Bang Tây Úc mong muốn cùng Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp hai bên khai thác tiềm năng và cơ hội do Hiệp định CPTPP

Việt Nam không chỉ hợp tác với Úc với vai trò là một thành viên của ASEAN. Hai nước cũng là thành viên của một hiệp định thương mại đa phương tiến bộ và toàn diện nhất hiện nay, CPTPP.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, Chiều ngày 25 tháng 4 năm 2019, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã có buổi tiếp và làm việc với Ông Peter Tinley, Bộ trưởng phụ trách Thúc đẩy hợp tác với Châu Á của Bang Tây Úc (Úc).

Tham dự buổi tiếp cùng Thứ trưởng Trần Quốc Khánh có đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu và Vụ Dầu khí và Than. Phía Úc có đại diện Đại sứ quán Úc tại Hà Nội và các đại diện của Chính quyền Bang Tây Úc trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và giáo dục tại khu vực Châu Á và Việt Nam tham dự.

Mở đầu buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chào mừng Bộ trưởng Tinley và đoàn công tác đã đến thăm Việt Nam và làm việc với Bộ Công Thương ngày hôm nay. Thứ trưởng đánh giá cao chuyến thăm và cho rằng với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới sâu và toàn diện hơn nữa cho các nước thành viên, trong đó có Việt Nam và Úc. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về các khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Úc, các lĩnh vực hợp tác nhiều tiềm năng giữa Việt Nam và bang Tây Úc (như khai khoáng, nông nghiệp, du lịch, giáo dục đào tạo, vận tải hàng không, đầu tư, thương mại sản phẩm khoáng sản, nhiên liệu, khí LNG, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản...) và một số giải pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Bên.

Bộ trưởng Tinley chia sẻ mục đích chuyến đi của ông tới Việt Nam lần này nhằm quảng bá, giới thiệu về tiềm năng phát triển, thế mạnh và nhu cầu hợp tác của Bang Tây Úc với các cơ quan Nhà nước cũng như Chính quyền một số địa phương tại Việt Nam. Với thế mạnh từ nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt phong phú kéo dài dọc bờ biển phía tây nước Úc, Bang Tây Úc mong muốn thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác trong lĩnh vực khai thác và buôn bán dầu mỏ, khí hóa lỏng. Ông cũng chia sẻ mong muốn cùng Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp hai Bên khai thác tiềm năng và cơ hội do Hiệp định CPTPP mang lại. Ông mong muốn quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại hai Bên không đơn thuần là mua bán, trao đổi hàng hóa mà là đối tác bền vững lâu dài. Hơn thế nữa, với kinh nghiệm của mình Bang Tây Úc luôn sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho phía Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác giáo dục, hướng nghiệp, trao đổi chuyên gia.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tinley cũng chia sẻ mong muốn Hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ sớm có đường bay trực tiếp từ Việt Nam đến Thành phố Perth, thủ phủ của Bang Tây Úc. Bang Tây Úc đang không ngừng cải thiện các cơ sở hạ tầng, trong đó có có sân bay quốc tế Perth để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đi lại của doanh nhân, du khách cũng như du học sinh của Việt Nam đến với Bang Tây Úc.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng Việt Nam hiện nay đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, giúp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực với nhiều đối tác. Việt Nam không chỉ hợp tác với Úc với vai trò là một thành viên của ASEAN. Hai nước cũng là thành viên của một hiệp định thương mại đa phương tiến bộ và toàn diện nhất hiện nay, CPTPP. Úc là đối tác quan trọng của Việt Nam không chỉ ở góc độ là nhà cung cấp các nguyên liệu cho ngành công nghiệp và năng lượng mà còn là nhà đầu tư nhiều tiềm năng. Cơ cấu xuất nhập khẩu hai Bên đã có rất nhiều thay đổi trong một thập kỷ qua khi Việt Nam đã đa dạng hóa hơn các mặt hàng xuất khẩu, theo hướng thu hẹp xuất khẩu các mặt hàng nhiên liệu, tài nguyên và gia tăng về số lượng mặt hàng cũng như kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, chế biến có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao như hàng điện tử, máy móc thiết bị, hàng chế biến sâu như thủy sản đông lạnh. 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh mong muốn với thế mạnh của Bang Tây Úc như khai khoáng (dầu mỏ, khí đốt hóa lỏng, quặng sắt), nông nghiệp chất lượng cao, ngành đóng tàu, cùng với lợi thế về vị trí địa lý, hai Bên sẽ sớm xây dựng một cơ chế cung ứng nguyên nhiên liệu bền vững và phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác lâu dài. Thứ trưởng đề nghị phía Úc hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật cho phía Việt Nam trong các lĩnh vực như khai khoáng, nông nghiệp, sản xuất máy móc. Thứ trưởng hi vọng quan hệ hợp tác song phương không chỉ dừng lại ở trao đổi hàng hóa mà còn cần được thúc đẩy, mở rộng sang các lĩnh vực khác như hợp tác kỹ thuật, đào tạo nâng cao kỹ năng, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất hàng hóa để xuất khẩu sang nước thứ ba. Thứ trưởng cũng đề nghị Bang Tây Úc cử ra cơ quan đầu mối để phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi của Việt Nam trong việc thảo luận kế hoạch và các hoạt động hợp tác cụ thể để giúp kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước, xác định các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để cùng phối hợp tháo gỡ. 

Trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Úc tăng trưởng mạnh trong năm 2018 (kim ngạch XNK của Việt Nam với Úc đạt 7,7 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2017) và 3 tháng đầu năm 2019 (đạt hơn 1,76 tỷ USD, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2018). Riêng với Bang Tây Úc, năm tài chính 2017-2018, Bang Tây Úc xuất khẩu sang Việt Nam 898 triệu AUD, nhập khẩu từ Việt Nam 228 triệu AUD. Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Bang Tây Úc.

PV