Bàn về khái niệm “Chính sách pháp luật tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”

ThS. HUỲNH THỊ KIM ÁNH (Trường Đại học An ninh nhân dân)

TÓM TẮT:

Đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện nói riêng là trách nhiệm của mỗi công dân, từng gia đình, các cơ quan nhà nước và của toàn thể xã hội. Cuộc đấu tranh này chỉ có thể thu được kết quả tốt khi có sự tham gia đông đảo của các giai tầng trong xã hội với một hệ thống các biện pháp đa dạng. Đặc biệt, phải có một hệ thống các quan điểm, đường lối, chủ trương, định hướng chỉ đạo phù hợp và kịp thời, nhằm đảm bảo từng bước đi thích hợp, vừa mang tính sách lược, vừa thể hiện tính chiến lược trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Hệ thống các quan điểm, đường lối, chủ trương, định hướng chỉ đạo trong đấu tranh phòng, chống tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện được gọi là chính sách hình sự, trong đó chính sách pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) là một bộ phận hợp thành. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích các cách tiếp cận và đưa ra khái niệm, các đặc điểm của chính sách pháp luật TTHS, là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo.

Từ khóa: Tố tụng hình sự, phạm tội, người dưới 18 tuổi, chính sách pháp luật.

1. Khái niệm chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là một loại chính sách pháp luật nói chung. Để có cơ sở nhận thức về khái niệm chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cần hiểu chính sách, chính sách pháp luật. Hiện nay có nhiều cách tiếp cận khác nhau đến chính sách, chính sách pháp luật và do vậy cũng có các khái niệm, quan niệm khác nhau về chính sách, chính sách pháp luật.

1.1. Khái niệm chính sách

“Chính sách” là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong các tài liệu và trên các phương tiện truyền thông, tuy nhiên nó là một thuật ngữ khó có thể định nghĩa một cách cụ thể và rõ ràng. Theo nhiều chuyên gia ở Việt Nam, chính sách được hiểu một cách chung nhất là chủ trương và các biện pháp của một Đảng phái, một Chính phủ trong các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội. Chính sách chính là công cụ để Đảng chính trị và chính quyền thể hiện thái độ của mình trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước, của thực tiễn đời sống cộng đồng. Hoạch định chính sách và thực thi chính sách là một trong những phương thức tồn tại cơ bản của Nhà nước và Đảng cầm quyền, thông qua đó, những “áp lực/đòi hỏi/vấn đề” của xã hội được bộc lộ, ghi nhận, đáp ứng và giải quyết.

Dưới góc độ giải thích từ ngữ, từ điển Tiếng Việt phổ thông, chính sách được hiểu là: “sách lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt một mục đích chung nhất định, dựa vào đường lối chính trị chung và tình hình thực tế mà đề ra” [2].

Tiếp cận ở khía cạnh là những vấn đề chung nhất trong hoạt động quản lý xã hội của Nhà nước, của hệ thống chính trị, V.I. Lê-nin quan niệm: “Chính sách là sự tham gia vào các công việc của Nhà nước, là đường hướng của Nhà nước, là sự xác định các hình thức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của Nhà nước” [3].

Chính sách do vậy góp phần xác định con đường hoạt động cụ thể, cách thức tiến hành, biện pháp bảo đảm cũng như những mục tiêu cơ bản cần đạt được của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội và của chính mỗi cá nhân trong xã hội đó. Như vậy, bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… Muốn định ra chính sách đúng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn trong từng lĩnh vực, từng giai đoạn, phải vừa giữ vững mục tiêu, phương hướng được xác định trong đường lối, nhiệm vụ chung, vừa vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể.

Chính sách là lĩnh vực hoạt động mà ở đó các nguyên tắc cơ bản của quản lý được thực hiện trong quá trình tác động lẫn nhau của quyền lực và của dân cư. Chính sách là vấn đề rất quan trọng, bởi lẽ giai cấp thống trị xã hội, Nhà nước và các chế định xã hội khác luôn đưa ra và thực hiện các chính sách nhất định để duy trì sự thống trị, quản lý của mình đối với toàn bộ xã hội.

1.2. Khái niệm chính sách pháp luật

Chính sách pháp luật ở nghĩa rộng là một hiện tượng tập hợp mà trong phạm vi của nó có hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn và các hoạt động có liên hệ chặt chẽ với nhau. Chính sách pháp luật là hoạt động được định hướng về tư tưởng, quan điểm. Chính sách pháp luật là hoạt động có căn cứ khoa học, nhất quán. Nội dung của chính sách pháp luật là xây dựng cơ chế điều chỉnh pháp luật có hiệu quả, sử dụng văn minh, có trí tuệ các công cụ pháp lý để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Chính sách pháp luật bao giờ cũng có các mục tiêu nhất định và hướng đến để đạt được đầy đủ nhất các mục tiêu đó [4].

Việc điều hành quản lý xã hội của Nhà nước được thực hiện ở tầm vĩ mô trước hết bằng chính sách. Trong lĩnh vực pháp luật, chính sách pháp luật được hiểu là việc xác định đường hướng, các hình thức, nhiệm vụ và nội dung hoạt động của Nhà nước trong việc sử dụng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển của xã hội. Chính sách pháp luật cùng với các chính sách khác được hoạch định cho từng giai đoạn phát triển của đất nước, nhằm tạo lập cơ sở đúng đắn cho việc sử dụng có hiệu quả các khả năng điều chỉnh của pháp luật, xác định đúng đắn cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan pháp luật, xây dựng ý thức pháp luật của xã hội cũng như mỗi cá nhân. Chính sách pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ với các chính sách khác như chính sách kinh tế, chính sách xã hội, chính sách văn hóa, chính sách giáo dục và trở thành bộ phận hữu cơ trong hệ thống các đường lối, chính sách chung của Nhà nước. Nhưng, chính sách pháp luật khác với các chính sách khác ở chỗ: chính sách pháp luật gắn liền với sự hiện diện của pháp luật, chính sách pháp luật có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, xâm nhập vào các lĩnh vực của đời sống xã hội chỉ ở mức độ có sự điều chỉnh của pháp luật.

Trong xã hội dân chủ, pháp luật là biện pháp, công cụ của quản lý và của việc đưa chính sách vào cuộc sống. Chính sách pháp luật có bản chất hai mặt. Một mặt, nó thể hiện ở chỗ đó là chính sách đã được dựa vào pháp luật; và mặt khác, đó là pháp luật được sử dụng với tư cách là phương tiện, công cụ của quyền lực và của quản lý trong lĩnh vực chính trị của đời sống xã hội.

Hệ thống chính sách pháp luật bao gồm: chính sách pháp luật hiến pháp, chính sách pháp luật hành chính, chính sách pháp luật hình sự, chính sách pháp luật TTHS, chính sách pháp luật dân sự, chính sách pháp luật thông tin, chính sách pháp luật liên ngành và các loại chính sách pháp luật khác.

1.3. Khái niệm chính sách pháp luật tố tụng hình sự

TTHS là trình tự (quá trình) tiến hành giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự). TTHS bao gồm toàn bộ hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng; người tiến hành tố tụng; người tham gia tố tụng; của cá nhân, cơ quan và tổ chức khác góp phần vào việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật Tố tụng hình sự.

Để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm có hiệu quả, Nhà nước cần định ra một chính sách pháp luật TTHS đúng đắn, phù hợp. Chính sách pháp luật TTHS là một chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ trước đến nay trong khoa học pháp lý khi bàn về khái niệm chính sách pháp luật TTHS tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Tuy vậy, dù tiếp cận dưới những góc độ, khía cạnh khác nhau, với quan niệm về phạm vi rộng, hẹp khác nhau, song các quan điểm đều thừa nhận chính sách pháp luật TTHS là một phần của chính sách hình sự nói chung, thể hiện quan điểm, định hướng, tư tưởng của Đảng cầm quyền và Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong từng thời kỳ phát triển của xã hội.

Chính sách pháp luật TTHS bao gồm những quan điểm, phương hướng có tính chất chỉ đạo, chiến lược của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng pháp luật TTHS vào lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật TTHS nhằm đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, giáo dục công dân ý thức tôn trọng pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Như vậy, chính sách pháp luật TTHS là một loại của chính sách pháp luật hình sự nhằm xác định những phương hướng cơ bản có tính chất chỉ đạo, chiến lược của Nhà nước trong hoạt động lập pháp và áp dụng pháp luật TTHS, bảo đảm sự ổn định của hệ thống pháp luật TTHS, tăng cường việc bảo vệ các quyền và tự do của con người và của công dân, cũng như các lợi ích hợp pháp của xã hội và của Nhà nước bằng pháp luật TTHS (nói riêng), đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm bằng hệ thống tư pháp hình sự (nói chung).

1.4. Khái niệm chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là chính sách pháp luật TTHS nói chung điều chỉnh đối với một bộ phận chủ thể đặc thù là người dưới 18 tuổi phạm tội. Tính đặc thù của đối tượng người dưới 18 tuổi nói chung và người dưới 18 tuổi phạm tội nói riêng thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau cả về mặt luật pháp, thiết chế lẫn thực tiễn đời sống pháp luật.

Người dưới 18 tuổi là người đang ở lứa tuổi mà khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội bị hạn chế và đôi khi còn bị tác động mạnh mẽ của những điều kiện bên ngoài. Chính sách pháp luật TTHS của Nhà nước ta đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu hướng đến giáo dục và giúp đỡ họ sửa chữa những sai lầm, tạo điều kiện cho họ phát triển lành mạnh để trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em năm 1989 nêu rõ trong Lời nói đầu: “Trẻ em do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời” [1]. Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em đề cao quyền lợi tốt nhất của trẻ em trong mọi hoàn cảnh và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải làm như vậy. Công ước kêu gọi phải có sự bảo vệ đặc biệt cho trẻ em bị tước đoạt môi trường gia đình và bảo vệ trẻ em khỏi bị cha mẹ hoặc bất kỳ ai lạm dụng, sao nhãng; xác định trẻ em có quyền được học hành và có mức sống đầy đủ, có quyền được vui chơi giải trí và được bảo vệ khỏi bị bóc lột về kinh tế, tình dục và các loại bóc lột khác. Công ước còn đề cập đến nhu cầu bảo vệ chống lại sự đối xử phân biệt trong việc áp dụng pháp luật TTHS với người dưới 18 tuổi; đến việc bảo vệ và thực hiện các quyền của trẻ em làm trái pháp luật hay nói tới các quyền của trẻ em bị tước quyền tự do, quyền của trẻ em bị quy là phạm tội và khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp TTHS đối với những đối tượng này.

Đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi, quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là luôn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, thực sự xứng đáng là chủ nhân của đất nước, tương lai của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Về khía cạnh tâm lý, người dưới 18 tuổi ở độ tuổi tâm sinh lý chưa ổn định, nhân cách chưa hoàn thiện, nhận thức về các vấn đề xã hội còn hạn chế, thậm chí sai lệch. Người dưới 18 tuổi thường có tính cách nông nổi, hiếu thắng, liều lĩnh trước tác động của ngoại cảnh có đặc tính tò mò, hiếu kỳ, có thiên hướng bắt chước cả những sai trái của người lớn; dễ bị kích thích, khó tự kiềm chế bản thân khi có các yếu tố của ngoại cảnh tác động, dễ dẫn đến manh động và có các hành vi bạo lực để đối phó, chống trả sự tác động; thích được đặt mình vào các nhân vật điển hình trong các phim, truyện; thích được đề cao, muốn được mọi người khen; muốn chứng minh sự dũng cảm của mình đối với người khác;...

Từ yêu cầu của nguyên tắc nhân đạo và nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội vừa phải tuân thủ quy định về xử lý tội phạm nói chung, vừa phải tuân thủ các quy định được xây dựng phù hợp với đặc thù của người dưới 18 tuổi phạm tội. Những quy định phù hợp với đặc thù của người dưới 18 tuổi phạm tội chính là cơ sở để việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội vừa đảm bảo tính nghiêm khắc của việc xử lý về hình sự, vừa phát huy hiệu quả giáo dục đối với nhóm chủ thể này. Chính vì vậy, chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội luôn là vấn đề được ghi nhận và thực hiện trong pháp luật TTHS nước ta. Ở các giai đoạn khác nhau, nội dung các quy định cụ thể có thể khác nhau, nhưng nhìn chung chúng đều được xây dựng trên cơ sở cân nhắc các yếu tố gắn với đặc thù của TTHS đối với người dưới 18 tuổi.

Từ những phân tích, kiến giải nêu trên, tác giả cho rằng: Chính sách pháp luật tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là hệ thống các quan điểm, phương hướng về xác định cơ chế, mô hình, nhiệm vụ, nguyên tắc, trình tự thủ tục và tổ chức thực hiện pháp luật tố tụng hình sự phù hợp với đặc điểm của  người dưới 18 tuổi phạm tội nhằm đảm bảo khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có hiệu quả các loại tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện.

2. Đặc điểm của chính sách pháp luật TTHS Việt Nam đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Xuất phát từ khái niệm và những luận giải nêu trên về chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, đồng thời từ thực tiễn lập pháp và áp dụng pháp luật TTHS trong lĩnh vực đấu tranh phòng và chống tội phạm do người dưới 18 tuổi phạm tội ở Việt Nam thời gian qua, có thể khái quát chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội gồm các đặc điểm cơ bản sau:

(1) Chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thể hiện nhất quán quan điểm, ý chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tính nhân đạo trong áp dụng pháp luật, hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền, dân chủ và giàu mạnh.

Chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là một phần của chính sách TTHS nói chung và là chính sách pháp luật trong lĩnh vực TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nói riêng của một Nhà nước. Chính sách này có những đặc điểm đặc trưng gắn liền với đối tượng đặc biệt (người dưới 18 tuổi phạm tội), thể hiện rõ ý chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thể hiện rõ nét sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với việc xây dựng một nền tư pháp công bằng, văn minh, dân chủ và nhân đạo. Trong đó, con người và giá trị cơ bản của con người là trung tâm phải nhận được sự bảo đảm và bảo vệ tuyệt đối từ phía các cơ quan công quyền và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, đặc biệt là quyền của người dưới 18 tuổi phạm tội.

(2) Chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội góp phần tạo thành hệ thống chính sách xã hội nói chung, là động lực cho sự phát triển của xã hội Việt Nam.

Xét ở phạm vi rộng, chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bao gồm tổng thể của các loại lĩnh vực hoạt động cơ bản trong tiến trình TTHS, là: chính sách pháp luật tương ứng với các lĩnh vực khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số hoạt động thi hành án. Ngoài ra, chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội còn được thể hiện thông qua nguyên tắc, quan điểm và đường lối xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Như vậy, nội hàm chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bao hàm hầu hết các hoạt động trong tiến trình TTHS là khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Với ý nghĩa đó, chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi là nền tảng lý luận, pháp lý cũng như thực tiễn sâu sắc cho việc hoạch định, ban hành và thực thi pháp luật TTHS trong từng lĩnh vực cụ thể đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Chính sách pháp luật TTHS là những phương hướng có tính chất chỉ đạo, chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện, không chỉ xử lý đối với người 18 tuổi phạm tội mà còn để bảo vệ họ, tạo điều kiện cho họ có cơ hội để sửa chữa sai lầm, giáo dục họ thành người có ích cho xã hội, như Đảng ta đã khẳng định “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.

(3) Chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội góp phần đảm bảo thực hiện tốt nhất về đường lối TTHS của Nhà nước, góp phần thực hiện có hiệu quả nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhằm đảm bảo thực hiện tốt đường lối về TTHS và trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay, góp phần đưa các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền vào đời sống thực tế, yêu cầu các chủ thể tiến hành tố tụng tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật nói chung và pháp luật TTHS nói riêng, tiến tới xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở Việt Nam. Đặc biệt, chính sách pháp luật TTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là nền tảng cho việc bảo đảm và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi phạm tội trong quá trình tiến hành các biện pháp khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Như vậy, với việc làm rõ nội hàm và các đặc điểm của chính sách pháp luật TTHS, tác giả đặt ra cơ sở lý luận quan trọng cho việc nghiên cứu thực trạng về xây dựng, thực thi chính sách pháp luật TTHS Việt Nam đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, góp phần hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đại Hội đồng Liên hiệp quốc (1989), Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em, theo Nghị quyết số 44-25 ngày 20/11/1989 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam phê chuẩn ngày 20/2/1990.
  2. Nguyễn Như Ý (2001), Từ điển Tiếng Việt phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. V.I. Lênin (1970), V.I. Lênin toàn tập, Tập 15, Nxb Sự thật (Chính trị Quốc gia), Hà Nội.
  4. Võ Khánh Vinh (2015), Chính sách pháp luật: Khái niệm và các dấu hiệu, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 11/2015.
  5. Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, ban hành ngày 27/11/2015 .

DISCUSSING THE CONCEPT

OF REGULATIONS ON CRIMINAL PROCEEDINGS

FOR CRIMES COMMITTED BY PEOPLE UNDER 18

● Master. HUYNH THI KIM ANH

People’s Security University

ABSTRACT:

The fight against crimes in general and crimes committed by people under 18 in particular is the responsibility of every citizen, family, state agencies and the whole society. This fight can only achieve positive results thanks to the great participation of all strata of society with a diverse system of measures. In particular, there must be a system of perspectives, guidelines, and appropriate and timely directions to ensure that each step of the fight is strategically appropriate in each certain conditions and circumstances. The system of viewpoints, guidelines, and directives in the fight against crime committed by people under 18 years of age is known as the Criminal Code including regulations on criminal proceedings. This article analyzes approaches and presents the concept and characteristics of regulations on criminal proceedings. This article is expected to become a reference source for futher studies on the criminal code.

Keywords: Criminal proceedings, offenses, person under 18 years old, legal policies.