nguoi tieu dung

Hoạt động TMĐT là xu hướng kinh doanh tất yếu trong thời đại công nghệ số và hội nhập kinh tế toàn cầu.  Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là TMĐT xuyên biên giới. Thực tế, nhiều mặt hàng giả, không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được chào bán công khai, dễ dàng tung ra thị trường theo hình thức kinh doanh trực tuyến, qua sàn TMĐT, qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber… được tích hợp các tính năng tiếp thị, đặt hàng, giao hàng, thanh toán như một sàn TMĐT.

Năm 2020, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận 1.428 phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng về một số vấn đề như nhận hàng không đúng như khi đặt, không đặt hàng nhưng vẫn được giao...

Khuôn khổ cho hoạt động TMĐT, hoạt động của mạng xã hội được xây dựng chủ yếu tại Nghị định số 52 Về Thương mại điện tử, năm 2013. Các quy định tại Nghị định 52 được xây dựng trong giai đoạn đầu của TMĐT, nên có những vấn đề chưa được đề cập hoặc chung chung. Cụ thể, tại điều 2 quy định có  3 đối tượng áp dụng tại Nghị định này: Một là, thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam; hai là cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam; ba là thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam. Như vậy, toàn bộ các quy định chỉ áp dụng cho các đối tượng là thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam.

thương mại điện tử
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 52 là cần thiết và cấp bách; không chỉ bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình thương mại

Nhưng qua quá trình triển khai thực hiện, nhiều vấn đề phát sinh đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Nghị định 52. Ví dụ như, nhiều thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nhưng lại có thu nhập phát sinh từ Việt Nam thông qua giao dịch TMĐT xuyên biên giới.

Thực tiễn cho thấy hiện nay hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài đang diễn ra dưới nhiều hình thái khác nhau không thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 1 Điều 2 Nghị định 52. Các hình thái ấy bao gồm:

(i) Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam nhưng có hoạt động thương mại đối với người tiêu dùng Việt Nam;

(ii) Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam tham gia hoạt động thương mại trên các nền tảng TMĐT của Việt Nam;

(iii) Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư vào lĩnh vực TMĐT – là lĩnh vực có hạn chế về tiếp cận thị trường theo cam kết quốc tế của Việt Nam, nhưng không thành lập tổ chức kinh tế, không thực hiện dự án đầu tư, không theo hợp đồng liên doanh mà chủ yếu theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (mua bán, sáp nhập). 

 

Việc không quy định đối tượng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam có phát sinh giao dịch, thu nhập tại thị trường Việt Nam khiến phát sinh những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quản lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trong nước.

 TMĐT là xu hướng kinh doanh tất yếu trong thời đại công nghệ số
 TMĐT là xu hướng kinh doanh tất yếu trong thời đại công nghệ số

Đứng trên phương diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, có thể thấy, trong giao dịch TMĐT xuyên biên giới (theo các hình thái i, ii nêu trên), trường hợp giao dịch phát sinh tranh chấp hoặc khiếu nại của người tiêu dùng, quyền, lợi ích của người tiêu dùng sẽ gặp 3 thách thức lớn, khác biệt cơ bản so với trường hợp phát sinh với chủ thể có hiện diện tại Việt Nam:

Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng khi liên hệ với chủ thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ để giải quyết tranh chấp, khiếu nại sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thực hiện được mà chủ yếu phụ thuộc vào chính sách, thiện chí của từng chủ thể.

Thứ hai, việc cơ quan quản lý nhà nước, các chủ sở hữu hợp pháp đối với sản phẩm yêu cầu các chủ sở hữu của các hình thức TMĐT phối hợp xử lý những hành vi vi phạm pháp luật có nhiều bất cập, khó khả thi do khoảng cách địa lý, độ trễ thời gian, quyền tài phán và thậm chí là phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của các chủ sở hữu nói trên.

Thứ ba, với việc những sàn TMĐT lớn đều cho phép cá nhân và thương nhân nước ngoài mở tài khoản bán hàng và hỗ trợ khâu logistics, dẫn đến người bán nước ngoài đã có thể dễ dàng bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng Việt Nam, và hàng hóa lưu thông theo kênh này không chịu sự kiểm soát về chất lượng cũng như khó quản lý về thuế. Trong bối cảnh hoạt động TMĐT phát triển trên quy mô toàn cầu, đây là những thách thức không nhỏ với cơ quan quản lý không chỉ riêng tại Việt Nam.

Mặt khác, trên phương diện môi trường kinh doanh, việc đảm bảo môi trường kinh doanh có cạnh tranh bình đẳng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu cho sự phát triển bền vững, ổn định của lĩnh vực TMĐT. Thực tiễn hiện nay cho thấy đang có sự bất bình đẳng trong cạnh tranh trong môi trường kinh doanh, thể hiện ở các khía cạnh sau:

Một là, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa có yếu tố nước ngoài là một trong những lĩnh vực có yêu cầu về tiếp cận thị trường vô cùng chặt chẽ. Theo đó, theo cam kết quốc tế của Việt Nam (trừ đối với một số FTA thế hệ mới), việc thành lập, mở rộng các hệ thống các cơ sở bán lẻ phải được kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) với trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Riêng đối với lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới, việc tiếp cận thị trường Việt Nam cũng phải được xem xét các yếu tố tiếp cận thị trường và phải được thẩm định, cho phép của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi hoạt động theo quy định của Nghị định số 09/2018/NĐ-CP nói trên. Như vậy, việc tiếp tục duy trì hiện trạng hiện nay trong quản lý nhà nước đối với các chủ thể hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài là không đảm bảo thị trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình bán lẻ hàng hóa (TMĐT và bán lẻ truyền thống; giữa các chủ thể hoạt động TMĐT trong nước và nước ngoài).

Hai là, với tốc độ tăng trưởng hàng năm thuộc top 3 quốc gia đẫn đầu khu vực Đông Nam Á, TMĐT Việt Nam đang là lĩnh vực thu hút mạnh các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Trong đó, hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài là hoạt động đầu tư vào lĩnh vực phân phối, bán lẻ hàng hóa thông qua các sàn giao dịch TMĐT sẽ dẫn đến sự kiểm soát mạnh mẽ chuỗi cung ứng từ sản xuất đến người tiêu dùng của Việt Nam.

Hiện nay, cả 4 sàn giao dịch TMĐT lớn nhất (Shoppe, Lazada, Tiki và Sendo) đều có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó cá biệt có các nhà đầu tư đến từ chỉ một quốc gia nắm tỷ trọng đáng kể tại 3 sàn, dẫn đến rủi ro, chi phối kinh tế khó lường trước được. 

Hiện Nghị định 52 không có quy định về việc quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch TMĐT Việt Nam, trong khi Điều 9 Luật Đầu tư (sửa đổi) số 61/2020/QH14 vừa được Quốc hội thông qua đã có quy định về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, việc xem xét, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài là có sơ sở pháp lý và thực tiễn.

Từ thực tiễn đó, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 52 theo hướng tạo sự bình đẳng giữa các loại hình thương mại bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến, giữa TMĐT trong nước và TMĐT xuyên biên giới.

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 52 sẽ bổ sung các quy định về quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài. Theo đó, làm rõ chính sách đã được Chính phủ quyết nghị thông qua gồm các nội dung sau:

- Bổ sung các quy định cụ thể về thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động TMĐT tại Việt Nam;

- Bổ sung các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Điều 9 Luật Đầu tư 2020;

- Quy định các trường hợp loại trừ của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tổ chức kinh tế là doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Giới chuyên gia cho rằng thời gian tới, dưới tác động của công nghệ, nền kinh tế chia sẻ, nhiều mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ thông tin trở thành xu hướng, cùng với đó là sự ra đời của nhiều tập đoàn, công ty kinh doanh xuyên quốc gia, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 52 là cần thiết và cấp bách; không chỉ bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia.