Bàn về kiểm soát nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân trong hoạt động chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phiếu trong công ty cổ phần tại Việt Nam

DƯƠNG QUỐC CƯỜNG (Tòa án Nhân dân quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích một số qui định về nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân trong hoạt động chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phiếu trong công ty cổ phần tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số kiến nghị về hoàn thiện pháp luật thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng này.

Từ khóa: Nghĩa vụ nộp thuế, chuyển nhượng phần vốn góp, chuyển nhượng cổ phiếu, chuyển nhượng quyền tài sản, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

  1. Đặt vấn đề

Hoạt động chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), cổ phiếu trong công ty cổ phần là hoạt động thường xuyên diễn ra trong nền kinh tế của thị trường Việt Nam. Việc nhà đầu tư thu được lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng phần vốn góp hay cổ phiếu phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế được qui định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản khác có liên quan, cụ thể quyền chuyển nhượng phần vốn góp được qui định tại Điều 53 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (LDN) và quyền chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông qui định tại Điều 126 LDN.

Đối với nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều luật thuế thu nhập cá nhân và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (gọi tắt là Nghị định số 65/2013/NĐ-CP) có thu nhập chịu thuế và được hướng dẫn tại Điều 11 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 (TT 111/2013). Ngoài ra, cá nhân nước ngoài khi chuyển nhượng thu nhập chịu thuế còn được quy định trong TT 111/2013/TT-BTC) được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC. Xuất phát từ thực tiễn cho thấy, đã tồn tại rất nhiều bất cập trong hoạt động thu thuế chuyển nhượng phần vốn góp cũng như cổ phiếu giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau, nhà đầu tư nước ngoài với nhau hay nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước. Một trong những nguyên nhân làm thất thoát thuế nhà nước là sự không trung thực từ việc khai báo thuế, do các nhà đầu tư luôn mong muốn tối đa hóa lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của mình, từ đó làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách để phát triển kinh tế, đặc biệt xuất phát từ hành vi này của nhà đầu tư, đã bóp méo thị trường trong giao lưu dân sự, gây ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của nền kinh tế.

 Nhận thấy được những biểu hiện tiêu cực này, tác giả mong muốn thông qua bài viết, tác giả phân tích những hạn chế, bất cập pháp luật và đề xuất hoàn thiện pháp luật nhằm góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam, quá trình nghiên cứu của đề tài, tác giả xin giới hạn phạm vi nghiên cứu xung quanh việc kiểm soát nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH và cổ phiếu trong công ty cổ phần theo pháp luật Việt Nam (không bao gồm chuyển nhượng vốn giữa doanh nghiệp với cá nhân và doanh nghiệp với doanh nghiệp).

  1. Qui định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ tính thuế đối với thu nhập chuyển nhượng vốn tại khoản 4 Điều 2 (TT 111/2013) thu nhập từ chuyển nhượng vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn.

b) Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo qui định của LDN. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn tại Điều 11 của Thông tư 111/2013.

(1) Đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp: Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập tính thuế và thuế suất.

Thu nhập tính thuế: Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Trong đó, giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn. Giá mua của phần vốn chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn. Trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng bao gồm: Trị giá phần vốn góp thành lập doanh nghiệp, trị giá phần vốn của các lần góp bổ sung, trị giá phần vốn do mua lại, trị giá phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn. Cụ thể như sau:

- Đối với phần vốn góp thành lập doanh nghiệp là trị giá phần vốn tại thời điểm góp vốn. Trị giá vốn góp được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ.

- Đối với phần vốn góp bổ sung là trị giá phần vốn góp bổ sung tại thời điểm góp vốn bổ sung. Trị giá vốn góp bổ sung được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ.

- Đối với phần vốn do mua lại là giá trị phần vốn đó tại thời điểm mua. Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp. Trường hợp hợp đồng mua lại phần vốn góp không có giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá mua theo pháp luật về quản lý thuế.

- Đối với phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn là giá trị lợi tức ghi tăng vốn.

Các chi phí liên quan: Được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của hoạt động chuyển nhượng vốn là những chi phí hợp lý thực tế phát sinh liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn, có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định.

Thuế suất: Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực. Riêng đối với trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn. Cách tính thuế:

(2) Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán: Căn cứ tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán là thu nhập tính thuế và thuế suất.

Thu nhập tính thuế: Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán chứng khoán trừ giá mua và các chi phí hợp lý liên quan đến việc chuyển nhượng.

a) Giá bán chứng khoán được xác định như sau:

a.1.) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá bán chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.

a.1.2) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán, giá bán là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán. 

a.1.3) Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp nêu trên, giá bán là giá thực tế chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm gần nhất trước thời điểm chuyển nhượng. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá bán hoặc giá bán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá bán theo pháp luật về quản lý thuế.

b) Giá mua chứng khoán được xác định như sau:

b.1) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá mua chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.

b.2) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán, giá mua là giá ghi trên hợp đồng nhận chuyển nhượng chứng khoán.

b.3) Đối với chứng khoán mua thông qua đấu giá thì giá mua chứng khoán là mức giá ghi trên thông báo kết quả trúng đấu giá cổ phần của tổ chức thực hiện đấu giá cổ phần và giấy nộp tiền.

b.4) Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp nêu trên, giá mua là giá thực tế mua ghi trên hợp đồng nhận chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm gần nhất trước thời điểm mua. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá mua hoặc giá mua trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá mua theo pháp luật về quản lý thuế.

Các chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán là các khoản chi phí thực tế phát sinh của hoạt động chuyển nhượng chứng khoán có hóa đơn, chứng từ. 

Thuế suất và cách tính thuế.

Đối với trường hợp áp dụng thuế suất 20%.

Nguyên tắc áp dụng: Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán áp dụng nộp thuế theo thuế suất 20% là cá nhân đã đăng ký thuế, có mã số thuế tại thời điểm làm thủ tục quyết toán thuế và xác định được thu nhập tính thuế của từng loại chứng khoán theo hướng dẫn tại điểm a, khoản 2, Điều 11 Thông tư này. Riêng giá mua của chứng khoán được xác định bằng tổng giá mua bình quân của từng loại chứng khoán bán ra trong kỳ như sau:

Cách tính thuế:

Khi quyết toán thuế, cá nhân áp dụng thuế suất 20% được trừ số thuế đã tạm nộp theo thuế suất 0,1% trong năm tính thuế.

Đối với trường hợp áp dụng thuế suất 0,1%.

Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán phải tạm nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần kể cả trường hợp áp dụng thuế suất 20%. Cách tính thuế:

(3) Thời điểm xác định thu nhập tính thuế:

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán được xác định như sau: 1) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán là thời điểm người nộp thuế nhận thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán. 2) Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán là thời điểm chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán. 3) Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán có hiệu lực. 4) Đối với trường hợp góp vốn bằng chứng khoán mà chưa phải nộp thuế khi góp vốn thì thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán do góp vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

Với những qui định trên tác giả nhận thấy như sau:

Thứ nhất, thành viên góp vốn sau quá trình kinh doanh thì họ có quyền chuyển nhượng phần vốn góp mà mình là chủ sở hữu cho nhà đầu tư khác, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng ở đây có thể là nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Về giá chuyển nhượng do các bên trong giao dịch thỏa thuận, cơ quan nhà nước không can thiệp vào việc định giá thay đương sự và đây cũng là quyền tự do kinh doanh của cá nhân, tổ chức, nếu chuyển nhượng phần vốn góp có lợi nhuận hoặc chuyển nhượng cổ phiếu mới đóng thuế từ việc chuyển nhượng này. Chúng ta cần hiểu rằng, thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn góp và các khoản chi phí liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ việc chuyển nhượng vốn. Giá chuyển nhượng là giá thực thế nhận được không thể dựa vào hợp đồng khống-khi thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp. Trường hợp hợp đồng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán ghi trên hợp đồng không phù hợp với giá trị trên thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng. Căn cứ của việc ấn định giá chuyển nhượng là dựa vào tài liệu điều tra của cơ quan thuế nhưng thực tế thì cơ quan thuế không có chức năng điều tra hoặc giá chuyển nhượng vốn của các trường hợp khác cùng thời gian, cùng tổ chức kinh tế hoặc hợp đồng chuyển nượng tương tự, như vậy, cơ quan thuế đã đi rất sâu vào việc ấn định thuế, xét về thực tế, cơ quan thuế không nên đi sâu vào ấn định thuế vì rất phức tạp. Đối với giá mua nếu phần vốn góp là giá mua lại thì giá mua là giá trị phần vốn đó tại thời điểm mua. Giá mua này được căn cứ vào hợp đồng được mua lại phần vốn góp; nếu là chuyển nhượng vốn góp vốn thành lập doanh nghiệp thì đó là trị giá phần vốn tại thời điểm góp vốn, trị giá vốn góp được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán - hóa đơn - chứng từ. Với qui định này, pháp luật hoàn toàn trao cho nhà đầu tư quyền tự do thỏa thuận việc kinh doanh của mình, quyết định giá cả trong giao kết và ký kết hợp đồng mua và bán. Về chi phí liên quan bao gồm: Chi phí thực hiện thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng vốn; các chi phí và lệ phí mà người chuyển nhượng phải nộp ngân sách nhà nước khi làm thủ tục chuyển nhượng; các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng vốn, hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Thuế suất 20%, nhà đầu tư cư trú chỉ phải đóng khi có lợi nhuận. Trong trường hợp, sau khi chuyển nhượng, nhà đầu tư không thu được lợi nhuận thì về nguyên tắc vẫn phải kê khai thuế nhưng không phải đóng thuế nhà nước, thời điểm xác nhận thu nhập chịu thuế là từ thời điểm các bên tham gia chuyển nhượng làm thủ tục khai báo, chuyển quyền sở hữu với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán bao gồm thu nhập do chuyển nhượng cổ phiếu, pháp luật thuế thu nhập cá nhân qui định, bên chuyển nhượng phải đóng thuế với thuế suất 0.1% giá trị cổ phiếu. Như vậy, đối với cổ phiếu, pháp luật không quan tâm đến lợi nhuận có thu được hay không từ hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu, việc thu một khoản thuế này giống như “ấn định thuế” vào cổ phiếu khi chuyển nhượng. Đối với cổ phiếu đã tham gia vào giao dịch trên thị trường chứng khoán, việc xác định giá trị cổ phiếu là giá giao dịch được xác lập trên thị sàn chứng khoán; tuy nhiên đối với cổ phiếu chưa tham gia vào thị trường chứng khoán thì giá trị cổ phiếu do các bên thỏa thuận và được ghi nhận trên sổ sách kế toán hoặc hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán là cổ phiếu. Trường hợp trên hợp đồng không ghi giá chuyển nhượng thì cơ quan thuế mới căn cứ sổ sách, mà khi cá nhân nộp hồ sơ thuế, trong hồ sơ khai thuế, cá nhân khai thuế không có sổ sách nên việc phát hiện giá trên hợp đồng thấp hơn sổ sách chỉ khi thực hiện kiểm tra.

Thứ ba, sự khác nhau giữa hai loại thuế suất và cách tính như hiện nay do xuất phát từ cơ sở sau. Một là, đối với phần vốn góp trong công ty TNHH, pháp luật chưa cho phép nhà đầu tư giao dịch phần vốn góp giống như những giao dịch chứng khoán là cổ phiếu trên sàn chứng khoán nên việc thu thuế vào ngân sách nhà nước chỉ căn cứ vào giá trị mua trừ giá bán và một số chi phí phát sinh nhân với thuế suất 20% (trên lợi nhuận). Hai là, đối với cổ phiếu được giao dịch trên thị trường chứng khoán, thì người bán (chủ sở hữu) phải đóng thuế với mức thuế suất 0.1% giá trị chuyển nhượng, xuất phát từ tính chất đặc thù của cổ phiếu là nhà đầu tư “dễ dàng chuyển nhượng và vòng xoay giao dịch của chuyển nhượng cổ phiếu” diễn ra rất nhanh trên thị trường nên thuế thu nhập cá nhân không thể nào căn cứ vào giá mua trừ đi giá bán và một số chi phí khác để tính thuế phải thu nộp vào ngân sách nhà nước.

  1. Một số vướng mặc, bất cập của hoạt động thu thuế chuyển nhượng phần vốn góp hay cổ phiếu

Với các qui định pháp luật nêu trên có một số bất cập như sau:

Thứ nhất, đối với hoạt động chuyển nhượng phần vốn góp. Pháp luật doanh nghiệp cho phép các nhà đầu tư, mà cụ thể là thành viên góp vốn có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình theo ý chí của họ và những nhà đầu tư này phải có nghĩa vụ nộp thuế theo qui định pháp luật nhưng thực tế cho thấy qui định pháp luật về chuyển nhượng phần vốn góp đã tồn tại nhiều“lỗ hổng”cần phải được điều chỉnh, nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế của các nhà đầu tư, việc qui định thu nhập từ chuyển nhượng vốn, nhà đầu tư phải nộp thuế với mức thuế suất 20% trên lợi nhuận, qui định này sẽ hiệu quả nếu nhà đầu tư “trung thực” trong việc kê khai giá mua, giá bán và một số chi phí hợp lý khác. Khi giá mua thực tế cao hơn giá bán nhưng nhà đầu tư lại thể hiện trên hợp đồng là bằng với giá bán thì vấn đề đóng thuế sẽ không được đặt ra. Như vậy, việc xác định giá trị thực tế từ việc chuyển nhượng phụ thuộc vào sự trung thực của nhà đầu tư. Chúng ta biết rằng, việc “tối đa hóa lợi nhuận” là nhu cầu luôn luôn tồn tại trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Vấn đề là nếu người nhận chuyển nhượng và người chuyển nhượng thỏa thuận “ghi trên hợp đồng chuyển nhượng nộp cho cơ quan thuế” giá mua bằng giá bán thì câu chuyện lợi nhuận sẽ không thể tồn tại, vậy là “thương vụ” thỏa thuận nhằm trốn thuế của người bán và người mua đã thành công. Cơ quan thuế không có cơ sở tính thuế và thu thuế.

Mặt dù Luật Thuế thu nhập cá nhân có dữ liệu trong trường hợp cơ quan thuế phát hiện cá nhân có sự gian lận thuế thì có quyền tiến hành kiểm tra và buộc người trốn thuế phải đóng thuế, song thực tế cho thấy, việc kiểm tra quá trình chuyển nhượng phần vốn góp của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, do hầu hết doanh nghiệp đều tồn tại hai hệ thống sổ sách kế toán, chứng từ. Do vậy, dù cơ quan thuế có kiểm tra đi chăng nữa, cơ quan thuế cũng “rất khó” phát hiện sự gian lận trong chứng từ giao dịch từ hợp đồng chuyển nhượng vốn. Hơn nữa, lực lượng kiểm tra thuế doanh nghiệp không đủ lớn, chưa nói đến chính sách kinh tế hiện nay là hạn chế gây phiền hà cho doanh nghiệp nên việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp chứng từ kiểm tra hoạt động mua bán của họ để thu thuế là một vấn đề phải xem xét thật thận trọng.

Thứ hai, nếu chúng ta không có cơ chế kiểm tra “dòng chảy lợi nhuận”, dòng chảy lợi nhuận không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến thất thu thuế nhà nước, đi ngược lại chính sách pháp luật cũng như nguyện vọng của nhân dân.

Đặc biệt, việc chuyển nhượng vốn giữa các nhà đầu tư là người nước ngoài (nhà đầu tư mang quốc tịch nước ngoài hoặc người Việt Nam nhưng mang quốc tịch nước ngoài) họ có thể cùng nhau thỏa thuận giá chuyển nhượng làm sao có lợi nhất cho người bán cũng như người mua, nhằm mục đích hai bên cùng có lợi, cho dù hiện nay pháp luật có qui định đối với người nước ngoài đóng thuế khi chuyển nhượng sẽ khấu trừ để nộp thuế trong trường hợp hai bên đã thỏa thuận ngầm và bị phát hiện thì bên nhận chuyển nhượng phải thực hiện khấu trừ và nộp thêm, việc phát hiện những thỏa thuận trên vô cùng khó khăn và tốn nhiều thời gian. Tác giả nhận thấy rằng, ngoài chế tài của Luật Thuế thu nhập cá nhân, bộ luật dân sự hiện hành cũng có qui định qui định tính chất liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do thỏa thuận gây thiệt hại cho người thứ ba, tuy nhiên khi cả người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng đều là người nước ngoài, sau khi họ chuyển nhượng xong là di chuyển đến các nước khác trên thế giới để đầu tư, vì vậy, việc pháp luật buộc họ phải bồi thường thiệt hại là điều vô cùng khó khăn.

Thứ ba, đối với hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu, thuế suất 0,1% giá trị cổ phiếu bán ra trên thị trường chứng khoán, có ý kiến cho rằng, thuế suất 0,1% là quá cao và không hợp lý nếu như vì lý do nào đó như nhà đầu tư muốn thu hồi vốn chẳng hạn, nhà đầu tư buộc phải bán lỗ (bán thấp hơn giá mua) thì việc phải nộp 0,1% giá trị chứng khoán khi bán là hoàn toàn không phù hợp, về ý kiến này, tác giả không đồng tình ủng hộ vì khi xây dựng thuế suất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xem xét tất cả yếu tố liên quan đến hoạt động lành mạnh của nền kinh tế trên thị trường.

Về vấn đề nộp thuế với thuế suất 0,1% giá trị chuyển nhượng cổ phiếu đối với chứng khoán chưa giao dịch trên thị trường là vấn đề rất cần quan tâm xem xét sao cho phù hợp thực tế khi nhà đầu tư nộp thuế suất 0,1%. Vì khi chứng khoán chưa được giao dịch trên thị trường, chứng khoán luôn luôn được ghi nhận và tồn tại trên hai hệ thống sổ sách kế toán doanh nghiệp, và điều đương nhiên, giá trị thực của giao dịch trốn thuế thường tồn tại trong hệ thống sổ sách riêng. Mặc dù pháp luật thuế thu nhập cá nhân có điều chỉnh rằng, trong trường hợp cơ quan thuế xét thấy cần kiểm tra giá trị thực tế khi giao dịch liên quan đến chứng khoán này, cơ quan thuế có quyền kiểm tra sổ sách kế toán doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu cơ quan thuế chỉ tiếp cận với sổ sách kế toán mà doanh nghiệp mong muốn che giấu giá trị thực của hợp đồng, làm giảm giá trị thực của nó, nhằm đóng thuế thấp thì cơ quan thuế cũng khó lòng phát hiện.

  1. Kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật

Từ các vướng mắc nêu trên, theo tác giả, pháp luật liên quan đến nghĩa vụ đóng thuế của thành viên góp vốn đang sở hữu phần vốn góp trong công ty TNHH và cổ phiếu trong công ty cổ phần khi chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phiếu của mình, đặc biệt là luật thuế thu nhập cá nhân cần được sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, cần “kiểm soát dòng tiền” mà cá nhân đang sở hữu phần vốn góp trong công ty TNHH hay cổ phần trong công ty cổ phần một cách chặt chẽ, bởi vì khi cơ quan thuế “nghi ngờ” có sự không trung thực giữa người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng phần vốn góp hay cổ phiếu thì thông qua việc trích sao tài khoản sao kê từ ngân hàng, cơ quan thuế sẽ kiểm tra được tổng số tiền mà người nhận chuyển nhượng đã thanh toán cho người chuyển nhượng. Nếu chúng ta không có cơ chế kiểm soát mọi giao dịch của nhà đầu tư như phải thông qua chuyển khoản tại ngân hàng thì sẽ còn tồn tại những thỏa thuận, người nhận chuyển nhượng chỉ thanh toán một số tiền nào đó được ghi nhận trên hợp đồng, số tiền còn lại sẽ thanh toán bằng tiền mặt chẳng hạn.

Thứ hai, cần “trao cho cơ quan thuế quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp đầy đủ các giao dịch giữa người nhận chuyển nhượng và người chuyển nhượng” mà cơ quan thuế xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhằm kiểm tra giá trị thật của các giao dịch liên quan đến phần vốn góp hay cổ phiếu của người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng. Bởi trên thực tế, chỉ có các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết tranh chấp như cơ quan tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan công an nhân dân và cơ quan thanh tra nhà nước mới có đầy đủ quyền hạn yêu cầu ngân hàng cung cấp toàn bộ giao dịch liên quan đến người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng tài sản trên và thực tế cũng cho thấy rằng, khi cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng đang quản lý tài khoản của người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng cung cấp những giao dịch của họ liên quan đến chuyển nhượng vốn thì hầu như cơ quan thuế chỉ nhận được bảng sao kê số dư tài khoản của người này.

Mục đích của qui định này nhằm giúp cơ quan thuế kiểm soát xem giao dịch thông qua tài khoản cao hơn hay thấp hơn giao dịch ghi nhận trên hợp đồng, từ đó hạn chế những thỏa thuận ngầm giá trị những giao dịch trên thực tế cao hơn rất nhiều so với giá trị ghi nhận trên hợp đồng.

Thứ ba, theo qui định pháp luật doanh nghiệp và luật chứng khoán thì khi nhà đầu tư góp vốn bằng tài sản của mình sau khi hoàn thành thủ tục góp vốn thì họ được sở hữu phần vốn góp với tỷ lệ nhất định theo vốn điều lệ công ty nếu như nhà đầu tư sở hữu cổ phần dưới dạng một số cổ phiếu nhất định thì những cổ phiếu này giá trị của nó sau này chắc chắn khi đủ điều kiện tham gia thị trường chứng khoán thì giá trị thực của nó rất dễ dàng xác định thông qua giao dịch được kiểm soát trên thị trường chứng khoán nhưng đối với giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH, vì pháp luật không cho phép chủ sở hữu phần vốn góp thực hiện thủ tục giao dịch trên sàn chứng khoán, vậy việc xác định giá trị thực tế của nó rất khó, hầu hết đều phải dựa vào công ty có chức năng thẩm định giá để định giá nếu có tranh chấp về giá hoặc giá của nó do các bên thỏa thuận. Do đó, nhằm hạn chế thỏa thuận giá mua bằng với giá bán thì pháp luật cần ban hành qui định kiểm soát giao dịch của các nhà đầu tư tại “trung tâm giao dịch quyền tài sản là phần vốn góp” trong công ty.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015; The Civil Code no. 91/2015/QH13 dated November 24, 2015.
  2. Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014; The Enterprise Law no. 68/2014/QH13 dated November 26, 2014.
  3. Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014; The Investment Law no. 67/2014/QH13 dated November 26, 2014.
  4. Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 ngày 25/11/2009; The Law on Natural Resources Tax no. 45/2009/QH12 dated November 25, 2009.
  5. Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007; The Law on personal income tax no. 04/2007/QH12 dated November 21, 2007.
  6. Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 ngày 22/11/2012; The Law on amending and supplementing a number of articles of the Law on personal income tax no. 26/2012/QH13 dated November 22, 2012.
  7. Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006; The Law on Tax Administration no. 78/2006/QH11 dated November 29, 2006.
  8. Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012; The Law on amending and supplementing a number of articles of the Law on Tax Administration no. 21/2012/QH13 dated November 20, 2012.
  9. Căn cứ Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013 của Chính phủ qui định một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân; Pursuant to the Decree no. 65/2013/ND-CP dated June 27, 2013 of the Government on stipulating a number of articles of the Law on Personal Income Tax and the Law on amending and supplementing a number of Aarticles of the Law on Personal Income Tax.
  10. Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013 của Chính phủ qui định một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân; The Circular 111/2013/TT-BTC dated August 15, 2013 with respect to guiding the implementation of the Law on Personal Income Tax and the Law on amending and supplementing a number of articles of the Law on Personal Income Tax and Decree no. 65/2013/ND-CP dated June 27, 2013 of the government on stipulating a number of articles of the Law on Personal Income Tax and the Law on amending and supplementing a number of articles of the Law on Personal Income Tax.

CONTROLLING PERSONAL TAX OBLIGATIONS RELATED TO TRANSFER OF CONTRIBUTED CAPITAL IN LIMITED LIABILITY COMPANIES AND SHARES IN JOINT STOCK COMPANIES  IN VIETNAM

DUONG QUOC CUONG

People's Court of Binh Tan District, Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This article analyzes some regulations on personal tax obligations related to the transfer of contributed capital in limited liability companies, shares of joint stock companies in Vietnam, thereby giving some recommendations to improve the effectiveness of Law on personal income tax.

Keywords: Tax obligation, transfer of contributed capital, shares transfer, transfer ownership of properties, limited liability company, joint-stock company.