Bán lẻ ngoại tìm hàng Việt xuất ngoại

Hợp tác giữa nhà cung cấp trong nước và nhà phân phối ngoại đã tạo ra niềm tin cũng như làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về các doanh nghiệp FDI trên thị trường nước ta - một môi trường thuận lợi cho hội nhập và có sự tự tin vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp trong nước.
sieu thi ngoai tim hang viet

Các Tuần hàng Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp với các nhà phân phối nước ngoài tổ chức đã giúp quảng bá rộng rãi thương hiệu hàng Việt Nam.

Cam kết mạnh mẽ

Hơn 4 năm sau giờ “G” 1/1/2015, Chính phủ cho phép doanh nghiệp 100% vốn FDI hiện diện tại thị trường Việt Nam, đã có sự thay đổi cách nhìn của doanh nghiệp nước ta về nhà bán lẻ nước ngoài. Từ hoài nghi, lo sợ chiếm mất thị trường, đến hợp tác đưa hàng Việt ra nước ngoài.

Sự thay đổi đến từ thực tế chiến lược của ngoài bán lẻ nước ngoài; họ phải hợp tác với doanh nghiệp nước ta tìm nguồn cung cấp. Sự thay đổi cũng đến từ các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ đặt nền tảng cho sự hợp tác ấy.

Năm 2016, Bộ Công Thương phối hợp với Công ty Lotte mart Việt Nam thực hiện Chương trình Kết nối Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VK Conect), tổ chức đưa hàng Việt tới nhiều siêu thị bán lẻ tại thị trường Hàn Quốc. Tại thị trường trong nước, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tháng 10 năm 2018, Lotte Mart đã tham gia Hội nghị đối tác phát triển hàng Việt. Tại Hội nghị này, Lotte Mart cam kết hỗ trợ phát triển hàng Việt thông qua các chương trình quảng bá, xuất khẩu sang hệ thống Lotte Mart ở các nước cũng như xúc tiến xuất khẩu hàng Việt sang các thị trường tiềm năng trong khu vực”.

Tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Nhà khách Chính phủ Meiji Kinenkan, thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trao đổi Biên bản ghi nhớ Hợp tác (MOU) giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn bán lẻ AEON Nhật Bản. Hai bên cam kết hỗ trợ lẫn nhau, lấy việc gia tăng tỷ lệ mua hàng Việt Nam để bán tại hệ thống AEON Việt Nam và khu vực làm mục tiêu, đồng thời cam kết hướng đến kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

“Sinh kế cộng đồng” là một trong những cam kết của Central Group với Bộ Công Thương hướng đến hỗ trợ các dự án phát triển nông nghiệp bền vững cho người nông dân…

Hỗ trợ linh hoạt

Các cam kết mạnh mẽ trên cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp bán lẻ ngoại và nhà cung cấp trong nước ngày càng tự tin hơn về tiềm năng của hàng Việt. Nhưng từ tiềm năng, đến sức hấp dẫn và cuối cùng chinh phục người tiêu dùng là một chặng đường dài của quá trình tin tưởng, hợp tác.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bộ Công Thương, Tập đoàn AEON liên tiếp tổ chức các hoạt động mở rộng sự hiện diện của hàng Việt. Tháng 4/2019 là Hội thảo kết nối doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn tại TP. Hồ Chí Minh; Tháng 6 là Hội nghị các nhà cung cấp của AEON tổ chức tại Hà Nội; và Sự kiện Tuần hàng Việt Nam tổ chức tại Nhật Bản.

Thông qua các hoạt động, chuyên gia của AEON đã tập trung giới thiệu tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình quản lý chất lượng sản phẩm trong 3 nhóm hàng dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ quy định ở tất cả các giai đoạn từ nuôi trồng, sản xuất đến phân phối, bán hàng và giao hàng. Doanh nghiệp còn được AEON tư vấn đổi mới máy móc, đào tạo nâng cao nhân lực.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã huy động hệ thống ngân hàng vào cuộc. Như Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)  hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Đề án đưa hàng Việt Nam vào các hệ thống phân phối nước ngoài do Bộ Công Thương chủ trì, với sự tài trợ các khoản vay chiết khấu Bộ chứng từ xuất khẩu theo thư tín dụng (LC) lên tới 98%; cấp vốn tín chấp 5 tỷ đồng không cần tài sản đảm bảo. Đối với doanh nghiệp bán hàng trong nước theo phương thức trả chậm, VPBank cấp vốn lên đến 90% giá trị hóa đơn VAT.

Các Tuần hàng Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp với các nhà phân phối nước ngoài tổ chức, không chỉ quảng bá hàng Việt, mà còn chỉ ra được những điểm yếu của hàng Việt để khắc phục. Một chuyên gia của Lotte Mart đánh giá, bao bì sản phẩm của doanh nghiệp Việt thường sử dụng màu đỏ, màu xanh, trong khi xu hướng thế giới không sử dụng nhiều màu sắc, mà chủ yếu dùng màu đen hoặc 1-2 màu không quá chói. Trên cơ sở đó, LOTTE Mart đã hỗ trợ tư vấn để thiết kế bao bì đóng gói tốt hơn.

Năm 2016, LOTTE Mart Hàn Quốc, LOTTE Mart Indonesia và Trung Quốc đã nhập khẩu hàng Việt Nam 1,4 ngàn tỷ đồng, năm 2017 và 2018 trên 2.300 tỷ đồng/năm. Cùng với hỗ trợ nhà sản xuất trong nước có được sản phẩm tốt với thiết kế đẹp mắt, LOTTE Mart còn định hướng lâu dài cho sản phẩm mang nhãn hàng Choice L: “Mang hàng Việt vươn ra thế giới”. Vừa qua, LOTTE Mart đã  xuất khẩu thành công các đơn hàng với hơn một ngàn mặt hàng ra thị trường nước ngoài. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy các sản phẩm mang nhãn Choice L do doanh nghiệp trong nước cung cấp đã được người tiêu dùng và thị trường quốc tế công nhận và tin tưởng về chất lượng.

Tập đoàn Central Group lại có cách thức hỗ trợ khác, từ tháng 10/2016, Central Group đã phát động phong trào hỗ trợ DN nhỏ và vừa Việt Nam. DN Việt Nam tham gia chương trình này sẽ được tiếp cận các thông tin thị trường, sản phẩm để thích ứng với chiến lược sản phẩm, xây dựng thương hiệu tại thị trường trong nước. Đồng thời, hỗ trợ DN Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. Hệ thống Central Group tại Việt Nam còn có bộ phận thu mua và xuất khẩu hàng Việt Nam, có 200 nhà cung cấp Việt Nam thường xuyên có đơn hàng xuất khẩu nông sản, hàng hóa Việt Nam sang Thái Lan, Pháp, Italia, Mỹ, khu vực Châu Phi… Bộ phận này không chỉ làm nhiệm vụ gom hàng, mà còn định hướng sản xuất cho nông dân để hàng hóa được thị trường chấp nhận.

Sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước đã đặt nền tảng cho sự hợp tác giữa nhà cung cấp trong nước và nhà phân phối ngoại. Từ đó, tạo ra niềm tin vào sự hợp tác chân thành cũng như làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về các doanh nghiệp FDI trên thị trường nước ta - một môi trường thuận lợi cho hội nhập và có sự tự tin vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước.

 

Hương Giang