãnh nếu xét thấy khách hàng không đủ khả năng tài chính để hoàn trả. Mặc khác, để đảm bảo việc thu hồi vốn gánh nợ, TCTD sẽ áp dụng một biện pháp bảo đảm nào nó đối với con nợ, có thể yêu cầu con nợ thế chấp một tài sản hoặc ký quỹ một khoản tiền tại ngân hàng,... đến khi con nợ vi phạm nghĩa vụ hoàn trả, TCTD sẽ thực hiện quyền xử lý tài sản bảo đảm đó để đảm bảo lợi ích của mình. Như vậy, yếu tố vật quyền ở đây thể hiện rất rõ, lợi ích của TCTD sẽ được đảm bảo trên giá trị tài sản bảo đảm có thể là tài sản thế chấp, tài sản ký quỹ... Điều này cũng đã được khẳng định trong luận án tiến sĩ luật học của Vũ Thị Hồng Yến, “Tài sản thế chấp và xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành”, Hà Nội, năm 201311.   

Mối quan hệ giữa TCTD và chủ nợ, mang bản chất trái quyền. Trái quyền hay còn gọi là quyền đối nhân được hiểu là quyền của một chủ thể đối với một chủ thể khác. Tính chất trái quyền của biện pháp bảo đảm được thể hiện thông qua các hợp đồng bảo đảm (hợp đồng thỏa thuận về các biện pháp bảo đảm)12. Và trái quyền bảo đảm là bảo đảm theo đó một trái quyền được tăng cường bởi một trái quyền khác. Tiêu biểu là biện pháp bảo lãnh13. Theo pháp luật dân sự Pháp, bảo lãnh được xếp vào nhóm các biện pháp bảo đảm đối nhân và được định nghĩa “Người nhận bảo lãnh một nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó đối với người có quyền nếu người có nghĩa vụ không tự mình thực hiện hoặc không đúng nghĩa vụ”14. Trong quan hệ bảo lãnh thanh toán giữa TCTD với chủ nợ, quyền lợi của chủ nợ chỉ được đảm bảo khi TCTD thực hiện “cam kết” của mình. Trong mối quan hệ này, không xuất hiện tài sản bảo đảm, mà các TCTD chỉ sử dụng uy tín của mình để “cam kết”. Đây cũng là một rủi ro đối với chủ nợ trong trường hợp con nợ lẫn TCTD đều không có khả năng thanh toán nợ cho mình.

Vậy, quan hệ BLTT vừa mang tính đối nhân vừa mang tính đối vật trong mối quan hệ “tay ba” con nợ - TCTD - chủ nợ. Và, câu hỏi đặt ra là, BLTT có phải là công cụ thanh toán hay chỉ là biện pháp bảo đảm thanh toán?. 

4.2.3. Bảo lãnh thanh toán là công cụ cung ứng vốn cho nền kinh tế

Xét về bản chất, bảo lãnh thanh toán cũng là một loại BLNH, nó là dạng chứng thư cam kết bảo đảm về khả năng thanh toán cho đối tác của khách hàng, do vậy nó là một công cụ bảo đảm, chứ không phải là một công cụ thanh toán15. Tại mục 1, tác giả đã phân tích và khẳng định rằng BLTT là một phương thức của BLNH và từ đây chúng ta cũng đã khẳng định BLTT là một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, BLTT thực hiện vai trò là biện pháp bảo đảm (phòng ngừa rủi ro cho chủ nợ) khi còn trong thời gian thực hiện nghĩa vụ mà con nợ chưa vi phạm. Nếu sự kiện bảo lãnh phát sinh, vai trò là biện pháp bảo đảm chuyển sang thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho con nợ của TCTD. Như vậy, trong từng điều kiện khác nhau, BLTT có vai trò là biện pháp bảo đảm phòng ngừa rủi ro hay là công cụ thanh toán.

Luật các TCTD 2010 “Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng”16 và “Cấp tín dụng là việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, phát hành thẻ tín dụng, bảo lãnh ngân hàng, cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (L/C) và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả việc cấp tín dụng từ nguồn vốn của pháp nhân khác mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu rủi ro theo quy định của pháp luật”17. BLTT là một hình thức của BLNH nên được sử dụng như là một công cụ để huy động vốn của các doanh nghiệp và tìm kiếm lợi nhuận của các TCTD. Đây là một hoạt động ngoại bảng của các TCTD18, được các TCTD triệt để áp dụng để tăng doanh thu mà không cần xuất tiền ngay, do đó không ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán của các TCTD. Mặt khác, nếu trước đây khách hàng phải bỏ ra một khoản tiền mặt lớn để đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản hay phải nộp thuế khi nhập khẩu máy móc, thiết bị, hàng hóa, thì ngày nay, với việc chọn lựa hình thức BLTT, khách hàng chỉ phải trả 0,02% đến 0,05% tổng giá trị hợp đồng hay khoản thuế phải đóng... mới có thể tiến hành xây dựng, nhận được tài sản, nhập khẩu được máy móc, thiết bị... và số tiền đáng lẽ phải bỏ ra có thể sử dụng vào mục đích khác, mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng mong muốn điều này.

5. Kết luận

BLTT tại các TCTD là một công cụ cung ứng vốn ra thị trường, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế quốc gia. Bên cạnh những ưu điểm, BLTT là một nghiệp vụ chứa đựng nhiều rủi ro cho TCTD. Vì vậy, ngoài các quy định của pháp luật hiện hành làm nền tảng xây dựng hoạt động cung ứng vốn ra thị trường, để đáp ứng nhu cầu về vốn ngày càng cao của nền kinh tế, cũng như đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng, các nhà làm luật cần xây dựng hành lang pháp lý thật vững chắc, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, trong đó cần: (i) Xây dựng và quy định rõ khái niệm bảo lảnh thanh toán tại các tổ chức tín dụng; (ii) Xác định rõ bản chất thực sự của BLTT tại các TCTD, từ đó có các quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, cũng như làm căn cứ để xác định chính xác luật áp dụng. (iii) Đối với các TCTD, đặc biệt các ngân hàng thương mại có hoạt động BLTT, cần tăng cường năng lực quản lý tín dụng cho lãnh đạo quản lý, năng lực thực hiện nghiệp vụ BLTT và cần thiết áp dụng các biện pháp phòng tránh rủi ro trong hoạt động bảo lãnh.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Avery Wiener Katz Avery Wiener Katz (1999), An economic analysis of the guaranty contract, The University of Chicago Law Review, p. 47

2Điều 2288 Bộ luật Dân sự Pháp.

3Đoạn 648a Bộ luật Dân sự Đức.

4Điều 335 BLDS 2015.

5Khoản 18 Điều 4 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi bổ sung 2017

6Điều 116 BLDS 2015.

7Điều 385 BLDS 2015.

8John Phillips, James Ơ Donovan and Wayne Courtney (2003), “Hợp đồng bảo lãnh hiện đại - The Modern Contract of Guarantee”, 2003

9Điều 463 BLDS 2015: Hợp đồng vay tài sản Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

10Điểm i, khoản 2, Điều 14 Thông tư số 07/ 2015/TT-NHNN ngày 25/ 06/ 2015 của NHNN Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng

11“... Tính chất vật quyền của biện pháp bảo đảm được thể hiện ở quyền “trực tiếp và ngay tức khắc” của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm (chủ yếu thể hiện ở các biện pháp bảo đảm bằng tài sản được xác lập theo thỏa thuận của các bên mà rõ nhất là ở biện pháp cầm cố, thế chấp)”

12Vũ Thị Hồng Yến, “Tài sản thế chấp và xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành”, luận án tiến sĩ luật học, Hà Nội, năm 2013

13Michel Grimaldi, Đại học Pari II, Công hòa Pháp “Tổng quát về pháp luật thực định của Pháp về các biện pháp bảo đảm”, Kỷ yếu hội thảo sửa đổi BLDS, năm 2011

14Điều 2288 BLDS Cộng hòa Pháp

15Nguyễn Thị Nhung và Nguyễn Duy Phú, “Bảo lãnh thanh toán tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Phát triển & Hội nhập, số 25/ 2015

16Khoản 18 Điều 4 Luật Các Tổ chức tín dụng 2010

17Khoản 11 Điều 3 Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

18Vũ Thị Khánh Phượng, “Pháp luật về bảo lãnh ngân hàng và thực tiễn tại ngân hàng thương mại cổ phần Techcombank ở Việt Nam” luận văn thạc sĩ, Hà Nội, 2011

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Avery Wiener Katz Avery Wiener Katz. (1999). An economic analysis of the guaranty contract. The University of Chicago Law Review, 66(1). 47-116.
  2. Quốc hội (2015). Luật số 91/2015/QH13: Bộ luật Dân sự, ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015.
  3. Jame Ơdonovan, John Phillips. (2003). The Modern Contract of Guarantee, 3rd edition (2016). UK: Sweet & Maxwell.
  4. Quốc hội (2010), Luật số 47/2010/QH12: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), ban hành ngày 16 tháng 6 năm 2010.
  5. Michel Grimaldi (2011), Tổng quát về pháp luật thực định của Pháp về các biện pháp bảo đảm, Kỷ yếu hội thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự (12-13/05/2011). Hà Nội: Nhà Pháp luật Việt - Pháp.
  6. Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Duy Phú (2015), Bảo lãnh thanh toán tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 25(35). 62-67.
  7. Ngân hàng Nhà nước (2015). Thông tư số 07/ 2015/TT-NHNN ngày 25/06/2015 của NHNN Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng.
  8. Ngân hàng Nhà nước (2019). Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
  9. Vũ Thị Hồng Yến (2013), Tài sản thế chấp và xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành. Luận án tiến sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  10. Vũ Thị Khánh Phượng (2011), Pháp luật về bảo lãnh ngân hàng và thực tiễn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Techcombank ở Việt Nam. Luận văn thạc sĩ Đại học Quốc gia Hà Nội.

THE NATURE OF PAYMENT GUARANTEE AT CREDIT INSTITUTIONS

• Master. LE VAN DUNG

Faculty of Management Science, Thu Dau Mot University 

ABSTRACT:

Payment guarantee is a controversial legal issue. By analyzing current legal provisions, this paper presents some explanations and discussions related to the concept and nature of payment guarantee at credit institutions.

Keywords: guarantee, payment guarantee, bank guarantee, credit institutions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]