Báo cáo phát triển Việt Nam 2014: Việt Nam cần trang bị những kỹ năng mới cho lực lượng lao động

“Người lao động Việt Nam cần trang bị các kỹ năng nhận thức, hành vi và kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của người sử dụng lao động” là đánh giá được đưa ra tại Lễ Công bố Báo cáo phát triển
Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 có tựa đề "Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam". Đánh giá tại Lễ Công bố, Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ: Tỷ lệ lao động Việt Nam có kỹ năng đọc, viết và tính toán cao hơn so với các nước khác, kể cả các nước giàu có hơn Việt Nam, nhưng một lực lượng lao động có kỹ năng cao mới sẽ là chìa khóa thành công trong chuyển đổi kinh tế.

Theo báo cáo, tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế sẽ dẫn tới sự dịch chuyển của cầu đối với lao động, chuyển từ các công việc chủ yếu là thủ công và đơn giản ngày nay sang các công việc phi thủ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn; chuyển từ các công việc chủ yếu là các thao tác, nhiệm vụ thường quy sang các nhiệm vụ không thường quy. Và những công việc mới đó luôn đòi hỏi những kỹ năng mới.

Dựa trên một cuộc khảo sát dành cho người sử dụng lao động ở các đô thị, báo cáo cho thấy người sử dụng lao động xác định các kỹ năng kỹ thuật liên quan trực tiếp đến công việc là kỹ năng quan trọng nhất. Đồng thời, họ cũng tìm kiếm các kỹ năng nhận thức như kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện, và các kỹ năng hành vi như kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp. Việc định hướng lại hệ thống giáo dục để tập trung hơn vào các kỹ năng này sẽ giúp người lao động Việt Nam sẵn sàng cho tương lai vì những kỹ năng rất quan trọng đối với hầu hết các ngành.

Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 nhận định nền giáo dục Việt Nam có truyền thống thành tích rất tốt trong việc cung cấp các kỹ năng đọc viết và tính toán cơ bản, nhưng nền giáo dục đang phải đối mặt với những thách thức lớn hơn về việc đào tạo các kỹ năng tiên tiến theo yêu cầu sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới. Báo cáo đề xuất một kế hoạch ba bước để thực thi chiến lược tổng thể về kỹ năng cho Việt Nam gồm: Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học thông qua phát triển giáo dục mầm non; Xây dựng nền tảng nhận thức và hành vi trong giáo dục phổ thông; Phát triển kỹ năng kỹ thuật phù hợp với công việc thông qua một hệ thống được kết nối tốt hơn giữa người sử dụng lao động với sinh viên, các trường đại học và các trường dạy nghề.

Báo cáo kêu gọi Chính phủ cần có hành động ngay vì những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có thể phải cần đến một thế hệ để xây dựng một lực lượng lao động được trang bị đúng những kỹ năng phù hợp. Đồng thời, báo cáo cũng nhấn mạnh, việc chuẩn bị lực lượng lao động cho một nền kinh tế công nghiệp không phải chỉ là việc của riêng Chính phủ. Công việc này đòi hỏi sự thay đổi về hành vi của tất cả các tác nhân tham gia vào hoạt động phát triển kỹ năng như người sử dụng lao động, các trường đại học và cơ sở đào tạo, sinh viên cũng như phụ huynh học sinh.

Khuyến nghị của báo cáo cho phát triển kỹ năng ở Việt Nam

•Bước 1: Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học thông qua phát triển giáo dục mầm non
-Giáo dục mầm non cho trẻ từ 0-3 tuổi: Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và tạo kích thích phát triển trí tuệ; Trợ giúp xã hội và công tác xã hội giúp đỡ các cha mẹ nghèo có được những lựa chọn tốt hơn cho con em mình.
-Giáo dục mẫu giáo cho trẻ em từ 3-5 tuổi: Phổ cập tiếp cận mẫu giáo bán trú; Biến các chương trình giáo dục hiện đại lấy trẻ làm trung tâm trở thành dịch vụ chất lượng cao trên thực tế, trong đó tập trung xây dựng các kỹ năng nhận thức và hành vi ở tất cả các lớp học thông qua việc nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên hiện nay.

•Bước 2: Xây dựng nền tảng nhận thức và hành vi trong giáo dục phổ thông
-Giáo dục nhiều hơn cho mọi người,cùng với học hai buổi/ngày và mở rộng tiếp cận đến giáo dục bậc trung học.
-Giáo dục tốt hơn cho mọi người, cùng với chương trình, phương pháp giảng dạy và đánh giá để khuyến khích việc phát triển các kỹ năng nhận thức và hành vi ở học sinh.
-Giáo dục có sự tham gia nhiều hơn của cha mẹ và cộng đồng

•Bước 3: Phát triển kỹ năng kỹ thuật phù hợp với công việc thông qua một hệ thống được kết nối tốt hơn giữa người sử dụng lao động, sinh viên và các trường đại học và dạy nghề.
-Thông tin tốt hơn: Quan hệ hợp tác mở rộng giữa các doanh nghiệp với các trường đại học và các cơ sở dạy nghề sẽ cung cấp thông tin tốt hơn về các kỹ năng cần thiết và các cơ hội việc làm.
-Động cơ khuyến khích đúng đắn: Tăng cường quyền tự chủ về thể chế cho các trường đại học và các cơ sở dạy nghề và củng cố cơ chế chịu trách nhiệm giải trình trước kết quả, xác định tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp và chất lượng, đánh giá và xác nhận cho sinh viên tốt nghiệp.
-Năng lực phù hợp: Đầu tư cho đào tạo giảng viên; củng cố năng lực lãnh đạo và quản lý ở các trường đại học và các cơ sở dạy nghề để thực hiện quyền tự chủ về thể chế; và cung cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.